Suy giảm kinh tế Việt Nam và biện pháp can thiệp của Chính phủ vào nền kinh tế

Một phần của tài liệu TÁC ĐỘNG CỦA GÓI KÍCH THÍCH KINH TẾ ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ SUY GIẢM (Trang 29)

của Chính phủ vào nền kinh tế

2.1.1. Diễn biến cuộc suy giảm kinh tế Việt Nam, hậu quả nhìn từ giác độ vĩ mô

2.1.1.1. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc

Năm 2008, tăng trưởng GDP ở vào giai đoạn suy giảm. Dấu hiệu rõ nét nhất là mức tăng trưởng quý IV/2008 giảm mạnh so với mức tăng trưởng quý IV của các năm trước (Hình 2.1). Tăng trưởng quý I/2008 đạt 7,4%, hai quý đầu đạt 6,5%, ba quý đầu đạt 6,25% và cả năm chỉ là 6,23%. Rõ ràng đã có sự sụt giảm mạnh trong quý II và quý IV năm 2008, đây là các quý mà bình thường đều có tăng trưởng cao trong các năm khác.

Xét theo tính chu kỳ

Trở lại về trước, kể từ năm 2000, chúng ta có thể phân biệt ba chu kỳ tăng trưởng tương đối rõ rệt.

Đơn vị: %

Nguồn: Phạm Văn Hà (2009),

Tổng quan kinh tế vĩ mô Việt Nam 2008,

Kinh tế Việt Nam 2008: Suy giảm và thách thức đổi mới, 77.

Chu kỳ thứ nhất bắt đầu từ trước quý I/2000 kéo dài đến tận quý IV/2001. Nền kinh tế bắt đầu giai đoạn bùng nổ từ trước năm 2000 cho đến quý IV/2000 và trải qua giai đoạn suy giảm từ quý I/2001 đến quý IV/2001.

Chu kỳ thứ hai bắt đầu từ quý IV/2001 đến quý I/2006. Nền kinh tế trải qua một giai đoạn hưng thịnh kéo dài 15 quý cho đến đỉnh là quý III/2005 rồi điều chỉnh hạ cánh “mềm” rất nhanh trong hai quý và xuống đáy vào quý I/2006.

Chu kỳ thứ ba bắt nguồn từ những tín hiệu tích cực về triển vọng Việt Nam gia nhập WTO, nền kinh bước vào giai đoạn bùng nổ kéo dài cho đến quý IV/2007. Sau đỉnh cao này, những dấu hiệu nền kinh tế bước vào giai đoạn suy giảm đã xuất hiện từ quý I/2008 và trở nên rõ rệt vào quý II/2008 khi nền kinh tế giảm tốc nhanh hơn. Dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới nổ

ra vào quý III/2008, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục bị đẩy sâu vào giai đoạn đi xuống. Trong ba quý cuối của năm 2008, kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng dưới mức tiềm năng (xu thế), mặc dù chính mức tăng trưởng tiềm năng này cũng đang giảm dần.

Xét về cơ cấu khu vực kinh tế

Bảng 2.1. Tăng trưởng GDP các ngành, 2006-2008

Đơn vị: %

2006 2007 2008

Tổng số 8,23 8,48 6,23

Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 3,69 3,40 3,79 Công nghiệp và xây dựng 10,38 10,60 6,33

Dịch vụ 8,29 8,68 7,20

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tốc độ tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2008 tăng mạnh hơn hai năm trước, chủ yếu là do nông nghiệp và thủy sản tăng khá do được mùa và gia tăng quy mô sản xuất. Riêng lúa gạo, sản lượng tăng 2,7 triệu tấn, tăng cao nhất trong vòng 11 năm trở lại đây. Tuy nhiên, sản lượng tăng thiếu tính quy hoạch trong hoàn cảnh kinh tế thế giới suy thoái đã dẫn đến khủng hoảng thừa và rớt giá hàng loạt ở các mặt hàng nông nghiệp, nhất là lúa gạo và cá basa, gây bất lợi cho xuất khẩu.

Khu vực công nghiệp và dịch vụ năm 2008 đều tăng chậm hơn so với hai năm trước. Dấu hiệu suy giảm kinh tế tương đối rõ ràng khi cả hai ngành công nghiệp chế biến và xây dựng giảm rất mạnh. Năm 2008, công nghiệp chế biến tăng 10,05%, trong khi năm 2006 và 2007 đều tăng trên 12%, chứng tỏ có sự thu hẹp đáng kể trong tổng cầu nội địa. Đặc biệt, xây dựng hầu như không tăng trưởng vào năm 2008

(0,02%), nhưng đã tăng rất mạnh vào hai năm trước đó (11-12%). Nguyên nhân là do giá nguyên vật liệu tăng cao, chính sách thắt chặt tín dụng khiến các doanh nghiệp bất động sản khó vay vốn và việc hoãn các dự án đầu tư công của Chính phủ.

Xét về cơ cấu của tổng cầu

Những dấu hiệu hạ nhiệt của nền kinh tế cũng đã thể hiện rõ nét ở phía tổng cầu. Tốc độ tăng tiêu dùng tư nhân và tiêu dùng Chính phủ đều giảm so với năm 2007 (lần lượt là 8,0 và 7,5% so với 9,6 và 8,9% năm 2007). Đặc biệt, tốc độ tăng đầu tư đã giảm mạnh từ mức trên 24% năm 2007 xuống chỉ còn 4,1% năm 2008. Sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng của tổng cầu đã làm giảm thâm hụt cán cân thương mại xuống chỉ còn 14,5% GDP so với mức 17,1% GDP năm 2007. Mặc dù vậy, thâm hụt cán cân thương mại vẫn còn ở mức rất cao trong năm 2008 so với giai đoạn 1997-2006 (Tổng cục thống kê).

2.1.1.2. Từ lạm phát chuyển sang giảm phát

Năm 2008 là năm Việt Nam chứng kiến một tốc độ lạm phát cao kỷ lục trong vòng hơn một thập kỷ qua. Nguyên nhân chủ yếu là do: (1) Đà tăng giá của năm 2007 khi nền kinh tế tăng trưởng nóng, kết hợp với sai lầm trong chính sách tiền tệ để tốc độ tăng cung tiền quá nhanh, trong khi hiệu quả hấp thụ của nền kinh tế còn thấp, dẫn đến sự phát triển có phần bong bóng của kinh tế vĩ mô; (2) Kinh tế thế giới cũng tăng trưởng nóng đẩy giá cả các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao. NHNN đã phải mạnh tay thắt chặt tiền tệ (tăng lãi suất, nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc), góp phần làm giảm mạnh tốc độ tăng giá trong nửa cuối năm 2008.

Hình 2.2. Tốc độ tăng CPI năm 2008

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tính trung bình cả năm, CPI tăng gần 23% so với năm 2007. Liên tiếp trong sáu tháng đầu năm, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng luôn ở mức 2-4%/tháng. Cao điểm vào cuối tháng 08, chỉ số giá tiêu dùng tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự gia tăng này chỉ bắt đầu chậm lại kể từ tháng 09 sau những nỗ lực thắt chặt tiền tệ của NHNN cùng với tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Việc cắt giảm đầu tư và tiêu dùng khiến cho giá nhiều mặt hàng giảm mạnh. Chỉ trong 04 tháng từ tháng 08-11/2008, giá nguyên nhiên liệu thế giới đã giảm khoảng 50-60%. Giống như nhiều nước khác, mối lo ngại của Việt Nam đã chuyển từ lạm phát sang giảm phát trong cả 03 tháng của quý IV/2008.

2.1.1.3. Vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới, các nước đầu tư lớn đều rơi vào suy thoái, chi phí vốn trở nên đắt đỏ hơn, do đó dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam đã giảm sút. Nguồn vốn đầu tư gián tiếp cũng khó khăn do các nhà đầu tư hướng tới các kênh đầu tư an toàn hơn. Một nguồn thu quan trọng nữa của Việt Nam là kiều hối (8-10 tỷ

USD/năm), trong thời kỳ việc làm khó khăn, thu nhập giảm, tiêu dùng giảm, nguồn thu này bị ảnh hưởng là điều không tránh khỏi.

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Hình 2.3. Nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, Quý I/2008 - Quý II/2009

Đơn vị: tỷ USD

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Số vốn FDI đăng ký mới trong quý IV/2008 là 4 tỷ USD, giảm 62% so với quý IV/2007. Đây quả là một sự sụt giảm lớn, đặc biệt khi so sánh với 56,3 tỷ USD vốn đăng ký mới trong 03 quý đầu năm. Điều đáng quan tâm là tốc độ giải ngân trong cả năm 2008 đạt mức thấp. Nếu như trong quý I, tỷ lệ vốn giải ngân so với tổng vốn đăng ký là 31%, thì trong hai quý II và III, tỷ lệ này đã tụt xuống chỉ còn 12,3%, bất chấp số vốn đăng ký (cả cấp mới và tăng thêm) khổng lồ 52 tỷ USD. Có thể giải thích cho thực trạng này như sau: đối với các dự án FDI, phần lớn vốn đầu tư là vốn đi vay, nên khi các tổ chức tài chính và ngân hàng ở các nước gặp khó khăn do khủng hoảng tài chính,

nhiều hợp đồng vay vốn không được ký kết hoặc không giải ngân được. Một lý do nữa là: hầu hết vốn FDI đều đăng ký đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và du lịch, dịch vụ - những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế thế giới nói chung và của suy giảm kinh tế Việt Nam nói riêng.

Vốn FDI trong nửa đầu năm 2009 cũng gây nhiều thất vọng cả về số vốn đăng ký mới lẫn số vốn giải ngân. Tổng số vốn thu hút đạt 8,9 tỷ USD, giảm 77,4% so với sáu tháng đầu năm 2008; bao gồm: vốn đăng ký 4,7 tỷ USD của 306 dự án được cấp phép mới (giảm 86,7% về vốn và giảm 65,6% về số dự án); vốn đăng ký bổ sung 4,2 tỷ USD của 68 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước. Số vốn thực hiện đạt 4 tỷ USD, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm 2008. Các nước đứng đầu trong việc đầu tư vốn vào Việt Nam năm 2008 như Đài Loan, Nhật, Canada, Singapore do suy thoái kinh tế đều giảm mạnh đầu tư trong 06 tháng đầu năm 2009.

Nguồn vốn FII

Nguồn vốn FII vào Việt Nam chủ yếu thông qua các quỹ đầu tư, kênh đầu tư chủ yếu là thị trường chứng khoán. Kể từ cuối tháng 08/2008, dòng vốn đã có bước sụt giảm khi kinh tế thế giới bắt đầu có những bất ổn. Đến cuối tháng 03/2009, những dấu hiệu nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường Việt Nam đã khá rõ rệt khi khối ngoại bán ròng suốt quý IV/2008 và cả quý I/2009. Tổng cộng trong 03 tháng cuối năm 2008, khối ngoại bán ròng hơn 1.730 tỷ đồng cổ phiếu, hơn 27.000 tỷ đồng trái phiếu. Động thái rút vốn của khối ngoại vừa nhằm giảm thiểu rủi ro trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, vừa nhằm hỗ trợ cho công ty mẹ đảm bảo tính thanh khoản và chuyển vốn

đầu tư sang các nước có mức độ rủi ro thấp hơn, có độ minh bạch cao hơn.

2.1.1.4. Kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm mạnh

Là một nền kinh tế có độ mở khá lớn, khu vực xuất nhập khẩu của Việt Nam đã trực tiếp chịu ảnh hướng xấu từ cuộc suy thoái kinh tế thế giới, mà trong đó mối lo ngại lớn là xuất khẩu.

Về xuất khẩu, kim ngạch của nước ta đã bắt đầu sụt giảm từ tháng 09/2008. Nguyên nhân do cầu tiêu dùng trên thị trường thế giới thu hẹp (đặc biệt là Mỹ, EU và Nhật Bản – vốn là những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam), cộng thêm yếu tố giảm giá mạnh của nhiều loại hàng hóa. Đối với một nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, sự giảm sút về kim ngạch xuất khẩu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng GDP, đẩy sâu đáy suy giảm của nền kinh tế.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 09/2008 chỉ đạt 5,3 tỷ USD, giảm 11,9% so với tháng 08 do lượng và giá xuất khẩu của một số mặt hàng giảm. Xu hướng xuống dốc này tiếp tục duy trì trong quý IV/2008, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt xấp xỉ 5 tỷ USD/tháng, trung bình mỗi tháng giảm 4% so với tháng trước. Một trong những nguyên nhân là giá dầu thô trên thị trường thế giới cuối năm giảm mạnh, chỉ bằng 60% mức giá tháng 07, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.

Hình 2.4. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa, 2008 - Quý III/2009

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Xuất khẩu của nước ta chịu ảnh hưởng của cơn bão suy thoái nặng nề nhất vào quý I/2009. Tính chung trong quý này, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chỉ đạt 11,2 tỷ USD (loại trừ 2.5 tỷ USD vàng tái xuất), giảm 36,5% so với đỉnh cao hồi quý III/2008. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 5,3 tỷ USD, giảm 42%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (trừ dầu thô) đạt 4,5 tỷ USD, giảm 31%; còn dầu thô đạt 1,43 tỷ USD, giảm 55%.

Sang quý III/2009, xuất khẩu của Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn. Tính chung 09 tháng năm 2009, kim ngạch xuất khẩu đạt 39,2 tỷ USD (loại trừ vàng tái xuất), giảm 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do giá hàng hóa trên thị trường thế giới giảm, dẫn đến kim ngạch nhiều mặt hàng chủ lực giảm mặc dù lượng xuất khẩu tăng (hình 2.5). Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn đều giảm so với 09 tháng đầu năm 2008: Mỹ ước tính đạt 7,2 tỷ USD, giảm 5,9%; tiếp đến là EU đạt 6,2 tỷ USD, giảm 14,6%; ASEAN đạt 5,7 tỷ USD, giảm 24,3%; Nhật Bản đạt 3,9 tỷ USD, giảm 32,1%.

3 quý đầu năm 2009

Đơn vị: %

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Vấn đề tồn tại lớn nhất của xuất khẩu Việt Nam là việc chủ yếu vẫn dựa vào khai thác lợi thế so sánh sẵn có. Các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dầu thô, cao su, gỗ, cà phê, thủy sản và giầy dép, v.v… có hệ số co giãn với sức cầu không cao nên kim ngạch xuất khẩu giảm chủ yếu là do mặt bằng giá giảm mạnh khi sức cầu đối với các mặt hàng này sụt giảm. Thêm nữa, nhóm mặt hàng này phải đối mặt với những rào cản thương mại và hành vi bảo hộ ngày càng nhiều và tinh vi tại các thị trường lớn. Do đó, xuất khẩu của Việt Nam thực sự đã gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh suy thoái kinh tế.

Về nhập khẩu, tình hình nhập khẩu trong quý I/2009 hết sức ảm đạm, kim ngạch chỉ đạt 11,8 tỷ USD, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do giá trên thị trường thế giới giảm, đồng thời do kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh. Có thể nhận thấy điều này qua cơ cấu nhập khẩu theo nhóm các mặt hàng. Nhóm các mặt hàng liên quan đến yếu tố đầu vào sản xuất

giảm mạnh nhất, đáng chú ý là máy móc, thiết bị phụ tùng giảm 30,2% về kim ngạch so với quý I/2008; xăng dầu giảm 60,2%; sắt thép giảm 71%, sợi dệt giảm 28,7%. Nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu giảm thấp đã phản ảnh tình trạng ngưng trệ của sản xuất nói chung và gia công hàng xuất khẩu nói riêng.

2.1.1.5. Thị trường chứng khoán (TTCK) lao dốc

Cùng với suy giảm của nền kinh tế Việt Nam, TTCK không tránh khỏi một năm lao dốc. Sự tụt dốc này cũng là đặc trưng cho giai đoạn suy giảm của một chu kỳ kinh tế.

TTCK Việt Nam khép lại năm 2008 với sự sụt giảm mạnh nhất so với các thị trường trong khu vực châu Á. VN Index đóng cửa tại mức 315,62 điểm, mất 605,45 điểm, tương đương 65,33% so với phiên giao dịch đầu năm. Tại sàn Hà Nội, HASTC Index chốt năm tại mức 105,12 điểm, giảm 217,22 điểm, tương đương 67,39% sau 248 phiên giao dịch. Nhìn lại thị trường sau 01 năm giao dịch, những điểm nổi bật là: VN Index giảm điểm, thị giá các loại cổ phiếu sụt giảm mạnh (nhiều mã CP rơi xuống dưới mệnh giá), tính thanh khoản kém, sự thoái vốn của khối ngoại, sự can thiệp của các cơ quan điều hành và sự ảm đạm trong tâm lý các nhà đầu tư (NĐT).

Về diễn biến của TTCK Việt Nam năm 2008, có thể phân chia thành ba giai đoạn khá rõ rệt:

Hình 2.6. Diễn biến của TTCK với những sự kiện chính, 2008

Nguồn: Nguyễn Đức Thành (2009),

Biến động của TTCK dưới góc nhìn kinh tế vĩ mô, Kinh tế Việt Nam 2008: Suy giảm và thách thức đổi mới, 172.

Giai đoạn 1: Tháng 01 đến tháng 06 - Thị trường giảm mạnh do những bất ổn nội tại của nền kinh tế. Trong đó nổi bật là: Lạm phát leo thang (từ tháng 03-06 đều trên 2%/tháng, đỉnh điểm 3,9% vào tháng 05) khiến môi trường vĩ mô mịt mù; Chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh tay hồi tháng 02 gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có đòn bẩy tài chính cao (kết quả của giai đoạn tiền tệ nới lỏng trước đó). Những ảnh hưởng tiêu cực ngày càng rõ rệt lên khối doanh nghiệp, tạo một làn sóng bi quan bao trùm thị trường.

Giai đoạn 2: Tháng 06 tới đầu tháng 09 - Thị trường phục hồi

Một phần của tài liệu TÁC ĐỘNG CỦA GÓI KÍCH THÍCH KINH TẾ ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ SUY GIẢM (Trang 29)