- Phương pháp Knôp: đốt cháy mùn ở 950°C hoặc oxi hóa cacbon trong mùn bằng dung dịch K2Cr2O7 + H2SO4. Lượng CO2 bay lên từ hai cách đốt khô hoặc đốt ướt nói trên sẽ được thu hồi vào bình đựng KOH hoặc NaOH đã biết trọng lượng. Sau đó, cân bình suy ra trọng lượng CO2, từ đó tính hàm lượng mùn tương ứng trong đất.
Ngoài phương pháp trọng lượng người ta còn sử dụng phương pháp thể tích: CO2
bay lên được thu hồi vào bình đựng dung dịch tiêu chuẩn Ba(OH)2 dư. Sau đó, chuẩn độ lượng Ba(OH)2 dư bằng dung dịch tiêu chuẩn HCl với sự có mặt của chỉ thị thymon xanh từ đó suy ra lượng CO2 và mùn. Phương pháp này tốt nhưng trang bị phiền phức vì thế ít được sử dụng trong các phòng phân tích.
- Phương pháp H2O2: dùng H2O2 oxi hóa cacbon, sau đó cân lại trọng lượng đất, từ chỗ giảm trọng lượng có thể suy ra mùn trong đất.
- Phương pháp so màu: dùng dung dịch NH3 và các dung dịch kiềm khác hòa tan mùn thu được dung dịch màu đen. Từ màu đen có thể suy ra lượng mùn nhiều hay ít. Tuy nhiên, màu sắc của mùn còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác như canxi, độ ẩm… cho nên phương pháp này ít được sử dụng trong các phòng thí nghiệm.
Granam dùng dung dịch K2Cr2O7 oxi hóa cacbon trong mùn. Màu đỏ của Cr6+ sẽ giảm do C khử tạo ra Cr3+
có màu lục. Nhưng phương pháp này gặp khó khăn là chưa tìm ra kính lọc quang thích hợp cho màu lục. Mặt khác, do oxi hóa không triệt để nên khi đất có mùn trên 5% thì kết quả phân tích không tốt.
- Phương pháp G.W.Robinson: ta biết rằng lúc phân tích N tổng số bằng phương pháp Kjeldahl, mùn bị phân giải trong H2SO4. Kết quả phân giải là SO3 bị khử thành SO2. Phương pháp này chỉ đạt 90% lượng mùn trong đất.
- Phương pháp Tiurin: để xác định cacbon trong đất người ta dùng một lượng thừa K2Cr2O7 oxi hóa trong môi trường H2SO4. Lượng K2Cr2O7 sẽ được chuẩn độ bằng muối Mohr tiêu chuẩn. Từ lượng K2Cr2O7 dùng để oxi hóa có thể suy ra
lượng cacbon, từ cacbon suy ra mùn. Phương pháp này chỉ áp dụng với đất có hàm lượng mùn nhỏ hơn 15%. Hiện nay, phương pháp này được sử dụng phổ biến trong phòng phân tích do kết quả thu được nhanh chóng và tương đối chính xác.
5.1.2. Nguyên tắc xác định hàm lượng mùn trong đất bằng phương pháp Tiurin
Để xác định cacbon trong đất, người ta dùng một lượng thừa K2Cr2O7 oxi hóa trong môi trường axit H2SO4 (tỉ lệ 1:1). Không thể dùng axit khác vì nếu dùng HCl thì Cl- sẽ khử một lượng K2Cr2O7 gây sai số. Nếu dùng HNO3 thì tăng thêm tác dụng oxi hóa nên lượng K2Cr2O7 cần dùng sẽ ít hơn, dẫn đến kết quả phân tích mùn sẽ ít hơn.
2K2Cr2O7 + 8H2SO4 + 3C → 2K2SO4 + 2Cr2(SO4)3 + 3CO2 + 8H2O
Lượng thừa K2Cr2O7 sẽ được chuẩn độ bằng lượng muối Mohr tiêu chuẩn
K2Cr2O7 + 7H2SO4 + 6FeSO4.(NH4)2SO4 → Cr2(SO4)3 + 3Fe2(SO4)3 + K2SO4 + 6(NH4)2SO4 + 7H2O
Từ lượng K2Cr2O7 dùng để oxi hóa có thể suy ra cacbon, từ cacbon suy ra mùn bằng cách nhân với hệ số 1,724. Trong quá trình chuẩn độ, có thể thêm một lượng nhỏ H3PO4 hoặc muối chứa ion F- để loại trừ ảnh hưởng của Fe3+
(làm ảnh hưởng đến sự chuyển màu chất chỉ thị).