3. Nguyên nhân khiến thị trường trái phiếu Việt Nam chậm phát triển 1 Khuôn khổ pháp lý cho thị trường trái phiếu chưa hoàn thiện
3.2. Mức độ minh bạch trên thị trường trái phiếu Việt Nam rất thấp
Xét thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trái phiếu doanh nghiệp là một công cụ được chuẩn hóa để một khi doanh nghiệp phát hành thì tất cả các nhà đầu tư đều biết là doanh nghiệp đó đã đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực về báo cáo tài chính, kế toán và minh bạch thông tin. Niềm tin là nền tảng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trên thực tế, mức độ minh bạch trên thị trường này hiện đang rất thấp, với hầu hết các
đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp đều là phát hành riêng lẻ và thông tin được giữ bí mật ở mức cao nhất có thể.
Theo báo cáo của Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết, thị trường thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2014 hầu như không có giao dịch, nếu có thì thông tin không được công bố để làm cơ sở định giá cho thị trường. Trong khi đó, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trên thị trường sơ cấp năm 2014 là 26.722 tỷ đồng, giảm 22% so với năm 2013. Quy mô thị trường này rất khiêm tốn so với thị trường trái phiếu chính phủ. Nguyên nhân là do đâu?
Theo nhiều doanh nghiệp, bằng việc phát hành riêng lẻ, doanh nghiệp có thể đàm phán trực tiếp với nhà đầu tư và giảm thiểu cung cấp thông tin ra công chúng. Còn bản thân nhà đầu tư khi chấp nhận ít thông tin hơn sẽ được lợi nhuận cao hơn so với thị trường và có quyền đặt ra những yêu cầu cụ thể. Trong trường hợp có những kế hoạch chưa muốn công bố thông tin như tái cấu trúc doanh nghiệp, doanh nghiệp thường chọn phát hành riêng lẻ, đặc biệt là những công ty nhỏ đang trong giai đoạn khó khăn.
Nhiều nhà đầu tư lớn, đặc biệt là các ngân hàng lớn, cũng hầu như không cần doanh nghiệp phát hành minh bạch thông tin, bởi họ đã nắm được thông tin về tình hình hoạt
động, vay nợ, ... của doanh nghiệp. Thậm chí, họ ủng hộ việc bảo mật thông tin để đơn giản hóa thủ tục phát hành cho cả hai bên.
Sự mịt mờ thông tin gây bất lợi cho các nhà đầu tư nhỏ trên thị trường thứ cấp. Tình trạng không minh bạch cũng đã làm nảy sinh một vài vấn đề trong lòng thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua, khi mà doanh nghiệp và ngân hàng có thể sử dụng trái phiếu doanh nghiệp như công cụ để thực hiện các hoạt động vay mượn lòng vòng và làm “đẹp” sổ sách cho nhau. Có không ít vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ quy mô lên tới cả ngàn tỷ đồng nhưng lãi suất hoàn toàn đi chệch khỏi thị trường. Ví dụ như, một doanh nghiệp bất động sản hồi quý III/2013 phát hành trái phiếu có lãi suất năm đầu 10%/năm, thấp hơn 2 - 3%/năm so với mặt bằng phát hành của các doanh nghiệp trong ngành, nhưng cuối tháng 12/2013 phát hành thêm một đợt nữa có lãi suất 11%/năm, trong khi mặt bằng chung là giảm lãi suất.