Sự bùng nổ vấn đề Campuchia và thái độ của các nước lớn

Một phần của tài liệu Chính sách của chính phủ Ấn Độ đối với vấn đề Campuchia từ 1979 đến 1991 (Trang 40 - 47)

6. Đóng góp của đề tài

1.4. Sự bùng nổ vấn đề Campuchia và thái độ của các nước lớn

Cuộc chiến tranh trên bán đảo Đông Dương vừa kết thúc (1975) thì khu vực này lại xuất hiện nhân tố bất ổn mới. Chính quyền Campuchia Dân chủ do Pol Pot đứng đầu (còn gọi là Khmer Rouge hay Khmer Đỏ) đã thực thi hàng loạt các biện pháp diệt chủng về đối nội và bành trướng về đối ngoại nhằm phục hồi, phát triển lãnh thổ “huy hoàng hơn thời đại Angkor” mà đối tượng trực tiếp là Việt Nam.

Việc chuẩn bị phát động cuộc chiến tranh xâm lược trên quy mô lớn ở biên giới Tây Nam Việt Nam được thực hiện từng bước. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến để đánh Việt Nam, bất cứ làm việc gì cũng để đánh Việt Nam”, xung đột quân sự khởi đầu bằng sự kiện tập đoàn Pol Pot tấn công đảo Phú Quốc (4/5/1975), đảo Thổ Chu (10/5/1975) và bị Việt Nam phản công giành lại.

Cuối năm 1975, quân đội Khmer đỏ lại tiến hành những vụ lấn chiếm lãnh thổ thuộc các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc. Đồng thời với hành động xâm phạm biên giới, Pol Pot tiến hành chiến dịch tàn sát và đuổi Việt Kiều về nước. Rõ ràng, mục tiêu xâm lược Việt Nam được Pol Pot toan tính và thực hiện ngay sau khi chúng được nắm quyền kiểm soát trên cả nước.

Tháng 1/1977, Campuchia tấn công các khu dân cư trong 6 tỉnh biên giới Việt Nam và tiến sâu vào địa giới tỉnh Long An khoảng 4km. Việt Nam phản công chiếm lại, hai bên thành lập Ủy ban biên giới nhằm giải quyết xung đột hòa bình. Trong năm 1977, chính quyền Khmer Đỏ liên tục mở các

cuộc tấn công quy mô xâm phạm lãnh thổ Việt Nam ở Hà Tiên, Châu Đốc vào tháng 4/1977, tháng 6 - 7/1977 và tháng 9/1977, bất chấp nhiều lần kêu gọi đàm phán từ phía Việt Nam. Ngày 31/12/1977, Việt Nam huy động 6 sư đoàn tấn công đẩy lùi quân Pol Pot sâu vào lãnh thổ Campuchia và tự rút lui. Trong tuyên bố ngày 31/12/1977 và 5/2/1978, Việt Nam vẫn tiếp tục đưa ra những nguyên tắc nhằm nối lại đàm phán trên cơ sở hòa bình và thương lượng. Dù vậy, Chính quyền Pol Pot đã từ chối đàm phán, tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao và lên án Việt Nam “âm mưu thiết lập một liên bang Đông Dương do Việt Nam thống trị” [71; tr.143] và tiếp tục phát động tấn công quy mô lớn vào ngày 22/12/1978. Có thể thấy, chính quyền Pol Pot đã chủ động đe dọa an ninh quốc gia của Việt Nam và khước từ đàm phán hòa bình về vấn đề biên giới.

Theo nguyện vọng của nhân dân Campuchia chống lại chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, quân tình nguyện Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, cùng với Mặt trận dân tộc thống nhất cứu quốc Campuchia (1)

giải phóng Phnom Penh vào đầu tháng 1/1979. Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia (PRK) được thành lập do Heng Samrin làm Thủ tướng. Ngày 18/2/1979, Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Campuchia ký kết, theo đó quân đội Việt Nam tiếp tục ở lại Campuchia để giúp chính quyền mới bảo vệ thành quả cách mạng.

Sự kiện này diễn ra đồng thời với việc quan hệ Việt Nam - Liên Xô có những chuyển biến bước ngoặt. Sau cuộc chiến tranh biên giới Xô - Trung năm 1969, nhu cầu mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô xuống khu vực Nam và Đông Nam Á nhằm hạn chế vai trò của Trung Quốc ngày càng đậm nét. Sự thất bại của Mỹ ở chiến trường Đông Dương đã tạo cho Liên Xô cơ hội để tiếp cận sâu rộng hơn đến khu vực này thông qua vai trò của Việt Nam.

1 () Mặt trận dân tộc thống nhất cứu quốc Cămpuchia (Kampuchean National United Front for National Salvation, viết tắt là KNUFNS) thành lập ngày 3/12/1978 do Heng Samrin làm Chủ tịch.

Đỉnh cao của quan hệ Liên Xô - Việt Nam là việc ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ngày 03/11/1978, trong đó có điều khoản về an ninh ghi rõ một trong hai bên nếu bị đe dọa tấn công sẽ ngay lập tức tham vấn lẫn nhau nhằm loại bỏ các mối đe dọa và bảo vệ hòa bình và an ninh của hai nước. Liên Xô cũng tăng cường viện trợ quân sự cho Việt Nam nhằm duy trì nhiệm vụ tại Campuchia và bảo đảm an ninh quốc gia trước sự đe dọa của Trung Quốc, có thời điểm đạt mức 3 triệu USD/ngày [3; tr.226]. Ngày 09/1/1979, Liên Xô công nhận chính phủ Heng Samrin là chính phủ hợp pháp duy nhất của Campuchia đại diện cho ý chí và quyền lợi của nhân dân Campuchia.

Việc quân tình nguyện Việt Nam vào Campuchia và sự hình thành quan hệ đồng minh Việt Nam - Liên Xô khiến cho các nước lớn, các nước ASEAN không khỏi lo ngại.

Trung Quốc là nước tỏ rõ thái độ phản đối quyết liệt, xem hành động của Việt Nam là “hành động trắng trợn xâm lược vũ trang chống lại Campuchia của chủ nghĩa bá quyền Việt Nam”, “khiêu khích nghiêm trọng các quốc gia ở Đông Nam Á, Khu vực khu vực châu Á-Thái Bình Dương và toàn thế giới”, “xác lập quyền bá chủ khu vực và là một phần quan trọng nhằm thiết lập quyền bá chủ của Liên Xô ở châu Á và Viễn Đông [79; tr.11]. Phó Thủ tướng Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình nói: Việt Nam đã trở thành Cuba của châu Á, hoặc các đại diện của chủ nghĩa đế quốc xã hội Liên Xô ở vùng Viễn Đông. Việt Nam có tham vọng điên cuồng. Sau khi đưa Lào dưới sự kiểm soát của họ bằng vũ lực, họ tiếp tục cố gắng với sự ủng hộ của Liên Xô để khuất phục Kampuchea và thiết lập một đế chế thuộc địa dưới sự thống trị hoàn toàn của họ được gọi là "Liên bang Đông Dương". Để đáp ứng nhu cầu của các chủ nghĩa bá quyền Liên Xô, họ sẽ tiến hành để mở rộng ra khu vực Đông Nam châu Á và thực hiện ước mơ bá chủ khu vực ngây thơ của họ. [71; tr.150].

Từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3/1979, Trung Quốc đã phát động tấn công quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Đồng thời, Bắc Kinh cũng hỗ trợ lực lượng Khmer Đỏ lương thực, vũ khí để chống lại chính quyền Heng Samrin và quân đội Việt Nam. Hành động tấn công quân sự nhằm “dạy cho Việt Nam một bài học” thể hiện rõ sự hậu thuẫn cho đồng minh Pol Pot, khẳng định vai trò nước lớn của Trung Quốc và răn đe các thế lực muốn tạo ảnh hưởng ở khu vực này.

Các nước ASEAN cũng phản ứng quyết liệt, cáo buộc Việt Nam xâm lược Campuchia phá vỡ những nỗ lực nhằm xây dựng Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN) ở Đông Nam Á, kêu gọi Việt Nam rút quân ngay lập tức. Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN ở Bangkok vào ngày 13/1/1979 khẳng định“quyền tự quyết của nhân dân Campuchia trong việc xác định tương lai của họ mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài..., kêu gọi các lực lượng nước ngoài rút quân toàn bộ và ngay lập tức ra khỏi lãnh thổ Campuchia [76; tr.74]. Lo ngại về “làn sóng đỏ” Việt Nam với sự hậu thuẫn của Liên Xô tràn sang Đông Nam Á đã làm mờ đi vấn đề cần quan tâm hơn là chế độ diệt chủng Pol Pot ở Campuchia.

Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, Mochtar Kusumaatmadja tuyên bố: “các nước ASEAN sẽ có những xáo trộn rất lớn do sự leo thang leo thang và mở rộng xung đột vũ trang giữa hai quốc gia Đông Dương và bày tỏ lo ngại về những tác động của sự phát triển này đối với an ninh, hòa bình và ổn định của Đông Nam Á” [71; tr.148].

Ngày 13/1/1979, tại Hội đồng bảo an, Đại sứ Malaysia Zaiton Ibrahim tuyên bố hành động của Việt Nam là “...sự leo thang can thiệp vũ trang, chống lại chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Kampuchea.... Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản chi phối mối quan hệ hòa bình giữa các quốc gia” [71; tr.152]. Đại diện thường trực của

Singapore, Tommy T.R. Koh khẳng định: Chính phủ Singapore duy trì nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.... Bằng chứng không thể chối cãi rằng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã cử lực lượng vũ trang vượt qua biên giới quốc tế vào Campuchia và can thiệp vào các công việc nội bộ của nước này.... [71; tr.152]. Phát biểu tại Liên Hiệp Quốc vào ngày 15/1/1979, Đại sứ Thái Lan Guna Kasem nói:

Thái Lan quan tâm đến sự leo thang và mở rộng của cuộc xung đột vũ trang giữa hai nước láng giềng gần gũi của chúng tôi, xung đột có thể trở thành một mối đe dọa an ninh, hòa bình và ổn định của châu Á, đặc biệt là các nước Đông Nam châu Á [71; tr.153].

Đại diện thường trực tại Liên Hiệp Quốc của Philippines Alejandra D. Yango khẳng định rằng Campuchia là nạn nhân của sự xâm lược và cho rằng lực lượng nước ngoài vào Campuchia là chống lại mục đích và nguyên tắc của Điều lệ Liên Hiệp Quốc [71; tr.153].

Mỹ, Nhật Bản và các nước phương Tây cũng lên án Việt Nam quyết liệt trên diễn đàn Liên Hợp quốc, sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để gây sức ép buộc Việt Nam rút quân. Đối với Mỹ, sự hiện diện của quân đội một nước thân Liên Xô ở Campuchia đe dọa đến sự cân bằng chiến lược và lợi ích cửa họ ở Đông Nam Á. Ngày 15/2/1979, Andrew Young, Đại sứ Hoa Kỳ Liên hiệp quốc cho rằng “bất kể nguồn gốc hoặc tên gọi của cái gọi là Mặt trận Cứu nước Campuchia hiện đang tuyên bố nắm quyền cũng không thể trả lời cho việc Việt Nam xâm lược Campuchia. Những tuyên bố của Mặt trận Cứu nước là có sự hỗ trợ của nhân dân Campuchia thực tế là cai trị nhờ lưỡi lê Việt Nam, không có nỗ lực để xác định ý nguyện của người dân Campuchia. Hoa Kỳ kêu gọi tất cả các nước quan tâm đến hòa bình, ổn định và độc lập trong khu vực Đông Nam Á kiềm chế và tư vấn cho các bên tham gia trong cuộc xung đột nhanh chóng thu hồi tất cả các lực lượng nước ngoài từ

Campuchia, đảm bảo tính toàn vẹn khu vực Đông Á và nỗ lực tránh mở rộng xung đột [71; tr.155].

Một loạt các quốc gia cắt đứt quan hệ đối ngoại và thực hiện chính sách cấm vận đối với Việt Nam, thậm chí hỗ trợ cho lực lượng Khmer Đỏ liên tục quấy nhiễu ở khu vực biên giới Campuchia - Thái Lan.

Tromg khi đó, Liên Xô và Đông Âu lại tuyên bố hỗ trợ chế độ PRK tại Campuchia. Ngày 9/1/1979, Liên Xô công nhận PRK và thừa nhận Chính phủ Heng Samrin là chính phủ hợp pháp duy nhất của Campuchia, đại diện cho ý chí và lợi ích của nhân dân Campuchia. Liên Xô phủ quyết nghị quyết lên án Việt Nam của Hội đồng Bảo an vào ngày 15/1/1979.

Có thể nói, việc Việt Nam đưa quân sang Campuchia đã không còn đơn thuần là tình nguyện thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng mà bị bóp méo thành Việt Nam xâm lược Campuchia. Sự can thiệp của các nước lớn dưới nhiều góc độ khác nhau đã làm cho vấn đề Campuchia trở nên hết sức phức tạp. Việt Nam đứng trước tình thế vô cùng khó khăn trong việc tìm kiếm tiếng nói chung đối với cộng đồng quốc tế.

Tiểu kết

Vấn đề Campuchia diễn ra trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều chuyển biến phức tạp. Xu thế hòa dịu mặc dù đã xuất hiện nhưng sự cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường Xô - Mỹ, mối quan hệ phức tạp giữa các nước lớn Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ… vẫn tiếp tục đẩy quan hệ quốc tế trước những vấn đề phức tạp khó lường. Trong bối cảnh đó, sự bùng nổ vấn đề Campuchia vô hình trung vượt ra khỏi khuôn khổ của một vấn đề song phương, khu vực mà bị quốc tế hóa và cuốn vào vòng xoáy của chiến tranh lạnh.

Đến những năm 1970, Ấn Độ về cơ bản đã khẳng định được vai trò là một nước lớn trong khu vực Đông - Nam châu Á, có tiếng nói quan trong

trong thế giới thứ ba. Những thành tựu về kinh tế, chính trị quân sự và đối ngoại của Ấn Độ cho phép nước này có một cách tiếp cận tích cực và độc lập đối với các vấn đề quốc tế và khu vực, đặc biệt là vấn đề Campuchia.

Xuất phát từ mối quan hệ lịch sử lâu đời giữa Ấn Độ và Campuchia, sự gần gũi và giúp đỡ lẫn nhau trong một giai đoạn dài giữa Ấn Độ và ba nước Đông Dương trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Ấn Độ có cơ sở lịch sử để ủng hộ tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh chống chế độ diệt chủng của nhân dân Campuchia. Bên cạnh đó, mối quan hệ chặt chẽ với Liên Xô, những mâu thuẫn và cạnh tranh chiến lược sâu sắc với nước láng giềng Trung Quốc là nhân tố quan trọng chi phối đường lối đối ngoại của Ấn Độ đối với vấn đề Campuchia.

Có thể nói, chính sách của Ấn Độ đối với vấn đề Campuchia chịu sự tác động của nhiều nhân tố. Nhưng vượt lên trên tất cả, những toan tính chiến lược, lợi ích dân trộc trong việc xác lập tiếng nói và địa vị của Ấn Độ là yếu tố chi phối việc hình thành chính sách của Ấn Độ đối với vấn đề Campuchia nói riêng và các vấn đề quốc tế khác nói chung.

Chương 2

NHỮNG CHUYỂN BIẾN VỀ CHÍNH SÁCH CỦA CHÍNH PHỦ ẤN ĐỘ ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ CAMPUCHIA TỪ 1979 ĐẾN 1991

Một phần của tài liệu Chính sách của chính phủ Ấn Độ đối với vấn đề Campuchia từ 1979 đến 1991 (Trang 40 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(102 trang)
w