Đứng thứ 2 trên thế giới về sản lượng cà phê xuất khẩu, được đánh giá là một trong 20 mặt hàng có sức cạnh tranh cao của Việt Nam nhưng khi cạnh tranh trên thị trường thế giới thì ngành sản xuất và xuất khẩu cà phê của Việt Nam lại bộc lộ nhiều yếu điểm.
Theo tổng kết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị Nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu vừa diễn ra vào tháng 8/2007, trong 17 năm qua, có đến 9 năm cà phê chỉ có giá trị từ 420 – 1000 USD/tấn, chiếm 54%. Như vậy, cà phê Việt Nam thuộc nhóm giá trung bình thấp, hiệu quả sản xuất cà phê còn khá hạn chế.
Cà phê Việt Nam được toàn thế giới biết đến bởi năng suất cao nhất thế giới, hương vị tuyệt vời nhưng gần đây lại bị chê là chất lượng kém xa chuẩn quốc tế. Phần
lớn cà phê Việt Nam xuất khẩu là cà phê Robusta (tức cà phê vối) có các tạp chất trong cà phê là bụi bám, vỏ cà phê, cùi cà phê do chưa được sàng quạt sạch ở nhà máy chế biến. Theo thông tin từ Hiệp hội Cà phê – Ca cao, niên vụ cà phê 2005 – 2006, tại cảng AntWerp, Vương quốc Bỉ, đã có hơn 600.000 bao cà phê Việt Nam bị loại thải, chiếm 72% lô hàng xuất khẩu của Việt Nam và chiếm trên một nửa tổng số cà phê bị loại. Cùng lúc đó, ở 10 cảng khác của châu Âu, hơn 1 triệu trong số 1,4 triệu bao cà phê của Việt Nam đã bị loại.
Nguyên nhân của việc cà phê Việt Nam xuất khẩu bị đánh giá thấp như vậy xuất phát từ nhiều phía.
Sai lầm đầu tiên mà ta nhìn thấy đó là trong khâu đánh giá chất lượng cà phê
xuất khẩu của Việt Nam còn kém. Việc đánh giá chất lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam hiện được mô tả đơn giản hơn hẳn tập quán quốc tế, và lại tồn tại đã 10 năm nay. Khi đó Việt Nam còn chủ yếu bán cà phê cho các nước châu Á lân cận, khách hàng mua dưới dạng nguyên liệu và tái xuất. Đơn giản nhất, khâu thử nếm của Việt Nam chỉ ''khi có yêu cầu'' trong khi quốc tế là bắt buộc, tạp chất theo quy định Việt Nam là 1% trong khi quốc tế là 0,2%. Chất lượng không được nâng cao trong khi hàng hoá qua các nhà nhập khẩu trung gian vẫn đi thẳng tới thị trường tiêu thụ. Đến lúc này, các điểm yếu của chất lượng cà phê Việt Nam mới bộc lộ, gây hậu quả lớn về kinh tế lẫn uy tín cho ngành cà phê Việt Nam. Bởi thế, người mua thường mua hàng Việt Nam với giá thấp hơn so với cà phê của Braxin, Indonesia...
Ngoài ra, người nông dân còn chưa có ý thức tạo sản phẩm tốt, sản phẩm tốt hay
xấu đều bán được cho các cơ sở chế biến mà giá cả không chênh lệch. Nông dân hiện nay thu hoạch cà phê có tới 60-70% là hái xanh, hái non, phơi sấy không đúng kỹ thuật. Một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê ở tỉnh Đăk Lăk cho biết khi tiến hành cuộc vận động để người dân sản xuất ra hạt cà phê có giấy chứng nhận, một số bà con trả lời rằng việc theo dõi sổ sách, ghi chép, kiểm tra hàng trăm chỉ tiêu từ giống đến phân bón, thu hái, phơi sấy khá phức tạp nên khi nào không có ai mua hàng nữa thì bà con mới làm theo. Dường như tập quán làm ăn manh mún, không có kỷ luật từ lâu
nay của người nông dân Việt Nam là rất khó có thể sửa đổi, nó tác động không tốt đến việc thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản.
Các vấn đề nấm mốc, dư lượng thuốc trừ sâu trong sản phẩm đến nay vẫn chưa
được các cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp nhắc đến.
Vấn đề về thiếu công nghệ - bị lệ thuộc công nghệ cũng là nguyên nhân khiến
cho cà phê Việt Nam xuất khẩu có chất lượng thấp. Công nghệ sơ chế của Việt Nam còn thiếu cà chưa đồng bộ, kết hợp với thói quen thu hoạch cà phê lẫn lộn quả xanh quả chín vì thế ngay cả khi công nghệ sơ chế tốt thì hạt cà phê xuất khẩu vẫn kém. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho sản phẩm cà phê của nước ta còn khá đơn điệu, chủ yếu là cà phê vối nhân sống.
Cùng với việc người dân thực hiện thu hoạch không đúng qui định thì việc áp
dụng các tiêu chuẩn chất lượng đã cũ để đánh giá phân loại cà phê cũng góp phần tạo nên chất lượng không tốt cho cà phê xuất khẩu. Việc phân loại chất lượng cà phê của Việt Nam vẫn áp dụng theo tiêu chuẩn cũ TCVN 4193-93. Tiêu chuẩn này không xếp hạng số lỗi trong cà phê mà chỉ đánh giá theo ba chỉ tiêu sơ đẳng là hàm lượng ẩm, tỉ lệ hạt vỡ và tạp chất. Tiêu chuẩn mới TCVN 4193:2005 vẫn chưa được áp dụng, và do đó cho tới nay cà phê vẫn là loại hàng hóa chưa bị bắt buộc kiểm tra chất lượng trước khi thông quan. Đây là nguyên nhân khiến cho cà phê của Việt Nam khi xuất sang đến cảng nước ngoài đã bị trả lại do không phù hợp với tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.
Khâu tổ chức thu mua trong nước chưa tốt, dẫn đến đầu vụ nhiều hộ nông dân,
nhất là các hộ nghèo thường phải bán vội cà phê với giá thấp để trang trải kinh phí. Tâm lý bán vội cà phê, kết hợp với việc thu hái không đảm bảo quy trình, nên cà phê bán ra thị trường bị ép giá, chất lượng thấp.
Hệ thống thu mua cà phê hình thành một cách tự phát, chủ yếu là các đại lý tư
nhân, hệ quả là khi giả cả thị trường biến động mạnh, dẫn đến đổ vỡ theo dây chuyền từ các đại lý tới các nhà xuất khẩu.
Nhìn chung với tiềm lực về nhân công, về điều kiện tự nhiên như của nước ta hiện nay thì thực trạng của hoạt động sản xuất và xuất khẩu cà phê là còn chưa tương xứng. Chính vì thế mà việc thúc đẩy họat động xuất khẩu cà phê trong điều kiện đất nước hội nhập như hiện nay là một việc rất quan trọng.