Phần 6: Kết luận
6.2.1. Kiến nghị thay đổi khung pháp lý
Mô hình tổ chức chính quyền đô thị của thành phố nhất định phải khác với bộ máy chính quyền nông thôn. Với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của cả nước, các đô thị cần phải thay đổi hệ thống tổ chức để nâng cao hiệu quả quản lý, tập hợp nguồn lực cho phát triển. Đổi mới chính quyền đô thị và hệ thống quản lý cho phù hợp với các đặc trưng của đô thị là điều bắt buộc. Để áp dụng mô hình chính quyền đô thị khác với mô hình tổ chức bộ máy chính quyền địa phương ba cấp theo quy định của Hiến pháp năm 1992 và Luật Tổ chức HĐND, UBND năm 2003, thì điều trước tiên là cần thay đổi về Hiến pháp, và các khung pháp lý có liên quan.
Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng, hình thành chính quyền ba cấp và phân cấp chức năng theo luật hiện hành là không hiệu quả. Vì vậy để áp dụng mô hình chính quyền đô thị mới hiệu quả hơn thì điều trước tiên cần phải sửa đổi Hiến pháp 1992 và Luật Tổ chức HĐND, UBND năm 2003. Theo đó, các điều sửa đổi của Hiến pháp cần ghi rõ bộ máy chính quyền đô thị của thành phố trực thuộc trung ương (thành phố - quận - phường) khác với bộ máy chính quyền nông thôn (tỉnh - huyện - xã). Cấu trúc của đô thị là đơn nhất cho nên chỉ có một bộ máy chính quyền duy nhất. Tuy nhiên, nếu là đô thị lớn thì thêm cánh tay nối dài quận và phường, và trong trường hợp này quận và phường chỉ là những cơ quan hành chính địa phương, không phải là những cấp chính quyền đầy đủ theo cách gọi hiện nay là có HĐND và UBND. Thành phố quá rộng lớn, đông dân và phức tạp thì có thể tổ chức các đô thị trong thành phố (như mô hình chính quyền đô thị của TP. HCM đề xuất). Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, chính quyền đô thị đa số là một cấp - chính quyền thành phố có Thị trưởng và Tòa thị chính, còn cấp dưới là cơ quan hành chính tự quản chứ không phải một chính quyền đầy đủ. TP. Hà Nội khi sát nhập các tỉnh Hà Tây, Hà Đông vào đã có các thị xã, thị trấn. TP. HCM đang trong quá trình đô thị hóa mạnh, các vùng nông thôn ngoại thành đã và đang trở thành các khu đô thị hiện đại, vì vậy việc hình thành nhiều đô thị hay chuỗi đô thị trong hai thành phố này là một hiện thực. Như vậy trong quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng phải thể hiện được các đặc điểm này.
Ngoài việc thay đổi các điều khoản liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương, chính quyền đô thị, thì Hiến pháp, Luật Tổ chức HĐND, UBND cần thể hiện trong các quy định về quyền lực và trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền đô thị. Hiến pháp sửa đổi cần quy định một tỷ lệ nhất định số đại biểu HĐND là đại diện cho quyền lợi của dân là đại biểu chuyên trách đại diện theo khu vực
bầu cử, phải giám sát hoạt động của chính quyền vì lợi ích của cử tri - người dân và phản ánh kịp thời những khiếu nại, ý kiến của người dân cho chính quyền.
Ngoài việc sửa đổi Hiến pháp 1992, Luật tổ chức HĐND và UBND 2003, nhiều bộ luật như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng… cũng như các nghị định, thông tư của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương có liên quan phải thay đổi cho phù hợp với mô hình chính quyền đô thị trong phân cấp quản lý chức năng giữa trung ương và địa phương, giữa UBND thành phố, các sở ngành và quận, phường. Theo đó, cần trao quyền tự chủ cho các đô thị, thành phố trực thuộc trung ương trong thu hút các nguồn lực cho phát triển. Các thành phố trực thuộc trung ương cần được trao quyền trong quyết định đầu tư, tài chính đô thị (tạo nguồn thu cho phát triển hạ tầng, phát triển đô thị), quản lý sử dụng đất đô thị có hiệu quả.