• Về vốn và tài chính
Hiện nay các DNV&N gặp phải tình trạng khó khăn về vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Thị trường cung ứng vốn cho các DNV&N chủ yếu là thị trường tài chính phi chính thức. Các chủ doanh nghiệp thường vay vốn của
thân nhân, bạn bè và vay của những người cho vay lấy lãi. Hầu như các DNV&N nhất là các DNV&N ngoài quốc doanh không tiếp cận được với nguồn vốn chính thức của Ngân hàng. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân như: Hệ thống ngân hàng, chủ yếu dành các khoản tín dụng cho các DNNN, các DNV&N không đáp ứng được các đòi hỏi của ngân hàng về các thủ tục như lập dự án khả thi, thủ tục thế chấp và mức lãi suất. Hiện nay các thủ tục vay vốn của ngân hàng và các tổ chức tín dụng còn rất phức tạp, dẫn đến chi phí giao dịch cao làm cho những khoản tín dụng này trở nên quá đắt đối với các DNV&N. Thủ tục phức tạp và chi phí giao dịch cao cũng lại làm cho các ngân hàng không muốn cho các DNV&N vay. Bởi vì dưới góc độ của các ngân hàng, thủ tục cho vay những khoản vốn nhỏ cũng không kém phần phức tạp so với các khoản vốn lớn mà lợi nhuân lại ít và các quy định quá khắt khe về tài sản thế chấp và dự án khả thi cũng đội các chi phí lên cao. Chính vì thế, ngân hàng thì nhận được ít lợi nhuận đi còn các DNV&N thì không đáp ứng được các điều kiện vay vốn, cho nên các ngân hàng không muốn cho họ vay. Trong khi đó các DNNN thì lại vay vốn mà không cần phải thế chấp tài sản. Đây là một trong những phân biệt đối xử lớn hiện nay.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như các phương pháp định giá tài sản thế chấp không còn rõ rang, thường đánh giá rất thấp giá trị của các tài sản thế chấp so với giá trị thực của nó, và các quy định của ngân hàng về vấn đề này còn rất tùy tiện. Bên cạnh đó một số chủ doanh nghiệp ngoài quốc doanh không muốn vay ngân hàng vì như vậy khó trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế.
Các khoản hỗ trợ, viện trợ từ bên ngoài quốc gia, các tổ chức, các dự án là rất hiệu quả nhưng chưa thấm tháp vào đâu với nhu cầu của các DNV&N. Các chính sách tài chính tín dụng chưa được tiến hành đồng bộ và thực thi hiệu quả nên tác động chưa thật tốt đến nhu cầu bức xúc về vốn của các DNV&N hiện nay.
Trình độ thiết bị, công nghệ trong các DNV&N rất lạc hậu. Chỉ trừ một số ít các doanh nghiệp mới thành lập, còn phần lớn sử dụng các thiết bị lạc hậu tới 20 – 50 năm so với các nước trong khu vực. Năng lực công nghệ và kĩ thuật hạn chế, trang bị vốn thấp (chỉ bằng 3%) so với mức trang bị kĩ thuật trong các doanh nghiệp công nghiệp lớn. Tỷ lệ đổi mới trang thiết bị thấp. Trong khi đó, nhiều sản phẩm công nghệ hiện nay như các sản phẩm điện tử, viễn thông, hóa thực phẩm có chu kì sống rất ngắn. Với tốc độ đổi mới máy móc thiết bị như vậy thì không tránh khỏi tụt hậu. Do đó mà năng suất thấp, giá thành cao, rất khó cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Thực trạng này cũng không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì các DNV&N được định nghĩa với tiêu chí vốn tương đối thấp và gặp rất nhiều khó khăn trong việc vay vốn tín dụng trung và dài hạn cần thiết cho việc đầu tư, nâng cấp công nghệ. Đặc biệt các DNV&N còn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế trong lĩnh vực công nghệ, máy móc và thiết bị do thiếu thông tin về thị trường này. Những tồn tại căn bản trong tình hình công nghệ lạc hậu hiện nay ở khu vực DNV&N là:
• Thiếu vắng chiến lược công nghệ cho DNV&N, do đó đổi mới công nghệ diễn ra một cách tự phát, cá biệt, thiếu định hướng, hướng dẫn và hỗ trợ của Nhà nước hoặc các doanh nghiệp lớn.
• Thiếu thông tin hướng dẫn và điều kiện tiếp cận công nghệ, năng lực tài chính hạn hẹp. Việc đổi mới công nghệ vẫn chỉ là việc làm tự thân của DNV&N.
• Tiến trình thay đổi công nghệ diễn ra chậm chạp, chưa tương xứng với tốc độ gia tăng của thị trường. Việc đổi mới công nghệ chỉ tập trung vào một số ngành và chủ yếu ở các thành phố lớn, các ngành này đã đạt được những tiến bộ nhất định về công nghệ và từ đó tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường (ngành may mặc, thủ công mỹ nghệ, hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa,
• Thiếu những giải pháp đồng bộ trong việc tiếp thu công nghệ ngoại nhập, thiếu thông tin tư vấn, trình độ và tổ chức đánh giá thẩm định cho nên khoảng 70% máy móc thiết bị mua về ở mức trung bình, trong đó một bộ phận đáng kể là máy móc, thiết bị dùng lại. Việc quản lý công nghệ nhập còn nhiều sơ hở, quy chế giám định công nghệ chưa chặt chẽ gây nhiều tổn thất lớn về kinh tế.
• Vai trò hướng dẫn, quản lý của các ngành kinh tế - kĩ thuật, của các cơ quan quản lý Nhà nước, của các tổ chức tư vấn về công nghệ còn thiếu và lúng túng. Cơ chế chính sách, cơ chế chuyển giao công nghệ không đồng bộ; quy trình, quy phạm thiếu sự hỗ trợ trong chính sách tài chính tín dụng, do đó DNV&N không đủ sức đổi mới công nghệ hoặc tiếp thu công nghệ mới kém hiệu quả, cơ chế kiểm soát chuyển giao công nghệ chưa chặt chẽ.
• Thiếu sự phối hợp giữa cơ quan nghiên cứu triển khai với các DNV&N, tiềm năng nghiên cứu của các viện, trung tâm, các trường đại học chưa được khai thác phục vụ cho các chương trình đổi mới công nghệ, thiếu sự hỗ trợ về công nghệ giữa các doanh nghiệp lớn với các DNV&N.
• Thiếu đội ngũ chuyên gia, công nhân lành nghề, thợ bậc cao, những nhà hoạch định chính sách và tổ chức ứng dụng công nghệ mới.
Kế đó, còn một số nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến hoạt động chuyển giao công nghệ của các DNV&N như:
• Các doanh nghiệp chưa được phép khấu hao nhanh máy móc thiết bị do đó chưa khuyến khích được doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
• Việc yêu cầu các hợp đồng chuyển giao công nghệ phải được Chính phủ phê chuẩn với các thủ tục, quy định hiện hành gây khó khăn, phiền hà và mất rất nhiều thời gian cho các doanh nghiệp. Và cũng chính quy định hiện hành làm cho các DNV&N không đủ điều kiện tài chính mua máy móc thiết
bị mới cũng không thể nâng cao công nghệ của mình bằng cách nhập máy móc thiết bị cũ nhưng phù hợp với năng lực sản xuất của họ.
• Các thủ tục cồng kềnh, tốn kém trong việc cấp thị thực nhập cảnh cho các chuyên gia nước ngoài, những người chuyển tải công nghệ vào Việt Nam, và thuế thu nhập cao mà các chuyên gia này phải chịu so với các nước Đông Nam Á đã không khuyến khích họ đến Việt Nam.
• Nhập khẩu máy móc thiết bị hiện nay của các DNV&N đang phải chịu mức thuế suất cao trong khi đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại được miễn thuế nhập khẩu.
• Lao động của các DNV&N
Nhìn chung lao động trong các DNV&N ít được đào tạo qua các trường lớp chính thống mà chủ yếu theo phương pháp truyền nghề, trình độ văn hóa thấp, đặc biệt là số lao động trong các cơ sở kinh doanh nhỏ. Sở dĩ như vậy là do cơ cấu lao động đã qua đào tạo rất bất hợp lý, cụ thể là: tỷ lệ giữa đào tạo đại học – trung học – công nhân kĩ thuật là 1 – 1,5 – 2,5 trong khi ở các nước đang phát triển trong khu vực tỷ lệ này là 1 – 4 – 10. Điều đó dẫn đến tổng số lao động qua đào tạo đã ít, tổng số công nhân kĩ thuật lại càng ít hơn so với nhu cầu thực tế. Hơn nữa chất lượng dạy nghề lại yếu, nguyên nhân là do trang bị cơ sở vật chất kĩ thuật, đội ngũ giáo viên, giáo trình, giáo án đều rất thiếu thốn và lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu.
Đội ngũ lao động hiện nay có trong các DNV&N, phần đông có trình độ văn hóa cấp II (40 – 45%), số có trình độ văn hóa phổ thông trung học cũng chiếm một tỷ trọng khá (20 – 30%) và số có trình độ tiểu học và chưa biết chữ còn chiếm tỷ trọng khá lớn (25 – 30%). Song, về trình độ tay nghề kĩ thuật của người lao động trong các DNV&N hiện nay rất thấp, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Số lao động có tính chất phổ thông, có trình độ tay nghề giản
đơn, chưa được đào tạo bình quân chiếm khoảng 60 – 70%. Ở một số vùng nông thôn, số được đào tạo nghề chính quy chỉ chiếm khoảng 10%.
• Đội ngũ quản lý
Nói đến đội ngũ quản lý của DNV&N là nói đến những kiến thức và năng lực quản lý kinh doanh của các chủ doanh nghiệp. Thực tế đội ngũ của các chủ doanh nghiệp nước ta hiện nay cho thấy, họ có nhiều bất cập với đòi hỏi trong thương trường hiện đại. Đại đa số các chủ doanh nghiệp chỉ có trình độ kiến thức văn hóa phổ thông cấp II (45 – 50%), một số không nghiều có trình độ văn hóa phổ thông trung học, cao đẳng và đại học (30 – 35%). Còn một bộ phận đáng kể có trình độ văn hóa cấp tiểu học (10 – 15%), thậm chí cá biệt có người chưa đọc thông viết thạo. Chỉ có rất ít chủ doanh nghiệp (2 – 3%) của các doanh nghiệp vừa và nhỏ được đào tạo kiến thức quản lý chính quy.
• Về nhà xưởng, mặt bằng sản xuất kinh doanh và các kết cấu hạ tầng khác
Điều kiện mặt bằng cho sản xuất kinh doanh của các DNV&N nhìn chung hiện đang rất chật hẹp và gặp nhiều khó khăn trong việc tạo lập và mở rộng mặt bằng, do cơ chế chính sách chưa thích hợp và khả năng tài chính hạn chế của các doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp phải thuê mướn lại mặt bằng của doanh nghiệp nhà nước hoặc phải dùng nhà ở làm nơi sản xuất, kinh doanh, giao dịch, giới thiệu, bán hàng. Hệ thống cung cấp điện nước cho các DNV&N nhiều nơi không đảm bảo. Hệ thống xử lý nước thải và rác thải của các DNV&N hầu như không có, gây tác hại lớn đến môi trường sống.
• Về khả năng tiếp cận thông tin và hệ thống thông tin
Khả năng tiếp cận thông tin của các DNV&N ở nước ta hiện rất hạn chế và gặp nhiều khó khăn do hệ thống thông tin chưa đáp ứng được những yêu cầu của sản xuất kinh doanh, chưa nhanh nhạy, kịp thời, chính xác và đầy
đủ. Mặt khác các DNV&N không có bộ phận chuyên trách về thu thập và xử lý thông tin do nguồn tài chính hạn hẹp, trình độ thu thập, xử lý thông tin của các chủ doanh nghiệp còn rất hạn chế.