CHƯƠNG I : ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN VÀ KINH TẾ-XÃ HỘI
3.1. Hiện trạng sản xuất nông nghiệp khu vực ven biển
Giá trị sản xuất khu vực nông nghiệp của huyện Cần Giờ chiếm tỷ trọng 35,3% (giai đoạn 2006-2010: 32%) trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Dự kiến giá trị sản xuất (giá so sánh 2010) năm 2015 của đạt 2.408 tỷ đồng, nâng tổng giá trị sản xuất cả giai đoạn (2011-2015) đạt 10.006 tỷ đồng, tăng bình quân 11,1%/năm.
Hiện trạng sản xuất nông nghiệp có sự chuyển biến tích cực, nhiều chương trình khuyến nông, hỗ trợ xử lý sâu bệnh trên cây trồng được triển khai rộng rãi và mang lại hiệu quả, giảm đáng kể thiệt hại trong sản xuất. So với giai đoạn 2006-2010 sản xuất nông nghiệp đạt mức tăng trưởng khá cao. Dự kiến giá trị sản xuất năm 2015 đạt 110 tỷ đồng, nâng tổng giá trị sản xuất cả giai đoạn (2011-2015) đạt 372 tỷ đồng, tăng bình quân 25,6%/năm. Cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi (năm 2010 giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm tỷ trọng 47,9%, năm 2015 chiếm tỷ trọng 82,6%) và giảm tỷ trọng ngành trồng trọt (năm 2010 giá trị sản xuất trồng trọt chiếm tỷ trọng 52,1%, năm 2015 chiếm tỷ trọng 17,4%).
3.1.1. Trồng trọt
Giá trị sản xuất ngành trồng trọt tăng không đáng kể (tăng bình quân gần 01%/năm). Huyện đã triển khai thực hiện thành công thí điểm mô hình trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGap (13,8 ha), tạo sản phẩm chất lượng an toàn và ứng dụng kỹ thuật trong xử lý cho xoài ra hoa trái vụ, góp phần tăng năng suất, bình quân đạt 7-8 tấn/ha. Sản xuất lúa mùa tiếp tục được nông dân duy trì khoảng 560 ha (vụ mùa năm 2014), năng suất thu hoạch đạt 03 tấn/ha.
3.1.2. Chăn nuôi
Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng cao (bình quân 40,1%/năm); chăn nuôi phát triển gắn với thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh. Ngoài mô hình nuôi heo lấy thịt để đảm bảo nguồn thực phẩm phục vụ tiêu dùng ở địa phương, mô hình nuôi yến lấy tổ phát triển mạnh từ 32 nhà nuôi năm 2010 đến nay đã phát triển lên 231 nhà nuôi, sản lượng thu hoạch bình quân hàng năm đạt 2,5 tấn/năm, đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành theo định hướng phát triển.
Đối với ngành sản xuất thủy sản, dự kiến giá trị năm 2015 đạt gần 2.298 tỷ đồng, nâng tổng giá trị sản xuất cả giai đoạn (2011-2015) đạt 9.634 tỷ đồng, tăng bình quân 10,6%/năm, tương ứng với sản lượng thủy, hải sản khai thác tăng bình quân 10,4%/năm (bình quân đạt 49.010 tấn/năm).
Nghề nuôi tôm được tạo nhiều điều kiện để phát triển, hàng năm có 6.000 ha đất đưa vào thả nuôi, trong đó khoảng 3.300 ha ao nuôi, sản lượng thu hoạch bình quân 13.093 tấn/năm (tăng bình quân gần 9%/năm). Các mô hình nuôi theo quy trình công nghệ sản xuất mới và các loài vật nuôi có hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện của huyện đã từng bước được đầu tư, mặc dù chưa nhiều nhưng đã tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đóng góp cho sự phát triển của ngành. Ngoài ra, nông dân còn triển khai thử nghiệm nuôi nhiều chủng loài thủy sản khác như: cá mú, cá bốp, ốc hương, cua…bước đầu mang lại hiệu quả tạo thuận lợi cho việc triển khai đầu tư thả nuôi với quy mô lớn trong thời gian tới.
Nghề nuôi nghêu so với giai đoạn trước thiệt hại do nghêu chết giảm nhiều. Diện tích nuôi ổn định khoảng 550 ha/năm, sản lượng thu hoạch bình quân 7.570 tấn/năm. Nuôi hàu tiếp tục phát triển, đến năm 2015 có 180 ha thả nuôi (tăng 152 ha so với năm 2010) và sản lượng thu hoạch ước đạt gần 9.000 tấn. Ngoài ra, các đối tượng nuôi như nghêu giống, nghêu cỡ lớn, ốc hương … đang được nông dân đầu tư nuôi và mang lại hiệu quả cao hơn nuôi nghêu truyền thống.
Nghề khai thác thủy sản còn gặp nhiều khó khăn do trữ lượng thủy sản ngày càng giảm, hầu hết phương tiện đánh bắt có công suất nhỏ, ngư trường hoạt động chủ yếu gần bờ nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Đánh bắt ven bờ tiếp tục được duy trì, hoạt động thường xuyên và có hiệu quả; cung cấp ổn định nguồn thủy sản tiêu thụ hàng ngày và nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến; nhiều phương tiện sau thời gian hoạt động có tích lũy, đã đầu tư nâng cấp, cải tạo phương tiện, máy móc và thay đổi công cụ đánh bắt phù hợp với thời vụ khai thác. Sản lượng hải sản khai thác bình quân hàng năm đạt 25.900 tấn, chiếm 25% tổng giá trị sản xuất toàn ngành thủy sản.
3.1.3. Quản lý hoạt động nuôi trồng
Huyện Cần Giờ đã tổ chức triển khai Thông tư 09/2013/TT- BTNM ngày 28 tháng 5 năm 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý, sử dụng đất bãi bồi, mặt nước ven sông, ven biển; ban hành Quy chế quản lý vùng nuôi tôm thẻ chân trắng tập trung trên địa bàn huyện.
Triển khai thực hiện Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trong 05 năm qua, huyện tập trung triển khai nhiều giải pháp ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất các đối tượng chủ lực như tôm, nghêu; thực hiện công tác khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ về kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, tham quan học tập mô hình nuôi, kết hợp với triển khai nhiều mô hình nuôi thí điểm để khuyến khích nông dân đầu tư đa dạng hóa vật nuôi, ứng dụng các mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản và phòng ngừa dịch bệnh trên thủy sản cho các hộ trên địa bàn huyện; tổ chức hội thảo về tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng ngừa, quy trình nuôi tôm nước lợ an toàn; thực hiện 33 điểm nuôi thí điểm, trình diễn các mô hình sản xuất : nuôi cua bằng giống nhân tạo, tôm sú xen cua, nuôi tôm theo GAP …
Phát huy vai trò của Khu thuần dưỡng giống thủy sản Rạch Lá nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất của nhân dân (đến nay, toàn huyện có 19 trại hoạt động sản xuất, thuần dưỡng giống thủy sản có công suất cung ứng 500 triệu con giống/năm).
Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được thực hiện thường xuyên, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, kiên quyết xử lý các vụ vi phạm khai thác mang tính lạm sát. Chú trọng công tác phòng trừ dịch bệnh, kiểm tra chặt chẽ nguồn giống thủy sản, giải quyết tốt việc ô nhiễm nguồn nước tại các khu vực sản xuất.
Đề xuất quy hoạch vùng nuôi chim yến trên địa bàn huyện và triển khai Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về quản lý đối với nghề nuôi chim yến.
Về trồng trọt, triển khai ứng dụng quy trình kỹ thuật trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGap và tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình phòng trừ sâu đục thân trên xoài nhằm giúp nông dân nâng cao kiến thức về quy trình trồng và chăm sóc cây ăn trái, từng bước nâng cao hiệu quả vườn cây ăn trái, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và dịch hại trên cây trồng được tăng cường và thực hiện đồng bộ, hoạt động giết mổ gia súc được kiểm soát chặt chẽ.
Thực hiện tốt Chương trình hỗ trợ lãi vay của thành phố. Ngân sách đã hỗ trợ lãi suất vay khoảng 80 tỷ đồng cho hơn 1.500 lượt hộ dân để đầu tư phát triển sản xuất. Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, huyện đã tổ chức tổng hợp đăng ký nhu cầu đóng mới tàu đánh bắt thủy sản trên địa bàn, theo đó đến nay có 6 chủ phương tiện khai thác xa bờ có nhu cầu vay vốn 22,8 tỷ đồng (3,8 tỷ đồng/phương tiện) để đóng mới tàu vỏ gỗ (công suất 500 CV) và nhu cầu kinh phí hỗ trợ bảo hiểm tai nạn thuyền viên và bảo hiểm thân tàu cho 42 phương tiện khai thác xa bờ/276 thuyền viên với số tiền 293,2 triệu đồng.