Trong thực tế khi kích thích cá sinh sản có rất nhiều tác giả làm theo nhiều phương pháp với các loại kích dục tố và liều lượng khác nhau. Việc tiêm kích dục tố đều dựa vào những điều kiện cụ thể như: chất lượng hoạt tính của từng loại kích dục tố, tình trạng thành thục của cá bố mẹ, nhiệt độ nước, các điều kiện khác của môi trường, trình độ của kĩ thuật viên… (Nguyễn Tường Anh, 1999) [1].
Việc sử dụng loại kích dục tố có vai trò quan trọng trong sinh sản nhân tạo cá. Đối với cá tra, người ta thường dùng não thùy thể và HCG cho liều sơ bộ, không dùng LH-RHa. Sự rụng trứng ở cá tra và basa chủ yếu được kích thích bởi HCG hoặc phối hợp HCG và não thùy (Phạm Văn Khánh, 1996) [12]. Đối với cá chép có thể kích thích sự rụng trứng với các loại kích dục tố: não thùy 4 -6 mg/kg cá cái hoặc 20 – 25 µg LH-RHa + 10mg DOM/kg cá cái (Nguyễn Văn Kiểm, 2004 trích qua Nguyễn Huấn, 2007 [10]) hoặc hỗn hợp 10mg motilium + 4mg 17,20P (Nguyễn Thị Yến Linh, 2005 [15]). Đối với cá trắm cỏ có thể kích thích bằng 17,20P - 4mg/kg, P – 20mg/kg, DOCA – 10mg/kg; cá trôi Ấn Độ: 17,20P – 3mg/kg, P –
15mg/kg, DOCA – 10mg/kg (Lê Văn Dân, 2010 [4]). Riêng cá rô đồng, cá mè vinh, mè hoa, cá he…, các nhà sản xuất chỉ dùng phép tiêm 1 lần với các loại kích dục tố (não thùy hoặc LH-RHa kết hợp với DOM). Cá trê và cá sặc rằn cũng rụng trứng khi kích thích bằng 1 liều tiêm HCG hoặc LH-RHa kết hợp với DOM [10].
Song song với việc xác định loại kích dục tố phù hợp thì liều lượng kích dục tố cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Kết quả kích thích sinh sản nhân tạo cá trê trắng đã ghi nhận: đối với HCG ở liều 1500 UI/kg không gây rụng trứng cá cái, trong khi đó ở liều 2000 UI/kg và 2500 UI/kg cho kết quả rụng trứng tương đương nhau. Tuy nhiên, không phải lúc nào sử dụng liều cao cũng mang lại kết quả tốt cho sự rụng trứng của cá. Theo Nguyễn Tường Anh (1999) [1], Ngày nay người ta tránh dùng não thùy ở liều quá cao, đặc biệt là liều tiêm khởi động. Ở một chừng mực nhất định, việc tăng liều khi tiêm quyết định có vai trò rút ngắn thời gian hiệu ứng. Nhưng liều lượng quá cao đưa vào cơ thể cá một lượng lớn hormone tuyến yên, có thể dẫn đến rối loạn tình trạng sinh lý bình thường, gây chết hoặc giảm chất lượng của trứng.
Ngoài ra, số lần tiêm cũng có vai trò trong việc kích thích rụng trứng ở cá. Một số loài cá như cá tra hoặc basa cần 2 – 4 liều dẫn. Đối với cá chép trứng đều có thể rụng bằng phương pháp tiêm 1 hoặc 2 lần. Các loài cá như rô đồng, mè vinh, mè hoa, cá he, cá trê, sặc rằn thường chỉ dùng phép tiêm 1 lần. Điều này có thể làm giảm bớt khối lượng lao động và tỉ lệ thương vong của cá bố mẹ (Chung Lân, 1969 [14]). Trong trường hợp những loài cá cần từ 2 lần tiêm trở lên, nhất là trong thời kì đầu vụ mùa sinh sản không phải tất cả các noãn bào đều thành thục hoàn toàn [25], liều dẫn có vai trò đặc biệt quan trọng cho việc di chuyển chuyển của túi mầm ra biên, tức chuyển sang tình trạng thành thục hoàn toàn (Nguyễn Tường Anh, 1999 [1]). Liều dẫn thường chiếm từ 10 – 15% tổng liều (Chung Lân, 1969 [14]).
Tóm lại, sử dụng kích dục tố đúng loại, đúng liều lượng và đúng với thứ tự tác dụng của kích dục tố có vai trò rất quan trọng và quyết định sự thành công trong việc kích thích sinh sản nhân tạo cá.