Mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ về số lượng học sinh tốt nghiệp tham gia vào hoạt động kinh tế từ các trường nghề của Nam Kỳ thời kì 1861 – 1945 nhưng qua số lượng học sinh theo học ở từng trường qua một số năm cụ thể (được đề cập ở chương 2) cho phép đi đến những suy nghĩ:
Giáo dục chuyên nghiệp Nam Kỳ thời thuộc Pháp đã cung cấp một lực lượng lao động có chuyên môn cho nền kinh tế Nam Kỳ thời kỳ này.
Do nhu cầu gia tăng lên của hoạt động xuất khẩu những mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam; sự thiếu hụt những mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài vào; nhu cầu của thị trường trong nước tăng lên… đã khiến cho việc sản xuất các sản phẩm thủ công, đặc biệt là những mặt hàng có giá trị ngày càng được đẩy mạnh. Kéo theo yêu cầu về một đội ngũ thợ thủ công chyên nghiệp được đào tạo bài bản để phục vụ sản xuất được đặt ra.
Năm 1905, Trường Dạy nghề Thủ Dầu Một tuyển được 50 học sinh
[10]. Đến năm 1908 và đầu năm 1909, số học sinh theo học tại trường là 110
người [9]. Năm 1913, con số này là 90 học sinh. Đặc biệt trong Báo cáo về hoạt động của các trường dạy nghề ở Nam Kỳ năm 1913 của thanh tra các trường nghệ thuật gửi thống đốc Nam Kỳ đã thống kê: “Trên 40 học sinh ra trường kể từ 5 năm nay (1908 - 1912) của trường dạy nghề Thủ Dầu Một, chỉ có 2 người không được sử dụng các kiến thức được học. Những học sinh
còn lại hoặc tự lập các xưởng của cá nhân họ hoặc làm thuê cho các ông chủ” [16].
Số lượng học sinh theo học tại Trường Dạy nghề Biên Hòa từ năm 1903 đến năm 1944 (không bao gồm học sinh tự do) theo thống kê là 652 người. Nếu so với nền giáo dục hiện đại thì qua 41 năm tuyển sinh, con số này thật khiêm tốn nhưng đặt nó trong hoàn cảnh của nền giáo dục thực dân nô dịch thì không phải là ít.
Cuối năm 1912, số học sinh theo học tại Trường Dạy nghề Sài Gòn là 60 người, trong đó có 14 học sinh đang tốt nghiệp.
Cũng trong năm này theo tính toán tỉnh Sa Đéc có 188 thợ kim hoàn, trong đó có 36 người tốt nghiệp từ Trường Dạy nghề Sa Đéc.
Trường Vẽ Gia Định khai giảng ngày 14.10.1913 với 15 học sinh Trong khi đó cho đến năm 1912, Trường Cơ khí Á châu đã cung cấp trung bình 15 học sinh mỗi năm ngành hàng hải của thuộc địa. Năm 1917, 17 trong số các học sinh tốt nghiệp của trường này đã tham gia phục vụ lực lượng hải quân Pháp.
Từ năm 1929 đến năm 1945, theo thống kê chưa chính xác, Trường Dạy
nghề Bến Tre tuyển được 64 học sinh.
Theo một tài liệu thống kê khác, số học sinh ở một số trường dạy nghề Nam Kỳ trong những năm 1917 – 1923 như sau:
Bảng 10. Số lượng học sinh của một số trường nghề ở Nam Kỳ (1917 - 1923). (Người)
Tên trường Số học sinh
1917 - 1918 1922 - 1923
Trường Vẽ và In Gia Định 20 28
Trường Dạy nghề Thủ Dầu Một 85 48
Trường Dạy nghề Biên Hòa 39 35
Trường Thợ máy Á châu 74 84
[26; 29] Dù chưa phải là nhiều và thật sự chính xác nhưng qua những con số trên cũng ít nhiều chứng tỏ, các trường dạy nghề ở Nam Kỳ đã góp phần cung cấp các thợ lành nghề, những công nhân có trình độ kỹ thuật tham gia vào hoạt động thủ công nghiệp, công nghiệp của Nam Kỳ lúc bấy giờ.
Không chỉ cung cấp nhân lực cho riêng Nam Kỳ, giáo dục chuyên nghiệp Nam Kỳ thời kỳ này còn làm nhiệm vụ đào tạo và cung cấp nhân lực cho cả vùng Nam Đông Dương, thậm chí trong những thời điểm nhất định còn cho cả chính quốc.
Trường Biên Hòa đã cung cấp các phụ tá cho trường dạy nghề ở Pnompenh, trường dạy nghề ở Lào và các thợ đúc kim loại và gốm.
Trường Cơ khí Á châu chẳng những đào tạo thuyền trưởng và thợ máy cho ngành vận tải đường thủy của Pháp ở Nam Kỳ mà còn đào tạo cho Cămpuchia.
Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, các công nhân Nam kỳ được mộ sang Pháp, phần nhiều là những công nhân có trình độ kỹ thuật, tốt nghiệp từ Trường Dạy nghề Sài Gòn hay Trường Cơ khí Á châu , làm việc tại các sân bay, các xưởng đóng tàu, các nhà máy ô tô ở Pháp… Năm 1915, Trường Cơ
khí Á châu cung cấp cho Pháp 9 thợ có tay nghề. Năm 1916, tuyển 16 thợ cho ngành pháo binh Pháp trong các xưởng ở chính quốc [24; 49].
Sự ra đời của các trường nghề ở Nam Kỳ thời kì 1861 - 1945 với những hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đã đem lại nguồn lợi cho các nhà tư bản và đóng góp cho Ngân sách thuộc địa một số thuế nhất định, tuy không lớn so với các lĩnh vực khác nhưng nó cũng góp phần làm giàu hơn cho ngân sách thuộc địa.
Năm 1907, Trường Dạy nghề Biên Hòa đã góp vào ngân sách tỉnh 1.200$ tiền thuế từ việc bán các sản phẩm do trường sản xuất.
Theo Báo cáo về hoạt động của các trường dạy nghề Nam Kỳ năm 1913 thì Trường Dạy nghề Biên Hòa thu được 2.600$ từ bán sản phẩm:
“Các học sinh của lớp hoàn thiện thực hiện các đơn đặt hàng được làm tại trường kể từ khi triển lãm các tác phẩm nghệ thuật ở Sài gòn vừa qua và hiện nay, các sản phẩm do các học sinh làm ra đạt được số tiền là 2.600$. Nguyên liệu, nhiên liệu và các dụng cụ do tỉnh cung cấp với điều kiện một khoản hoàn lại được ấn định sau giá bán của mỗi sản phẩm” [16].
Trong khi đó, cùng năm 1912, Trường Dạy nghề Thủ Dầu Một đã đóng 2.400$, gấp 2 lần so với Trường Dạy nghề Biên Hòa [10]. Năm 1909, Trường Dạy nghề Thủ Dầu Một mang lại cho ngân sách 1.946.10$ tiền thuế.
Cũng từ các hoạt động sản xuất của của các trường dạy nghề đã ít nhiều góp phần làm cho giao thương của xứ thuộc địa này diễn ra tấp nập hơn, nối thị trường thủ công mỹ nghệ của vùng với thị trường trong nước và thế giới thông qua các hội chợ, triễn lãm diễn ra trong nước hay ở Pháp.
Đồng thời các hoạt động sản xuất ấy cũng góp phần làm biến đổi hoạt động kinh tế thủ công nghiệp cổ truyền của người dân bản xứ. Nền thủ công nghiệp truyền thống ở những khía cạnh nhất định được ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến của phương Tây mà Pháp là đại diện; Tuy nhiên sự cạnh tranh
của các sản phẩm thủ công nghiệp hiện đại do các trường này sản xuất đã bóp nghẹt sự phát triển bình thường của nghề thủ công cổ truyền.
Mặc dù đóng góp đối với nền kinh tế là chưa nhiều và còn chứa đựng ảnh hưởng tiêu cực nhưng rõ ràng sự hiện diện của các trường dạy nghề ở Nam Kỳ thời kì 1861 – 1945 đã ít nhiều góp phần đem lại cho Nam Kỳ một địa vị kinh tế mới hoàn toàn khác so với trước năm 1861 thông qua nguồn nhân lực được đào tạo chính quy, tập trung, tạo tiền đề để kinh tế Nam Kỳ tiếp tục vươn lên trong những giai đoạn lịch sử tiếp theo.