CUỘC KHÁNG CHIẾN TOÀN QUỐC CHỐNG THỰC DÂN PHÁP KẾT THÚC (1953 1954)

Một phần của tài liệu Hướng dẫn thực hiện Chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Lịch sử 12 (Trang 45 - 48)

1. Âm mưu mới của Pháp Mĩ ở Đông Dương. Kế hoạch Nava

Trình bày và phân tích bối cảnh lịch sử, âm mưu, thủ đoạn mới của thực dân Pháp và can thiệp Mĩ trong kế hoạch Nava:

- Sau 8 năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, Pháp bị thiệt hại ngày càng lớn, bị loại khỏi vòng chiến đấu 39 vạn quân, ngày càng lâm vào thế bị động trên chiến trường,vùng chiếm đóng bị thu hẹp, chiến phí tăng cao, chính trị, kinh tế, tài chính gặp khó khăn, bế tắc.

- Mĩ ngày càng can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Được sự thỏa thuận của Mĩ, Pháp cử Nava sang làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Nava đề ra kế hoạch quân sự mới.

- Kế hoạch Nava: Thời gian thực hiện là 18 tháng, chia làm 2 bước Bước thứ nhất, trong thu đông 1953 và xuân 1954, giữ thế phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, tiến công chiến lược để bình định Trung Bộ và Nam Đông Dương, xây dựng đội quân cơ động chiến lược mạnh.

Bước thứ hai, từ thu đông 1954, chuyển lực lượng ra chiến trường Bắc Bộ, thực hiện tiến công chiến lược, cố gắng giành thắng lợi quân sự quyết định, buộc ta phải đàm phán với những điều kiện có lợi cho chúng.

- Từ thu đông 1953, Nava tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ 44 tiểu đoàn cơ động, càn quét, bình định vùng chiếm đóng, mở cuộc tiến công lớn vào vùng tự do Ninh Bình, Thanh Hóa.

2. Cuộc tiến công chiến lược Đông- Xuân 1953 -1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ

a) Cuộc tiến công chiến lược Đông – Xuấn 1953 - 1954

Trình bày diễn biến cuộc Tiến công chiến lược đông- xuân 1953-1954 theo lược đồ, hiểu rõ với thắng lợi của cuộc tiến công đã làm thất bại bước đầu kế hoạch quân sự Nava:

- Chủ trương (kế hoạch) của ta.

+ Tập trung lực lượng tấn công vào những vị trí quan trọng mà địch tương đối yếu, nhưng lại quan trọng về chiến lược mà chúng không thể bỏ, nhằm tiêu diệt thêm nhiều sinh lực địch, giải phóng thêm đất đai.

+ Chủ động phân tán lực lượng địch, tạo điều kiện tiêu diệt chúng.

- Cuộc tiến công chiến lược

+ Tháng 12/1953, quân ta giải phóng thị xã Lai Châu, Pháp buộc phải điều quân tăng cường cho Điện Biên Phủ, biến đây thành nơi tập trung quân đông thứ hai của Pháp.

+ Đầu tháng 12/1953, liên quân Lào - Việt tấn công Trung Lào, giải phóng Thà Khẹt, uy hiếp Xavanakhét và Xênô, buộc địch phải tăng quân cho Xênô, đây thành nơi tập trung binh lực thứ ba của Pháp.

+ Tháng 1/1954, liên quân Lào – Việt tấn công địch ở Thượng Lào, giải phóng lưu vực sông Nậm Hu và tỉnh Phongxalì, buộc Pháp phải tăng quân cho Luông Phabang và Mường Sài; Luông Phabang là nơi tập quân thứ tư của Pháp.

+ Tháng 2/1954, ta giải phóng thị xã Kon Tum, uy hiếp Plâyku, Pháp phải tăng cường lực lượng cho Plâyku; đây là nơi tập trung quân thứ năm của Pháp.

Như vậy khối cơ động của Nava định tập trung ở Đồng bằng Bắc Bộ đã bị ta chủ động phân tán thành 5 nơi. Điện Biên Phủ bị cô lập. Kế hoạch Nava bước đầu đã bị phá sản. Tạo điều kiện cho ta giành thắng lợi lớn ở Điện Biên Phủ.

b) Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.

Trình bày diễn biến theo lược đồ, nêu kết quả, ý nghĩa của chiến dịch Điện Biên Phủ: - Âm mưu của Pháp.

- Trong quá trình triển khai kế hoạch Nava, Pháp – Mĩ đánh giá Điện Biên Phủ là một địa bàn chiến lược quan trọng bậc nhất Đông Dương, có thể trở thành căn cứ lục quân và không quân chiến lược lợi hại trong mưu đồ xâm lược Đông Dương và Đông Nam Á.

- Trong tình thế kế hoạch Nava bị phá sản, Pháp – Mĩ đã tập trung xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, biến thành trung tâm điểm của kế hoạch Nava.

- Điện Biên Phủ được Pháp – Mĩ đánh giá là “pháo đài không thể công phá”, nhằm thu hút lực lượng ta vào đây để tiêu diệt.

- Pháp bố trí Điện Biên Phủ thành 1 hệ thống phòng ngự kiên cố gồm 49 cứ điểm, 2 sân bay, chia thành 3 phân khu với 16.200 quân, đủ các binh chủng và phương tiện chiến tranh hiện đại.

- Chủ trương của ta.

- Trung ương Đảng hạ quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. - Ta chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với Pháp vì:

+ Điện Biên Phủ chỉ tiếp tế được bằng đường hàng không khi đường bộ bị cô lập.

+ Quân đội, hậu phương ta đang phát triển thuận lợi, có thể khắc phục được khó khăn về đường sá, vận tải, tiếp tế.

- Diễn biến.

Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong 3 đợt:

+ Đợt 1 (13/3/1954 – 17/3/1954): ta tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam và toàn bộ phân khu Bắc.

+ Đợt 2 (30/3/1954 – 26/4/1954): ta đồng loạt tấn công các cứ điểm phía Đông phân khu Trung tâm như các cứ điểm E1, D1, C1, A1...bao vây, chia cắt địch.

+ Đợt 3 (1/5/1954 – 7/5/1954): quân ta đồng loạt tấn công phân khu Trung tâm và phân khu Nam; 17h30 ngày 7/5/1954, tướng Đờ Caxtơri và toàn bộ ban tham mưu địch bị bắt. Chiến dịch hoàn toàn thắng lợi.

- Kết quả.

+ Ta loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 địch, trong đó có một thiếu tướng, hạ 62 máy bay các loại, thu toàn bộ vũ khí và các phương tiện chiến tranh.

- Ý nghĩa.

Đập tan hoàn toàn kế hoạch Nava, giáng đòn quyết định vào thực dân Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Đông Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta giành thắng lợi.

3. Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương

a) Hội nghị Giơnevơ

Biết một số nét chính về hội nghị:

- Tháng 1-1954, Hội nghị ngoại trưởng của các nước; Liên Xô, Anh, Pháp, Mĩ họp ở Đức thỏa thuận triệu tập hội nghị lập lại hòa bình ở Đông Dương.

- Ngày 7/5/1954, ta tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thì ngày 8/5/1954 Hội nghị Giơnevơ bắt đầu thảo luận. Phái đoàn chính phủ ta đến dự Hội nghị do ông Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn.

- Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết.

b) Hiệp định Giơnevơ

Trình bày được nội dung cơ bản, ý nghĩa của Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương:

+ Các nước tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia.

+ Các bên tham chiến ngừng bắn, lập lại hòa bình trên toàn Đông Dương. + Các bên tham chiến thực hiện tập kết, chuyển quân, chuyển giao khu vực. + Cấm việc đưa quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí nước ngoài vào các nước

+ Việt Nam: quân đội nhân dân Việt Nam và quân Pháp tập kết ở hai miền Bắc – Nam lấy vĩ tuyến 17 (dọc sông Bến Hải) làm giới tuyến quân sự tạm thời; tiến tới thống nhất bằng cuộc tổng tuyển cử tự do trong cả nước sẽ tổ chức vào hai năm sau ngày kí hiệp định.

- Ý nghĩa:

+ Hiệp định Giơnevơ đánh dấu thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, buộc Pháp phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội về nước; Mĩ thất bại trong âm mưu kéo dài, mở rộng chiến tranh xâm lược Đông Dương.

4. Nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.a) Nguyên nhân thắng lợi: a) Nguyên nhân thắng lợi:

Rút ra những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp:

+ Có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đường lối chính trị, quân sự và đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo.

+ Có chính quyền dân chủ nhân dân, có Mặt trận dân tộc thống nhất, có lực lượng vũ trang ba thứ quân, có hậu phương rộng lớn vững mạnh.

+ có Liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương, sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô, các nước dân chủ nhân dân và các nước khác.

b) Ý nghĩa lịch sử

Trình bày được ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược:

+ Chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược, đồng thời chấm dứt ách thống trị thực dân của Pháp gần một thế kỉ trên đất nước ta.

+ Miền Bắc được giải phóng, chuyển sang giai đoạn cách mạng XHCN.

+ Giáng một đòn nặng nề vào tham vọng xâm lược, âm mưu nô dịch của chủ nghĩa đế quốc, góp phần làm tan rã hệ thống thuộc địa của chúng.

CHỦ ĐỀ 11

VIỆT NAM TỪ NĂM 1954 ĐÊN NĂM 1975A - CHUẨN KIẾN THỨC, KĨ NĂNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH A - CHUẨN KIẾN THỨC, KĨ NĂNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH

- Trình bày được tình hình nước ta sau Hiệp định Giơnevơ 1954: đất nước bị chia cắt làm hai miền (tạm thời). Phân tích được nhiệm vụ của cách mạng cả nước, của mỗi miền và mối quan hệ giữa nhiệm vụ của hai miền.

- Hiểu được yêu cầu cách mạng đối với nhân dân miền Bắc và những bước đi ban đầu (1954-1950): hoàn thành cải cách ruộng đất, khôi phục kinh tế, cải tạo quan hệ sản xuất.

- Phân tích ý nghĩa của các sự kiện và những hạn chế trong cải cách ruộng đất.

- Trình bày được phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam chống chế độ Mĩ - Diệm, gìn giữ và phát triển lực lượng cách mạng (1954-1959), đấu tranh đòi hoà bình của các tầng lớp nhân dân; phong trào “Đồng khởi”; sự ra đời của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

- Trình bày những sự kiện chính của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) khẳng định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, phân tích được ý nghĩa của sự kiện này.

- Nêu được những thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hóa của nhân dân miền Bắc trong kế hoạch 5 năm (1961-1965): công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải, y tế, giáo dục.

- Nêu được diễn biến chính và đặc điểm của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mĩ. Cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong việc phá “ấp chiến lược”, chiến thắng Ấp Bắc và chiến dịch tấn công địch ở miền Đông Nam Bộ trong đông – xuân 1964 -1965; Ý nghĩa của các sự kiện trên: làm phá sản về cơ bản “Chiến lược chiến tranh đặc biệt” của Mĩ.

- Nêu được âm mưu và hành động của Mĩ trong việc mở rộng chiến tranh ra miền Bắc (1965-1968). Nhân dân miền Bắc vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, vừa sản xuất làm nghĩa vụ hậu phương lớn: những thành tựu và kết quả chủ yếu.

- Nhân miền Nam chiến đấu chống “chiến tranh cục bộ” của Mĩ: nêu được âm mưu và thủ đoạn của Mĩ; trình bày diễn biến chính và những thắng lợi lớn của nhân dân miền Nam: Chiến thắng Vạn Tường buộc Mĩ thừa nhận sự thất bại của “chiến tranh cục bộ”; trình bày được bối cảnh, diễn biến chính của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968) và phân tích ý nghĩa thắng lợi và những hạn chế của ta.

- Trình bày được những thành tựu chính trong cuộc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội 1969-1973 của nhân dân miền Bắc; những đóng góp sức người, sức của cho cách mạng miền Nam; những thành tích trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mĩ lần thứ hai 1972, phân tích được vai trò, ý nghĩa các sự kiện đó.

- Nêu được nội dung, đặc điểm chính của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mĩ 1969- 1972. Trình bày được những thắng lợi lớn của nhân dân miền Nam làm thất bại chiến lược đó: Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, một số chiến dịch và đặc biệt là cuộc Tiến công chiến lược 1972. Phân tích ý nghĩa của các sự kiện đó.

- Diễn biến, nội dung và ý nghĩa của Hiệp định Pari 1973 về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

- Trình bày những thành tựu chính của nhân dân miền Bắc trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất và chi viện cho miền Nam.

- Nêu được bối cảnh và chủ trương, kế hoạch giải phóng miền Nam. Trình bày diễn biến chính của những chiến dịch lớn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975: chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, chiến dịch Hồ Chí Minh. Phân tích ý nghĩa của các chiến dịch.

Miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Phân tích ý nghĩa và nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

B - HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHUẨN KIẾN THỨC, KĨ NĂNG

Một phần của tài liệu Hướng dẫn thực hiện Chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Lịch sử 12 (Trang 45 - 48)