IV. Ảnh hưởng của việc đọc truyện ngôn tình Trung Quốc với học sinh
1. Ảnh hưởng tích cực
1.1. Giá trị giải trí
Xã hội ngày càng phát triển, đời sống của giới trẻ ngày nay ngày càng trở nên phong phú với nhiều phương thức giải trí như game online, mạng xã hội (Facebook, Twitter…). Nền văn học cũng phát triển rất nhanh, một số lượng lớn các bạn trẻ đã chọn đọc sách là phương tiện giải trí cho bản thân. Ở Việt Nam, nói về thể loại sách thật sự được giới trẻ yêu thích, chào đón hơn cả trong những năm gần đây, chúng ta không thể không kể tới truyện ngôn tình bắt nguồn từ Trung Quốc.
Trước tiên, cái độc giả trẻ là học sinh trung học theo đuổi ở truyện ngôn tình là sự giải trí, thư giãn sau những khoảng thời gian học tập căng thẳng.
Những câu chuyện với tình tiết nhẹ nhàng, hài hước, gây cười như “Cậu chủ hồ đồ” (Tinh Dã Anh), “Sam Sam đến đây ăn nè” (Cố Mạn) hay “Chờ một ngày nắng” (Điệp Chi Linh)… đã và đang mang đến cho độc giả những tiếng cười bật ra đầy sảng khoái, tinh thần được thư giãn, tràn đầy năng lượng.
1.2. Giá trị nội dung tư tưởng
Không chỉ là những câu chuyện tình yêu đơn thuần, một số tác giả thông qua những trang sách của mình còn gửi gắm đến độc giả thông điệp về nhân cách cao quý.
− Sự thủy chung son sắt và lòng hi sinh cao cả của con người trong tình yêu.
Đó là cách mà Cố Mạn mang tới thông điệp cho độc giả của cô qua cuốn sách
“Bên nhau trọn đời”: hạnh phúc của tình yêu giản dị là sự vượt qua mọi khổ đau, chướng ngại, nắm tay nhau tới đầu bạc răng long. Như một điệu valse duyên dáng, “Bên nhau trọn đời” đi vào lòng độc giả với cốt truyện nhẹ nhàng nhưng chứa đựng tất cả cung bậc cảm xúc, những kỉ niệm ngọt ngào của mối tình đầu khó quên. Đó còn là cái cách mà tác giả Thư Nghi để cho Tôn Gia Ngộ ra đi mãi mãi ở gần cuối truyện “Từng có một người yêu tôi như sinh mệnh”, để lại biết bao xúc động, nuối tiếc, u sầu trong lòng bạn đọc. Thì ra người con trai ấy đã yêu bằng cả sinh mệnh, hi sinh tất cả những gì anh có để bảo vệ tình cảm mà anh nâng niu. Gấp trang sách lại, người đọc càng thêm thấm thía mà quý trọng những thứ mà mình đang có, quan tâm tới những người thân yêu xung quanh mình hơn. Đó còn là cách mà Thư Nghi xen vào mỗi chương truyện một đoạn thơ của Puskin:
“Tôi yêu em, âm thầm không hy vọng Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em…”
Nếu biết chọn lọc mà đọc, mà cảm nhận những cuốn truyện ngôn tình như vậy, ai có thể nói ngôn tình không mang lại những giá trị văn học tốt đẹp mà nuôi dưỡng tâm hồn bạn trẻ yêu văn chương?
− Tình phụ tử, tình mẫu tử, tình anh em, tình bạn cũng được đề cao, nâng cao giá trị tư tưởng trong một số truyện ngôn tình. Ở chương 4 của truyện ngôn tình
“Duyên nợ” (Tiểu Thiên Yết), nhân vật nữ chính Lạc Nhạn đã khiến người đọc cảm động khi đặt tình mẫu tử thiêng liêng lên trên cả hạnh phúc cá nhân...
− Một số truyện ngôn tình còn bồi đắp cho độc giả trẻ về tinh thần nghị lực trong cuộc sống. Đó là Trịnh Vy trong “Anh có thích nước Mỹ không?” (Tân Di Ổ) mặc dù vô cùng đau khổ khi nước Mỹ đã cướp đi tình yêu đầu, nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp tục, cô vẫn bước đi trên đôi chân chính mình, đến với con đường mình đã chọn. Đó là Bạch Lăng Lăng trong “Mãi mãi là bao xa?” (Diệp Lạc Vô Tâm) quyết tâm hoàn thành đại học, lại học tiếp cao học… hay Tiết Sam Sam trong “Bữa trưa tình yêu” (Cố Mạn): “Em sẽ thi CPA, em không thể là người khác một cách tốt nhất, em chỉ có thể là em một cách đặc biệt”.
Đó là những chi tiết rất nhẹ nhàng, đó là cái hay của ngôn tình, là cái mà những người đọc chân chính theo đuổi.
1.3. Giá trị nghệ thuật
Dù là nguyên mẫu hay bản dịch thì một số truyện ngôn tình Trung Quốc như
“Bên nhau trọn đời” (Cố Mạn), “Năm tháng vội vã” (Cửu Dạ Hồi), “Từng có một người yêu tôi như sinh mệnh” (Thư Nghi) đều là những áng văn đặc sắc có:
− Lời văn được chau chuốt mượt mà.
− Những chi tiết nghệ thuật đắt giá.