Nét quen thuộc về con người làng quê trong thơ Nguyễn Bính

Một phần của tài liệu tình yêu làng quê việt nam trong thơ nguyễn bính trước cách mạng tháng tám 1945 (Trang 34 - 38)

5. Phương pháp nghiên cứu

2.1.1.2. Nét quen thuộc về con người làng quê trong thơ Nguyễn Bính

Thơ Nguyễn Bính viết cho tất cả mọi người. Con người quê hương hiện lên trong thơ ông đủ mọi lứa tuổi với những dáng vẻ khác nhau, có khi là những em bé hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng. “Có hai cô bé học trò, Xem con kiến gió đi đò lá tre”(Bên sông). Một chút tinh nghịch của tuổi học trò, một chút ngộ nghĩnh của những em bé

quê làm cho hồn thơ Nguyễn Bính thật gần gũi. Tưởng như em sắp bước ra khỏi trang thơ, khuất sau những bụi tre, những bờ lau chơi trò ú tim hay những trò chơi dân dã khác. Nguyễn Bính cũng viết về lớp người già, như là những lát cắt cuộc đời hằn in vào năm tháng. Đó là “bà lão lưng còng” ở xóm Tây, đó là những người mẹ “như bóng nắng chiều” suốt đời tần tảo. Chiếm vị trí trung tâm trong thơ Nguyễn Bính là những nam thanh nữ tú của làng quê, những người đang rộn ràng, xốn xang với những nhịp đập mới của“lòng yêu đương”, của những rung động ngây thơ trong sáng, e ấp buổi ban đầu. Vẻ đẹp của cô gái quê được đặc tả bởi những hình ảnh thiên nhiên đẹp, tươi sáng đầy hương sắc: “Một đi làm nở hoa sen; Một cười làm rụng hàng nghìn hoa mai; Hương thơm như thể hoa nhài; Những môi tô đậm làm phai hoa đào; Nõn nà như thể hoa cau; Thân hình yểu điệu như màu hoa lan” (Lòng yêu thương). Ấy là những cô gái “lòng trẻ còn như cây lụa trắng, mẹ già chưa bán chợ làng xa”, “lòng thấy giăng tơ một mối tình” (Mưa xuân) để rồi “mắt xanh biêng biếc một mình tương tư”

(Vài nét rừng). Đó là những cô gái duyên dáng với hương đồng nội: “Các chị trong làng đi bán lụa; Giắt đầu từng nắm lá hương nhu” (Cuối tháng ba), không chỉ những hình ảnh cô gái mà còn những hình ảnh chàng trai hiền lành, chân thật với một tâm hồn trong sáng và thanh khiết: “Hồn tôi giếng ngọc trong veo; Trăng thu trong vắt biển chiều trong xanh” (Tình tôi). Có lúc nồng nàn mãnh liệt, có lúc đôi chút dại khờ:

“Cái ngày cô chửa lấy chồng; Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa”(Qua nhà). Ngoài ra, Nguyễn Bính còn khắc họa hình ảnh của những người dân quê lam lũ vất vả, chân chất thật thà quanh năm dầm sương dãi nắng nhưng họ có một tâm hồn chân chất hiền lành. Đó là hình ảnh của người lái đò: cô gái lái đò (Cô lái đò), anh trai làng lái đò (Giấc mơ anh lái đò), người mẹ làng quê với công việc ruộng nương vất vả (Lòng mẹ), cô gái dệt cửi (Mưa xuân), cô hàng xóm chăn tằm, ươm tơ (Đàn tôi), cô gái hái mơ (Cô hái mơ)…Tất cả những hình ảnh ấy gợi lên sự gắn bó với công việc làng quê của những người làng quê.

Hình ảnh người dân quê trong thơ Nguyễn Bính là những người sống cuộc đời trầm lặng với những công việc rất giản đơn bình thường. Nhưng ẩn chứa bên trong cái hình dáng lam lũ, vất vả, siêng năng cần mẫn ấy là cả một tâm hồn cao quý, bao tình cảm chân thành với những ước mơ cao đẹp, sống đầy nghĩa đầy tình. Đó là những người không chỉ biết bổn phận, biết gánh vác công việc mà là những người chịu khó

biết huy sinh. Với hình ảnh người mẹ, người vợ, nhà thơ cũng đã có những vần thơ hết sức thiết tha:

“Tết đến, mẹ tôi vất vả nhiều, Mẹ tôi lo việc đủ trăm điều”.

(Tết của mẹ tôi) Hay “Vì tằm tôi phải chạy dâu

Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay”.

(Thời trước)

Hình ảnh người mẹ, người vợ ở đây như nhận hết những lo toan khó nhọc về mình, hết lòng hi sinh vì chồng con. Họ là những người rất năng động trong công việc, sống nghĩa tình. Thế nhưng, họ cũng là người rất kín đáo, nhất là trong chuyện tình cảm. Họ trở nên rụt rè, e dè, nhút nhát, e lệ, ngại ngùng đôi khi còn sợ sệt. Vì vậy, mà người làng quê trong thơ Nguyễn Bính có đặc sắc riêng. Người con trai đã thương thầm nhớ trộm người con gái mà anh ta từng đưa đò cho cô sang sông. Anh ta giấu kín tình cảm ấy trong lòng. Anh thẹn thùng không dám nói ra điều mơ ước lòng mình từ bấy lâu:

“Năm xưa chở chiếc thuyền này, Cho cô sang bãi tước đay chiều chiều.

Để anh mơ mãi, mơ nhiều, Tước đay xe võng nhuộm điều, ta đi”.

(Giấc mơ anh lái đò)

Nguyễn Bính không chỉ nắm được tâm trạng của những chàng trai mà còn hiểu được nỗi lòng của những cô gái quê có tâm hồn bình dị, mộc mạc:

“Em là con gái trong khung cửi, Dệt lụa quanh năm với mẹ già. Lòng trẻ còn như cây lụa trắng, Mẹ già chưa bán chợ làng xa”.

(Mưa xuân)

Hiện lên trong bài thơ là khung cảnh của một gia đình nề nếp có mẹ già có cô gái tuổi hoa niên. Hình ảnh cô gái hiện lên dịu dàng, trong trắng nhưng dường như khuôn khổ của gia đình và công việc cần mẫn quanh năm, tưởng như có sự tách biệt của người con gái với cuộc sống bên ngoài. Những cô gái quê quanh năm chỉ biết vui với

ruộng vườn nhưng hội chèo về hát đã khiến họ xin phép mẹ đi xem để được gặp người yêu, tình yêu trong lòng họ thật sôi nổi.

Những đêm mưa xuân “phơi phới bay” lại có hội chèo đi qua ngang ngõ thì đặc biệt những cô gái đương yêu thì làm duyên làm dáng :

“Nhớ thuở hội xuân chèo đóng trống, Xin mình giấy đỏ đánh môi son”.

(Trở về quê cũ)

Lại có những cô gái theo bà đi hát chèo ở làng quê lần đầu tiên đeo đôi khuyên bạc. Đây cũng là nguyên cớ của biết bao niềm sung sướng, thẹn thùng:

“Nàng đẹp mà nàng lại có duyên Trai thôn thầm liếc, liếc thầm khen Thấy cô nhìn mình, nàng quá thẹn Níu bà về để tháo đôi khuyên”.

(Đôi khuyên bạc)

Ngoài ra, hình ảnh những cô gái quê, người đã lấy chồng, người đang thời thiếu nữ, người mới dậy thì, … có lẽ được ngòi bút Nguyễn Bính khắc họa nhiều, thậm chí là nhiều hơn cả trong số người chân quê. Phải thế chăng, cũng như các bà mẹ, họ là hình ảnh của quê hương, nhưng là quê hương tươi trẻ. Nhớ về làng quê xưa là nhớ tới những cô thôn nữ chăn tằm dệt vải; những người con gái ấy thật chăm chỉ, cần cù và cũng duyên dáng, tình tứ biết bao bên khung cửi – con thoi đi về giữa những sợi tơ giăng mắc như hình ảnh cụ thể hóa cho những nhớ nhung quấn quýt trong lòng cô gái:

“Gieo thoi, gieo thoi, lại gieo thoi Nhớ nhớ, mong mong, mãi mãi rồi Thoi ạ làm sao thoi lại cứ

Đi về giăng mắc để trêu tôi”.

(Nhớ)

Chính những hình ảnh đó đã nói lên phần nào số phận của các cô gái. Có những cô gái bị ép lấy chồng chấp nhận lấy người mình không yêu (Lỡ bước sang ngang). Rồi có những cô gái mãi chờ người tình, nhưng đợi mãi đợi mãi cô đành chấp nhận lấy chồng nhưng lòng vẫn ngóng trông một người (Cô lái đò). Tuy vậy họ luôn khao khát có được một hạnh phúc đơn sơ giản dị, một cuộc sống tốt đẹp hơn (Hôn nhau lần cuối). Như vậy, Nguyễn Bính đã dành tình cảm chân thật của mình để phát hiện ra

những rung động nhỏ bé trong tâm hồn người nhà quê. Những tình cảm chân thật chất phác ấy luôn làm cho mối quan hệ con người thêm ấm áp. Tình yêu chốn thôn quê thật sâu sắc.

Người làng quê trong thơ Nguyễn Bính luôn sống hết mình trong tình cảm, chịu lắm khó khăn, gặp nhiều cảnh đời bi kịch. Thế nhưng họ không hề bi quan trước nỗi khổ đau của số phận mình. Cao quý và đáng trân trọng là nhà thơ đã khắc họa những hình ảnh người mẹ chịu nhiều vất vả, đảm đang, chịu cực, lam lũ ẩn bên trong là tâm hồn đôn hậu, thuần phác nhưng cũng rất mực thương con cái. Nguyễn Bính dành khá nhiều bài thơ để viết về những người mẹ, có lẽ vì ở thời nào chẳng thế, hình bóng người mẹ cũng là hình bóng quê hương. Trong phong trào Thơ mới cũng có những bài thơ cảm động về mẹ: Chiếc rổ may (Tế Hanh),Nắng mới (Lưu Trọng Lư),Đường về quê mẹ (Đoàn Văn Cừ) …

Con người trong tác phẩm của Nguyễn Bính phần lớn là người nông dân tay lấm chân bùn, chân chất làm ăn, chịu thương chịu khó. Suốt ngày: “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhưng họ đều là con người đáng trân trọng, đáng được yêu thương, đùm bọc, chở che. Bởi ở mỗi con người họ đều toát lên nét tính cách cần cù, siêng năng, chịu khó, biết vươn lên chính đôi bàn tay trắng của mình. Ở họ luôn có tình cảm đằm thắm, cởi mở, cư xử thật thà, thân thương trìu mến. Cùng thời với Nguyễn Bính còn có Bàng Bá Lân một cây bút rất tiêu biểu với những bài thơ viết về con người làng quê. Hình ảnh con người làng quê trong thơ Bàng Bá Lân cần cù, chăm chỉ làm ăn, luôn bận rộn từ ngày này sang ngày khác nhưng sâu thẳm tâm hồn họ là một tình yêu làng quê sâu đậm, luôn lạc quan với cuộc sống cũng như công việc của mình.

Nguyễn Bính đã ca ngợi nét đẹp ngoại hình của những người nông dân, đồng thời rất cảm phục ở tính cần mẫn, tần tảo chịu gian lao vất vả của người vùng quê đồng ruộng sông nước. Ở họ không một tiếng kêu than, không chán nản dù công việc có nặng nhọc đến mấy. Tóm lại hình ảnh người dân quê trong thơ Nguyễn Bính hiện lên rất sinh động. Họ là những người chân chất, hiền lành, sống cuộc đời bình dị và gắn bó với những công việc rất bình thường nhưng tâm hồn họ lại sáng trong, tinh khiết.

Một phần của tài liệu tình yêu làng quê việt nam trong thơ nguyễn bính trước cách mạng tháng tám 1945 (Trang 34 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)