Các công trình nghiên cứu có liên quan và bài học kinh nghiệm

Một phần của tài liệu Đánh giá vai trò của hợp tác xã đối với phát triển kinh tế hộ của các xã viên tại xã nghĩa khánh, huyện nghĩa đàn, tỉnh nghệ an” (Trang 33 - 38)

2.2.3.1 Các công trình nghiên cứu có liên quan

Kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn. Khi bàn về lĩnh vực này đã có rất nhiều những nghiên cứu liên quan nhằm đánh giá thực trạng hoạt động cũng như đề ra những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX. Tuy nhiên, đi nghiên cứu sâu về vai trò mà HTX mang lại cho xã viên thì còn rất hạn chế. Sau đây là một số nghiên cứu có liên quan đến đề tài:

1. Nguyễn Văn Quý (2010). “Vai trò của Hợp tác xã nông nghiệp đối với các hoạt động sản xuất nông nghiệp tại xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tình Thừa Thiên Huế”. Nghiên cứu đã chỉ ra được những lợi ích mà HTX nông nghiệp mang lại cho xã viên mà chủ yếu là trên lĩnh vực sản xuất. Đó là những lợi ích trong việc điều hành, chỉ đạo sản xuất cũng như khi xã viên sử dụng các dịch vụ của HTX như giá cả, chất lượng, thời gian cung ứng đảm bảo,... ngoài ra, HTX còn dịch vụ khâu cho xã viên vay vốn. Ngoài những lợi ích trên, HTX còn luôn quan tâm hỗ trợ đến đời sống văn hóa của người dân. Tác giả cũng đã chỉ rõ những thuận lợi cũng như những khó khăn trong việc

phát huy vai trò của mình, từ đó đề ra những biện pháp nhằm khắc phục và phát huy vai trò của HTX đối với người dân nơi đây.

2. Trần Quốc Nhân và cộng sự (2012).“Phân tích lợi ích của hợp tác xã kiểu mới mang lại cho người dân: Trường hợp nghiên cứu hợp tác xã Long Tuyền, Quận Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ”. Nghiên cứu cũng đã đề cập khá chi tiết đến những lợi ích mà HTX kiểu mới mang lại cho người dân, cụ thể đó là vai trò trong việc định hướng mô hình sản xuất cho người dân, cung cấp các lớp tập huấn, tạo điều kiện cho xã viên tham quan học hỏi những mô hình sản xuất giỏi, vai trò trong việc cung ứng đầu vào đầu ra, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, tác giả chưa phân tích được các yếu tố ảnh hưởng đến việc phát huy vai trò của HTX đối với các xã viên và chưa đề ra được những giải pháp cụ thể.

3. Ủy ban kinh tế của Quốc hội và UNDP tại Việt Nam (2012). “Sự phát triển của Hợp tác xã và vai trò của Hợp tác xã đối với an sinh xã hội”. Nghiên cứu này trình bày khá chi tiết và sâu sắc về quá trình hình thành, phát triển và hoạt động của HTX ở Việt Nam. Tuy nhiên, mục tiêu chính của nó vẫn là phân tích vai trò của HTX đối với an sinh xã hội. Các tác giả đã trình bày và phân tích rất sâu về vai trò của HTX trong việc đảm bảo mức sống tối thiểu cho người dân, cải thiện thị trường lao động, cũng như vai trò trong việc thực thi các chính sách bảo hiểm và các chính sách ưu đãi xã hội, trợ giúp xã hội đối với khu vực HTX. Nghiên cứu cũng đã đưa ra hàm ý chính sách, để từ đó đề ra định hướng và các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao vai trò của HTX hơn nữa đối với an sinh xã hội.

Những công trình nghiên cứu trên đã phân tích, đánh giá được những lợi ích mà HTX mang lại cho xã viên cũng như đã đề ra được một số những giải pháp nhằm phát huy vai trò của HTX. Mặc dù vậy, các nghiên cứu còn phân tích khá chung, chưa tìm hiểu được các yếu tố ảnh hưởng đến việc phát huy vai trò của HTX đối với các xã viên, chưa đưa ra những giải pháp cụ thể,

sát sao với thực tế. Vì vậy, những phân tích dưới đây sẽ góp phần chia sẻ những kinh nghiệm thiết thực trong việc tìm ra giải pháp, kiến nghị cho việc nâng cao vai trò của HTX đối với các xã viên trong HTX nói chung và HTX Nghĩa Khánh nói riêng.

2.2.3.2 Bài học kinh nghiệm về vai trò của HTX đối với xã viên

Với điều kiện sản xuất nông nghiệp như nước ta (quy mô đất nhỏ, manh mún), để giúp các hộ nông dân cải thiện điều kiện sản xuất cần phải liên kết các hoạt động đầu ra, đầu vào cho họ dưới hình thức tốt nhất là HTX dịch vụ nông nghiệp. Bởi vì theo tôn chỉ của HTX từ trước tới nay thì HTX có thể mang đến rất nhiều lợi ích cho các xã viên và cộng đồng xung quanh.

Thứ nhất, nhận thức được vai trò của các HTX nông nghiệp: HTX nông nghiệp ở các nước Châu Á thường được hiểu là để phục vụ người dân ở nông thôn, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực nông nghiệp mà nó bao gồm tất cả các khâu dịch vụ liên quan đến đời sống của người dân như dịch vụ đầu vào đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, dịch vụ nhu yếu phục vụ đời sống hàng ngày, đồ gia dụng, dịch vụ nâng cao đời sống cho người dân, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ (bệnh viện),...Trong khi đó HTX nông nghiệp ở nước ta chỉ chú trọng vào những khâu dịch vụ mang tính chất nông nghiệp đặc thù. Do vậy, mà khái niệm về HTX nông nghiệp của nước ta cũng nên hiểu trên nghĩa rộng hơn là HTX nông nghiệp đa chức năng nhằm phục vụ nông thôn, từ đó có chính sách khuyến khích loại hình này phát triển.

HTX nông nghiệp các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Thái Lan đã chiếm lĩnh được thị phần chi phối trong cung cấp dịch vụ đầu vào, chế biến, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp với hệ thống phân phối rộng lớn khắp khu vực nông thôn. Bên cạnh đó thì dịch vụ chuyển giao KHKT sản xuất nông nghiệp cũng đã được HTX nông nghiệp đảm nhận và thực hiện rất tốt, đáp ứng được nhu cầu của người nông dân. Ngoài những dịch vụ chính, thì các dịch vụ khác như cung ứng tiêu dùng, tín dụng tiết kiệm, tín dụng cho vay

cũng được HTX nông nghiệp làm tốt. Trong khi đó ở nước ta HTX nông nghiệp mới chỉ làm được những dịch vụ cơ bản như tưới tiêu, vật tư nông nghiệp... còn những dịch vụ khác có giá trị gia tăng cao thì chưa làm được do yếu về vốn, về con người, về cơ sở vật chất và một vấn đề lớn là niềm tin của xã viên, của nông dân đối với HTX còn ở mức thấp. Qua đây, Nhà nước có thể định hướng về vai trò của HTX nông nghiệp ở nước ta trong thời gian tới có phải là một tác nhân chính nhằm chi phối sự phát triển nông thôn hay không? Hay chỉ là tác nhân cung cấp dịch vụ thông thường như hiện nay. Nếu muốn phát triển được như mô hình một số nước có HTX nông nghiệp phát triển đòi hỏi Nhà nước phải có quyết tâm cao, đầu tư lớn, thu hút được đội ngũ quản lý HTX giỏi. Làm sao HTX nông nghiệp trở thành một địa chỉ tin cậy cho người nông dân sản xuất và người tiêu dùng.

Thứ hai, về mặt tổ chức trong HTX: Hiện nay các HTX nông nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Thái Lan đều có hệ thống tổ chức cung cấp dịch vụ chuyên ngành từ trên xuống, hay hệ thống chế biến, tiêu thụ nông sản (thành lập các liên đoàn quốc gia, tỉnh rồi đến HTX nông nghiệp đa chức năng). Trong khi đó ở nước ta chưa có một tổ chức chặt chẽ để cung cấp dịch vụ từ trên xuống nên các hoạt động dịch vụ của HTX nông nghiệp không đồng nhất, mạnh ai người ấy làm. Về quy mô HTX, xu thế của các nước hiện nay là hợp nhất các HTX quy mô nhỏ (thôn, xã) thành HTX quy mô lớn với hình thức là HTX nông nghiệp đa chức năng. Ví dụ: Nhật Bản sau nhiều năm tổ chức lại HTX nông nghiệp, trước những năm 1950 có hơn 15 nghìn HTX nông nghiệp (xuất phát từ HTX cấp thôn, làng) nay sát nhập chỉ còn 740 HTX nông nghiệp đa chức năng sơ cấp. Do vậy, bài học kinh nghiệm cho Việt Nam có thể củng cố, sắp xếp, hợp nhất những HTX nông nghiệp quy mô nhỏ, thiếu cơ sở vật chất, yếu đội ngũ quản lý thành những HTX quy mô lớn hơn.

Thứ ba, về đội ngũ quản lý HTX: Đội ngũ quản lý HTX của các nước đã được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên môn chuyên ngành cao. Trong

khi HTX nông nghiệp nước ta hiện nay thiếu đội ngũ cán bộ có kiến thức quản lý HTX và thiếu kinh nghiệm. Mặc dù trong những năm qua Nhà nước đã bỏ ra khá nhiều tiền để đào tạo đội ngũ “cán bộ HTX”, nhưng chủ yếu mới tập trung vào các chức danh chủ nhiệm, phó chủ nhiệm và trưởng ban kiểm soát HTX và chất lượng đào tạo chưa cao. Chúng ta còn rất nhiều hạn chế trong đào tạo xã viên cho HTX, vì vậy Chính phủ cần xem xét lại công tác đào tạo đội ngũ cán bộ và xã viên và tăng cường thêm công tác đào tạo.

PHẦN III

Một phần của tài liệu Đánh giá vai trò của hợp tác xã đối với phát triển kinh tế hộ của các xã viên tại xã nghĩa khánh, huyện nghĩa đàn, tỉnh nghệ an” (Trang 33 - 38)