4.1. Quan điểm mục đích
Bộ Tài chính tiếp tục xây dựng và phát triển thị trường trái phiếu một cách bền vững, thanh khoản cao, và từng bước tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế để trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, an toàn, hiệu quả cho nền kinh tế với mục tiêu cụ thể là tổng dư nợ thị trường trái phiếu đạt 38% GDP trong năm 2020, trong đó dư nợ thị trường TPCP đạt 22% GDP, thị trường TP được CPBL đạt 8% GDP, thị trường TPCQĐP đạt 1% GDP và thị trường TPDN đạt 7% GDP.
4.2. Các giải pháp cụ thể
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển thị trường theo đúng Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định số 261/QĐ-BTC ngày 1/2/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong đó tập trung vào các nội dung sau:
4.2.1. Hoàn thiện khung khổ pháp lý
Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường trái phiếu để đảm bảo phù hợp với sự phát triển của thị trường và thông lệ quốc tế cụ thể như sau:
• Đối với trái phiếu doanh nghiệp: Đánh giá triển khai thực hiện Nghị định số 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 90/2011/NĐ-CP với các điểm sửa đổi bổ sung đảm bảo phù hợp với sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai Nghị định số 88/2014/NĐ-CP về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
• Đối với trái phiếu Chính phủ: Tiếp tục nghiên cứu ban hành các sản phẩm mới để đa dạng hoá sản phẩm trên thị trường. Tiếp tục nghiên cứu cơ chế hỗ trợ thanh khoản để thành lập hệ thống nhà tạo lập thị trường từ hệ thống thành viên đấu thầu trái phiếu Chính phủ.
• Tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định Quỹ hưu trí tự nguyện để thúc đẩy nhu cầu đầu tư dài hạn trên thị trường trái phiếu.
4.2.2. Các giải pháp thị trường
Các giải pháp thị trường Bộ Tài chính tiếp tục triển khai trong thời gian tới như sau:
• Thứ nhất là phối hợp với NHNN trong việc điều hành thị trường tài khoá và thị trường tiền tệ, đảm bảo lãi suất phát hành trái phiếu và lãi suất tiền tệ được ổn định, ít biến động lớn.
• Thứ hai là phát triển hệ thống nhà đầu tư: Khuyến khích phát triển hệ thống nhà đầu tư dài hạn trên thị trường như Quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm,... giảm dần sự phụ thuộc vào hệ thống các ngân hàng thương mại. Tiếp tục xây dựng lộ trình thu hút nhà đầu tư nước ngoài với các giải pháp căn bản (i) Ổn định nền kinh tế vĩ mô; (ii) Xây dựng và phát triển các sản phẩm trái phiếu phái sinh như hợp đồng, kỳ hạn,... để phòng ngừa rủi ro trên thị trường trái phiếu; (iii) Tăng cường tính công khai minh bạch trên thị trường thông qua xây dựng trang thông tin điện tử chuyên biệt cho thị trường trái phiếu gồm đầy đủ dữ liệu thông tin về thị trường.
• Thứ ba là phát triển hệ thống nhà tạo lập thị trường trên cơ sở hệ thống thành viên đấu thầu trái phiếu Chính phủ với các giải pháp như (i) ban hành khuôn khổ pháp lý về quyền lợi và nghĩa vụ của nhà tạo lập thị trường, theo đó nâng cao trách nhiệm của các thành viên đấu thầu trên thị trường sơ cấp; (ii) Thúc đẩy nhanh quá trình đăng ký, lưu ký, niêm yết giao dịch, nghiệp vụ repo, cung cấp thông tin giá cả nhằm hỗ trợ sự tham gia của các nhà tạo lập thị trường trên thị trường thứ cấp; (iii) tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách về cơ chế hỗ trợ thanh khoản trên thị trường để tiến tới quy định thêm nghĩa vụ đối với các nhà tạo lập thị trường trên thị trường thứ cấp là chào giá cam kết 2 chiều; (iv) Tăng cường các cuộc đối thoại định kỳ với thành viên để nắm bắt nhu cầu và vướng mắc trong triển khai hệ thống thành viên đấu thầu.
• Thứ tư là phát triển hệ thống công nghệ thông tin: Tiếp tục hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin trên thị trường để đảm bảo hoạt động phát hành và giao dịch trái phiếu diễn ra thông suốt; rút ngắn thời gian từ khâu phát hành đến niêm yết trái phiếu tạo thanh khoản trên thị trường.
• Thứ năm là xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu của thị trường trái phiếu doanh nghiệp để tăng cường tính công khai minh bạch, thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoài ra, để tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu, trong thời gian tới, Bộ Tài chính dự kiến sẽ tiếp tục triển khai thêm một số giải pháp điều hành thị trường bám sát với các nhiệm vụ chủ yếu tại Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020 quy định tại Quyết định số 261/QĐ-BTC ngày 1/2/2013, cụ thể như sau:
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thành viên đấu thầu, tạo cơ sở để thiết lập hệ thống đại lý cấp I trên thị trường trái phiếu. Trong năm nay, có tổng cộng 25 thành viên đấu thầu. Cuối năm 2014, Bộ Tài chính sẽ đánh giá xếp loại các thành viên đồng thời công bố danh sách thành viên đấu thầu của năm 2015.
- Tiếp tục xây dựng và công khai lịch biểu phát hành bao gồm kỳ hạn, khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành phù hợp với khả năng hấp thụ của thị trường. Cân nhắc giảm tần suất phát hành về mốc 2 phiên phát hành/1 tháng song song với việc tăng khối lượng phát hành/1 phiên, lập lịch biểu phát hành phù hợp hơn với nhu cầu đầu tư TPCP và thời điểm phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
- Tăng thanh khoản cho thị trường TPCP theo hướng giảm số mã trái phiếu và tăng quy mô niêm yết của một mã trái phiếu với các giải pháp sau: (i) phát hành bổ sung; (ii) phát hành lô lớn; và (iii) thực hiện hoán đổi trái phiếu.
- Tiếp tục tăng cường phát hành TPCP kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên, phát hành đều đặn kỳ hạn 10 năm (1 lần/1 tháng) và 15 năm (1 lần/1 quý) để cải thiện kỳ hạn còn lại của trái phiếu.
- Về trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, khuyến khích hai ngân hàng chính sách (Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội) công bố lịch biểu phát hành
bao gồm kỳ hạn dự kiến phát hành sau khi Thủ tướng phê duyệt hạn mức phát hành trái phiếu.
- Thực hiện điều hành lãi suất TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh linh hoạt, phù hợp với điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và diễn biến trên thị trường trái phiếu và thị trường tiền tệ. Phối hợp chặt chẽ với NHNN trong công tác: (i) điều hành lãi suất giữa thị trường tiền tệ và thị trường TPCP; (ii) công tác huy động vốn cho NSNN và điều hành cung tiền.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên cơ sở Thông tư 211/2012/TT-BTC và Nghị định 90/2011/NĐ-CP để củng cố việc công bố thông tin trên thị trường sơ cấp nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Phát triển sản phẩm mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tại Lộ trình phát thị trường trái phiếu Việt Nam. Bộ Tài chính phối hợp với UBCKNN, KBNN, Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) Hà Nội, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán để nghiên cứu và từng bước đưa các sản phẩm mới vào thị trường. Trước mắt, sản phẩm đầu tiên được triển khai là trái phiếu không lãi suất (zero coupon bond); đồng thời KBNN triển khai hoán đổi trái phiếu để kéo dài kỳ hạn trái phiếu.
Đối với sản phẩm trái phiếu lãi suất thả nổi, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành bán lẻ trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát trong năm 2006. Tuy nhiên, kết quả không được như mong muốn khi khối lượng phát hành thấp và chỉ số lạm phát để làm tham chiếu tính lãi suất thả nổi chưa thực sự phù hợp. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu sản phẩm này, đặc biệt nghiên cứu chỉ số thả nổi phù hợp để thực hiện phát hành khi các điều kiện của thị trường đạt đến độ phát triển nhất định.
Đối với các sản phẩm trái phiếu phái sinh: Ngày 11/3/2014, tại Quyết định số 366/QĐ- TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng TTCK phái sinh. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh để trình Chính phủ ban hành trong năm 2014 - 2015. Đây sẽ là văn bản quan trọng quy định toàn bộ các vấn đề pháp lý, sản phẩm, kết cấu và hạ tầng TTCK phái sinh. Sau khi Quyết định được thông qua, dự kiến sản phẩm đầu tiên triển khai sẽ là sản phẩm phái sinh trái phiếu (bond future). Hiện nay, UBCKNN, SGDCK Hà Nội đang tích
cực nghiên cứu song song để đảm bảo sản phẩm này sẽ được triển khai khi có khuôn khổ pháp lý.