Quyền và trách nhiệm của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Một phần của tài liệu Áp dụng pháp luật bảo hiểm tự nguyện theo luật bảo hiểm xã hội việt nam (Trang 31 - 33)

Quyền và trách nhiệm của người tham gia BHXH tự nguyện được pháp luật quy định và hướng dẫn như quyền và trách nhiệm của người tham gia

25

BHXH nói chung. Khi tham gia vào quan hệ BHXH, các bên có mối quan hệ ràng buộc chặt chẽ về quyền lợi và trách nhiệm BHXH. Nhà nước quản lý và bảo hộ các hoạt động của BHXH; ngoài ra, hoạt động BHXH còn chịu sự giám sát chặt chẽ của NLĐ. Theo pháp luật hiện hành thì người tham gia BHXH tự nguyện có các quyền: được cấp sổ bảo hiểm xã hội; nhận lương hưu hoặc trợ cấp BHXH tự nguyện đầy đủ, kịp thời, thuận tiện; hưởng bảo hiểm y tế khi đang hưởng lương hưu; yêu cầu tổ chức BHXH cung cấp thông tin về việc đóng, quyền được hưởng chế độ, thủ tục thực hiện BHXH; khiếu nại, tố cáo với cơ quan Nhà nước, cá nhân có thẩm quyền khi quyền lợi hợp pháp của mình bị vi phạm hoặc tổ chức, cá nhân thực hiện BHXH tự nguyện có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH tự nguyện; uỷ quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp BHXH tự nguyện [20, Điều 7].

Đi đôi với quyền là trách nhiệm của người tham gia BHXH tự nguyện cũng được pháp luật quy định rõ. NLĐ khi tham gia bảo hiểm phải đóng BHXH theo quy định; thực hiện quy định về việc lập hồ sơ BHXH tự nguyện; bảo quản sổ BHXH theo đúng quy định [20, Điều 7].

Pháp luật quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của người tham gia BHXH tự nguyện đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các chủ thể có thể tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, đồng thời qua đó cũng là cơ sở để Nhà nước xác định, đánh giá mức độ thực hiện trách nhiệm của các bên khi tham gia vào quan hệ này.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề còn tồn tại của Luật BHXH 2006 là các chế tài và việc xử phạt các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH chưa nghiêm khắc dẫn đến tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng còn xảy ra khá phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ), ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của

26

NLĐ và nguồn thu quỹ BHXH. Theo Báo cáo của BHXH Việt Nam, đến 31/12/2013, tổng số nợ đọng BHXH và BHTN là 6.449 tỷ đồng, chiếm 4,47% số phải thu. Việc trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng BHXH vừa ảnh hưởng đến tình hình tài chính của quỹ BHXH, nhưng quan trọng hơn là nó làm cho NLĐ có nguy cơ không được thụ hưởng các chế độ ASXH, đặc biệt là chế độ bảo hiểm hưu trí.

Trước thực trạng đó Luật BHXH sửa đổi 2014 đã bổ sung theo hướng tăng thêm quyền cho NLĐ, theo Điều 18 Luật BHXH sửa đổi 2014 người tham gia BHXH nói chung có thêm quyền: được quản lý sổ BHXH; được nhận lương hưu và trợ cấp BHXH đầy đủ, kịp thời bằng nhiều hình thức chi trả như trực tiếp từ cơ quan BHXH hoặc thông qua tổ chức dịch vụ được cơ quan BHXH ủy quyền hoặc qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng…, định kỳ hàng năm được cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH.

Luật BHXH sửa đổi 2014 sẽ có hiệu lực thi hành trong thời gian tới, việc bổ sung và điều chỉnh quyền của NLĐ tham gia BHXH trên tinh thần kế thừa những ưu việt và khắc phục những tồn tại không còn phù hợp với thực tiễn của Luật BHXH 2006, sẽ là cơ sở quan trọng để khuyến khích NLĐ tham gia BHXH tự nguyện và tăng tính hấp dẫn của chính sách này đối với nhiều đối tượng trong xã hội.

Một phần của tài liệu Áp dụng pháp luật bảo hiểm tự nguyện theo luật bảo hiểm xã hội việt nam (Trang 31 - 33)