Căn cứ Nghị quyết số 07/2011/QH13 ngày 06/8/2011 của Quốc hội khóa XIII về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2011, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 433/NQ-UBTVQH13 ngày 30/12/2011 về việc thành lập Ban soạn thảo BLHS (sửa đổi). Điểm 1.2 tiểu mục 1 Phần IV – Định hướng cơ bản sửa đổi BLHS trong đề cương định hướng sửa đổi, bổ
sung BLHS số 7724/ĐC-BSTBLHS (SĐ) ngày 24/9/2012 có nêu: “Sửa đổi, bổ sung các quy định của BLHS liên quan đến các chế định loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn, giảm hình phạt, xóa án tích…”. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chế định các trường hợp loại
trừ trách nhiệm hình sự là yêu cầu có tính cấp thiết [56, tr.16]. Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ quyền con người hiện nay đang được cả nhân loại quan tâm và tôn trọng, việc bảo vệ quyền con người bằng chế định các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự đòi hỏi cần phải sửa đổi, bổ sung những quy định mới cho phù hợp với các quan hệ xã hội mới phát sinh; ngoài ra hiện nay xu thế chung của pháp luật hình sự các nước trên thế giới đòi hỏi trong luật phải ngày càng chứa đựng nhiều quy định, chế định mang tính nhân đạo hơn và dân chủ hơn, nên việc nghiên cứu mở rộng một số trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự đang tồn tại trong thực tiễn xét xử của nước ta và các nước khác để bổ sung vào BLHS (sửa đổi) rõ ràng rất cần thiết. Hơn nữa, việc nghiên cứu chế định các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự trong PLHS Việt Nam nhằm tìm ra các giải pháp để khắc phục, sửa chữa những tồn tại, hạn chế trong quy định pháp luật hiện hành không những có ý nghĩa hoàn thiện pháp luật hình sự mà còn góp phần tăng cường đảm bảo quyền con người bằng chế định này.