1.2.2.1. Thời kì 1948 – 1961
Viện trợ của Hoa Kì giữ vai trò chính, là hình thức chủ đạo trong quan hệ kinh tế Hàn Quốc – Hoa Kì, được khởi đầu ngay từ khi quân đội Hoa Kì tiếp quản miền Nam bán đảo năm 1945, thông qua các quỹ đặc biệt dưới sự điều hành của chính phủ nhằm giảm nhẹ khó khăn cho các vùng chiếm đóng (FUGAROS) từ 1945 – 1949 và các tổ chức điều hành hợp tác kinh tế (ECA) từ 1949 – 1950, Cơ quan vì sự phát triển quốc tế (AID) sau cuộc chiến tranh Nam – Bắc. Từ 1945 – 1951, số viện trợ kinh tế của Hoa Kì cho Hàn Quốc lên tới 3.115.340 USD chiếm 68% trong tổng số viện trợ từ 1954 – 1971 (so với hơn 600 triệu USD từ 1945 – 1950).
Các khoản viện trợ trong thời kì này nhằm những mục tiêu khác nhau. Từ 1945 – 1949 chủ yếu nhằm giảm nhẹ khó khăn cho những vùng chiếm đóng. Từ 1949 – 1950 ưu tiên dành cho việc nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, quần áo, phân bón, than đá, dầu mỡ. Bên cạnh đó Hoa Kì còn hậu thuẫn cho chính phủ Syngman Rhu (1948 – 1960) thực hiện chương trình phân phối đất đai và quản lý các ngành công nghiệp thuộc sở hữu của người Nhật trước đây. Trong những năm chiến tranh Nam – Bắc, Hàn Quốc tiếp tục được nhận viện trợ lương thực, thuốc men và các vật dụng cần thiết [5; 9]. Đặc biệt, sau khi chiến tranh chấm dứt, chương trình viện trợ kinh tế của Hoa Kì đã phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện mô hình kinh tế hướng nội với chiến lược công nghiệp và khai thác, nông nghiệp và các nguồn tự nhiên. Phần còn lại dành cho các mục tiêu chung, phát triển xã
hội, giao thông, kế đến là hành chính, giáo dục [20; 74], hầu hết là theo hình thức viện trợ không hoàn lại.
Nhìn chung, để thực hiện mục tiêu bá chủ toàn cầu của mình, ngay từ khi chiếm đóng Hàn Quốc, Hoa Kì đã triển khai một chương trình viện trợ cho nước này. Trong giai đoạn tái thiết và phát triển kinh tế sau chiến tranh, Hoa Kì tiếp tục dành một khoản viện trợ to lớn cho Hàn Quốc và phần lớn là viện trợ không hoàn lại. Những số liệu ở bảng 1.2 cho thấy điều này.
Bảng 1.2: Viện trợ của Hoa Kì cho Hàn Quốc (1945 – 1961)
(Đơn vị: Nghìn USD)
Năm Viện trợ không hoàn lại Viện trợ theo hình thức
tín dụng Tổng số 1945 4.934 - 4.934 1946 49.496 - 49.496 1947 175.371 - 175.371 1948 175.593 - 175.593 1949 116.509 - 116.509 1950 58.706 - 58.706 1951 106.542 - 106.542 1952 161.327 - 161.327 1953 194.170 - 194.170 1954 153.925 - 153.925 1955 236.707 - 236.707 1956 326.705 - 326.705 1957 382.892 - 382.892 1958 321.272 - 321.272 1959 222.204 12.740 234.944 1960 245.393 6.100 251.493 1961 201.554 3.200 204.754
Nguồn: Bank of Korea, Economic Statistic Annals.
Như vậy, “viện trợ và nhận viện trợ” là đặc điểm nổi bật của quan hệ kinh tế Hàn Quốc – Hoa Kì trong thời kì 1948 – 1961. Hoa Kì với tiềm lực sẵn có của mình đã mang đến cho Hàn Quốc, một “đồng minh thân cận” trong chiến lược “ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản” ở châu Á với nguồn viện trợ khổng lồ. Đổi lại, Hoa Kì sử dụng một sự ảnh hưởng lớn trong những quyết định liên quan đến công việc quản lý, vận hành nền kinh tế Hàn Quốc, cũng như những chính sách đảm bảo, duy trì nền an ninh và ổn định ở đây, sao có lợi cho mình nhất. Trong đó có một điều mà không ai có thể phủ nhận, đó là cam kết an ninh của Hoa Kì trong và sau chiến tranh Triều Tiên, cũng như cuộc Chiến tranh lạnh do Hoa Kì phát động có sự gắn kết chặt chẽ trong quan hệ kinh tế với Hàn Quốc. Nói cách khác, sự “kết duyên tự nguyện” trong quan hệ Hàn Quốc – Hoa Kì được nhen nhóm và dần dần phát triển do tác nhân chính trị. Và trong thời gian đầu, để thực hiện mục tiêu của mình, Hoa Kì không ngần ngại rót vào Hàn Quốc một khối lượng lớn viện trợ kinh tế để tái thiết và xây dựng Hàn Quốc phát triển theo quỹ đạo mà Hoa Kì vạch sẵn. “Trong thời kì này, hầu như tất cả mọi vấn đề liên quan đến quan hệ kinh tế giữa hai nước đều chịu sự chi phối của Hoa Kì; Chính phủ Hàn Quốc có tiếng nói hết sức mờ nhạt trong bất kì quyết định nào” [8; 49]. Dù sao cũng không thể phủ nhận vai trò của Hoa Kì đối với sự phát triển của nền kinh tế Hàn Quốc những năm sau chiến tranh. Nếu không có sự viện trợ to lớn này, e rằng Hàn Quốc khó có thể vượt qua được những thử thách đầu tiên. Trên thực tế, chính Hoa Kì đã kéo Hàn Quốc thoát ra khỏi đống đổ nát sau chiến tranh, và trong trường hợp này “bàn tay bọc nhung” của Hoa Kì lại phát huy hiệu quả ở một nơi ngoài Châu Âu.
Quan hệ kinh tế Hàn Quốc – Hoa Kì giai đoạn 1948 – 1961, chủ yếu là quan hệ giữa “kẻ cho và người nhận”, quan hệ đầu tư vẫn chưa có gì đáng kể,
nếu không nói là đang còn nằm ở vạch xuất phát cho đến cuối những năm 1950.
Thực chất, ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, các công ty Mỹ đã đến và mở các văn phòng chi nhánh tại đây. Ví dụ như Công ty thương mại J. Morse đã mở văn phòng tại Seoul năm 1945, hai công ty vận tải Evertt Shipping và A. P. Paterson Shipping đã mở văn phòng tại Seoul và Pusan năm 1948…[8; 50]. Thế nhưng, năm 1950, khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, hầu hết các công ty này đã rút khỏi Hàn Quốc. Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, Hàn Quốc gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, chính trị, xã hội.
“Bức tranh kinh tế thì quá sức ảm đạm, tình hình chính trị thì thường xuyên bất ổn, khiến các nhà đầu tư ở thế giới nói chung và Hoa Kì nói riêng không dám mạo hiểm rót vốn vào Hàn Quốc dù dưới bất kì hình thức và mức độ nào” [8; 51]. Các nhà doanh nghiệp Mỹ thấy rõ rằng tỉ lệ rủi ro là rất cao khi đầu tư vào đây. Họ không hề hy vọng vào khả năng phát triển của nước này, và do đó không sốt sắng quay lại đây như thời điểm năm 1945.
Cho đến năm 1961, hầu như không có một doanh nghiệp Mỹ nào đầu tư trực tiếp vào Hàn Quốc. “Sự thiếu vắng đầu tư của họ đã dẫn đến một môi trường kinh doanh hết sức ảm đạm tại đây. Và chính điều này đã chứng tỏ không hề có triển vọng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc” [8; 51]. Nền kinh tế Hàn Quốc khó có thể phát triển nếu không tạo được một môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút giới doanh nghiệp ở các nước nói chung và Hoa Kì nói riêng trong những thập niên kế tiếp.
1.2.2.2. Thời kì 1961 – 1979
Quan hệ kinh tế giữa Hàn Quốc và Hoa Kì đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ trong suốt quá trình phát triển của Hàn Quốc. Vào cuối những năm 1940, đầu những năm 1950, khi Hàn Quốc vẫn còn rất nghèo và ở vị trí của một nước “kém phát triển”, quan hệ kinh tế giữa Hoa Kì và Hàn Quốc chủ yếu là dưới hình thức “kẻ cho và người nhận” [17; 32]. Song, cùng với việc
Hoa Kì cắt giảm viện trợ và sự sụp đổ của chính quyền Syngman Rhu, quan hệ kiểu “viện trợ và nhận viện trợ” trong giai đoạn 1948 – 1961 cũng không còn nữa. Quan hệ kiểu cho vay đã dần dần thay thế kiểu viện trợ trước đây.
Hoa Kì không thể mãi đóng vai trò là một nhà viện trợ “hào hiệp” mang đến cho Hàn Quốc một khối lượng viện trợ khổng lồ như thời kì sau chiến tranh. Nếu như thập niên 1950, viện trợ của Hoa Kì mang đến cho Hàn Quốc vào thời điểm cao nhất là 382.893 triệu USD, chiếm 12,0% tổng sản phẩm quốc dân (GNP) của Hàn Quốc (1957), thì sang đầu thập niên 1960 con số này bắt đầu giảm dần, và giảm mạnh vào cuối thập niên 1960 và suốt thập niên 1970. Vào năm 1964, viện trợ kinh tế của Hoa Kì cho Hàn Quốc là 149.331 triệu USD chiếm 3,3% GNP của Hàn Quốc. Số liệu tương ứng vào năm 1965 là 131.441 (2,7%), năm 1966 là 103.261 (1,9%), năm 1967 là 97.018 (1,7%), năm 1968 là 105.856 (1,6%) [24; 251].
Ở thời kì này, buôn bán từng bước thay thế viện trợ và bước đầu xác lập các hình thức quan hệ kinh tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và hợp tác, vừa cạnh tranh.
Trong thời kì này, Chính phủ Park Chung Hee (1961 – 1979) đã xây dựng kinh tế theo mô hình hướng ngoại với chiến lược công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa dựa vào sự khai thác thị trường thế giới và liên kết quốc tế nhằm giải quyết những bế tắc đặc biệt là sự hạn chế về thị trường tiêu thụ sản phẩm, thu hút vốn đầu tư, tiếp thu kĩ thuật – công nghệ mới của thời kì thực hiện mô hình kinh tế hướng nội của chính phủ tiền nhiệm. Một trong những nét nổi bật của chiến lược là đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc chính phủ thực hiện chủ trương này. Thứ nhất, sự viện trợ có to lớn đến đâu cũng không thể đáp ứng nhu cầu phát triển của Hàn Quốc. Đây là nhân tố khách quan. Thứ hai, với tính tự lập, tự cường cao, người Hàn Quốc không muốn dừng lại ở việc nhận viện trợ mà còn muốn buôn bán “thế chân”
viện trợ, đồng thời đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài để tích lũy vốn bên trong và sau đó tiến xa hơn bằng việc xác lập một cách toàn diện các hình thức quan hệ kinh tế với các nước phát triển theo hướng tích cực và có lợi hơn.
Nhiều biện pháp đã được triển khai đẩy mạnh xuất khẩu như miễn, giảm thuế đối với những hàng nhập khẩu là các nguyên liệu, bán thành phẩm, máy móc, thiết bị kĩ thuật để phục vụ cho sản xuất hàng hóa xuất khẩu; miễn thuế trực thu cho tiền thu nhập từ xuất khẩu; đơn giản hóa thủ tục hải quan; cho các doanh nghiệp vay vốn với lãi xuất thấp; phá giá đồng won đến mức khuyến khích được xuất khẩu tối đa… [2; 267]. Bên cạnh đó là các biện pháp thu hút vốn đầu tư (với hình thức chủ yếu là vay nợ nước ngoài) như tăng cường kinh doanh và quản lý tiền vốn nhập ngoại; cố gắng tạo ra môi trường tốt đẹp cho đầu tư; thành lập các khu chế xuất…
Trong những năm 60, thị trường Hoa Kì đã trở thành thị trường quan trọng nhất cho hàng xuất khẩu của Hàn Quốc. Nếu vào năm 1961, chỉ có 16,6% hàng xuất khẩu của Hàn Quốc được đưa vào Hoa Kì thì đến năm 1971, tỉ lệ này đã lên đến 49,8% và trong năm cao điểm của thời kì 1961 – 1971 lên đến 52% các tỉ lệ này sau đó giảm dần: 46,7% (1972), 26,3% (1980). Sự suy giảm này nói lên xu hướng đa dạng hóa thị trường của Hàn Quốc nhiều hơn là sự giảm sút tầm quan trọng của thị trường Hoa Kì đối với Hàn Quốc [17; 12 - 15] và về lượng tuyệt đối vẫn tăng mạnh: năm 1961, tổng giá trị xuất khẩu Hàn Quốc vào Hoa Kì đạt 6,9 triệu USD, đến năm 1971 đã lên đến 531,8 triệu USD và 4373,9 triệu USD. Các con số tương ứng của nhập khẩu (từ Hoa Kì) là 143,3 triệu USD, 678,3 triệu USD, và 4602,6 triệu USD [23; 49].
Hai luồng đầu tư chủ yếu đổ vào Hàn Quốc lúc này là đầu tư của Hoa Kì và Nhật Bản. Đến thập niên 60, thị trường Hàn Quốc không chỉ là thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng gia tăng cho các công ty của Hoa Kì mà còn là một thị trường đầu tư bắt đầu được sự chú ý của các công ty này.
Chemtex Inc là trường hợp đầu tư trực tiếp đầu tiên vào Hàn Quốc của Hoa Kì. Công ty này liên doanh với Korea Nylon Company Ltd vào tháng 8/1962 để sản xuất sợi nylon với số vốn vào liên doanh là 575 nghìn USD. Tới năm 1965, các hợp đồng tư lớn hơn đã được triển khai vào ngành lọc dầu và phân bón. Trong những năm 1962 – 1966, đầu tư của Hoa Kì vào Hàn Quốc chiếm đến 75,2% tổng số đầu tư trực tiếp của nước ngoài với 15,987 triệu USD, đến những năm 1967 – 1971 chiếm tỉ trọng 33,9% với 32,664 triệu USD [17; 14].
Sự tăng lên của khối lượng đầu tư tương ứng với sự giảm dần để đi đến ngưng hẳn viện trợ của Hoa Kì đối với Hàn Quốc. Nó nằm trong ý đồ của Hoa Kì nhằm tạo ra “một nước Hàn Quốc đủ mạnh” và không trở thành gánh nặng cho ngân sách của Hoa Kì, qua đó xây dựng hình mẫu của “chủ nghĩa tư bản ngoại vi” (Le Capitalisme Perpherique, từ dùng của nhà kinh tế Raul Prebish) ở một trong những nơi mà Hoa Kì cho rằng có những hứa hẹn thành công nhất. Sự hình thành hệ thống các quốc gia theo chủ nghĩa tư bản ngoại vi như vậy thực sự là hình ảnh đối lập có tác dụng hơn cả trong cuộc đối đầu giữa hai hệ thống chính trị - xã hội đối địch suốt thời kì Chiến tranh lạnh là chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội [5; 71]. Tuy nhiên, tham vọng của người Hàn Quốc không chỉ dừng lại ở chỗ “đủ mạnh” và không còn là gánh nặng trong ngân sách của Hoa Kì. Trong thời gian này các quan hệ thương mại; chuyển giao công nghệ, tín dụng…giữa hai nước đều có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn so với trước. Về kĩ thuật công nghệ, Hàn Quốc đã tích cực đưa kĩ thuật tiên tiến thích hợp từ các nước phát triển trước hết là Hoa Kì và Nhật Bản để đồng hóa và cầu tiến, đồng thời khuyến khích phát triển năng lực bên trong về phát triển kỹ thuật theo phương châm “sáng tạo” hơn là “bắt chước”, đấy là tiền đề cho khát vọng chiếm lĩnh các kĩ thuật cao cấp của Hàn Quốc vào các giai đoạn sau… Tất cả, ở những mức độ khác nhau, đều có tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc phát triển nhanh và là nhân tố quan trọng góp phần vào sự thành công của quá trình công nghiệp hóa đất
nước này trong giai đoạn 1961 – 1979. Điều quan trọng là đến thập niên 70, Hàn Quốc dần dần đặt dấu chấm hết cho kiếu quan hệ “chi phối – phụ thuộc” giữa Hoa Kì và Hàn Quốc để mở ra trang sử mới cho kiểu quan hệ bình đẳng, cùng có lợi, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh giữa hai đối tác. Đây là điều không phải quốc gia, lãnh thổ nào trong thời gian đó cũng làm được (trong quan hệ với Hoa Kì).
1.2.2.3. Thời kì 1980 – 1991
Bước vào thập niên 1980, quan hệ kinh tế Hàn Quốc – Hoa Kì có bước tiến mới, vào thời điểm này, Hàn Quốc đã trở thành một nước phát triển và mối quan hệ cùng có lợi, bình đẳng ngày càng được khẳng định. Hàn Quốc ngày càng được thế giới biết đến là một trong năm nước xuất siêu trên thế giới vào năm 1988, đặc biệt là sang thị trường Hoa Kì. So với những năm 1970, năm 1980 thị trường Hoa Kì trong tổng xuất khẩu và nhập khẩu của Hàn Quốc đã liên tục giảm xuống; Chẳng hạn như năm 1972, xuất khẩu của Hàn Quốc vào Hoa Kì chiếm 46,7% tổng hàng xuất khẩu thì tới năm 1980 tỷ lệ này chỉ còn là 26,3%, trong lĩnh vực nhập khẩu cũng diễn ra tương tự. Nhưng điều đó không làm giảm sút vị trí quan trọng của thị trường Hoa Kì đối với Hàn Quốc mà chủ yếu là do Hàn Quốc đa dạng hóa thị trường của mình. Điều này được thể hiện qua việc thị trường Hoa Kì vẫn giữ một tỷ lệ lớn hàng hóa Hàn Quốc và kinh ngạch buôn bán với Hoa Kì tăng lên nhanh chóng, “năm 1972, Hàn Quốc xuất khẩu vào Hoa Kì đạt 750 triệu USD thì tới năm 1980 đã lên tới 4,606 tỷ USD, còn nhập khẩu cũng trong năm này tăng từ 647,2 triệu USD lên 4,890 tỷ USD” [17; 15-16]. Hoa Kì trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất và cũng là đối tác thương mại lớn nhất, chiếm hầu