Trong những năm gần đây, giáo dục nước ta đã có nhiều cố gắng trong việc đổi mới các hình thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh, tuy vậy mục tiêu của việc kiểm tra đánh giá vẫn tập trung vào chức năng phân loại kết quả học tập của học sinh (và cả sinh viên), mục tiêu định hướng học tập còn ít được chú ý đến [13]. Thực tế hiện nay cho thấy việc kiểm tra, đánh giá còn thiên về kiểm tra trí nhớ, học thuộc một cách đơn điệu. Người ra đề ít chú ý đến mục đích cụ thể của đề kiểm tra muốn phát triển năng lực gì cho HS [13]. Điều này dẫn đến kết quả là một phần không nhỏ các em học sinh lười phân tích suy luận khi học tập và làm kiểm tra. Mặt khác, từ chính việc người ra đề không xác định mục tiêu cụ thể cần đạt được của đề kiểm tra dẫn tới nhiều đề kiểm tra chênh lệch so với trình độ thực sự của học sinh khiến các em sinh ra tâm lý chán nản (do đề quá khó) hoặc tâm lý chủ quan (do đề quá dễ). Nội dung trong kiểm tra, đánh giá chủ yếu là gói gọn kiến thức trong chương trình môn học của lớp, tập trung đánh giá kết quả học tập của tập, xếp loại học sinh mà không phản hồi, không phân tích lỗi sai của học sinh [8]. Các dạng đề kiểm tra còn đơn điệu và tập trung vào việc giáo viên đánh giá học sinh, ít tạo điều kiện cho học sinh tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau. Một bộ phận giáo viên coi nhẹ việc kiểm tra, đánh giá [13], chưa quan tâm đến qui trình soạn đề kiểm tra nên việc ra đề kiểm tra 15 phút, 45 phút còn sơ sài, qua loa dẫn tới kết quả chưa thực sự khách quan.
Ở tài liệu tập huấn Dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực học sinh, Bộ GD ĐT đã nhận định “Hoạt động kiểm tra đánh giá chưa bảo đảm yêu cầu khách quan, chính xác, công bằng; việc kiểm tra chủ yếu chú ý đến yêu cầu tái hiện kiến thức và đánh giá qua điểm số đã dẫn đến tình trạng
GV và HS duy trì dạy học theo lối "đọc-chép" thuần túy, HS học tập thiên về ghi nhớ, ít quan tâm vận dụng kiến thức. Nhiều GV chưa vận dụng đúng qui trình biên soạn đề kiểm tra nên các bài kiểm tra còn nặng tính chủ quan của người dạy. Hoạt động kiểm tra đánh giá ngay trong quá trình tổ chức hoạt động dạy học trên lớp chưa được quan tâm thực hiện một cách khoa học và hiệu quả. Các hoạt động đánh giá định kỳ, đánh giá diện rộng quốc gia, đánh giá quốc tế được tổ chức chưa thật sự đồng bộ hiệu quả. Tình trạng HS quay cóp tài liệu, đặc biệt là chép bài của nhau trong khi thi, kiểm tra còn diễn ra. Cá biệt vẫn còn tình trạng GV gà bài cho HS trong thi, kiểm tra, kể cả trong các kì đánh giá diện rộng (đánh giá quốc gia, đánh giá quốc tế).Thực trạng trên đây dẫn đến hệ quả là không rèn luyện được tính trung thực trong thi, kiểm tra; nhiều HS phổ thông còn thụ động trong việc học tập; khả năng sáng tạo và năng lực vận dụng tri thức đã học để giải quyết các tình huống thực tiễn cuộc sống còn hạn chế”.
Nguyên nhân của những tồn tại trên là do việc kiểm tra, đánh giá chưa tuân theo một qui trình chặt chẽ mà chủ yếu được tiến hành trên kinh nghiệm chủ quan của giáo viên, thường không xuất phát từ mục tiêu dạy học, chưa bao quát được nội dung của môn học, phương pháp và công cụ đánh giá chưa đa dạng, thiếu sự phối hợp giữa kiểm tra trắc nghiệm khách quan và tự luận. Một nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa là thói quen dạy học thụ động, nặng về đối phó thi cử, khiến cho khâu coi thi, coi kiểm tra còn lỏng lẻo, học sinh trao đổi, quay cóp, chép bài của nhau vẫn còn tồn tại.