Melamine là gì?
Về cơ bản Melamine là một bazơ hữu cơ, có công thức hoá học là C3H6N6, danh pháp theo IUPAC là 1,3,5- triazine-2,4,6-triamine.
Đây là một loại hoá chất hữu cơ, thường ở dạng tinh thể màu trắng, rất giàu nitơ. Giống như cyanamide nó có đến 66% khối lượng Nitơ trong phân tử.
Nitơ được dùng như tiêu chuẩn để xác định lượng đạm có trong thực phẩm. Bởi vì đặc tính phân tử của Melamine
có chứa nhiều Nitơ nên dễ được sử dụng làm tăng độ đạm "ảo" cho thực phẩm.
Melamine thường được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất đồ nhựa, đồ dùng gia đình, bảng trắng, phân bón…
Tại sao melamine lại được cho vào sữa tươi và sữa bột trẻ em?
Vì lợi nhuận, người ta thường thêm nước vào sữa tươi. Đồng thời, họ cũng cho thêm melamine để làm cho nồng độ đạm (nitơ) của sữa đạt tiêu chuẩn thu mua của công ty sản xuất sữa. Xét nghiệm không phân biệt được đâu là đạm tự nhiên trong sữa và đâu là nitrogen của melamine.
Melamine là chất đã được tổ chức Lương nông Thế giới và tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo không được đưa vào thực phẩm.
Sữa bột trẻ em Tam Lộc (Sanlu) có chất melamine
Kiểm tra các sản phẩm sữa Tam Lộc bị thu hồi
Triệu chứng của nhiễm độc melamine?
Bị kích thích ở da, mắt, hô hấp, tiểu ra máu, tiểu ít, tiểu khó hoặc không tiểu được, có dấu hiệu nhiễm trùng tiểu (sốt, đau lưng, tiểu gắt, tiểu giắt), huyết áp tăng là các dấu hiệu cần cảnh giác sau khi sử dụng sản phẩm.
Chưa có nghiên cứu nào về tác động của melamine đối với sức khỏe. Thế nhưng, tình trạng của trẻ em Trung Quốc dùng sữa nhiếm melamine đã cho thấy tác động của hóa chất này lên con người gần giống với kết quả thử nghiệm trên súc vật.
Đặc biệt, sự kết hợp của melamine với cyanuric acid (cũng có trong sữa bột) sẽ tạo thành muối tinh thể đóng trong các ống thận nhỏ gây bít tắc, sỏi thận, ảnh hưởng đến sự tạo tạo nước tiểu, sỏi bàng quang, sỏi thận và gây suy thận, tử vong. Một số nghiên cứu cho thấy melamine có khả năng gây ung thư bàng quang.
Melamine thường gây ngộ độc mãn tính do khó tan trong nước và cần thời gian dài để thải trừ. Tổn thương hệ sinh sản, sỏi bàng quang, sỏi thận và ung thư bàng quan là những hậu quả của việc sử dụng melamine trong thời gian dài.
Cách xử trí?
Hãy ngưng sử dụng sản phẩm sữa bị nghi ngờ chứa melamine ngay và đưa trẻ đến bệnh viện nhi để kiểm tra.
Nếu chưa có triệu chứng tắc đường tiểu, bạn cần nhắc trẻ uống nhiều nước lọc, uống nhiều lần trong ngày, không nhịn tiểu và đi tiểu ngay khi có nhu cầu.
Cấm tuyệt đối các sản phẩm thực phẩm có chứa chất melamine để sử dụng cho người. Bộ y tế Việt Nam đề nghị tiêu hủy toàn bộ sữa nhiễm melamine.