Dịch thủy phân được cô đặc ở áp suất chân không Pck = 600 mmHg với chế độ gia nhiệt lần lượt là: 50, 55, 60, 65 và 70 °C. Theo thời gian, mẫu được thu nhận để đánh giá sự thay đổi hàm lượng chất khô, quá trình cô đặc sẽ kết thúc khi hàm lượng chất khô trong dung dich caroten-protein đạt khoảng 30-35%. Kết quả thu được thể hiện trên hình 3.1.
Hình 3.1. Ảnh hưởng của nhiệt độ gia nhiệt đến sự biến đổi hàm lượng chất khô theo thời gian cô đặc
Kết quả thí nghiệm (Hình 3.1) cho thấy, nhiệt độ gia nhiệt có ảnh hưởng đến sự thay đổi hàm lượng chất khô trong dịch thủy phân caroten-protein khi cô đặc ở cùng áp suất chân không (Pck = 600 mmHg). Nhiệt độ gia nhiệt thấp hàm lượng chất khô trong dung dịch thay đổi chậm và tốn nhiều thời gian cô đặc để đạt được hàm lượng chất khô yêu cầu từ 30-35%, khi nhiệt độ gia nhiệt tăng lượng nước trong hỗn hợp caroten-protein thoát ra từ quá trình cô đặc nhanh dẫn đến thời gian
để hỗn hợp này đạt được độ khô yêu cầu được rút ngắn. Nguyên nhân có thể do khi nhiệt độ gia nhiệt cao sẽ làm tăng lượng nhiệt cung cấp cho dung dịch caroten- protein, tăng cường độ bay hơi nước trong dung dịch từ đó làm tăng hàm lượng chất khô nhanh hơn. Thời gian cô đặc khi gia nhiệt ở 50, 55, 60, 65, 70 oC lần lượt là 180, 150, 120, 80 và 40 phút. Dung dịch caroten-protein thủy phân có hàm lượng chất khô ban đầu là 5% thì nhiệt độ hóa hơi của nước trong điều kiện Pck = 600 mmHg sẽ lớn hơn 58 °C. Vì vậy, có thể ở chế độ gia nhiệt 50 và 55 °C nước bay hơi không phải ở nhiệt độ sôi nên tốc độ hóa hơi chậm làm cho thời gian cô đặc để đạt đến độ khô yêu cầu từ 30-35% kéo dài. Ở chế độ gia nhiệt 65 và 70 °C, nước hóa hơi ở nhiệt độ sôi nên thời gian cô đặc hỗn hợp carote-protein rút ngắn hơn nhiều so với các chế độ nhiệt độ khác. Ở chế độ gia nhiệt 60 °C, giai đoạn đầu nước hóa hơi ở nhiệt độ sôi, tuy nhiên khi hàm lượng chất khô trong dung dịch tăng lên sẽ làm tăng nhiệt độ hóa hơi của nước trong thiết bị cô đặc. Vì vậy, giai đoạn sau của quá trình cô đặc, nước có thể bay hơi không phải ở nhiệt độ sôi.
Do dịch thủy phân caroten-protein rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường như ánh sáng, nhiệt độ, ôxy. Do đó, để lựa chọn được chế độ gia nhiệt và thời gian cô đặc phù hợp cho dung dịch caroten-protein thủy phân, cần tiến hành đánh giá hiệu suất thu hồi protein và astaxanthin cũng như chất lượng của sản phẩm.