Tình hình nền kinh tế: Một nền kinh tế tăng trưởng hay suy thoái được thể
hiện thông qua các chỉ tiêu: tốc độ tăng trưởng, GDP, thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp. Ngành ngân hàng là một bộ phận nằm trong nền kinh tế quốc dân, hơn nữa nó lại kinh doanh trong một lĩnh vực hết sức nhạy cảm là tiền tệ, do vậy các hoạt động của ngân hàng chịu ảnh hưởng lớn từ những biến động trong nền kinh tế. Nền kinh tế càng phát triển thì thu
nhập bình quân trên đầu người cao, làm tăng tiết kiệm dân cư, tạo ra sự an tâm của công chúng sẽ kích thích người dân gửi tiền vào ngân hàng. Mặt khác, nền kinh tế tăng trưởng cũng thúc đẩy các doanh nghịêp mở rộng sản xuất, tăng đầu tư kéo theo nhu cầu vay vốn tăng theo, từ đó thúc đẩy ngân hàng tăng cường huy động vốn. Tuy nhiên, khi nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái, thu nhập giảm, thất nghiệp tăng cao thì đồng nội tệ mất giá nhanh, người dân không có thu nhập hoặc không muốn gửi tiền vào ngân hàng, các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất nên nhu cầu về tiền gửi và tín dụng cũng giảm theo.
Tình hình chính trị-xã hội: Một đất nước có tình hình chính trị ổn định, an
ninh trật tự đảm bảo sẽ là môi trường thuận lợi để các hoạt động kinh tế được diễn ra suôn sẻ, người dân sẽ cảm thấy tin cậy khi gửi tiền vào ngân hàng. Đó cũng là cơ hội tốt để các ngân hàng trong nước có thể sử dụng các hình thức huy động như phát hành trái phiếu ra thị trường nước ngoài, hay thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khi họ thấy rằng họ đang đầu tư trong một môi trường an toàn, rủi ro thấp, và khả năng thu hồi vốn cao.
Chính sách của Nhà nước: ngân hàng là một tổ chức kinh doanh đặc
biệt chịu tác động trực tiếp bởi các chính sách, các quy định của chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Bất kỳ một sự điều chỉnh nảo của Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước về tài chính, tiền tệ, tín dụng, lãi suất đều ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn và sử dụng vốn của ngân hàng. Những chính sách được thực thi sẽ đem đến cho ngân hàng những cơ hội hoặc thách thức mới. Mỗi chính sách của Nhà nước nhằm ưu tiên hay hạn chế sự phát triển của một ngành hay một lĩnh vực nào đó để đảm bảo sự cân đối trong nền kinh tế cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng, tác động trực tiếp đến khả năng thu hút vốn từ nền kinh tế. Các bộ luật trực tiếp tác động, điều chỉnh hoạt động kinh doanh của NH: Luật các tổ chức tín dụng, Luật NHNN, các văn
bản trong hệ thống NH…Bên cạnh đó các chính sách tài chính như tiền tệ, lãi suất… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thu hút vốn, sử dụng vốn của ngân hàng như: tỷ lệ huy động vốn trên vốn tự có, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, mức cho vay đối với một khách hàng… Đối với ngân hàng điều quan trọng là phải nắm bắt nhanh nhạy về các quy định của pháp luật để có những điều chỉnh kịp thời và phù hợp. Bên cạnh đó, một môi trường quản lý đồng bộ, hoàn thiện sẽ giúp cho hệ thống ngân hàng hoạt động tự chủ, lành mạnh, an toàn.
Đối thủ cạnh tranh của ngân hàng: Cùng với xu thế toàn cầu hoá, các
NHTM không những phải cạnh tranh với các ngân hàng trong nước mà các ngân hàng nước ngoài với tiềm lực về tài chính, công nghệ, trình độ quản lý đang là những đối thủ lớn của các NH trong nước. Cạnh tranh vừa là thách thức tất yếu của sự phát triển vừa là nhân tố thúc đẩy sự phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của NH, trong đó có hoạt động huy động vốn. Với hoạt động huy động vốn, cạnh tranh không chỉ là cứ tăng lãi suất huy động là tăng được lượng khách hàng và quy mô vì điều đó chưa đủ thoả mãn nhu cầu của khách hàng mà còn làm tăng chi phí huy động. Để cạnh tranh với các ngân hàng khác, ngân hàng phải nghiên cứu kỹ đối thủ, khách hàng, xác định thị trường mục tiêu, đưa ra chính sách sản phẩm, khách hàng, phân phối phù hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng. Tuy nhiên, trong môi trường vừa cạnh tranh vừa hợp tác thì các ngân hàng cần kết hợp với nhau trong việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ, nhằm khai thác ưu thế sẵn có của nhau và giảm chi phí.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản cũng là những đối thủ cạnh tranh đối với hoạt động của ngân hàng nói chung và huy động vốn nói riêng. Sự phát triển của những thị trường này đã giúp người dân ngày càng có nhiều cơ hội để lựa chọn các hình thức đầu tư vào bất động sản hay vào chứng khoán…thậm chí, những thị trường này còn mở ra cho họ
những cơ hội có được thu nhập cao hơn là đầu tư vào ngân hàng. Vì vậy, cạnh tranh vừa là thách thức vừa là cơ hội thúc đẩy sự phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của ngân hàng.
Tâm lý, thói quen cuả người tiêu dùng: Tập quán tiêu dùng cũng ảnh
hưởng tới nghiệp vụ tạo vốn của ngân hàng. Nếu những vùng dân cư người ta quen sử dụng số tiền nhàn rỗi dưới hình thức cất trữ là chính thì việc huy động vốn sẽ gặp khó khăn. Chẳng hạn vào thời kì vàng còn có giá trị thì người ta dùng tiền nhàn rỗi đi mua vàng về cất trữ…Còn khi người dân có nhu cầu hưởng lãi hoặc bảo quản tài sản thì họ sẽ gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn. Khi đó cơ hội huy động vốn của ngân hàng tăng lên.
Ở những nước phát triển, nhu cầu giao dịch thanh toán qua ngân hàng rất phát triển. Hầu hết những người dân có thu nhập đều mở tài khoản để thanh toán qua ngân hàng. Tuy nhiên ở những nước kém phát triển, thu nhập của người dân thấp, nhu cầu giao dịch qua ngân hàng còn hạn chế nên ít người mở tài khoản tại ngân hàng. Điều này sẽ hạn chế khả năng tạo tiền của ngân hàng thương mại, không phát huy được tính hiệu quả của tài khoản giao dịch.
Mức thu nhập và chu kì chi tiêu của người dân cũng là những yếu tố trực tiếp tác động đến lượng tiền gửi vào ngân hàng. Nhìn chung thu nhập của người dân càng cao; nhu cầu đầu tư và giao dịch của họ tăng lên tương đối so với nhu cầu tiêu dùng thì nhu cầu mở tài khoản cũng như gửi tiền vào ngân hàng sẽ tăng lên. Chu kì chi tiêu ảnh hưởng tới quy mô và tính ổn định của nguồn tiền. Vào những dịp nghỉ lễ trong năm, nguồn tiền tiết kiệm cũng như tiền gửi của doanh nghiệp có xu hướng giảm sút, đặc biệt là trong điều kiện thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến.
Có thể nói đây không phải yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới hiệu quả huy động vốn của ngân hàng những lại có giá trị ở chỗ nó khiến cho gần hết tiền nhàn rỗi trong dân cư được luân chuyển vào ngân hàng
Chương II: Thực trạng hoạt động huy động vốn của NHTM cổ phần An Bình