5. Phương pháp nghiên cứu
2.2.2 Quan hệ đối chiếu, bổ sung
Cùng với quan hệ đối kháng, tương phản, tác giả cũng đặt các nhân vật của mình trong mối quan hệ đối chiếu, bổ sung. Mối quan hệ đối chiếu, bổ sung làm cho các hình tượng nhân vật được thể hiện ở nhiều phương diện hơn, giống như con người thật hơn. Các nhân vật trong cùng một tuyến có quan hệ đối chiếu, bổ sung cho nhau. Tính cách nhân vật này sẽ được bổ sung hoàn chỉnh hơn bởi nhân vật kia. Đối chiếu nhân vật này và nhân vật khác cũng làm nổi bật lên những điểm mạnh cũng như điểm yếu giữa các nhân vật.
Tính cách nhân vật trong cùng một tuyến có sự trái ngược nhau như In và Jollia dù là người tốt, bạn thân với nhau nhưng In thì nóng nảy thẳng thắn, sẵn sàng tranh cãi còn Jollia thì ngược lại, Jollia nhút nhát hay có thể gọi đó là sự nể sợ cấp trên nên không bao giờ dám tranh luận, còn những người khác như La thì không bao giờ thấy
Jollia dám đôi co lại. Đối chiếu giữa nhân vật In và Jollia ta mới thấy rõ sự hiền lành, nhút nhát của Jollia và sự thẳng thắn, quyết liệt của In. Những lời nói cứng rắn đối đáp giữa In với Máy trưởng Gupta và La được đặt bên cạnh vẻ sợ sệt Máy trưởng của Jollia, cho thấy dù In, Jollia thuộc cùng một tuyến nhưng tính cách họ có sự khác biệt rất lớn. Từ đó ta thấy được ưu điểm của In và nhược điểm của Jollia. Ưu điểm của In là dám đấu tranh chống lại những bất công vô lí, chính vì thế mà La hay Máy trưởng Gupta không thể ăn hiếp được In. Còn Jollia thì anh hiền lành, sợ sệt cấp trên và không dám tự bảo vệ mình chống lại sự vô lí cho nên anh luôn bị Máy trưởng Gupta hà hiếp. Kumar thì như là sự dung hòa giữa In và Jollia. Kumar có sự điềm tĩnh của Jollia và cả tính cách bảo vệ sự công bằng giống In. Đối chiếu giữa nhân vật này và nhân vật kia để hiểu rõ hơn tính cách các nhân vật.
Máy trưởng, Thuyền trưởng đại diện cho lớp người lãnh đạo nhưng không có phẩm chất tốt, không có năng lực làm việc. Máy trưởng thì không có khả năng sửa chữa máy móc, còn Thuyền trưởng thì lợi dụng chức quyền của mình để kiếm thêm nhiều tiền, tiền được lấy từ tiền của các thuyền viên. Giữa Thuyền trưởng, Máy ba La có sự tương đồng ở chỗ họ đều tham tiền. Điều giống nhau về bản chất nhưng có sự thể hiện khác hơn. La thì thể hiện rõ ràng hơn. Thuyền trưởng không nói lộ ra nhưng
được thể hiện qua hành động. Thuyền trưởng lấy tiền ăn dư của thuyền viên “Thuyền
trưởng order thực phẩm không đủ với tiền ăn, tiền dư bỏ túi và tiền discount của shipchandler từ mười lăm đến hai mươi phần trăm…”[18;tr.66]. Thuyền trưởng bán sim, card cho thuyền viên và lấy tiền lời “Mỗi sim hay card lời vài đô la; ít nhiều cũng là công sức bỏ ra, kiến tha lâu cũng đầy tổ”[18;tr.82]. Còn La cũng thích tiền “La rất thèm tiền và quyền lực… La thích ra lệnh, lúc nào cũng thích hơn người khác nên mơ được làm đại diện chủ tàu lắm”[18;tr.79].
Máy ba La, Máy tư PIG, Máy trưởng Gupta, Thuyền trưởng Benyti có bổ sung cho nhau góp phần phác họa toàn diện diện mạo của tuyến nhân vật không có năng lực làm việc lại tham quyền lực và tiền bạc, dùng thủ đoạn để có được vị trí cao. Đó là không có năng lực làm việc, lại thích làm lãnh đạo, không có trách nhiệm với công việc, lười biếng, tự cao... Tổng hợp tính cách của những nhân vật La, PIG, Gupta, Benyti tạo nên được diện mạo điển hình về loại người tham quyền lực, tiền bạc, bất tài.
Đối chiếu các nhân vật cùng tuyến với nhau có thể có cái nhìn, nhận xét toàn diện hơn về từng nhân vật. Nhân vật này so với nhân vật kia sẽ thấy cái nổi trội cái ưu điểm và cả nhược điểm. So sánh để tìm ra sự khác biệt giữa các nhân vật. Cùng là người tốt hoặc người xấu nhưng mỗi người lại có đặc điểm riêng phân biệt với nhân vật khác cùng loại. So sánh hai nhân vật PIG và La, họ đều không có năng lực làm việc và dùng thủ đoạn để lên chức. Khi so sánh, ta nhận ra họ có những điểm khác nhau bên cạnh những nét giống nhau. La thì không bằng PIG, PIG tỏ ra nịnh bợ Máy
trưởng rõ ràng và PIG cũng có nhiều mưu kế hơn La “La không dẻo mỏ và mưu mô
quỷ kế như PIG”[18;tr.208]. Đối chiếu hai nhân vật Máy trưởng Gupta và Thuyền trưởng Benyti đều là người có quyền lực lớn nhất trên tàu nhưng cách thể hiện quyền lực của họ cũng có sự khác nhau. Thuyền trưởng thì ăn nói nhã nhặn hơn, Máy trưởng thì nói năng rất cộc cằn. Tuy không thể hiện thái độ yêu ghét ra bên ngoài nhưng khi ghét một ai thì Thuyền trưởng sẽ tìm cách đẩy họ khỏi tàu. Còn Máy trưởng khi ghét ai thì nói thẳng ra, chẳng hạn Máy trưởng vì ganh tỵ với Jollia mà đã nhiều lần sỉ nhục Jollia. Còn giữa In và Jollia, In nhận thức điều gì đúng sai thì sẽ lập tức nói ra, không giữ trong lòng. Như những khi bất bình với Máy trưởng thì In sẽ đáp trả lại ngay. Còn Jollia thì vẫn nhận thức được những điều bất công nhưng thường giữ trong lòng không nói ra. Như khi nồi hơi bị hỏng, Máy trưởng la mắng người trong buồng lái, In cãi lại, Jollia thì không mà chỉ nói nhỏ với In như sau “Máy trưởng nói gì kệ ổng, cậu đừng có để bụng làm chi!”[18;tr.187].
Các nhân vật trong tuyến thứ nhất có quan hệ tương đồng nhau dựa trên sự gần gũi về tính cách, quan niệm sống. Do vậy, quan hệ của họ từ đầu chí cuối là quan hệ thân thiết không thay đổi. Còn những nhân vật trong tuyến thứ hai có sự biến chuyển từ quan hệ tương đồng chuyển sang tương phản do có sự mâu thuẫn quyền lợi. Sự thay đổi đó do mối quan hệ của họ không dựa trên những tình cảm chân thật mà dựa trên sự vụ lợi, lợi dụng lẫn nhau. Vì thế, nên khi không có lợi cho nhau nữa thì họ quay lại mâu thuẫn, tranh giành với nhau. Sự thay đổi quan hệ đó cũng cho thấy một hiện thực tồn tại trong cuộc sống.
Mối quan hệ tương phản đối lập và tương đồng bổ sung làm cho nhân vật được thể hiện phong phú, nhiều mặt. Nhân vật giống như con người thật trong cuộc sống thật, sống trong nhiều mối quan hệ khác nhau và thể hiện sinh động những mặt khác nhau trong chính bản thân nhân vật. Trong mối quan hệ đối lập thì các nhân vật có thái
độ ganh ghét, đố kỵ lẫn nhau và thường xảy ra những tranh chấp, va chạm. Còn trong mối quan hệ tương đồng, bổ sung thì các nhân vật sống trong sự thông cảm, thấu hiểu, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau. Qua cách nhân vật đối xử với những mối quan hệ đó, tính cách nhân vật sẽ hiện lên một cách sinh động.
Trong “Biển”, tác giả xây dựng thành công một thế giới nhân vật phong phú, đa dạng, sinh động. Các nhân vật tồn tại trong mối liên hệ xã hội đối lập và bổ sung cho nhau. Điều đó làm cho các nhân vật như đang sống trong cuộc sống thực với nhiều quan hệ xã hội phức tạp.
Chương 3
CỐT TRUYỆN VÀ LỜI VĂN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT “BIỂN” CỦA TRƯƠNG ANH QUỐC
3.1 Cốt truyện
Chức năng của cốt truyện là phơi bày các xung đột xã hội và thể hiện các số phận, tính cách con người. Nhà văn xây dựng cốt truyện là để thể hiện các quan hệ và mâu thuẫn của đời sống. Cốt truyện trong tiểu thuyết thường là miêu tả lịch sử một hoặc nhiều cuộc đời nhưng “Biển” lại khác, cốt truyện “Biển” là những lát cắt về cuộc sống thường ngày của những thủy thủ trên tàu. Đó không chỉ là những câu chuyện riêng của một số phận nào, mà bất cứ người nào cũng có thể gặp phải trong cuộc sống. Mỗi chương truyện là một lát cắt về những vấn đề thường gặp trong cuộc sống bộn bề, phức tạp. Đó không phải là một vấn đề lớn ảnh hưởng chi phối cuộc sống nhiều người mà là những sự kiện nhỏ trong vô vàn sự kiện lớn nhỏ trong cuộc sống đang từng ngày xảy ra, chi phối, tác động đến cuộc sống con người. Mỗi con người trong thế giới này đang hằng ngày phải đối mặt với những chuyện như thế, như một tất yếu của cuộc sống này mà không ai tránh khỏi. Vì thế mà cốt truyện của “Biển” khắc họa lại sinh động những điều vốn có trong cuộc sống giống như chính bản thân cuộc sống. “Biển” còn là tập hợp một chuỗi những câu chuyện bất ngờ xảy ra có khi không thể đoán trước được. Con người trong cuộc sống phải trải qua nhiều những trải nghiệm thăng trầm của cuộc sống luôn luôn biến động để tìm cho mình một vị trí, có khi thành công và cũng có khi thất bại. Mỗi câu chuyện lớn nhỏ xảy đến với những nhân vật trong tiểu thuyết tác động tới nhân vật vào từng thời điểm nhất định làm cho cuộc sống nhân vật thay đổi, cuộc đời nhân vật bước sang một trang mới với sự chín chắn, từng trải hơn và
cũng thâm trầm hơn. Cuộc sống trong “Biển” là những trải nghiệm để từ đó con người trở nên già dặn hơn, nhìn nhận được thấu đáo hơn cuộc sống này và có cách sống khôn ngoan hơn phù hợp với nó, để có thể tự bảo vệ được mình. Mỗi chương trong “Biển” là một câu chuyện nhỏ của một nhân vật, thường được tác giả miêu tả với tốc độ nhanh mạnh, dồn dập rồi kết thúc nhưng đó không phải là kết thúc đối với nhân vật đó mà cuộc đời nhân vật lại mở ra một trang mới, chứ không phải là đã chấm dứt ở đó. Còn cuộc đời nhân vật đó đi về đâu thì độc giả phải tự mình suy đoán, trong “Biển” tất cả các nhân vật điều được miêu tả như vậy.
3.1.1 Chi tiết nghệ thuật
Chi tiết là phần rất quan trọng trong tác phẩm, được nhà văn sử dụng nhằm tạo ra các sự kiện, xây dựng nhân vật. Tác phẩm có thành công, hay, độc đáo là nhờ phần lớn vào các chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm. Chỉ cần đôi chi tiết độc đáo, gây ấn tượng sẽ tạo được sự hấp dẫn người đọc. Nhà văn Nguyên Ngọc trong lời giới thiệu tiểu thuyết “Biển” có nói về những chi tiết trong “Biển” như sau: “Người biết nhiều thì chỉ thường cứ lặng lẽ mỉm cười, thỉnh thoảng mới lộ ra đôi chi tiết, mà cái nào cũng đắt, đầy ấn tượng, và hóm hỉnh nữa, cái hóm hỉnh của người quá biết chuyện đời, ta nghe rồi mà còn thèm thuồng muốn nghe nhiều, nghe nữa, nghe mãi”[18;tr.7].
Trong “Biển” có rất nhiều chi tiết hoang đường, không có thực do tác giả hư cấu. Các chi tiết đó đã tạo được sự li kì, hấp dẫn. Trong chương “Dị nhân” tác giả đã hư cấu hàng loạt chi tiết hoang đường, li kì. Các chi tiết đó là: Marata, vợ của Máy trưởng Gupta mang thai chỉ ba tháng mười ngày đã sinh em bé. Mặc dù vậy, vẫn “mẹ tròn con vuông”. Có thể thấy, đó là chi tiết hoàn toàn không thể có trong thực tế. Và đứa bé ấy lại là một đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh “Mọi người hốt hoảng khi nhìn đứa bé kỳ dị; hình hài như một chú khỉ, trên người đầy lông lá: Hai tai to như quạt, cái mũi dài như chiếc vòi voi. Một cái răng cửa to dài trắng hếu như hột bắp nếp. Đúng giữa đỉnh đầu có một cọng tóc bằng ngón tay cái đen thui, trông giống như một chiếc sừng dê. Giữa hai bàn chân cu cậu có cục u tròn như hai hòn bi”[18;tr.153]. Đứa trẻ ấy lại phát triển rất nhanh chóng. Kể về bé Monkelephuman có nhiều chi tiết phi thực, thường thì những đứa như vậy sẽ rất yếu ớt nhưng ngược lại đứa bé này rất khỏe mạnh và mau lớn, phát triển nhanh lạ thường. Đứa bé mau lớn đến khó tin “Giáp cử đã biết lật, giáp tuần đã ngồi được… có tật có tài thằng bé tập đi rất nhanh, chỉ nửa tháng là đi được; khi đi hai hòn bi lún vào trong, bàn chân tiếp xúc bình thường”[18;tr.154].
Không những thế cậu bé còn đi rất vững, đi điệu nghệ như một người lớn “khi cần cu cậu trân gân lên, hòn bi nâng cơ thể lên cao một chút và với mặt tiếp xúc là tối thiểu, không cần bước mà trượt patin, mặt sàn trơn lại được lau chùi mỗi sáng sớm nên cu cậu trượt nhanh và lạng lách điệu nghệ lắm”[18;tr.154]. Monkelephuman mới được sinh ra được ít ngày thế mà được miêu tả như một đứa bé khoảng hai tuổi “Cậu bé chạy nhảy khắp tàu, lí la lí lắc như Tôn Hành Giả, thân thiện với tất cả mọi
người”[18;tr.156]. Cậu bé cũng được miêu tả như một đứa bé hiếu động nhưng vượt
xa so với tuổi của mình “Monkelephuman rất thích đồ chơi, mấy ngày đầu sang cu cậu cứ kéo tung các ngăn kéo, nhảy lên bàn lên ghế lên giường lục tung tất cả để tìm đồ gì chơi được”[18;tr.156]. Thế rồi đột nhiên cậu bé bị bệnh lạ tim ngừng đập, nhiệt độ còn 7oC, thấp hơn nhiệt độ bình thường đến 30oC, huyết áp bằng không. Không còn cứu chữa được nữa, sự sống của Monkelephuman ngắn ngủi trên tàu ai cũng xót thương cho cậu bé. Cậu bé bị bệnh gì không ai biết. Nhưng đến lúc đem hỏa táng cậu bé thì một chuyện lạ khác lại xảy ra, cậu bé chợt tỉnh lại như vừa thức dậy sau giấc ngủ say. Như một câu chuyện thần kì, cậu bé sống lại như một phép màu, làm cho cha mẹ cậu không còn đau khổ, mọi người thở phào nhẹ nhõm vì không gì quý hơn một con người còn sống. Có thể thấy rằng câu chuyện về Monkelephuman gồm những chi tiết rất hoang đường, không thể nào có thực được. Qua đó còn cho ta thấy sự thiếu thốn tình cảm của những thủy thủ chỉ ở trên biển là nhiều mà ít ở trên đất liền. Việc xây dựng những chi tiết đó không những nói lên được điều tác giả muốn gửi gắm mà còn gây được sự quan tâm, tò mò của độc giả.
Trong tác phẩm, có nhiều chi tiết thực đặt bên cạnh những chi tiết phi thực. Chương “Dị nhân” ngoài những chi tiết hoang đường ấy cũng có nhiều chi tiết chân thật, có thực, đó như là những chi tiết vụn vặt trong cuộc sống. Kể lên câu chuyện li kì có màu sắc hoang đường về bé Monkelephuman đặt cạnh những chi tiết chân thực, vụn vặt trong cuộc sống, tác giả muốn cho người đọc thấy được tình cảm, tình người của những người trên tàu. Có thể ta đã từng bắt gặp những chi tiết đó trong cuộc sống. Bên cạnh những chi tiết giống như chỉ có trong thần thoại, cổ tích cần có những chi tiết như trong thực tế để người đọc không cảm thấy xa lạ. Những chi tiết chân thực đó góp phần làm cho cả câu chuyện có nhiều yếu tố hoang đường li kì trở nên hợp lí, gần gũi hơn. Những chi tiết này được tác giả chọn lọc kĩ để đưa vào tác phẩm, tuy nó là những chi tiết đơn giản, bình thường nhưng có tác dụng lớn, thể hiện được tình cảm,
sự quan tâm của những người trên tàu đối với bé Monkelephuman. Cuộc sống trên tàu chỉ toàn là sống giữa những người đàn ông với nhau hoàn toàn không có phụ nữ và trẻ em cho nên đời sống tình cảm của họ thiếu thốn và đơn điệu. Được thấy bóng dáng của phụ nữ và trẻ em cũng đủ làm họ cảm thấy hạnh phúc, ấm lòng. Nhìn thấy đứa trẻ là Monkelephuman vui đùa trên tàu làm mọi người trên tàu cũng vui lòng. Có đứa bé trên tàu ai cũng quan tâm đến tuy không có quan hệ ruột rà nhưng họ có tình cảm chân thật với đứa bé, yêu thương đứa bé. Những chi tiết thể hiện tình cảm, sự quan tâm của