II- Saola và nguy cơ biến mất vĩnh viễn
1- Hiện trạng của sao la:
Hiện nay sao la được liệt vào nhóm cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ các loài bị đe dọa của Tổ chức Bảo tồn thế giới (IUCN), nghĩa là chúng đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng rất cao trong tự nhiên.
Việt Nam có số lượng cá thể Sao la nhiều nhất thế giới, nhưng cũng không nhiều hơn 200 cá thể, và có thể chỉ có duy nhất một quần thể có gần 50 cá thể ở vùng giáp ranh Thừa Thiên-Huế - Quảng Nam - Xê Sáp (Lào).
Như vậy, ngay tại thời điểm phát hiện, sao la đã là một loài thú hiếm với số lượng quần thể rất nhỏ. Sao la càng trở nên bí ẩn khi thông tin về loài thú này ngày càng ít dần, thậm chí khi các nhà khoa học sử dụng đến bẫy ảnh hiện đại vẫn không tìm thấy dấu vết của chúng. Mãi đến năm 1996 người ta mới bắt và chụp ảnh được một con sao la còn sống tại Lào. Tháng 10 năm 1998 một lần nữa các nhà khoa học đã chụp ảnh được sao la trong tự nhiên trong Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An).
Sự phân bố không liên tục của sao latại những thung lũng hẻo lánh của dãy Trường Sơn dọc theo biên giới Lào và Việt Nam.
Vì không có cá thể nào được nuôi giữ trong các vườn thú và tới nay gần như không có tài liệu nào đề cập đến khả năng nuôi nhốt thành công sao la nên:
“Nguy cơ tuyệt chủng của sao la trong tự nhiên sẽ đồng nghĩa với việc tuyệt chủng của loài này ở mức độ toàn cầu và không còn khả năng phục
hồi và tái sinh”
Một câu hỏi được đặt ra : Hiện nay sao la còn hay mất ???
Do sự phân bố rời rạc ở những vùng thung lũng hẻo lánh cùng với sự khó khăn trong việc tiếp cận với sao la trong tự nhiên nên cho đến nay sự còn hay mất của loài động vật cực kỳ quý hiếm này vẫn còn bỏ ngỏ. Lần cuối cùng người ta nhìn thấy sao la trong tự nhiên đã cách đây hơn 10 năm (1999).
Trong cuộc họp khẩn cấp được tổ chức tại Viêng Chăn, Lào để tìm biện pháp giải quyết các mối đe dọa tuyệt chủng đối với sao la, các nhà khoa học bảo tồn đã yêu cầu thực hiện những hành động khẩn cấp để bảo vệ loài thú này. Theo nhận định của các chuyên gia tham dự hội thảo, số lượng loài này đã suy giảm nhanh chóng trong 1 thập kỉ qua và đang có nguy cơ bị biến mất vĩnh viễn. Điều này gợi nhớ tới số phận của loài bò xám, một loài đặc hữu ở khu vực Đông Dương có thể đã bị tuyệt chủng âm thầm ở một thời điểm nào đó trong 20 năm qua. Và hiện nay, ngoài Sao la, có lẽ chỉ có hai hoặc ba loài thú lớn khác ở toàn bộ khu vực Đông Nam Á (ví dụ Tê giác Javan) cũng đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng tương tự.
Ông Pierre Comizzoli, một chuyên gia về sao la thuộc tổ chức Bảo tồn thế giới (International Union for Conservation of Nature - IUCN) cho rằng:
‘ Theo những dự đoán lạc quan nhất thì khoảng vài trăm con sao la vẫn đang sống trong tự nhiên, nhưng cũng rất có thể con số đó chỉ là vài chục. Tình thế của sao la rất nguy cấp’
Tại Việt Nam từ năm 1999-2004, dù đã thực hiện rất nhiều cuộc khảo sát hiện trường, kể cả đặt bẫy ảnh, nhưng càng về sau thông tin về sao la càng ít dần.
Theo Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế, đã có 3 lần vào các năm 1998-1999, họ may mắn có Sao la, thì một con chết sau 8 ngày cứu hộ tại Vườn quốc gia Bạch Mã, một con đã chết hiện còn mẫu vật lưu lại và một con được cứu hộ rồi thả vào rừng.
Tại tỉnh Quảng Nam, các nhà nghiên cứu chỉ tìm thấy mẫu vật (sừng), dấu chân và phân. Chuyên gia Trần Hữu Banh, với thâm niên gần 40 năm lăn lộn ở vùng rừng này, cho biết chính ông cũng chỉ tận mắt nhìn, tận tay sờ được một con khi bị sập bẫy, còn trên thực địa thì khó có thể tiếp cận được sao la.
Các nhà khoa học đặt bẫy ảnh Sao la ở vùng giáp ranh Thừa Thiên-Huế - Quảng Nam
Cuối tháng 8/2010, Chính phủ Lào đã thông báo về việc một người dân tại ngôi làng ở tỉnh Bolikhamxay đã bẫy được một con sao la đực và đưa về nhà nuôi.
Sau khi nhận được thông tin này, Tổ chức Bảo tồn thế giới (International Union for Conservation of Nature - IUCN) và Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (Wildlife Conservation Society - WCS) đã cử các chuyên gia của mình tới khu vực này để nghiên cứu về con sao la vừa bắt được.
Sau khi tiếp cận được ngôi làng, các nhà nghiên cứu đã kịp ghi lại những hình ảnh của con sao la này ít phút trước khi nó chết. Nguyên nhân là do sức khỏe của con sao la này quá yếu sau nhiều ngày bị nuôi nhốt và bị đói.
Cơ quan Bảo tồn động vật hoang dã của tỉnh Bolikhamxay tin rằng nhiều khả năng ở khu vực vừa tìm thấy con sao la vẫn còn các cá thể sao la khác đang sinh sống. Vì thế, cơ quan này đang lên kế hoạch phối hợp với chính phủ Lào để bảo vệ khu vực này.
Con sao la được phát hiện ở Lào (8/2010)