ĐẾN NĂM 2020
Phát triển thị trường vốn là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình tái cơ cấu lại nền tài chính nước ta, trong đó phát triển thị trường trái phiếu là một mục tiêu quan trọng. Sự ổn định về mặt chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước trong những năm qua ở mức cao, thu nhập của dân cư đã được cải thiện, đã có những tác động tích cực đến TTCK nói chung và TTTP nói riêng. Những thành quả TTTP đạt được trong thời gian qua, cho thấy thị trường trái phiếu Việt Nam đang đứng trước trước những cơ hội và thách thức, do đó cần có các giải pháp để thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển.
Theo “ Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020” đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt tại quyết định số 128/2007/QĐ-TTg ngày 2/8/2007 thì mục tiêu tổng quát của thị trường vốn ( trong đó có thị trường trái phiếu) là phát triển cả về quy mô và chất lượng hoạt động một cách đồng bộ, vững chắc nhằm tạo kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển và cải cách nền kinh tế, đồng thời phát triển thị trường tài chính Việt Nam; đảm bảo tính công khai minh bạch, duy trì trật tự an toàn, mở rộng phạm vi, tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát thị trường nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh và chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế.
Để đạt được mục tiêu đề ra trong chặng đường phát triển hướng đến tầm nhìn 2020, trước mắt Bộ Tài chính cũng đưa ra một số định hướng phát triển cho thị trường trái phiếu, trong đó ưu tiên hàng đầu là tiếp tục sửa đổi và hoàn thiện cơ chế phát hành thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu, tăng cường phát hành trái phiếu theo lô lớn, đảm bảo khả năng thanh toán của trái phiếu thông qua chính sách chiết khấu, tái chiết khấu, nghiệp vụ thị trường mở, cầm cố trái phiếu, đa dạng hóa hình thức trái phiếu và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu.