Diễn biến của quá trình dạy học và nhận xét

Một phần của tài liệu Thiết kế bài dạy học phần Quang hình học - Vật lý 11 nâng cao theo phương pháp dạy học hợp tác nhóm với sự hỗ trợ của máy vi tính (Trang 65 - 67)

8. Cấu trúc của đề tài

3.4.1. Diễn biến của quá trình dạy học và nhận xét

QTDH ở nhóm TN và nhóm ĐC diễn ra như sau:

 Bài 44 : Khúc xạ ánh sáng

- Nhóm ĐC: GV chỉ dùng lời nói để đặt vấn đề vào bài học nên không gây được hứng thú cho HS. Trong QTDH, các hoạt động chủ yếu tập trung ở GV, HS chủ yếu lắng nghe và suy nghĩ để trả lời các câu hỏi do GV đặt ra. GV chỉ tiến hành thí nghiệm biểu diễn về hiện tượng khúc xạ ánh sáng, khái niệm chiết suất của môi trường được GV diễn giải bằng lời, sự tạo ảnh qua lưỡng chất phẳng được GV mô tả bằng hình vẽ nên kém phần trực quan, sinh động.

- Nhóm TN: Mở đầu bài học, GV cho HS quan sát hình ảnh “Cây bút chì bị gãy khúc” làm cho các em thấy hứng thú. Trong QTDH, các hoạt động chủ yếu tập trung ở HS, GV chỉ là người giúp đỡ các em khi cần thiết. HS có sự hợp tác với nhau trong quá trình làm thí nghiệm, có sự phân công nhiệm vụ trong quá trình xử lý số liệu và vẽ đồ thị. Các mô phỏng dưới dạng flash giúp HS quan sát được sự thay đổi của khúc xạ khi thay đổi môi trường từ đó hiểu rõ hơn về khái niệm chiết suất tỉ đối; các em cũng có thể quan sát một cách trực quan sự tạo ảnh qua lưỡng chất phẳng để hiểu rõ tại sao ảnh của vật qua lưỡng chất phẳng lại bị nâng lên hoặc hạ xuống so với vật thật.

 Bài 45 : Phản xạ toàn phần

- Nhóm ĐC: Phương pháp dạy học chủ yếu được GV sử dụng là phương pháp diễn giảng, bài học không có tính trực quan nên không lôi kéo được sự chú ý và kích thích tính tò mò của HS, giờ học diễn ra bình thường.

- Nhóm TN: Trong QTDH HS đóng vai trò chủ đạo, các em được tự tay tiến hành các thí nghiệm để dễ dàng quan sát hiện tượng. Với sự hỗ trợ của MVT, các em có thể quan sát mô phỏng hình ảnh tia sáng khi đến gặp mặt phân cách của hai môi trường để rút ra điều kiện để xảy ra hiện tượng phản xạ toàn phần; các em cũng có thể quan sát được hình ảnh của các sợi quang.

 Bài 50 : Mắt

- Nhóm ĐC: GV dạy theo PPDH truyền thống. GV chủ yếu sử dụng phương pháp diễn giảng để trình bày cho HS về cấu tạo của mắt, sự điều tiết, điểm cực cận và cực viễn, năng suất phân li của mắt, sự lưu ảnh của mắt. HS tiếp thu bài một cách thụ động.

- Nhóm TN: Ở bậc THCS, HS đã được học về cấu tạo, sự điều tiết của mắt, điểm cực cận và điểm cực viễn nên việc tổ chức lớp học theo nhóm để tìm hiểu chúng đối với các em rất dễ dàng. Các khái niệm góc trông, năng suất phân li và sự lưu ảnh của mắt được các nhóm HS tự tìm hiểu thông qua những thí nghiệm nhỏ nên các em có cảm giác không bị áp đặt.

 Bài 51 : Các tật của mắt và cách khắc phục

- Nhóm ĐC: GV chủ yếu sử dụng phương pháp diễn giảng để trình bày đặc điểm của mắt bị tật và cách sữa nên HS không có cơ hội để phát triển tư duy, HS còn lúng túng khi vận dụng kiến thức để làm bài tập.

- Nhóm TN: Trên cơ sở kinh nghiệm của bản thân HS, những hiểu biết của các em về sự tạo ảnh qua thấu kính, những hiểu biết về cấu tạo và đặc điểm của mắt bình thường thì một số HS có khả năng tư duy để nhận biết đặc điểm của mắt cận thị, viễn thị, lão thị và đề xuất phương án khắc phục các tật đó để thông báo cho cả nhóm. Sau đó, với sự hỗ trợ của MVT, toàn bộ HS có thể quan sát được hình ảnh mô phỏng và hiểu bài một cách sâu sắc hơn.

Sau khi quan sát giờ học của nhóm TN và nhóm ĐC, chúng tôi có những nhận xét chung như sau:

- Nhóm ĐC: Cách dạy của GV có đổi mới nhưng hiệu quả mang lại chưa cao, trong giờ dạy chủ yếu là GV diễn giảng, HS lắng nghe và ghi chép. Các em chưa thực sự hứng thú và tự giác.

- Nhóm TN: Giờ học của nhóm TN diễn ra sôi nổi, không khí học tập thoải mái, HS nhiệt tình tham gia hoạt động để chiếm lĩnh kiến thức với tác phong nhanh nhẹn. HS có nhiều thời gian để tích cực làm việc theo nhóm và có sự nỗ lực của từng cá nhân trong quá trình xây dựng kiến thức mới. Với tiến trình dạy học đã được thiết kế, thời gian diễn giảng của GV được rút ngắn, thời gian dành cho các hoạt động của HS được tăng cường. HS có thời gian để trao đổi, tranh luận, có sự hợp tác tích cực giữa các thành viên trong nhóm để giải quyết vấn đề. Các hình ảnh, các đoạn video, các thí nghiệm mô phỏng được đưa vào bài giảng làm bài học sinh động và dễ hiểu, HS hứng thú và tự giác trong học tập. Như vậy, giờ dạy học ở nhóm TN với giáo án được thiết kế theo PPDH hợp tác nhóm với sự hỗ trợ của MVT đã góp phần phát huy tính tích cực, chủ động của HS trong quá trình học tập.

Một phần của tài liệu Thiết kế bài dạy học phần Quang hình học - Vật lý 11 nâng cao theo phương pháp dạy học hợp tác nhóm với sự hỗ trợ của máy vi tính (Trang 65 - 67)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(77 trang)
w