Phương pháp nghiên cứu

Một phần của tài liệu Sự phát triển của hiến pháp trong tiến trình dân chủ hóa ở đông á( bản full) (Trang 56 - 59)

Ở đây, tác giả chọn khu vực Đông Á, khu vực địa lý có sự liên kết về văn hóa (đều chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa), với sự quan tâm chính vào Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, bởi lẽ chúng có nhiều nét tương đồng với nhau, cũng như với Việt Nam. Bốn trường hợp này có thể xếp vào ba mô hình, ba thang bậc phát triển. Mô hình Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng với Đài Loan, mô hình Trung Quốc tương đồng với Việt Nam, Bắc Triều Tiên và Mông Cổ (trước 1991).

Việc nghiên cứu mối tương tác dân chủ và hiến pháp có thể đặt phạm vi nghiên cứu ở quy mô quốc gia, khu vực hoặc toàn cầu. Trong khi bản thân hiến pháp đã là sự giao thoa giữa pháp luật và chính trị, việc tìm hiểu lịch sử của nó cần phải được đặt trong những bối cảnh kinh tế, văn hóa và xã hội cụ thể của quốc gia vào thời điểm cụ thể. Từ đó, việc nghiên cứu lịch sử hiến pháp so sánh có thể nhìn nhận như sự giao thoa giữa ba ngành khoa học là hiến pháp học, khoa học lịch sử và chính trị học.

Nghiên cứu lịch sử lập hiến so sánh có ý nghĩa mang lại cách nhìn, lý giải sâu và hệ thống về sự ra đời và phát triển (sửa đổi hay thay đổi) của các bản hiến pháp trong những bối cảnh lịch sử cụ thể. Bối cảnh đó lại gồm nhiều thành tố như các tư tưởng, với vai trò là lực đẩy, các diễn biến, sự phát triển của kinh tế, chính trị và xã hội. Khác với việc thuần túy so sánh các quy phạm, chế định (như phân quyền, bảo hiến, cơ quan lập pháp…) của các bản hiến pháp hiện hành, cách tiếp cận lịch sử giúp cho thấy rõ hơn sự nguyên do của sự thay đổi theo dòng thời gian. Nghiên cứu so sánh các quốc gia cũng có

50

thể mang lại những bài học nhất định trong việc xây dựng, thiết kế thể chế, hoàn thiện hiến pháp của các quốc gia ở mức thang thấp hơn trong tiến trình dân chủ.

Mặc dù mang lại những lợi ích như nêu trên, việc so sánh lịch sử lập hiến phải đối diện với một số khó khăn, đáng kể nhất là về tư liệu và tìm hiểu thực tiễn chính trị và xã hội. Về tư liệu, các nguồn tư liệu (văn bản của nhà nước, các tuyên bố chính trị, các bài nghiên cứu…) khó tiếp cận đối với người nghiên cứu ở nước ngoài, đặc biệt là các tư liệu không được dịch sang các ngôn ngữ phổ biến (tiếng Anh hay tiếng Pháp). Việc tìm hiểu thực tiễn chính trị và pháp lý của quốc gia, một công việc đòi hỏi sự quan sát lâu dài, cũng là điều rất khó thực hiện đối với một người ngoại quốc.

Luận án này là một nghiên cứu mô tả, phân tích và giải thích. Phạm vi nghiên cứu của đề tài là lịch sử lập hiến so sánh, là sự giao thoa giữa ba ngành khoa học: hiến pháp so sánh, chính trị học so sánh và lịch sử so sánh. Do đó, nghiên cứu này chủ yếu sử dụng phương pháp so sánh, thông qua việc tổng hợp, phân tích tư liệu. Tác giả đã so sánh các đặc điểm văn hóa, chính trị, xã hội của các quốc gia, so sánh tác động của các luồng tư tưởng, các biến đổi cơ cấu kinh tế, xã hội đối với khu vực, đặc biệt là đối với mô hình hình hiến pháp các quốc gia đã lựa chọn. Đồng thời, tác giả so sánh sự tác động của hiến pháp đối với dân chủ và các quyền tự do cá nhân trong thực tiễn, phản ánh ở ba khía cạnh: phân quyền, các quyền con người và cơ chế kiểm hiến.

Vì đối tượng nghiên cứu là các quốc gia ngoài Việt Nam, phương pháp chủ yếu được sử dụng là phân tích tư liệu. Các tư liệu có thể xếp thành hai nhóm, các tư liệu gốc (văn bản pháp luật, văn kiện của cơ quan nhà nước, bài phát biểu của chính trị gia…) và công trình khoa học (các bài viết nghiên cứu, sách…). Các tư liệu này chủ yếu bằng tiếng Anh và tiếng Việt.

Phương pháp định tính và phương pháp định lượng đồng thời được sử dụng trong luận án này. Phân tích định tính được sử dụng phân tích, đánh giá,

51

so sánh các đặc điểm, thuộc tính của diễn biến chính trị, tiến trình dân chủ hóa và phát triển hiến pháp tại các quốc gia. Phương pháp định lượng thể hiện ở việc thống kê số lượng hiến pháp của các quốc gia được ban hành, sửa đổi; số lượng bản án phán quyết về tính phù hợp với hiến pháp được đưa ra (trong đó có số lượng tuyên vi hiến). Việc so sánh hiến pháp thể hiện ở nhiều mức độ: 1) so sánh các chế định; 2) so sánh quy phạm; 3) so sánh các bản án về cùng lĩnh vực (về các quyền tự do, quyền bầu cử…).

Kết luận Chương 2

Chương 2 đã phân tích cơ sở lý luận của đề tài và khái quát về phương pháp nghiên cứu. Nghiên cứu so sánh lịch sử lập hiến, cũng như nghiên cứu sự tương tác giữa chính trị và hiến pháp khu vực Đông Á được đặt trong nền tảng lý luận chung của mối quan hệ giữa chính trị (dân chủ) với hiến pháp nói chung. Một số lý thuyết về dân chủ, về chủ nghĩa lập hiến, về mối quan hệ giữa dân chủ với hiến pháp, chủ nghĩa lập hiến đã nêu sẽ được sử dụng khi áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Đông Á. Phương pháp nghiên cứu chủ yếu được người viết sử dụng là phân tích, so sánh và tổng hợp tư liệu. Các phương pháp so sánh, phương pháp định lượng và định tính cùng được sử dụng.

52

CHƯƠNG 3.

SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA DÂN CHỦ HÓA ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN CỦA HIẾN PHÁP Ở ĐÔNG Á

Các yếu tố chính trị, sự thay đổi quan hệ quyền lực tại các quốc gia Đông Á đã định hình nên các bản hiến pháp. Tiến trình dân chủ hóa, mà cơ bản là sự chuyển đổi tương quan quyền lực, hình thành nên nhiều trung tâm quyền lực và mở rộng các quyền tự do cá nhân, đã tác động đến sự thay đổi của các bản hiến pháp quốc gia. Nhìn xa hơn, bản thân tiến trình dân chủ hóa lại là kết quả của nhiều nguyên nhân kinh tế, xã hội, văn hóa trong nước và quốc tế. Trong Chương này, một số nguyên nhân dẫn đến tiến trình dân chủ hóa, cũng như một số đặc điểm, nội dung của tiến trình đó ở Đông Á sẽ được phân tích (mục 3.1), trước khi đề cập đến sự ra đời của các bản hiến pháp như là kết quả của các tiến trình biến đổi chính trị và dân chủ hóa tại các quốc gia Đông Á (mục 3.2) và một số so sánh với Việt Nam (mục 3.3).

Một phần của tài liệu Sự phát triển của hiến pháp trong tiến trình dân chủ hóa ở đông á( bản full) (Trang 56 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(193 trang)