Nội dung của dân chủ hóa

Một phần của tài liệu Sự phát triển của hiến pháp trong tiến trình dân chủ hóa ở đông á( bản full) (Trang 73 - 76)

Tiến trình dân chủ hóa ở Đông Á mở rộng các quyền tự do, tạo điều kiện tốt hơn cho các thành phần đa dạng trong các xã hội tham gia vào thảo luận, thỏa hiệp hình thành nên các quy tắc, luật lệ cùng chung sống, bao gồm những quy tắc phổ quát, cơ bản nhất phản ánh trong hiến pháp. Dân chủ hóa, với hai giai đoạn trọng tâm là chuyển đổi dân chủ và củng cố dân chủ, làm thay đổi quan hệ quyền lực, quan hệ giữa nhà nước và công dân. Quyền lực chính trị từ một trung tâm được phân tán ra nhiều trung tâm khác (có thể là

67

các đảng phái chính trị, các tổ chức hoặc phong trào xã hội dân sự). Dân chủ hóa có thể xác định gồm những nội dung chính sau:

Thứ nhất, bầu cử tự do và bình đẳng có vai trò thiết yếu để công dân có thể lựa chọn người đại diện, người lãnh đạo, cũng như để cho các nhu cầu xã hội có khả năng chuyển thành các chính sách của nhà nước. Bầu cử trực tiếp tổng thống được khôi phục tại Hàn Quốc vào năm 1987, sau 16 năm gián đoạn. Tại cuộc bầu cử này Roh Tae Woo thắng cử do phe đối lập bị phân tán phiếu cho hai ứng cử viên khác nhau. Tại Đài Loan, cuộc bầu cử có hai đảng lần đầu được tổ chức vào tháng 12 năm 1986, và cuộc bầu cử trực tiếp tổng thống đầu tiên được tổ chức vào năm 1996, trước đó Tổng thống do Quốc hội - cơ quan không phải do dân cử theo định kỳ - bầu ra. Trong năm 2000, tại cuộc tổng tuyển cử trực tiếp lần thứ hai, đánh dấu bước ngoặt khi đảng đối lập (Trần Thủy Biển của Đảng Dân Tiến) thắng cử, chấm dứt năm thập niên liên tiếp Quốc Dân đảng lãnh đạo Đài Loan.

Thứ hai, sinh hoạt tự do và cạnh tranh giữa các đảng phái chính trị cũng phản ánh mức độ dân chủ của một chế độ. Tại Nhật Bản, từ giữa thế kỷ XIX đã bắt đầu xuất hiện các đảng phái chính trị. Sau năm 1945, lực lượng Đồng Minh chiếm đóng Nhật Bản cũng nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của các đảng phái dân chủ, để xóa đi di sản của chế độ phát xít trước đó, cũng là để thực thi các cam kết đã nêu trong Tuyên bố Potsdam. Dẫu vậy, trong nhiều thập niên (1955-1993), Đảng Dân chủ Tự do đã liên tục cầm quyền tại Nhật Bản. Tại Hàn Quốc, chế độ quân phiệt của Park Chung Hee (do đảng Dân chủ Cộng hòa của các quân nhân thành lập và lãnh đạo) vẫn cho tồn tại các đảng đối lập, nhưng bị kiểm soát và khống chế gắt gao. Sau chuyển đổi năm 1987, các đảng phái hoạt động bình đẳng hơn, nhưng do văn hóa chính trị Hàn Quốc khiến hệ thống đảng thiếu ổn định cho đến gần đây. Tại Đài Loan, khi các nhân vật đối lập họp lại hình thành Đảng Dân Tiến (Dân chủ Tiến bộ - DPP) vào năm

68

1986, hoạt động của họ vẫn là bất hợp pháp, nhưng Tưởng Kính Quốc chỉ đạo chính quyền không trừng phạt. Cuộc bầu cử vào tháng 12 năm 1986 là cuộc bầu cử có hai đảng lần đầu tiên tại Đài Loan. Trước đó, tại Đài Loan trên danh nghĩa có nhiều đảng (có các đảng như Đảng Thanh niên Trung Hoa và Đảng Dân chủ xã hội Trung Hoa), nhưng thực tế chỉ có Quốc Dân đảng cầm quyền và không có sự cạnh tranh đảng phái.

Thứ ba, các quyền tự do của cá nhân được thực thi và bảo đảm tốt hơn, xã hội dân sự có không gian hoạt động tự do hơn. Các chế độ chuyên chế kiểm duyệt chặt chẽ các quyền ngôn luận, báo chí và xuất bản, cũng như đối với xã hội dân sự do lo ngại quyền lực tuyệt đối của mình bị tổn hại. Các cơ quan báo chí có vai trò như “cái loa” của các chính quyền độc đoán. Cùng với quá trình tự do hóa, sự kiểm soát của chính quyền lên báo chí được nới lỏng hơn, các cơ quan truyền thông có nhiều tự do hơn. Tại Hàn Quốc, Luật Báo chí năm 1980 được thông qua tiếp tục duy trì chế độ khắt khe tồn tại hai thập niên trước đó. Sau sự kiện Tuyên bố 29/12/1987, được coi như một cột mốc chuyển đổi, đạo luật đó bị hủy bỏ và thay thế bằng Luật Đăng ký các ấn phẩm định kỳ và Luật Phát thanh, truyền hình (1987). Cạnh đó, Tổng thống Roh đã cho sửa đổi nhiều đọa luật liên quan đến truyền thông như Bộ luật Hình sự và Luật An ninh Quốc gia. Các hiệp hội, phong trào công dân cũng có thêm nhiều không gian để hình thành và hoạt động.

Thứ tư, các hình thức dân chủ trực tiếp, đặc biệt là trưng cầu ý dân, được sử dụng nhiều hơn. Tại Đài Loan, theo Luật Trưng cầu ý dân, cuộc trưng cầu ý dân đầu tiên được tổ chức đúng vào ngày bầu cử tổng thống 20 tháng 3 năm 2004. Hai vấn đề được đưa ra trưng cầu là: 1) Chính phủ có nên củng cố năng lực quốc phòng bằng cách mua sắm thêm nhiều vũ khí hiện đại nếu Trung Quốc lục địa tiếp tục đe dọa Đài Loan; 2) Chính phủ có nên tham gia vào các cuộc đàm phán với Trung Quốc một cách bình đẳng để thiết lập một

69

khuôn khổ “hòa bình và ổn định”. Tuy nhiên chỉ có khoảng 45% cử tri đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu, dẫn đến cả hai bỏ phiếu đều vô hiệu vì không đủ số lượng tối thiểu 50% cử tri. Tại Hàn Quốc việc trưng cầu ý dân quy mô quốc gia chỉ được thực hiện khi thông qua hiến pháp vào các năm 1962, 1969, 1972, 1975, 1980 và 1987. Trong cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp năm 1987 đã có 94,4% cử tri ủng hộ việc sửa đổi.

Các yếu tố nêu trên có quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại nhau. Sự cạnh tranh của các đảng phái, cũng như hoạt động tích cực của các hiệp hội, phong trào công dân giúp cho bầu cử được công bằng. Ngược lại bầu cử giúp định hình và làm ổn định hệ thống chính đảng, bảo đảm quyền tham gia của người dân. Các yếu tố này làm gia tăng nhu cầu thể chế hóa, cần có sự bảo đảm bằng pháp luật và hiến pháp đối với các thể chế dân chủ. Cạnh đó, với những nội dung như vậy, có thể thấy Trung Quốc mới chỉ ở mức độ “tự do hóa” hơn là “dân chủ hóa” theo đúng nghĩa.

3.2. Sự ảnh hưởng của dân chủ hóa đến sự phát triển của hiến pháp ở Đông Á

Một phần của tài liệu Sự phát triển của hiến pháp trong tiến trình dân chủ hóa ở đông á( bản full) (Trang 73 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(193 trang)