Trong luận án này, tác giả nêu ra giả thuyết nghiên cứu rằng thực tiễn chính trị, tiến trình dân chủ hóa, tự do hóa ở các quốc gia Đông Á – chịu ảnh hưởng lớn bởi các hệ tư tưởng (bản địa và du nhập), cũng như các thay đổi về cấu trúc kinh tế, xã hội - đã quyết định sự ra đời và phát triển của các bản hiến pháp. Theo chiều tác động ngược lại, hiến pháp đã góp phần củng cố các thiết chế dân chủ. Tuy nhiên, khả năng tác động ngược lại này là rất khác biệt tại các quốc gia, do bản thân mô hình hiến pháp, cũng như do các yếu tố văn hóa chính trị và điều kiện kinh tế, xã hội.
Xét từ góc độ mở rộng dân chủ, Nhật Bản đã đi đầu với mô hình quân chủ lập hiến với sự tiếp thu chủ nghĩa lập hiến Hoa Kỳ (hình thành Hiến pháp Nhật 1946), cũng như nhờ có nền tảng dân chủ từ giai đoạn Minh Trị và giai đoạn dân chủ Taisho (giữa thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20). Hàn Quốc và Đài Loan kế tiếp với phong trào dân chủ trong thập niên 1960 – 1980, mà vận động cải cách hiến pháp là một trong những mục tiêu trọng tâm của các lực lượng tiến bộ. Trung Quốc đang đi sau trong tiến trình cải cách chính trị này, dù đã bắt đầu tiến trình tự do hóa kinh tế và xã hội. Hiến pháp các quốc gia này phản ánh rõ nét các bước tiến chính trị, cũng như phản ảnh mức độ dân
49
chủ của quốc gia. Những bản hiến pháp dân chủ hơn đã hình thành được các cấu trúc, thể chế chính trị có khả năng tạo ra sự kiềm chế, đối trọng giữa các nhánh quyền lực, thiết lập cơ chế bảo hiến để duy trì sự phân quyền và bảo vệ các quyền tự do cá nhân.