II. Giải pháp hoàn thiện cân đối ngân sách nhà nước
4. Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đa dạng hóa thị trường, tận dụng, phát huy lợi thế do quá trình hội nhập đem lại, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng; thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc.
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, khuyến khích nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh xây dựng mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ gia đình với doanh nghiệp, với thị trường để đưa nông nghiệp lên sản xuất quy mô lớn, giá trị tăng cao.
Thực hiện tái cơ cấu công nghiệp, tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng và tỷ trọng giá trị nội địa cao, thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm gia công, lắp ráp.
Triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch quốc gia. Phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao như du lịch, viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng,... Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị để nâng cao vị thế và uy tín của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu đối với những mặt hàng không thiết yếu. Chủ động áp dụng các biện pháp bảo hộ thị trường, bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước trong những trường hợp cần thiết, phù hợp cam kết quốc tế. Mở rộng thị trường, khai thác tốt những thị trường hiện có và thúc đẩy những thị trường tiềm năng để xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng và giá trị kim ngạch cao. Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu. Tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi, giảm thiểu các tác động bất lợi do các cam kết quốc tế, hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết mang lại. Chủ động, tích cực tham gia đàm phán, sớm ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các thỏa thuận thương mại khác, chủ động rà soát, điều chỉnh kịp thời các chính sách, giải pháp để chủ động hội nhập có hiệu quả khi đàm phán xong các FTA và Hiệp định hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo Nghị quyết số 19/NQ- CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bình đẳng. Hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, dịch vụ thông qua phát triển các công cụ hỗ trợ như vườn ươm doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp,...Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật
Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội theo hướng tạo thuận lợi ở mức cao nhất, kịp thời giải đáp các vướng mắc, kiến nghị, giảm thiểu tối đa thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung, triển khai thực hiện có hiệu quả và thực chất các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển SX-KD, nhất là ưu đãi về đất đai, tiếp cận vốn, tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu, thuế, hải quan.
Tăng cường huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển nền kinh tế. Hoàn thiện cơ sở pháp lý để thu hút các nguồn vốn đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn.