10.1.1.Sức khỏe
Theo khảo sát mới đây từ Tổ chức Y tế Thế giới, trong 30 năm qua có khoảng 40 bệnh tật mới phát sinh có nguồn gốc từ ô nhiễm môi trường. Thống kê mới đây ở nước ta cho thấy, cả nước có khoảng hơn 23.000 trường hợp mắc các bệnh nghề nghiệp và dự báo hết năm 2011, con số này sẽ tiếp tục tăng lên 30.000 người. Trong đó, các bệnh phổi chiếm tỷ lệ cao nhất (73%), điếc do tiếng ồn là 6%... Con số này
mới chỉ là thống kê từ những bệnh nhân được đi khám, giám định sức khỏe định kỳ, trên thực tế số người mắc có thể còn cao hơn gấp nhiều lần bởi có đến 80% người lao động không đi giám định, kiểm tra sức khỏe. Trong số các bệnh nhân mắc bệnh nghề nghiệp, số mắc ở công nhân tại các nhà máy xi măng chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp theo là công nghiệp thép…
Việc mất rừng đầu nguồn và xây quá nhiều đập thuỷ điện trên các con sông cộng với tình hình khí hậu Trái Đất với nhiều biến đổi bất thường đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng với đời sống của nhân dân. Năm 2012 ở nước ta đã xảy ra bão, lũ lụt, ngập úng do mưa to và nhiều, gây thiệt hại rất lớn về người và hoa màu trong phạm vi cả nước, điển hình như cơn bão số 8 đổ bộ vào Quảng Ninh ngày 28/10/2012, bão liên tục thay đổi về cường độ và hướng đi gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng chống. Bão, lũ lụt làm cho môi trường bị ô nhiễm, phân và rác gây ô nhiễm nguồn nước đồng thời là môi trường lý tưởng để ruồi, muỗi phát triển, tạo điều kiện cho các bệnh truyền nhiễm bùng lên thành dịch lớn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khoẻ con người.
Ô nhiễm ở các khu dân cư cũng tiềm ẩn khả năng phát sinh các mầm bệnh nguy hại, có khả năng bùng phát mạnh nhất là trong điều kiện khí hậu với các đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ không khí tăng hay mưa lũ, nước ngập. Các bệnh dịch đã xuất hiện như bệnh cúm A/H5N1, Tay chân miệng, tiêu chảy, dịch tả, sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, làm tăng tốc độ sinh trưởng và phát triển nhiều loại vi khuẩn và côn trùng, vật chủ mang bệnh (ruồi, muỗi, chuột, bọ chét, ve). Điều kiện sinh hoạt chật chội trong những khu dân cư tạm bợ ở các vùng có tốc độ đô thị hoá cao, tập trung nhiều khu công nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện và lan truyền nhanh trở lại của một số bệnh truyền nhiễm ở vùng nhiệt đới (sốt rét, sốt Dengue, dịch hạch, dịch tả), xuất hiện một số bệnh truyền nhiễm mới (SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1), thúc đẩy quá trình đột biến của virut gây bệnh cúm A/H1N1, H5N1.
10.1.2.Giáo dục và tâm lý
Người dân Việt Nam đa phần chưa được trang bị đầy đủ tâm thế khi bước vào một nền kinh tế thị trường, nền sản xuất công nghệ ngày càng tiên tiến, nên khi hội nhập với các khu vực và hội nhập thế giới, chúng ta đã gặp không ít khó khăn. Đây có
thể coi là lỗ hổng lớn của nền giáo dục và đào tạo Việt Nam. Khi quá chú trọng vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư cho các ngành công nghiệp, chính phủ đã có phần xem nhẹ việc đầu tư vào giáo dục. Chúng ta tiến vào nền kinh tế thị trường nhưng lại thiếu nhiều công nhân, lao động có tay nghề cao, phần nhiều là công nhân bậc thấp.
Không chỉ vậy, kỹ năng mềm của học sinh, sinh viên trong giao tiếp, ứng xử còn yếu, lối sống đạo đức có phần đi xuống. Nhiều người chỉ tiếp thu mặt trái của kinh tế thị trường là cạnh tranh không lành mạnh, lối sống “gấp”, suy nghĩ “ngắn”, vô cảm đề cao tự do cá nhân tuyệt đối; xa rời (thậm chí phỉ báng, phá hoại) nền văn hóa, đạo đức truyền thống lâu đời của dân tộc. Lối sống vô luân, đồi bại, cá lớn nuốt cá bé… không đếm xỉa đến lợi ích của cộng đồng, dân tộc. Trong khi đó bao nhiêu điều tốt đẹp của kinh tế thị trường như: Luôn luôn nỗ lực vươn lên học tập suốt đời chiếm lĩnh đỉnh cao của khoa học và công nghệ, cạnh tranh lành mạnh, đưa đến sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng… đã không được chú ý tiếp thu bài bản. Rồi tính tự lập, tự trọng, tính kỉ luật ứng xử có văn hóa với đồng nghiệp, cộng đồng… đã bị không ít người bỏ qua khi bước vào nền kinh tế thị trường.
Nếu không chú ý đầy đủ đồng bộ thì những hệ lụy mà sự tăng trưởng nóng của nền kinh tế có khi triệt tiêu cả lợi ích của sự phát triển. Nếu không được xử lí kịp thời những hệ lụy này sẽ trở lại kìm hãm sự phát triển. Những chính sách, những nỗ lực gần đây của Chính phủ chứng tỏ chúng ta ngày càng nhận rõ, có những điều chỉnh kiên quyết, kịp thời giữa tăng trưởng với lợi ích xã hội giúp cho sự phát triển đât nước theo hướng bền vững.