hạn chế quyền tự do theo quy định của Luật tố tụng hình sự Việt Nam
Cùng với việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về các BPNC hạn chế quyền tự do, để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền con người thì cần phải nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền con người trong việc áp dụng các BPNC hạn chế quyền tự do trên thực tiễn.
Các BPNC là những biện pháp cưỡng chế cần thiết trong TTHS do người có thẩm quyền áp dụng đối với người bị bắt, tạm giữ, bị can, bị cáo với
mục đích ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội của họ, ngăn ngừa việc họ tiếp tục phạm tội hoặc gây khó khăn cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Trong thời điểm từ năm 2009 đến năm 2013, vẫn xảy ra tình trạng bắt giữ người sau không đủ căn cứ xử lý hình sự, tạm giữ, tạm giam quá hạn luật định,… Tình trạng này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người, lợi ích hợp pháp của công dân. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ trong các cơ quan THTT còn hạn chế, ý thức pháp luật chưa được đề cao.
Vì vậy, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan THTT và hiệu quả bảo vệ quyền con người, quyền công dân thì cần phải nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ những người THTT đồng thời không ngừng bồi dưỡng, nâng cao ý thức pháp luật, ý thức chính trị cho những người này.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của công việc, công
việc có thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” [14, tr.269, 273].
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền con người thông qua việc áp dụng các BPNC hạn chế quyền tự do theo quy định của BLTTHS, vấn đề đặt ra đối với các cơ quan THTT là:
- Đối với CQĐT:
CQĐT cần phải nâng cao chất lượng hoạt động áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam đảm bảo việc bắt, tạm giữ, tạm giam theo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn luật định. Đồng thời phải thường xuyên kiểm tra tính có căn cứ và cần thiết của các BPNC đang áp dụng. Khi căn cứ không còn hoặc việc áp dụng không cần thiết hay cần phải thay thế biện pháp đang áp dụng bằng BPNC khác thì cần phải kịp thời hủy bỏ hoặc yêu cầu Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ, thay thế. Hạn chế tới mức thấp nhất việc bắt, tạm giữ, tạm giam không đúng quy định đặc biệt là việc lạm dụng áp dụng biện pháp bắt khẩn cấp như hiện nay dẫn đến nhiều trường hợp bắt khẩn cấp sau không đủ
căn cứ xử lý hình sự như những năm vừa qua. Để thực hiện được vấn đề này, trước hết CQĐT cần phải kiện toàn đội ngũ Điều tra viên đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Đồng thời phải thường xuyên tiến hành tập huấn nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ Điều tra viên vì đây là những người trực tiếp thực hiện việc áp dụng các BPNC. Phải quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Đảng, đó là: những trường hợp bắt, giam cũng được hoặc không bắt cũng được thì phải không bắt, giam; không sử dụng việc áp dụng biện pháp bắt, giam thay cho điều tra.
Việc áp dụng biện pháp bắt, giữ thường do CQĐT thực hiện ngay từ giai đoạn trước khi khởi tố vụ án hình sự. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng áp dụng các BPNC của CQĐT là rất quan trọng, trong đó mấu chốt là việc cần phải trang bị cho Điều tra viên những kiến thức về nghiệp vụ cũng như quan điểm của Đảng trong việc áp dụng các biện pháp bắt, giam. Đồng thời cũng cần phải có hình thức xử lý nghiêm những trường hợp áp dụng các BPNC không đúng quy định pháp luật.
- Đối với Viện kiểm sát:
BLTTHS năm 2003 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra như sau:
“… Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác; quyết định phê chuẩn, quyết định không phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra theo quy định của bộ luật này…” [30, Điều 112, Khoản 4]. Nghị quyết 08/NQ-TW ngày
02/01/2002 của Bộ Chính trị đã nêu rõ:
Tăng cường công tác kiểm sát việc bắt, giữ, giam đảm bảo đúng pháp luật; những trường hợp chưa cần bắt, tạm giữ, tạm giam thì kiên quyết không phê chuẩn lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam; phát hiện xử lý kịp thời các trường hợp oan, sai trong bắt giữ. Viện kiểm
sát các cấp chịu trách nhiệm về những oan, sai trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam thuộc phạm vi thẩm quyền phê chuẩn của mình [2]. Vì vậy, Viện kiểm sát cần kiện toàn đội ngũ Kiểm sát viên đủ năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững các quy định của pháp luật về áp dụng các BPNC, các định hướng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác này để vận dụng vào thực tiễn. Đồng thời cần phải:
+ Tăng cường kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam của CQĐT đối với từng trường hợp cụ thể, đặc biệt là những trường hợp bắt khẩn cấp thì Kiểm sát viên cần phải lấy lời khai của đối tượng nhằm xác định rõ trường hợp bắt và hành vi phạm tội của họ trước khi tiến hành phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp nhằm đảm bảo việc bắt khẩn cấp đúng căn cứ, cần thiết, đối với những trường hợp bắt khẩn cấp không đảm bảo theo quy định thì kiên quyết từ chối phê chuẩn và yêu cầu CQĐT trả tự do ngay cho đối tượng, hạn chế việc lạm dụng biện pháp bắt khẩn cấp như hiện nay. Đối với những trường hợp tạm giữ và gia hạn tạm giữ: cần phải đánh giá, phân loại từng trường hợp phạm tội quả tang. Đối với những trường hợp tạm chỉ là vi phạm hành chính thì cần kịp thời hủy bỏ quyết định tạm giữ hoặc từ chối không phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ và yêu cầu CQĐT trả tự do ngay. Đối với trường hợp tạm CQĐT ra lệnh tạm giam hoặc bắt bị can để tạm giam thì cần phải nghiên cứu kỹ hồ sơ về tính chất vụ việc cũng như nhân thân, thái độ của đối tượng, điều kiện hoàn cảnh của đối tượng… để xác định căn cứ cũng như sự cần thiết của việc tạm giam nhằm đảm bảo việc phê chuẩn áp dụng biện pháp này theo đúng quy định pháp luật.
Mặt khác, việc tổng kết, rút kinh nghiệm và có hướng dẫn kịp thời những điểm chưa rõ ràng, còn có nhận thức khác nhau trong việc áp dụng nhằm thống nhất trong nhận thức từ đó áp dụng vào thực tiễn chính xác. VKSNDTC phải kịp thời phối hợp với Bộ Công an và TANDTC để hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật nói chung và các quy định của
BLTTHS về các BPNC nói riêng để việc vận dụng và áp dụng pháp luật thống nhất giữa các cơ quan THTT. Đối với những quy định không còn phù hợp trong BLTTHS năm 2003 cần phải tổng kết để kịp thời sửa đổi, bổ sung.
Kịp thời khen thưởng những cá nhân có thành tích, sáng tạo trong công việc đồng thời xử lý nghiêm những cá nhân thiếu trách nhiệm dẫn đến việc áp dụng các BPNC oan, sai.
- Đối với Tòa án:
Cần phải tiến hành thường xuyên công tác tập huấn nghiệp vụ cho Thẩm phán và Hội thẩm về việc áp dụng, thay thế hoặc hủy bỏ BPNC, có văn bản hướng dẫn cụ thể các trường hợp bắt tạm giam bị cáo ngay sau phiên tòa để Thẩm phán và Hội thẩm có đánh giá đầy đủ tính chất, mức độ nguy hiểm, sự cần thiết phải áp dụng biện pháp tạm giam cũng như những trường hợp cần thay thế, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo để quyết định việc áp dụng, thay thế, hủy bỏ BPNC đối với từng trường hợp đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Cùng với việc nâng cao trình độ chuyên môn cho những người THTT thì cần phải nâng cao trách nhiệm của những người THTT trong quá trình áp dụng các BPNC. Để thực hiện được vấn đề này, theo chúng tôi cần phải có sự tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý cấp trên, đặc biệt cần tăng cường công tác kiểm sát của Viện kiểm sát đối với hoạt động áp dụng các BPNC của CQĐT. Bởi với chức năng của Viện kiểm sát được quy định tại Hiến pháp và Luật tổ chức Viện kiểm sát thì vai trò của Viện kiểm sát trong việc áp dụng các BPNC hạn chế quyền tự do là rất quan trọng, góp phần đảm bảo việc áp dụng các BPNC thẩm quyền, trình tự, thủ tục, sự cần thiết, qua đó bảo vệ được quyền con người và Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 đã nêu rõ:
Viện kiểm sát các cấp thực hiện tốt chức năng công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp… Tăng cường công tác kiểm sát việc bắt, giam, giữ đảm bảo đúng pháp
luật… Công tác giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đối với các cơ quan tư pháp tập trung vào việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bắt, tạm giữ, tạm giam, truy tố, xét xử, thi hành án… [2].
Mặt khác, phải nâng cao vai trò giám sát của các cơ quan Nhà nước,
Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viện của Mặt trận, đại biểu dân cử đối với hoạt động của các cơ quan và người THTT trong quá trình áp dụng các BPNC đảm bảo cho hoạt động này được khách quan và đúng quy định pháp luật.
- Đồng thời cần phải tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, quan điểm đường lối bảo vệ quyền con người của Nhà nước ta cho đội ngũ cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng để họ nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền con người thông qua các hoạt động tố tụng của mình.
Tóm lại, việc nâng cao trình độ nghiệp vụ, ý thức pháp luật cho những người THTT có thẩm quyền trong việc áp dụng, thay thế, hủy bỏ các BPNC giúp cho họ có nhận thức đúng đắn về các quy định của BPNC cũng như ý nghĩa của việc áp dụng các biện pháp này, đồng thời tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát là vấn đề cơ bản để nâng cao hiệu quả áp dụng các BPNC trong thực tiễn.