Tại xã can thiệp và xã chứng, các hoạt động thông thường của chương trình dinh dưỡng quốc gia (Dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em) vẫn được diễn ra bình thường cũng như các bà mẹ vẫn được tiếp cận với các kênh thông tin dinh dưỡng chính thống và không chính thống ngoài can thiệp của nghiên cứu. Tuy nhiên, rõ ràng các bà mẹ ở xã can thiệp được tiếp cận với thông tin nuôi dưỡng trẻ nhỏ cao hơn nhiều so với xã chứng (93.4% so với 37.1%) và qua các kênh chính thống do nghiên cứu xây dựng là cán bộ y tế, cộng tác viên dinh dưỡng và cán bộ phụ nữ, bên cạnh đó là qua hệ thống loa đài phát thanh ở xã.
Các nội dung truyền thông được các bà mẹ nhớ cũng khá thống nhất với mức độ cải thiện của các thực hành (cao hơn trung bình là các nội dung về NCBSMHT trong 6 tháng đầu, cách chuẩn bị bữa ABS, số lượng số bữa, đa dạng hóa bữa ăn), những nội dung về cho bú sớm và cho bú kéo dài được ít bà mẹ nhớ đến hơn và do đó cải thiện về những thực hành này kém hơn.
Tỷ lệ các bà mẹ ở xã can thiệp được tham gia các hoạt động truyền thông tại cộng đồng khá cao (84.2%) và có những hình thức mà xã chứng không có như thăm
hộ gia đình, câu lạc bộ hoặc ít hơn như tư vấn tại trạm y tế hoặc phát thanh xã. Các bà mẹ vẫn thích nhất hình thức tư vấn trực tiếp vì hình thức này giải quyết được đúng vấn đề của bà mẹ quan tâm và có hiệu quả nhất. Tuy nhiên, đứng về góc độ truyền thông thay đổi hành vi, cần có sự phối hợp của truyền thông trực tiếp và gián tiếp trong đó truyền thông gián tiếp (sự kiện, phát thanh, câu lạc bộ) cần được đưa ra trước để tạo nên sự quan tâm của đối tượng cho hành vi mới, từ đó mới dẫn đến đối tượng tìm kiếm sự hỗ trợ (đến trạm y tế xin tư vấn) hoặc mang đến sự hỗ trợ cho đối tượng (thăm hộ gia đình) để giúp đối tượng thử và thực hiện hành vi mới.
VI KẾT LUẬN