Những giá trị

Một phần của tài liệu Tư tưởng phan bội châu về đảng chính trị và mô hình nhà nước (Trang 74 - 77)

Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Phan Bội Châu đã để lại một di sản lớn tư tưởng về đảng chính trị và mô hình nhà nước. Đây là những giá trị thể hiện tư tưởng lớn lao, sự nhạy bén của ông trước những diễn biến về tình hình chính trị của xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đó là:

- Thứ nhất, giá trị về cách thức tổ chức và lãnh đạo đảng chính trị

Ngay từ rất sớm, trong quá trình hoạt động cách mạng, Phan Bội Châu đã nhận thức được tầm quan trọng của một đảng chính trị - tổ chức có vai trò hàng đầu trong tập hợp lực lượng và lãnh đạo công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Chính vì thế, ông đã tìm hiểu và là người đầu tiên thành lập một đảng chính trị theo đúng nghĩa của nó ở Việt Nam. Tư tưởng Phan Bội Châu về đảng chính trị có ý nghĩa vô cùng to lớn, là tiền đề cho sự ra đời của hàng loạt các tổ chức đảng sau này, đặc biệt là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các đảng chính trị mà Phan Bội Châu trực tiếp tổ chức và lãnh đạo, từ Duy Tân Hội, Việt Nam Quang Phục Hội cho đến Việt Nam Quốc dân Đảng, dù với tên gọi nào và cách thức hoạt động ra sao thì cũng nhằm duy nhất một mục đích, đó là đánh đuổi thực dân giải phóng dân tộc, thành lập một chế độ dân chủ, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng đầy hy sinh, gian khổ của ông đã gắn liền với sự thăng trầm của các tổ chức đảng, có quá trình ra đời, phát triển và suy yếu. Sự thay đổi về tên gọi và phương thức tổ chức, hoạt động của các đảng chính trị thể hiện rõ nét nhất sự đổi mới và phát triển trong tư tưởng chính trị của ông, từ lập trường quân chủ sang dân chủ và dân chủ cộng hòa. Đó chính là kết quả

70

của quá trình hoạt động thực tiễn, đồng thời là sự tiếp thu các giá trị tư tưởng tiến bộ của nhân loại mà Phan Bội Châu đã trải qua trên con đường đấu tranh cách mạng.

Phương thức hoạt động của các tổ chức đảng mà Phan Bội Châu thành lập đều dựa trên chủ trương bạo động, nhằm tìm kiếm cơ hội thực hiện mục đích đánh đổ thực dân Pháp, giải phóng và khôi phục vinh quang nước nhà. Tư tưởng bạo động của cụ đã trải qua một quá trình chuyển biến phức tạp. Lúc đầu, với quan điểm còn rất đơn giản, Phan chỉ mới có nhận thức: “cứ bạo động may ra còn trông được có chỗ thành công trong muôn một” [7, tr.48]. Về sau, qua bài học thực tế và kinh nghiệm hoạt động cách mạng, cụ đã nhận ra rằng, muốn thành công thì “vây cánh phải đông”, “phải do tâm huyết của nghìn vạn người” và “Giáo dục và bạo động phải song song tiến hành” [7, tr.219]... Từ đó, cụ bắt đầu thực hiện việc kết hợp giữa đấu tranh bạo động và đấu tranh chính trị, bằng các biện pháp tuyên truyền, kêu gọi nhân dân cả nước cùng đoàn kết, phải cùng nhau đứng dậy giết giặc để thu phục lại giang sơn đất nước. Đồng thời, cụ đã bỏ nhiều tâm huyết vào việc xây dựng các cơ sở cách mạng cả trong và ngoài nước, dựa vào đấy để chuẩn bị lực lượng cho các cuộc khởi nghĩa sau này.

Tư tưởng Phan Bội Châu về đảng chính trị là một bước tiến vượt bậc so với các nhà tư tưởng Nho giáo đương thời. Đồng thời mục đích mà ông đã xây dựng lên khi thành lập các tổ chức đảng cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là con đường mà một nước Việt Nam hiện đại đã và đang bước tiếp và chắc chắn sẽ thành công.

- Thứ hai, giá trị về lựa chọn thể chế chính trị và mô hình nhà nước

Lựa chọn thể chế chính trị và mô hình tổ chức bộ máy nhà nước là một trong những giá trị quan trọng trong tư tưởng chính trị của Phan Bội

71

Châu. Từ thực tiễn hoạt động cách mạng, Phan Bội Châu đã nhận ra sự cần thiết phải xóa bỏ thể chế chính trị phản động của thực dân và phong kiến, xây dựng mô hình chính trị dân chủ, tiên tiến. Khi tiếp xúc với các tư tưởng chính trị tiến bộ, Phan Bội Châu quyết định lựa chọn mô hình chính thể dân chủ cộng hòa, bởi vì theo ông,chính thể dân chủ cộng hòa rất tốt đẹp. Giá trị tư tưởng về thể chế chính trị, mô hình nhà nước của Phan Bội Châu thể hiện rõ nhất thông qua tư tưởng lập hiến, đánh dấu một bước phát triển vượt bậc, vượt lên những dòng tư tưởng khác để ghi một dấu ấn lịch sử trong tư tưởng chính trị Việt Nam. Năm 1932, nhân trả lời phỏng vấn của báo Đông Tây, cụ đã khẳng định tầm quan trọng của Hiến pháp trong một nước và khẳng khái mà nói rằng: “Phần riêng tôi, tôi vẫn đã rắp trong bụng một bản hiến pháp rồi. Hiến pháp của tôi châm chước theo hiến pháp của các nước quân chủ như nước Anh, nước Nhật; theo hiến pháp của các nước Mỹ, nước Đức, nước Nga. Lại phải tùy theo cái trình độ dân ta mà lựa chọn lấy những điều thích hợp, thế mới có thể gọi là hoàn thiện được…” [5, tr.244]. Tư tưởng về xây dựng thể chế chính trị, bộ máy nhà nước của Phan Bội Châu theo hướng dân chủ tư sản thể hiện tư duy chính trị nhạy bén, óc quan sát tinh tế trước những diễn biến phức tạp và nhanh chóng của tình hình chính trị trên thế giới và ở Việt Nam lúc bấy giờ.

Phan Bội Châu không chỉ dừng ở việc thay đổi đường lối chính trị, hệ tư tưởng mà còn hướng tới xác lập một thể chế vô cùng quan trọng trong đời sống chính trị đó là thể chế nhà nước. Trong thể chế nhà nước mới, theo Phan Bội Châu, nhân dân có vai trò quyết định.Họ là chủ thể quyền lực nhà nước, có quyền giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước, nhà nước phải có trách nhiệm chăm lo hạnh phúc chung cho nhân dân, đặc biệt là chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho những tầng lớp lao khổ nhất, thiệt thòi nhất.

72

Ông cũng đã đưa ra mô hình nghị viện - là nơi đảm bảo các quyền dân chủ rộng rãi cho nhân dân. Đồng thời, Phan Bội Châu cũng xác lập mối quan hệ giữa cơ quan dân cử và cơ quan hành chính, hành pháp phải có sự phân công rõ ràng, rành mạch và phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Đây là tư tưởng chính trị hết sức tiến bộ của Phan Bội Châu khi đặt trong bối cảnh xã hội Việt Nam bấy giờ.

Một phần của tài liệu Tư tưởng phan bội châu về đảng chính trị và mô hình nhà nước (Trang 74 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)