Giải pháp đề xuất đối với các nhà nghiên cứu và phê bình

Một phần của tài liệu HSNCKHKT: Học sinh với truyện ngôn tình Trung Quốc (Trang 42 - 43)

V. Giải pháp hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của truyện ngôn tình

2. Nhóm các giải pháp đề xuất

2.3. Giải pháp đề xuất đối với các nhà nghiên cứu và phê bình

Phân tích, đánh giá khách quan,”không nên bỏ rơi giới trẻ cho thị trường”.

Mặc dù truyện ngôn tình đã trở thành trào lưu lớn tại Việt Nam trong thời gian trở lại đây, các nhà nghiên cứu và phê bình văn học lại chưa thực sự vào cuộc trong việc đánh giá và định hướng người đọc đối với thể loại này. Trên thực tế, nếu tìm kiếm trên mạng Internet, ta có thể tìm thấy những bài phê bình báo chí về ngôn tình, tuy nhiên, giới phê bình hàn lâm dường như lại chưa dành sự quan tâm đúng mức cho vấn đề này. Lí do có lẽ là vì họ không coi truyện ngôn tình Trung Quốc là một hiện tượng văn học đúng nghĩa, nên không đi vào nghiên cứu sâu và không rút ra kết luận hay ý kiến đánh giá. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc độc giả đại chúng bị “mất phương hướng” trước cơn bão ngôn tình ồ ạt đổ bộ vào thị trường sách Việt Nam.

Về vấn đề này, TS văn học Trần Lê Hoa Tranh, đã phát biểu: “Tôi cho rằng nhà phê bình không nên bỏ rơi giới trẻ cho thị trường… Tôi nghĩ nhà nghiên cứu, phê bình không nên xa rời văn học đương đại, quay lưng lại với thứ văn chương ảnh hưởng lên đời sống đương đại…”.

Giới phê bình, đặc biệt là giới phê bình hàn lâm, cần có một cái nhìn nghiêm túc đối với ngôn tình Trung Quốc, cần nhận thức được rằng: đây là một thể loại đang chiếm lĩnh một phần không nhỏ trong thị trường văn học, thu hút hàng triệu bạn trẻ Việt Nam tìm đọc, tuy nhiên nhiều độc giả trong số đó lại chưa nhận thức được rõ ràng về những giá trị cũng như tác hại mà việc đọc ngôn tình đem lại. Những nhà nghiên cứu và phê bình nên đặt truyện ngôn tình Trung Quốc trong mối liên hệ với văn hóa đại chúng, bao gồm cả những chuẩn mực trong văn chương cũng như truyền thống dân tộc, phân tích và đánh giá truyện ngôn tình theo nhiều chiều hướng khách quan. Từ đây, những kết luận chính xác, đúng đắn nhất về thế loại văn học này cần được đưa ra, làm cơ sở nhận định cho bạn đọc và công chúng.

Những bài đánh giá này cần đạt được tiêu chí dễ hiểu, dễ thấm và thuyết phục về mặt nội dung để phù hợp với đối tượng là giới trẻ. Đồng thời các bài phê bình nên được đăng trên các phương tiện truyền thông chính thống, đặc biệt là những tờ báo hay tạp chí dành riêng cho giới trẻ như “Văn học tuổi trẻ”, “Thiếu niên Tiền Phong”, “Hoa học trò”, “Trà sữa cho tâm hồn”… thay vì xuất hiện rải rác một cách vô thưởng vô phạt trên mạng Internet. Có như vậy, các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh, mới có thể nghiêm túc nhận thức về việc đọc “đúng” ngôn tình.

Bên cạnh đó, với những cuốn truyện ngôn tình cụ thể được xuất bản, các nhà phê bình có uy tín cần “đón đầu”, chắt lọc, đưa ra những nhận xét, đánh giá để in lên các bìa sách giống như các cuốn sách văn học truyền thống. Chính những lời bình này sẽ giúp độc giả, cụ thể hơn là độc giả ở lứa tuổi học sinh, có thể sáng suốt cân nhắc khi đứng trước nhiều sự lựa chọn.

Một phần của tài liệu HSNCKHKT: Học sinh với truyện ngôn tình Trung Quốc (Trang 42 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(99 trang)
w