Giải pháp đề xuất đối với các bậc phụ huynh

Một phần của tài liệu HSNCKHKT: Học sinh với truyện ngôn tình Trung Quốc (Trang 43 - 58)

V. Giải pháp hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của truyện ngôn tình

2. Nhóm các giải pháp đề xuất

2.4. Giải pháp đề xuất đối với các bậc phụ huynh

Thấu hiểu – Sẻ chia – Định hướng

Gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu những tác hại không đáng có của truyện ngôn tình, bởi lẽ đây là môi trường thân thuộc, nơi các học sinh sinh hoạt và học tập hàng ngày, cha mẹ dễ tiếp cận, sẻ chia và tác động lên suy nghĩ của con em.

Các bậc phụ huynh không được lơ là với việc đọc sách của con em mình nói chung hay dễ dãi không quản lí nội dung sách con em tìm đọc. Thay vào đó, cha mẹ, gia đình cần tìm hiểu rõ về những xu hướng văn học đang thu hút giới trẻ, cụ thể là truyện ngôn tình. Phối hợp với nhà trường, ban phụ huynh học sinh có thể tổ chức các buổi trò chuyện giữa các cha mẹ với nhau, có sự tham gia của các thầy cô

hay các chuyên gia văn học, chuyên gia tâm lí học để giúp cha mẹ có cái nhìn thấu đáo, khách quan, toàn diện về truyện ngôn tình, đồng thời xác định đường hướng trong việc chỉ dẫn cho con em.

Sau khi đã nắm bắt được về hiện tượng học sinh trung học đọc ngôn tình Trung Quốc (nội dung truyện ngôn tình, hiện trạng, nguyên nhân ngôn tình thu hút giới trẻ…), các bậc phụ huynh cần xác định những cách tiếp cận phù hợp để có thể cùng sẻ chia với con em mình. Tuy nhiên cần chú ý: Thay vì cấm, dễ làm con em khẩu phục mà tâm không phục, tiếp tục lén lút đọc ngôn tình, phụ huynh cần nhìn nhận vấn đề trên cả hai phương diện tích cực lẫn tiêu cực, từ đó trò chuyện, khuyên nhủ, phân tích để các bạn học sinh có thể hiểu, tự nguyện hình thành nên cái nhìn sáng suốt với thể loại này. Ví dụ, các buổi tọa đàm, giao lưu với sự tham gia của cả học sinh và các bậc phụ huynh có thể được tổ chức để các bạn trẻ và cha mẹ hiểu và chia sẻ với nhau nhiều hơn xoay trào lưu học sinh trung học đọc truyện ngôn tình Trung Quốc.

2.5. Giải pháp đề xuất đối với nhà trường

Nhà trường mang một trách nhiệm lớn để giáo dục các bạn trẻ một cách toàn diện nên cần tích cực vào cuộc trong việc phát huy những yếu tố tích cực và giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của việc đọc truyện ngôn tình Trung Quốc.

Thứ nhất, nhà trường nên đưa vấn đề này vào nội dung các giờ học liên môn, các giờ học phát triển kĩ năng sống hay sinh hoạt ngoại khoá. Thông qua các hoạt động này, các giáo viên tăng cường trò chuyện với học sinh, tìm ra lý do, mục đích tìm đọc truyện ngôn tình của học sinh trung học, từ đó có lời khuyên chính xác, cụ thể và đúng đắn nhất với từng học sinh về việc đọc truyện ngôn tình sao cho hợp lí và hiệu quả nhất, vừa đáp ứng được những nhu cầu giải trí và mở mang trình độ văn hóa của bản thân, vừa tránh xa được những ảnh hưởng tiêu cực mà giới trẻ rất dễ bị ảnh hưởng khi đọc thể loại truyện này.

Thứ hai, nhà trường nên tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm, mời một số nhà nghiên cứu và phê bình văn học, nhà tâm lí học nhằm trang bị cho học sinh đầy đủ kiến thức về truyện ngôn tình cũng như tìm hiểu tâm lí yêu thích truyện ngôn tình của giới trẻ, ví dụ có thể kể tới chương trình tọa đàm tâm lí “HỌC SINH TRUNG HỌC VỚI TRUYỆN NGÔN TÌNH TRUNG QUỐC” như sẽ được trình bày cụ thể trong phần nhóm chương trình hành động thực tiễn của đề tài, từ đó giúp học sinh có cái nhìn trí tuệ và tỉnh táo với ngôn tình Trung Quốc trước khi lựa chọn chúng làm phong phú thêm giá sách của bản thân.

Bên cạnh đó, trường học cần xây dựng các chính sách khuyến khích học sinh tìm đọc những loại sách hay và có giá trị thẩm mĩ cao. Nhóm tác giả xin được đề xuất một số giải pháp khả thi như sau:

Thực hiện tặng sách cho học sinh giỏi thay vì chỉ tặng tiền mặt, vở ghi hay đồ dùng học tập.

Chính sách này không những sẽ giúp bồi dưỡng tri thức cho lớp hạt giống triển vọng nhất mà đồng thời cũng sẽ khuyến khích tất cả học sinh trong nhà trường chú ý đến tầm quan trọng của việc đọc những cuốn sách tốt, từ đó dần xây dựng nên văn hoá đọc lành mạnh trong học đường.

Phát triển và tận dụng tối đa vai trò của thư viện nhà trường.

Ở thời điểm hiện tại, thư viện của rất nhiều trường học chỉ là “để cho có”, hoặc thực sự không hoạt động (chỉ bày ra một vài quyển sách nghèo nàn, đóng bụi, quanh năm không có học sinh đến tìm đọc, bị tận dụng vào những mục đích khác như phòng nghỉ giáo viên, phòng uống nước…) hoặc có hoạt động nhưng hời hợt (chỉ bày ra sách, báo cũ, nhạt nhoà về mặt nội dung, những cuốn sách hay, giá trị thì bị trưng bày quanh năm trong tủ kính, học sinh không được phép mượn đọc vì “sợ hỏng”…). Hiện trạng này cần được khắc phục ngay, thư viện nhà trường phải phát huy toàn bộ tiềm năng của nó trong thực hiện mục tiêu giúp học sinh tiếp cận đúng đắn với truyện ngôn tình nói riêng và khuyến khích phát triển văn hoá đọc sách của học sinh nói chung. Các trường học nên có quỹ để thư viện đầu tư vào những quyển sách tốt, đồng thời có những hoạt động khuyến khích học sinh mượn sách, ví dụ như: thông báo về các lớp mỗi khi có sách mới, thiết kế chương trình giới thiệu sách trên loa phát thanh, tổ chức các cuộc thi nêu cảm nghĩ sau khi đọc sách, có chính sách ưu đãi với những học sinh chăm tìm đọc sách tại thư viện… Đây sẽ là những phương pháp hiệu quả, đảm bảo nhà trường thực hiện được vai trò của mình trong việc uốn nắn văn hoá đọc sách của học sinh đi đúng đường.

Tổ chức các câu lạc bộ sách

Việc nhà trường mở và đi vào hoạt động các câu lạc bộ sách – nơi các bạn học sinh có thể tham gia để tự do bàn luận, trao đổi những cuốn sách hay cũng như kinh nghiệm đọc sách, trao đổi về các thể loại truyện ngôn tình và cách đọc truyện ngôn tình Trung Quốc sao cho đúng đắn, hạn chế được những tác động xấu cũng là một việc làm rất cần thiết, gần gũi và có tiềm năng đạt hiệu quả tích cực trong việc thay đổi cách nhìn nhận của học sinh trung học về truyện ngôn tình, đồng thời định hướng trong việc đọc phong phú nhiều thể loại văn học có giá trị.

Tổ chức các hội chợ sách định kì.

Nhà trường nên liên lạc với nhiều nhà xuất bản, trong đó bao gồm cả những đơn vị có uy tín cũng như những công ti mới, để đảm bảo nguồn sách trong hội chợ được phong phú nhưng cũng đảm bảo về mặt chất lượng. Ngay từ khâu chuẩn bị, nhà trường cần yêu cầu các nhà xuất bản đưa ra các đầu sách sẽ xuất hiện tại quầy hàng của họ, từ đó nắm bắt và kiểm soát được nội dung sách. Truyện ngôn tình chắc chắn cũng sẽ xuất hiện trong chương trình. Tuy nhiên, ở điểm này, nhà trường không nên cấm hoàn toàn (ngoại trừ với những cuốn ngôn tình có yếu tố sắc dục hay yếu tố đi ngược lại với chuẩn mực văn hoá như loạn luân, nhân thú),

mà thay vào đó, ngầm đưa ra những chính sách khuyến khích với những dòng sách chính thống, có giá trị cao hơn. Trong buổi hội chợ, nhà trường cần thiết kế các gian hàng một cách hài hoà nhằm thu hút sự chú ý tới những gian hàng “sách tốt”, kết hợp những tiết mục giới thiệu sách đến độc giả, các cuộc thi nhỏ với phần thưởng là sách… Hội chợ sách sẽ tạo ra một môi trường thân thiện, gần gũi, giúp học sinh nhận thấy đọc sách hoàn toàn không phải là một thói quen xa xỉ, đồng thời giúp học sinh cảm thấy có hứng thú hơn với những tác phẩm văn học có giá trị cao.

2.6. Giải pháp đề xuất đối với giới trẻ, cụ thể là học sinh trung học – đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc đọc truyện ngôn tình

2.6.1. Xây dựng cách tiếp cận đúng đắn đối với thể loại truyện ngôn tình

Đối với nhóm độc giả đã và đang đọc truyện ngôn tình, chúng tôi xin đưa ra một vài định hướng về cách đọc truyện ngôn tình như sau:

Quan niệm truyện ngôn tình chỉ là một phương tiện giải trí đơn thuần, không quá say mê.

Khi đọc ngôn tình, mỗi người học sinh cần đặc biệt tỉnh táo, phân biệt rõ những câu chuyện cuộc đời với những câu chuyện trong truyện.

Gập cuốn truyện lại khi bắt gặp những trang H văn với nội dung nhạy cảm, không phù hợp với lứa tuổi!

Nói không với những cuốn truyện chứa yếu tố đi ngược lại chuẩn mực đạo đức xã hội (yếu tố loạn luân, nhân – thú), chủ động tránh xa các loại “sách rác”, “truyện rác”.

Bên cạnh đó, nhóm “độc giả tiềm năng” – chưa từng tiếp xúc với ngôn tình, nhưng trong tương lai có khả năng sẽ đọc – cần xác định tư tưởng vững vàng trước khi quyết định bắt đầu đọc thể loại này. Trong đó, những học sinh này cần đặc biệt hiểu rõ giá trị nội dung, tư tưởng, nghệ thuật của ngôn tình nói chung và của cuốn truyện mình sắp đọc nói riêng (có yếu tố nào không phù hợp hay không…), đồng thời lường trước được những hậu quả tiêu cực có thể xảy đến nếu đọc mà không biết kiềm chế bản thân, để rơi vào tình trạng “nghiện” đến không dứt ra được.

2.6.2. Rèn luyện văn hóa đọc

Theo nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình thì “văn hóa đọc chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta với tri thức, sách vở”, ông khuyên mỗi người nên đọc sách sao cho hợp lý và bổ ích, hợp với quy luật tiếp cận tri thức. Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách đóng vai trò rất quan trọng: là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người, là người bạn tâm giao chia sẻ mọi nỗi vui, buồn sâu kín của mỗi con người. Tuy nhiên, liệu rằng phần lớn trong số những cuốn truyện ngôn tình đang được đón đọc hiện nay đáp ứng được những vai

trò quan trọng đó? Vậy thì, mỗi chúng ta – những học sinh trung học – cần rèn luyện văn hóa đọc thật tốt.

Những học sinh trung học như chúng ta cần tạo dựng một phông văn hóa, những quan niệm, chuẩn mực về văn chương và cuộc sống cho bản thân mình, từ đó tránh tình trạng đọc theo phong trào, theo “xu hướng đám đông”, đọc theo sự quảng bá của truyền thông… Ta cũng cần chủ động làm phong phú thêm cho tủ sách của gia đình, đọc nhiều thể loại để từ đó rút ra thể loại phù hợp nhất và có giá trị, tác động tốt nhất cho bản thân về nhiều mặt. Làm được điều này, khi đứng trước vô vàn những cuốn truyện ngôn tình của vô vàn tác giả, thuộc vô vàn thể loại khác nhau, bạn cũng sẽ không hề gặp khó khăn trong việc giữ thái độ tỉnh táo, thông minh và sáng suốt lựa chọn ra cuốn truyện nên đọc nhất, bởi bạn đã có một chuẩn mực, một phông văn hóa đúng đắn cho riêng mình.

Việc đánh giá và chọn lọc sách tốt là một trong những yếu tố quan trọng của người đọc sách, đặc biệt là các thể loại văn học nước ngoài. Người đọc cần chủ động tránh những cuốn “sách rác”, “truyện rác” có những “độc tố” đáng ngại gây tác động ngược.

Việc có cái nhìn tỉnh táo sau khi đọc truyện ngôn tình cũng là một yếu tố định hình văn hóa đọc. Một độc giả chân chính thường đọc và cảm nhận những tác phẩm hàm chứa giá trị nhân văn cao đẹp, nội dung, cốt truyện được xây dựng tỉ mỉ, công phu, từng trang viết chan chứa cảm xúc nhân vật... Họ không đọc nhanh, đọc lướt cốt để lấy số lượng, họ đọc mà như hòa mình đồng điệu cùng nhân vật trong truyện để rồi lại trở về thực tế, có cái nhìn trí tuệ mà rút ra được dụng ý sáng tác của những tác giả chân chính. Hãy là một độc giả thông minh, trước khi là một độc giả đọc nhiều biết rộng.

3. ĐIỀU TRA TÍNH CẦN THIẾT VÀ TÍNH KHẢ THI CỦA CÁC GIẢI PHÁP

3.1. Tính cần thiết của các giải pháp

Các giải pháp chúng tôi đề ra đều có độ cần thiết rất cao vì những ảnh hưởng xấu của truyện ngôn tình Trung Quốc đối với độc giả Việt Nam nói chung và đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là học sinh trung học nói riêng là rất đáng lo ngại và ngày càng có xu hướng tăng thêm, đặc biệt trong những năm gần đây. Hiện tượng này xảy ra đòi hỏi có những giải pháp cấp thiết, có hiệu quả, tránh những hậu quả đáng tiếc khôn lường.

Tất cả các giải pháp mà chúng tôi đề ra cần được thực hiện một cách đồng bộ, có sự liên kết, thống nhất chặt chẽ để đảm bảo đạt được những hiệu quả cao nhất đối với hiện tượng được nghiên cứu.

3.2.1. Về mức độ của các giải pháp

Hầu hết các giải pháp được đề ra đều không quá khó để thực hiện. Ví dụ như việc nhà trường tạo điều kiện, tổ chức các chương trình tọa đàm, giao lưu tìm hiểu về chân dung truyện ngôn tình, đây cũng được coi là một trong những chương trình ngoại khóa của nhà trường được tổ chức thường xuyên vào đầu tuần, đầu tháng, mang lại sự hứng khởi, quen thuộc cũng như hiểu biết bổ ích cho học sinh toàn trường.

Tuy nhiên, còn một số giải pháp khi thực hiện có thể gặp phải những vướng mắc và khó khăn như việc Nhà nước và các cơ quan chức năng kiểm soát, hạn chế việc đăng tải và đọc tràn lan truyện ngôn tình trên mạng Internet, đặc biệt trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay.

3.2.2. Về hiệu quả nếu như các giải pháp được thực hiện

− Đối với bản thân độc giả: tìm được niềm vui thú và hiệu quả thật sự khi đọc một thể loại văn chương; tránh xa khỏi những cạm bẫy tiềm tàng rất dễ mắc phải khi yêu thích truyện ngôn tình Trung Quốc; sống đẹp hơn, có ý nghĩa hơn…

− Đối với xã hội: giúp làm giảm các nguy cơ xấu có ảnh hưởng đến xã hội văn minh của chúng ta mà tiêu biểu là góp phần bảo vệ giới trẻ – những chủ nhân tương lai của đất nước khỏi tình trạng sống ảo, tự huyễn hoặc bản thân mơ mộng xa rời thực tế, tình trạng văn hóa đọc sai lệch, tình trạng lệch lạc giới tính…

4. NHÓM CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC TIỄN

4.1. Chương trình tọa đàm tâm lí: “HỌC SINH TRUNG HỌC VỚI TRUYỆN NGÔN TÌNH TRUNG QUỐC” tại trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng

4.1.1. Mục tiêu hoạt động

Giúp cho học sinh có cái nhìn sáng rõ, khái quát, khách quan và tỉnh táo đối với truyện ngôn tình Trung Quốc, từ đó có cách hành xử đúng đắn và phù hợp hơn.

4.1.2. Nội dung hoạt động

− Hiểu biết về thể loại truyện ngôn tình.

− Định hướng trong cách đọc truyện ngôn tình.

4.1.3. Công tác chuẩn bị

− Các dữ liệu về hiện trạng hiện tượng học sinh trung học đọc ngôn tình Trung Quốc (tệp PowerPoint).

− Một đoạn trích từ hồi thứ 29 tác phẩm “Hồng Lâu Mộng” (Tào Tuyết Cần) để so sánh về các giá trị nội dung và nghệ thuật với ngôn tình hiện tại.

4.1.4. Tổ chức hoạt động

− Địa điểm: Hội trường tầng 3, khu hiệu bộ, trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng.

− Thành phần tham dự:

+ TS. Ngô Bích Hương – Tổ trưởng Tổ Ngữ văn trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng.

+ ThS. Nguyễn Thuý Nga – Phó Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng.

+ Bạn Nguyễn Thị Mai Phương và Nguyễn Thị Thuỳ Dương – học sinh lớp 11 Anh1, trường THPT Chuyên Trần Phú.

+ Giáo viên chủ nhiệm và tập thể học sinh lớp 11 Anh1 và 10 Văn trường THPT

Một phần của tài liệu HSNCKHKT: Học sinh với truyện ngôn tình Trung Quốc (Trang 43 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(101 trang)
w