Tiểu sử Phan Bội Châu

Một phần của tài liệu Tư tưởng phan bội châu về đảng chính trị và mô hình nhà nước (Trang 39)

Phan Bội Châu (tên cũ là Phan Văn San), hiệu Hải Thụ, sau lấy hiệu là Sào Nam (và nhiều bút danh khác) sinh ngày 26/12/1867, quê ở làng Đan Nhiễm (nay là xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, Nghệ An). Cha ông là Phan Văn Phổ - một nhà Nho nghèo, mẹ là Nguyễn Thị Nhàn - một người phụ nữ hiền từ, chịu thương chịu khó. Sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo yêu nước, trên một miền quê có truyền thống đấu tranh cách mạng, Phan Bội Châu như được tiếp thêm tình yêu cháy bỏng đối với con người, quê hương và đất nước. Vì thế, ngay từ khi còn niên thiếu, Phan Bội Châu đã là người thông thái, ham học, chịu khó, sớm có tinh thần yêu nước và có chí hướng hoạt động cách mạng.

Phan Bội Châu - ngay từ khi còn là một cậu bé đã sớm bộc lộ tinh thần yêu nước. Lên 9 tuổi đã cùng bạn bè đồng trang lứa, tổ chức trò chơi Bình Tây; 17 tuổi, khi được tin ở Bắc Kì nghĩa binh nổi dậy đã thảo bài hịch Bình Tây thu Bắc; 19 tuổi, đã biết tổ chức đội “Thí sinh quân” nhằm mục đích giết giặc cứu nước… Lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc của Phan Bội Châu được hun đúc và ngày càng lớn dần lên... Cho đến năm Canh Tý (1900), Phan Bội Châu đỗ đầu thi hương, đã mở trường dạy học ở nhà, giảng sách bình văn và kết giao hào kiệt, bàn bạc kế hoạch cứu dân giúp nước. Có thể khẳng định đây chính là một cột mốc đánh dấu việc cụ Phan chính thức bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng, chiến đấu cho tự do, độc lập của nước nhà. Cũng từ

35

đây, cụ đã không quản ngại khó khăn, vất vả, đã một mình lặn lội khắp cả nước, vừa tuyên truyền cổ động lòng yêu nước của nhân dân, vừa để kết nạp thêm đồng chí, anh em, tập hợp lực lượng, đặng cùng nhau mưu cuộc cứu nước, cứu dân.

Trên con đường hoạt động cách mạng của mình, Phan Bội Châu đã sớm nhận định rõ tình hình trong nước. Cụ nhanh chóng thành lập Duy Tân Hội, đề ra mục đích là đánh giặc trả thù với phương pháp đấu tranh là bạo động, từ đó có thể khôi phục nền độc lập cho dân tộc.

Lúc bấy giờ Nho giáo còn đang thịnh nên còn có tư tưởng tôn quân. Phan Bội Châu và chiến hữu bàn với nhau là phải tìm một khuôn mặt sáng giá trong hoàng tộc để tôn lên làm minh chủ. Sau một thời gian tìm hiểu, Phan Bội Châu đã tìm được Kỳ ngoại hầu Cường Để. Kỳ ngoại hầu đã hăng hái nhận lời và hẹn cùng nhau phối hợp hành động. Để lôi kéo tầng lớp quan lại, vận động họ tham gia cứu nước, hay ít nhất cũng đừng tiếp tay với người Pháp mà đàn áp phong trào cách mạng, Phan Bội Châu đã viết sách Lưu cầu huyết lệ tân thư, nói về sự nhục nhã vì nạn mất nước và đề xuất những kế hoạch cần làm như khai dân trí (mở mang dân trí), chấn dân khí (làm phấn chấn khí dân), thực nhân tài (hun đúc nhân tài)…, kêu gọi các vị quan lại góp phần cứu nguy đất nước. Duy Tân Hội đã thảo luận chương trình hành động, trong đó có việc đi cầu viện Nhật Bản giúp đỡ để đánh đuổi thực dân. Sỡ dĩ Phan Bội Châu và các đồng sự chọn Nhật Bản vì đó là nước đồng chủng (cùng một màu da), đồng văn (đều dùng Hán văn) và Nhật Bản chủ trương nêu cao khẩu hiệu “châu Á của người châu Á”. Duy Tân Hội quyết định chọn Phan Bội Châu, Đặng Tử Kính và Tăng Bạt Hổ đảm trách việc sang Nhật Bản nhờ cậy.

Đầu năm 1905, Phan Bội Châu xuất dương sang Nhật Bản, sang Trung Quốc rồi sang Xiêm. Cụ đã tiếp xúc với rất nhiều các chính khách của các

36

nước mà cụ đã đặt chân tới và hễ họ chỉ cho điều hay lẽ phải để cứu nước là Phan Bội Châu sẵn sàng tiếp thu ý kiến với tất cả tấm chân tình. Đặc biệt, khi nhà cầm quyền Nhật Bản đề nghị Phan Bội Châu tìm cách tuyển chọn, đưa các thanh niên Việt Nam sang Nhật học tập, cụ đã kêu gọi thanh niên nước ta vượt biển Đông du. Chính bản thân cụ đã trực tiếp sắp xếp nơi ăn chốn ở và trường học cho anh em thanh niên Việt Nam một cách rất chu đáo.

Khi công việc đang tiến triển tốt đẹp thì ngày 10/06/1907, tại Paris, hai chính phủ Pháp - Nhật đã ký Điều ước và tuyên bố chung về vấn đề kiều dân Nhật sống ở Đông Dương và những người Đông Dương “thần dân Pháp và được Pháp bảo hộ” sống trên đất Nhật. Căn cứ vào những thỏa hiệp với Pháp, tháng 2/1909, Chính phủ Nhật Bản ra lệnh giải tán du học sinh, đồng thời trục xuất Phan Bội Châu ra khỏi Nhật Bản.Cụ đã sang ẩn náu ở Trung Quốc, sau đó sang Xiêm, tiếp tục hoạt động cách mạng.

Khi cách mạng Tân Hợi (1911) ở Trung Quốc nổ ra, Phan Bội Châu đã cải tổ Duy Tân Hội thành Việt Nam Quang Phục Hội với tôn chỉ thiết lập một nước Việt Nam Cộng hòa Dân quốc. Việc thành lập Việt Nam Quang Phục Hội với tôn chỉ mới là sự thay đổi quan trọng trong đường lối cách mạng của Phan Bội Châu. Nếu như trước kia Phan Bội Châu vẫn chủ trương duy trì quân chủ để thu phục nhân tâm, thì với ảnh hưởng của cách mạng Trung Quốc, Phan Bội Châu đã vượt lên một bước bằng việc thành lập một nhà nước theo hướng “dân quốc”.

Với con đường đấu tranh bạo động để gây tiếng vang thật lớn nhằm kích động tinh thần chống Pháp của nhân dân Việt Nam, thực dân Pháp đã lập Hội đồng Đề hình ngày 9/5/1913, tuyên án tử hình vắng mặt Phan Bội Châu. Trước áp lực của Toàn quyền Pháp Albert Sarraut, năm 1913 nhà cầm quyền Trung Quốc đã bắt giam Phan Bội Châu, đến năm 1917 thì mới được giải thoát. Sau khi ở tù ra, Phan Bội Châu vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng. Sau

37

sự kiện Phạm Hồng Thái ném bom ám sát Toàn quyền Merlin ở Quảng Đông, phỏng theo Trung Quốc Dân đảng của Tôn Trung Sơn, Phan Bội Châu và các đồng chí quyết định cải tổ Việt Nam Quang Phục Hội thành Việt Nam Quốc dân Đảng.

Tháng 12/1924, sau khi được tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc, Phan Bội Châu dự định sẽ cải tổ lại Việt Nam Quốc dân Đảng theo hướng tiến bộ nhất. Nhưng ngày 30/6/1925, trên đường đi từ Hàng Châu đến Thượng Hải, Phan Bội Châu bị mật thám Pháp theo dõi và bắt cóc tại ga Bắc Thượng Hải đưa vào tô giới Pháp, rồi đưa cụ về Việt Nam. Ngày 23/11/1925, Hội đồng Đề hình của Pháp nhóm họp ở Hà Nội do Công sứ Bride chủ tọa đã đưa Phan Bội Châu ra xét xử và đã tuyên án tử hình. Với uy tín của Phan Bội Châu và căm phẫn trước việc làm mờ ám của thực dân Pháp, một phong trào phản đối bản án của chính quyền và đòi ân xá cho cụ Phan nổi lên từ Nam chí Bắc. Hàng ngàn lá đơn được gửi đến các cơ quan chính phủ Pháp, các tổ chức quốc tế để yêu cầu can thiệp.

Trước áp lực của dân chúng, ngày 24/12/1925, Toàn quyền Varenne, sau khi tham khảo ý kiến với Chính phủ Pháp, đã ký lệnh ân xá cho Phan Bội Châu và buộc cụ an trí ở Huế. Kể từ đây, Phan Bội Châu không tham gia hoạt động cách mạng một cách công khai, cụ chỉ chú tâm vào đàm đạo cuộc đời, viết sách kể lại cuộc đời hoạt động cách mạng, sáng tác thơ văn. Phan Bội Châu đã cho ra đời các tác phẩm: Nam quốc dân tu tri, Nữ quốc dân tu tri, Bài thuốc chữa bệnh dân nghèo, Cao đẳng quốc dân, Luân lý vấn đáp, Lời hỏi thanh niên, Phan Bội Châu niên biểu, Lịch sử Việt Nam diễn ca... Các công trình biên khảo hết sức đồ sộ như Khổng học đăng, Phật học đăng, Xã hội chủ nghĩa, Chu dịch, Nhân sinh triết học, cùng với trên 800 bài thơ nôm các loại, mấy chục bài phú, văn tế, tạp văn khác. Thời gian này, Phan Bội Châu phải sống dưới sự canh chừng, cảnh giác của mật thám Pháp trong sự yêu mến của

38

đồng bào dưới tên gọi Ông già Bến Ngự. Phan Bội Châu từ giã cõi đời ngày 29/10/1940, hưởng thọ 74 tuổi.

1.2.2. Quá trình hình thành tư tưởng của Phan Bội Châu về đảng chính trị và mô hình nhà nước

* Giai đoạn từ năm 1900 đến năm 1917

Ngay từ cuối thế kỷ XIX, nhân dân Việt Nam đã hy vọng vào Phan Bội Châu, một con người có lòng nhiệt huyết và tư chất làm cách mạng. Khi được tiếp cận Tân thư, Tân văn Phan Bội Châuđã có những sự cảm nhận về việc phải thay đổi con đường cứu nước theo hướng hiện đại, khác với những gì mà các bậc tiền bối đã làm. Năm 1900, khi đậu giải nguyên, Phan Bội Châu mới thực sự dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng bằng viết sách báo tuyên truyền và hoạt động thực tiễn.

Năm 1903, trong Lưu Cầu huyết lệ tân thư, Phan Bội Châu đã đặt ra vấn đề dân trí, dân khí và nhân tài. Ông xem đây là những vấn đề căn bản tạo nền tảng cho sự thành công trên con đường cứu nước của mình. Tác phẩm này đã chỉ ra “thảm trạng thành tan, nước mất, những nỗi nhơ nhuốc đổi chúa làm tôi”. Từ đó, Phan Bội Châu chỉ ra yêu cầu: “dân trí phải gấp gáp mở mang, dân khí phải gấp bồi dưỡng để làm nền tảng cho việc cứu quốc”. Sự ra đời của tác phẩm này là bước chuẩn bị về mặt tư tưởng cho việc thành lập Hội Duy Tân (1904) và Phong trào Đông Du do Phan Bội Châu trực tiếp lãnh đạo.

Năm 1904, Phan Bội Châu sáng lập Duy Tân Hội tại Quảng Nam với tôn chỉ: Tập hợp các nghĩa binh Cần Vương và trai tráng đánh Pháp với phương thức bạo động; tìm người trong hoàng tộc lập làm minh chủ, liên kết với những người có thế lực, tập hợp những người trung nghĩa để cùng nhau khởi sự; phái người cầu viện nước ngoài. Mục đích là “cốt khôi phục Việt Nam, lập nên một chính phủ độc lập” [7, tr.120]. Việc dựa vào hoàng tộc triều Nguyễn, một mặt cho thấy hệ tư tưởng Nho giáo vẫn còn ăn sâu trong nhận

39

thức của Phan Bội Châu, mặt khác trong bối cảnh bấy giờ việc vẫn phải dựa vào triều Nguyễn cũng là cần thiết, vì nó thu phục được nhân tâm, có khả năng tập hợp được đông đảo các thế hệ, tầng lớp yêu nước lúc bấy giờ. “Khôi phục Việt Nam, lập chính phủ độc lập” là một chủ trương đúng của Phan Bội Châu, bởi vì hơn lúc nào khác, lúc này cần phải giành được độc lập dân tộc từ thực dân Pháp, từ đó mới có thể xây dựng chính phủ độc lập. Đây là bước chuyển quan trọng trong tư tưởng chính trị Phan Bội Châu, từ quân chủ sang quân chủ lập hiến. Ở thời điểm bấy giờ, việc Phan Bội Châu “chưa có chủ nghĩa gì khác” là hợp với lôgic chính trị, bởi vì với những hạn chế của lịch sử và của cá nhân Phan Bội Châu thì việc nhận thức như vậy là hợp lý. Nói về sự kiện thành lập Duy Tân Hội, trong cuốn Phan Bội Châu và xã hội Việt Nam ở thời đại ông, sử gia G.Boudarel đã viết: “Phan Bội Châu là người Việt Nam đầu tiên đã thành lập một đảng chính trị theo ý hiện đại của từ này” [1, tr. 81].

Tháng 2 năm 1905, Phan Bội Châu cùng các đồng sự đến Nhật Bản, tại đây ông đã gặp Lương Khải Siêu, được Lương Khải Siêu giới thiệu với hai nhân vật quan trọng của Đảng Tiến Bộ đang cầm quyền ở Nhật Bản là Bá tước Ôi Trọng Tín (Okuma Shigenobu) và Thủ tướng Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi). Các chính khách Nhật Bản đã khuyên Phan Bội Châu trước hết nên đưa các thanh niên ưu tú sang Nhật học tập, và họ sẵn sàng giúp đỡ, còn về quân sự, đây chưa phải là thời điểm thích hợp để họ giúp Việt Nam.

Tại Nhật Bản, Phan Bội Châu vừa lo sắp đặt tổ chức cho du học sinh và những nhà cách mạng đi lại hoạt động, vừa viết sách, báo giới thiệu nước Việt Nam, cách mạng Việt Nam với nước ngoài. Các tác phẩm đánh dấu sự phát triển tư tưởng chính trị của Phan Bội Châu trong thời gian này có thể kể đến: Việt Nam vong quốc sử (1905), Việt Nam quốc sử khảo (1908), Hải ngoại huyết thư, Kính cáo toàn quốc phụ lão văn, Thư gửi Phan Chu Trinh (1907), Ai cáo Nam Kỳ phụ lão thư (1907). Cũng trong thời gian này,

40

Phan Bội Châu được tiếp xúc với các sách báo tiến bộ phương Tây, ông say mê với lý luận của các nhà tư tưởng Khai sáng, cùng với việc chứng kiến những thành công của nước Nhật Bản, mà như ông đã cảm thấy: “Trong óc tôi, trong con mắt tôi bấy giờ mới tỉnh táo được nhiều lắm” [7, tr.147]. Đây là những chất liệu lý luận và thực tiễn cho những chuyển biến tư tưởng về đảng chính trị và mô hình nhà nước của Phan Bội Châu về sau.

Năm 1909, chính phủ Nhật Bản đã trục xuất các nhà cách mạng Việt Nam theo yêu cầu của thực dân Pháp, Phan Bội Châu và các đồng chí phải chạy sang Trung Quốc. Tại Trung Quốc, được chứng kiến cách mạng Tân Hợi năm 1911, tư tưởng dân chủ tư sản đã thuyết phục được Phan Bội Châu và tư tưởng này ngày càng hình thành một cách rõ nét trong ông. Năm 1912, trước ảnh hưởng của cách mạng Tân Hợi, Phan Bội Châu đã thành lập Việt Nam Quang Phục Hội ở Trung Quốc. Tổ chức này suy phong Kỳ ngoại hầu Cường Để làm Hội chủ, Phan Bội Châu làm Phó hội chủ; đổi tôn chỉ từ chủ nghĩa quân chủ sang chủ nghĩa dân chủ để đánh đuổi quân Pháp, khôi phục Việt Nam, thành lập nước Cộng hòa Dân quốc, kiến lập Việt Nam. Việt Nam Quang Phục Hội chủ trương đấu tranh bằng bạo động, khủng bố, vận động binh lính nổi dậy; đoàn kết dân tộc, mở mang dân trí, chấn hưng dân khí, phát triển kinh tế nhằm xây dựng nước Việt Nam độc lập, toàn vẹn chủ quyền. Tuy nhiên, chính vì những hoạt động mang tính bạo lực, cùng với ảnh hưởng của Việt Nam Quang Phục Hội mà thực dân Pháp đã cấu kết với chính quyền Trung Quốc bắt giam Phan Bội Châu.

Việc thành lập Việt Nam Quang Phục Hội đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong tư tưởng chính trị của Phan Bội Châu từ quân chủ lập hiến sang dân chủ tư sản. Mặt khác, Phan Bội Châu đã hết sức chú trọng đến việc xây dựng nước Việt Nam có nền kinh tế giàu mạnh, chủ trương đại đoàn kết dân tộc, chấn hưng dân khí, mở mang dân trí. Đó là những vấn đề cốt lõi

41

mà các chế độ chính trị văn minh phải chú trọng đến. Đến đây, tư tưởng về đảng chính trị của Phan Bội Châu đã mở ra một bước ngoặt mới, đưa ông trở thành những nhà tư tưởng của dân tộc. Đánh giá sự kiện này, GS. Đinh Xuân Lâm đã viết: “Việt Nam Quang Phục Hội ra đời đánh dấu một bước tiến mạnh trong tư tưởng của những người lãnh đạo cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ trên con đường dân chủ tư sản. Lần đầu tiên, chủ trương thành lập chế độ dân chủ cộng hòa được nêu lên rõ ràng trong chương trình của một tổ chức cách mạng” [37, tr.153].

* Giai đoạn từ năm 1918 đến năm 1925

Sau khi Việt Nam Quang Phục Hội bị khủng bố và thất bại, Phan Bội Châu rơi vào tình thế hết sức nan giải. Ông hoang mang dao động về phương pháp đấu tranh và từng bước rơi vào chủ nghĩa cải lương. Đây cũng là giai đoạn có nhiều biến cố lớn như kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công và các chính đảng vô sản lần lượt ra đời. Những sự kiện lịch sử này có tác động mạnh mẽ đến việc hình thành và phát triển tư tưởng của Phan Bội Châu về đảng chính trị và mô hình nhà nước.

Trong giai đoạn này, trước những biến cố lịch sử, Phan Bội Châu cũng đã có những dao động lớn trong tư tưởng về phương pháp cách mạng, qua tác phẩm Pháp - Việt đề huề, Dư cửu niên lai sở trì chi, chủ nghĩa tư tưởng cải

Một phần của tài liệu Tư tưởng phan bội châu về đảng chính trị và mô hình nhà nước (Trang 39)