Kiềm chế tăng trưởng nóng bằng các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô

Một phần của tài liệu Tăng trưởng nóng và những hệ lụy ở việt nam (Trang 29 - 33)

Nhìn lại năm 2011, tỷ lệ lạm phát là 18,13%. Theo nghiên cứu của các nhà kinh tế học thế giới, năm 2011 Việt Nam đã vượt ngưỡng lạm phát và sẽ có tác động tiêu cực đến tăng trưởng. Trong báo cáo Quốc hội khóa XIII (kỳ họp thứ 2), Chính phủ đã khẳng định: “Nguyên nhân chủ yếu gây lạm phát cao ở nước ta là do hệ quả của việc

nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa kéo dài trong nhiều năm để đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, và phúc lợi xã hội trong khi cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư còn kém hiệu quả, cùng những hạn chế trong quản lý điều hành và tác động cộng hưởng của các yếu tố tâm lý”. Và đã đưa ra mục tiêu: "Kiềm chế lạm phát là ưu tiên số một, khi có điều kiện thuận lợi sẽ phấn đấu để đạt mức tăng trưởng cao hơn" trong mục tiêu của năm 2012 và kế hoạch 5 năm 2011 - 2015.

Ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển bền vững là một trong những thông điệp của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 và tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2012. Ổn định kinh tế vĩ mô giúp cho việc tăng trưởng hợp lý, từ đó mà tăng trưởng và phát triển bền vững, không chỉ cho năm 2012, mà còn cho cả những năm tiếp theo. (Nguyễn Nguyên, 2012)

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 13, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Mục tiêu tổng quát của năm 2012 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Chỉ tiêu lạm phát năm 2012, phấn đấu kiềm chế lạm phát dưới 10%, các năm sau thấp hơn, đến năm 2015 lạm phát khoảng 5-7%. Chỉ tiêu tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 tăng GDP khoảng 6-6,5% (trong giai đoạn 5 năm 2011-2015, tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5-7%, phấn đấu đạt 7%); bội chi ngân sách nhà nước bằng 4,8% GDP, các năm sau giảm dần để đến năm 2015 giảm xuống còn 4,5%; đến năm 2015, nợ công khoảng 60-65% GDP; tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 dự kiến tăng khoảng 12-13% so với năm 2011; nhập siêu 11,5-12% tổng kim ngạch xuất khẩu (phấn đấu đến năm 2015, nhập siêu khoảng 10%); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2012 bằng khoảng 33,5-34% GDP, bình quân 5 năm 33,5-35% GDP.

Đồng thời, đưa 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: năm 2012, nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, phấn đấu giảm bội chi ngân sách và phải xác định là nền tảng quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ trong cả giai đoạn 2011-2015. Trong năm 2012 và các năm tới, ưu tiên nguồn lực thực hiện ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh; năm 2012 cần tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư, trước hết là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty; tái cơ cấu hệ thống tài chính tiền tệ, trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các định chế tài chính;

Các giải pháp liên quan đến chính sách tiền tệ, trong thời gian tới sẽ kiểm soát chặt chẽ nợ xấu, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống ngân hàng thương mại; thiết lập trật tự kỷ cương trong việc sử dụng ngoại tệ; quản lý có hiệu quả thị trường bất động sản, chứng khoán, vàng và ngoại hối. Tiếp tục đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá và sắp xếp lại các DNNN; rà soát đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty; kiên quyết thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần chi phối; thực hiện công khai kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Ba nội dung tái cấu trúc phải được thực hiện đồng bộ với các chính sách tài khóa tiền tệ đúng đắn cùng với việc thực hiện 3 khâu đột phá: tạo lập mới môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và tăng cường bảo vệ, cải thiện môi trường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tăng cường công tác phòng chống tham nhũng…

Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chính phủ đưa ra trong khi chúng ta đang siết chặt tín dụng, thực hiện một loạt chính sách tài chính thực sự là thách thức lớn đối với Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả đạt được cuối năm 2011, nhất là năm 2012, đã cho thấy kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu khởi sắc và bắt đầu có tăng trưởng vững chắc. CPI cả năm 2012 chỉ tăng 6,81% so với mục tiêu 7-8 % đã đề ra. Về tăng trưởng chúng ta khả năng duy trì được ở mức 6%, đem lại niềm tin về sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Lạm phát đã được kiềm chế, kinh tế vĩ mô bước đầu được ổn định. Đạt được kết quả trên do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân quan trọng về mặt điều hành. Mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát đã được đề ra sớm, việc thực hiện đã kiên trì, nhất quán

và quyết liệt. Khi lạm phát đã được kiềm chế, Chính phủ đã liên tục yêu cầu giảm lãi suất và đã ban hành Nghị quyết 13 về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ thị trường, vừa để thực hiện mục tiêu tăng trưởng hợp lý, vừa phù hợp với nguồn lực, vừa phù hợp với việc khẩu trương đẩy mạnh cơ cấu lại, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, vừa tránh được việc lặp lại lạm phát cao.

Từ phân tích trên cho thấy các giải pháp của Chính phủ đang phát huy hiệu quả, đưa kinh tế vĩ mô đang đi đúng định hướng. Để đạt các mục tiêu đề ra năm 2012 và 5 năm (2011-2015), chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, Chính phủ tiếp tục triển khai các chính sách, biện pháp trung và dài hạn

nhằm chuyển đổi nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, có tính cạnh tranh cao hơn, cơ cấu lại và thúc đẩy đầu tư xã hội, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy hội nhập quốc tế, khắc phục hạn chế, yếu kém của nền kinh tế.

Hai là, trong 6 tháng cuối năm 2012 và năm 2013, Chính phủ tiếp tục thực hiện

nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng như điện, than, xăng dầu và dịch vụ công theo lộ trình phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng hợp lý; bảo đảm công khai minh bạch trong điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá để tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội.

Ba là, cần phải khẩn trương quyết liệt thực hiện các giải pháp theo Nghị quyết

13, giải quyết 2 điểm nghẽn lớn hiện nay, đó là nợ xấu và sức mua thấp.

Đối với nợ xấu: Ngân hàng Nhà nước khẩn trương nghiên cứu, hoàn thành đề án về việc mua bán nợ xấu, xác định rõ các nguồn vốn, tổ chức và cách làm cho phù hợp với chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, cơ cấu lại doanh nghiệp; không nên mua lại nợ xấu thuộc nhóm không thu hồi được, nợ do yếu kém chủ quan của ngân hàng hay doanh nghiệp. Đối với sức mua thấp: hiện nay cần khẩn trương hỗ trợ mua gạo tạm trữ; hỗ trợ kiên cố hoá kênh mương, kiên cố hoá mặt đường, xây dựng các công trình để vừa thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, vừa giúp tiêu thụ các loại vật liệu xây dựng, vừa tạo cho nông dân có thu nhập, tăng sức mua...

Bốn là, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhằm đảm bảo ổn

định và phát triển sản xuất, đặc biệt các ngành công nghiệp chế biến và các ngành công nghiệp phục vụ xuất khẩu, như: mở rộng thị trường, khai thác tốt thị trường; theo dõi sát biến động thị trường thế giới cũng như trong nước; mở rộng, khai thông thị

trường đối với các mặt hàng nông sản, thuỷ sản và các mặt hàng công nghiệp chế biến; tiếp tục thực hiện các chính sách hạn chế nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu, góp phần kiềm chế nhập siêu; cần có gói hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh (giảm lãi suất, thuế, tín dụng); có biện pháp kích cầu thị trường (tăng lương tối thiểu tăng, giảm giá một số mặt hàng...)

Năm là, nghiên cứu phương pháp tính toán lạm phát ở Việt Nam, tránh cú sốc

giá, vì các cú sốc này chỉ mang tính tạm thời, ngắn hạn nhưng lại gây ra sự biến động lớn trong mức giá chung, vì thế chính sách tiền tệ nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát cũng gặp nhiều khó khăn. Theo hướng: loại bỏ ra khỏi CPI các mặt hàng mà có độ dao động hay tính bất ổn lớn nhất (bị gây ra bởi các cú sốc cung hoặc có tính mùa vụ cao), do xu hướng giá của các mặt hàng này sẽ sớm bị đảo ngược hoặc không thể lường trước và nó sẽ làm mờ đi xu hướng thật sự của lạm phát nên có thể dẫn đến sai lầm trong việc đưa ra chính sách. Các yếu tố không thể lường trước được như các cú sốc về giá dầu, thiên tai là yếu tố hỗ trợ giải thích tại sao chính sách tiền tệ không nên bù đắp lại những tác động về giá do các cú sốc tạm thời gây ra, bởi sự bù đắp tác động của chính sách tiền tệ có thể dẫn tới việc phải thay đổi chính sách thường xuyên khiến nền kinh tế không kịp thích ứng. (Hương Lan, 2012)

Một phần của tài liệu Tăng trưởng nóng và những hệ lụy ở việt nam (Trang 29 - 33)