B. NỘI DUNG
1.2. Mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung giáo dục đạo đức cho học sinh Trung học
học cơ sở
1.2.1. Mục tiêu giáo dục đạo đức cho học sinh Trung học cơ sở
“Giáo dục đạo đức với mục tiêu nhằm chuyển hóa những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội thành những phẩm chất đạo đức nhân cách cho học sinh, hình thành ở học sinh thái độ đúng đắn trong giao tiếp, ý thức tự giác thực hiện các chuẩn mực đạo đức của xã hội, thói quen chấp hành các quy định của pháp luật”. [51, tr.21]
Như vậy, giáo dục đạo đức cho học sinh có ý nghĩa quan trọng trong hình thành nhân cách cho các em. Đây là quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch đến học sinh nhằm giúp cho nhân cách mỗi học sinh được phát triển đúng đắn, giúp học sinh có những hành vi ứng xử đúng mực trong các mối quan hệ xã hội. Đặc biệt đối với học sinh THCS “khi đầu người đàn ông đã xuất hiện ở con trai và những dấu hiệu người thiếu nữ đã thức dậy trong tâm hồn các em gái thì đó là lúc đặc biệt cần đến vai trò chỉ dẫn của nhà giáo dục ở ông bố, bà mẹ, các thầy giáo, cô giáo. Mọi sự chậm trễ, muộn màng hoặc thiếu vắng vai trò giáo dục đó điều có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc, tai hại, thậm chí có thể gây ra những bi kịch tinh thần” [4, tr.23] thì công tác giáo dục đạo đức lại càng quan trọng.
Giáo dục đạo đức cho học sinh THCS nhằm giúp các em hiểu các chuẩn mực đạo đức phù hợp trong các quan hệ với bản thân, với người khác, với công việc và môi trường sống... Từ đó bản thân học sinh nhận thức được tầm quan
trọng của việc trau dồi, rèn luyện và thực hành theo các phẩm chất đạo đức để hướng đến những giá trị xã hội tốt đẹp. Cùng với việc nâng cao trình độ nhận thức các chuẩn mực, giá trị đạo đức, giáo dục đạo đức còn là một phương thức để xây dựng những quan điểm, phẩm chất đạo đức mới, quan niệm và lẽ sống tích cực. Đồng thời, thông qua giáo dục đạo đức giúp học sinh nhận diện phê phán và đấu tranh loại bỏ những biểu hiện vi phạm đạo đức, những quan niệm đạo đức sai lầm, lạc hậu, lệch chuẩn hay không còn phù hợp với điều kiện mới.
Mục tiêu giáo dục đạo đức là truyền lại cho thế hệ đang lớn lên những giá trị đạo đức truyền thống. Trên cơ sở đó họ sẽ nhận thức được những giá trị đích thực của cuộc sống hiện tại, đó là tính nhân bản, nhân ái và nhân văn sâu sắc. Giáo dục đạo đức góp phần to lớn nhân đạo hoá môi trường sống của học sinh, củng cố những phẩm chất, những giá trị bền vững. Chẳng hạn, thông qua giáo dục chủ nghĩa yêu nước mà hình thành nên niềm tự hào dân tộc, yêu hoà bình, độc lập, tự do và tôn trọng độc lập, chủ quyền của dân tộc ta cũng như các dân tộc khác.
Thông qua giáo dục đạo đức hình thành những xúc cảm, tình cảm đạo đức và chính tình cảm ấy là động lực thúc đẩy học sinh thực hiện những hành vi đạo đức, là động lực làm tăng thêm sự phong phú, sâu sắc và tinh tế của thế giới nội tâm, thúc đẩy con người vươn lên trong cuộc sống. Có được tình cảm đạo đức là nguồn sức mạnh tinh thần để giúp học sinh phấn đấu cho những giá trị chân, thiện, mĩ.
1.2.2. Nhiệm vụ giáo dục đạo đức cho học sinh Trung học cơ sở
Nhiệm vụ đầu tiên của công tác giáo dục đạo đức cho học sinh THCS là giáo dục các em có ý thức đạo đức đúng đắn. Ý thức đạo đức là toàn bộ những quan niệm, tri thức và các trạng thái xúc cảm tâm lý chung của con người về các giá trị thiện, ác, lương tâm, trách nhiệm, hạnh phúc, công bằng... và về những quy tắc đánh giá, điều chỉnh hành vi ứng xử của con người. Với ý nghĩa đó, giáo dục ý thức đạo đức cho học sinh ở lứa tuổi THCS chính là giúp các em hình
thành một cách có hệ thống các tri thức đạo đức phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi. Đây là những tri thức cần thiết, cơ bản mà học sinh cần được trang bị để có thái độ ứng xử phù hợp với gia đình, bạn bè và những người xung quanh.
Điều đặc biệt là sự hình thành ý thức đạo đức nói chung, sự lĩnh hội tiêu chuẩn của hành vi đạo đức nói riêng là đặc điểm tâm lý quan trọng ở lứa tuổi THCS - lứa tuổi thiếu niên. Thiếu niên hiểu rõ những tri thức đạo đức vừa sức nhưng ở giai đoạn này thiếu niên cũng có cả những tri thức hình thành một cách tự phát ngoài sự hướng dẫn của giáo dục, do sự ảnh hưởng của các sự kiện, các vấn đề trên phim ảnh, bạn bè xấu… Do đó, học sinh có thể có những ngộ nhận hoặc hiểu một cách phiến diện, không chính xác một số tri thức đạo đức. Vì thế, trong công tác giáo dục đạo đức, cần chú ý hướng các em hiểu một cách đúng đắn, khoa học các chuẩn mực đạo đức để từ đó các em có thể lĩnh hội một cách đúng mực các giá trị đạo đức được quy định.
Tuy nhiên sẽ là thiếu sót khi không đề cặp đến vấn đề giáo dục thái độ và tình cảm đạo đức trong giáo dục đạo đức học sinh THCS. Bởi vì, ý thức đạo đức chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để chủ thể đạo đức thực hiện hành vi một cách tự nguyện. Mục đích và nhiệm vụ của giáo dục đạo đức không chỉ dừng lại ở chỗ làm cho học sinh có nhận thức đúng mà còn nhằm hình thành thái độ, tình cảm đạo đức. Chính tình cảm đạo đức “sẽ làm sâu sắc thêm mối tương quan giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên” [18, tr.15].
Tình cảm đạo đức sẽ thúc đẩy, lôi kéo chúng ta hướng về điều thiện ví dụ khi ta có các hành vi xấu ta cảm thấy xấu hổ, hối tiếc, cắn rứt, ăn năn... Nhờ đó, việc tu tỉnh, hối cải về sự sai trái trong con người sẽ dễ hơn. Và hành vi thiện, ác, tốt, xấu của những người khác cũng gây ra trong lương tâm ta những tình cảm đạo đức khác nhau như quý trọng, cảm phục, kính nể, khen ngợi hoặc bức xúc, thương hại, khinh bỉ, chê bai bởi vì: “Không có sự xúc cảm của con người thì xưa nay không có và không thể có sự tìm tòi chân lý” [22, tr.131]
Chính vì điều đó mà khi có thái độ đúng đắn, rõ ràng trước các hiện tượng, sự kiện đạo đức trong đời sống; có tình cảm trong sáng, lành mạnh; có niềm tin vào tính đúng đắn của các chuẩn mực đạo đức sẽ trở thành động cơ thôi thúc con người hướng đến những giá trị tốt đẹp và con người sẽ cảm thấy day dứt khi bản thân không thực hiện hành vi đạo đạo phù hợp. Đồng thời, thông qua đó con người có trách nhiệm hơn đối với hành động của bản thân, có nhu cầu tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để trở thành một chủ thể xã hội tích cực, năng động. Và hơn hết khi đã nhận thức tốt về vấn đề này, khi có thái độ và tình cảm đạo đức lành mạnh thì mỗi chúng ta sẽ biết phê phán, lên án và đấu tranh trước những hành vi phi đạo đức đi ngược lại lợi ích chung của toàn xã hội.
Chính vì lẽ đó mà công tác giáo dục thái độ và tình cảm đạo đức là một vấn đề quan trọng trong quá trình giáo dục đạo đức. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi mà nền kinh tế thị trường đã và đang có tác động không nhỏ đến vấn đề đạo đức. Nhiều giá trị đạo đức đang có nguy cơ bị mặt trái của cơ chế thị trường làm băng hoại thì giáo dục đạo đức trong đó có giáo dục thái độ và tình cảm đạo đức là hết sức cần thiết. Không có thái độ đúng đắn, không có tình cảm đạo đức trong sáng thì con người sẽ trở nên vô cảm trước các vần đề của xã hội. Đây là yếu tố cơ bản không thể thiếu trong việc hình thành nhân cách con người nhất là lứa tuổi học sinh THCS - những “măng non” của nước nhà.
Mục đích cuối cùng của giáo dục đạo đức là giúp con người biết lựa chọn và thực hiện cách ứng xử phù hợp với các chuẩn mực đạo đức trong giao tiếp và trong hoạt động, biết rèn luyện bản thân theo yêu cầu của các chuẩn mực đó. Bởi vì, giáo dục đạo đức không chỉ là học đạo đức mà phải gắn học với hành, gắn lý luận với thực tiễn. Thực tiễn bao giờ cũng là môi trường rèn luyện, thể hiện và thử thách những phẩm chất đạo đức của con người. Vì vậy, “chúng ta không tin vào việc rèn luyện, giáo dục và học tập nếu những việc đó chỉ đóng khung trong các nhà trường và bị tách rời cuộc sống sôi nổi” [20, tr.372]. Như vậy, để đảm bảo có hiệu quả cao, giáo dục đạo đức không chỉ là làm cho mọi người học
thuộc lòng những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức mà phải làm cho người học nhận thức sâu sắc nội dung, ý nghĩa của nó và lấy đó làm cơ sở định hướng cho hành vi của mình. Đó chính là hành vi và thói quen đạo đức. “Hành vi đạo đức là những hành động được thúc đẩy bằng động cơ đạo đức, đem lại những kết quả có ý nghĩa đạo đức và được đánh giá bằng những phạm trù đạo đức. Hành vi đạo đức thường được biểu hiện trong hành động, xử thế, trong nếp sống, trong phong cách, điệu bộ, cử chỉ, trong lời ăn, tiếng nói”. [52, tr.156]. Hành vi đạo đức chính là kết quả tổng hợp của toàn bộ nội dung của quá trình giáo dục đạo đức. Bởi vì, sự giáo dục đạo đức không chỉ dừng lại ở sự ý thức hay chỉ là thái độ, tình cảm đạo đức mà nó đòi hỏi con người trên cơ sở đó phải thể hiện bằng những hành vi cụ thể. Hành vi đạo đức khi được thực hiện, được rèn luyện sẽ là một biểu hiện của tình cảm đạo đức được cụ thể hóa. Và khi được rèn luyện, khi có tính ổn định thì hành vi đạo đức sẽ trở thành thói quen đạo đức. Nhưng để đạt được điều này đòi hỏi mỗi con người phải tự rèn luyện bản thân thường xuyên trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trên cơ sở đó góp phần hình thành những phẩm chất nhân cách của con người trong giai đoạn hiện nay phù hợp với xu thế chung của thời đại.
Như vậy, ý thức đạo đức là sự thể hiện thái độ nhận thức của con người trước hành vi của mình trong sự đối chiếu với những qui tắc đạo đức xã hội đặt ra; nó giúp con người tự giác điều chỉnh hành vi. Hành vi đạo đức là hoạt động của con người do ảnh hưởng của niềm tin, ý thức đạo đức, là quá trình hiện thực hoá ý thức, tình cảm đạo đức trong cuộc sống. Ý thức đạo đức phải được thể hiện bằng hành động thì mới đem lại những lợi ích xã hội và ngăn ngừa cái ác. Nếu không có hành vi và thói quen đạo đức thì ý thức đạo đức không đạt tới giá trị, sẽ rơi vào trừu tượng. Hành vi đạo đức được biểu hiện như sự tương trợ, giúp đỡ, cử chỉ nghĩa hiệp, hành động nghĩa vụ… Tóm lại, ý thức đạo đức, tình cảm đạo đức và hành vi đạo đức là yếu tố tạo nên chủ thể đạo đức. Mỗi yếu tố không tồn tại độc lập, mà liên hệ tác động nhau, tạo nên sự vận động, phát triển và
chuyển hóa bên trong của chủ thể đạo đức. Trong công tác giáo dục đạo đức, thực hiện thành công được các nhiệm vụ trên sẽ góp phần tạo ra những thế hệ tương lai vừa “hồng” vừa “chuyên” như lời Bác Hồ kính yêu đã căn dặn.
1.2.3. Những yếu tố tác động đến việc hình thành đạo đức của học sinh Trung học cơ sở
1.2.3.1. Yếu tố tâm sinh lý học sinh Trung học cơ sở
“Lứa tuổi học sinh THCS bao gồm những em có độ tuổi từ 11, 12 tuổi đến 14, 15 tuổi, là những em đang theo học từ lớp 1 đến lớp 9 ở trường THCS” [15, tr.28]. Đây là độ tuổi có sự phát triển nhanh, mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, tuổi mà các em giã từ một thời ấu thơ non nớt, ngây thơ, tươi sáng để bước vào một giai đoạn mới bắt đầu nhìn đời bằng những tò mò, có nhiều hứa hẹn,… Nhưng nhìn lại thì các em vẫn còn là lứa tuổi thơ dại, dễ bị cám dỗ, sa ngã.
Lứa tuổi này có một vị trí đặc biệt và tầm quan trọng trong thời kỳ phát triển của mỗi con người, vì đây là thời kì quá độ từ tuổi thơ sang tuổi trưởng thành, thời kì trẻ ở “ngã ba đường” của sự phát triển. Sự phát triển của các em ở giai đoạn này được phản ánh bằng những tên gọi khác nhau như “thời kỳ quá độ”, “tuổi khó bảo”, “tuổi khủng hoảng”, “tuổi bất trị”... Ở giai đoạn này, nếu sự phát triển được định hướng đúng, được tạo thuận lợi thì trẻ em sẽ trở thành những công dân tốt. Ngược lại, nếu không được định hướng đúng, bị tác động bởi các yếu tố tiêu cực thì sẽ xuất hiện hàng loạt nguy cơ dẫn trẻ em đến bên bờ lệch lạc về nhận thức, thái độ, hành vi và nhân cách.
Đây là thời kỳ phát triển phức tạp nhất và cũng là thời kỳ chuẩn bị quan trọng nhất cho những bước trưởng thành sau này của các em. Nó quan trọng trong cuộc đời mỗi con người ở chỗ đây là tuổi hình thành thế giới quan, lý tưởng, niềm tin đạo đức, những phán đoán giá trị… ở các em. Những cơ sở, phương hướng chung của sự hình thành quan điểm xã hội và đạo đức của nhân cách sẽ được hình thành, chúng sẽ được tiếp tục phát triển trong tuổi thanh niên.
Ở lứa tuổi này các em luôn đòi hỏi được bình đẳng, được tôn trọng, được đối xử như người lớn, được hợp tác, cùng hoạt động với người lớn. Trong công tác giáo dục đạo đức nếu ra lệnh với các em thì bằng cách này hay cách khác, sẽ xuất hiện thái độ phản ứng tiêu cực, công khai hoặc ngấm ngầm. Mặt khác, các em có khát vọng được độc lập, được khẳng định, không thích sự quan tâm, can thiệp của người lớn, không thích có sự kiểm tra, sự giám sát chặt chẽ của người lớn. Ở tuổi này nếu được thỏa mãn những khát vọng, các em sung sướng, hài lòng khi sự cố gắng của mình đã được công nhận, kích thích các hoạt động tích cực ở các em. Ngược lại, nếu khát vọng không được thỏa mãn, sẽ nảy sinh ở thiếu niên nhiều phản ứng có tính chất đa dạng, mạnh mẽ, dẫn tới quan hệ không ổn, tạo nên xung đột trong quan hệ giữa thiếu niên với người lớn.
Ngoài ra, các em thường suy diễn, thổi phồng, cường diệu hóa quá mức tầm quan trọng các vấn đề các em quan tâm, đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến danh dự và lòng tự trọng của các em. Vì vậy, chỉ cần một sự tác động nhẹ làm tổn thương chút ít đến các em thì trẻ coi đó là sự xúc phạm lớn, sự tổn thất tâm hồn nghiêm trọng, từ đó dẫn dến các phản ứng tiêu cực với cường độ mạnh. Điều này cần phải hết sức được cân nhắc trong quá trình giáo dục đạo đức cho các em.
Ngay từ khi các em bước chân vào học tiểu học các bài học về đạo đức đã bắt đầu thấm nhuần trong tư tưởng của các em và các chuẩn mực đạo đức đã bắt đầu được hình. Nhưng đến tuổi thiếu niên, do sự mở rộng của các mối quan hệ xã hội, do sự phát triển của sự tự ý thức, đạo đức bắt đầu được phát triển mạnh mẽ. Thời kỳ này các em đã có những nguyên tắc, quan điểm sống, ứng xử riêng của mình; tuy nhiên không phải lúc nào những nguyên tắc, quan điểm của các