Đặc điểm nguồn nhân lực y tế

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực y tế trên địa bàn Thủ đô Hà Nội (Trang 47 - 50)

Nghề y là một nghề đặc biệt, nên nguồn nhân lực y tế cũng có những đặc thù riêng.

Thứ nhất, nghề y là một nghề cao quý, được xã hội tôn trọng. Câu nói cửa miệng của người dân là : “ Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa...” Sở dĩ nghề y được coi trọng như vậy là vì: Trước hết bởi nó có nhiệm vụ chữa bệnh cứu người, bảo vệ sự sống và nâng cao sức khỏe của nhân dân. Đó là một nghề đòi hỏi phải có lòng nhân ái, dám chịu đựng vất vả, hy sinh để cứu người, tôn trọng nhân phẩm và

quyền lợi bệnh nhân, thực hiện các quy tắc ứng xử có trách nhiệm và không phân biệt đối xử. Ở Việt Nam, ngoài lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y như từ mẫu”, Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng phát biểu về đặc trưng của nghề y: “Ít có nghề nghiệp nào mà xã hội đòi hỏi về phẩm chất và tài năng cao như đối với người làm công tác y tế. Ðó là một nghề đặc biệt, đòi hỏi hiểu biết sâu rộng, tấm lòng nhân ái, sự từng trải và kinh nghiệm, một nghề mà mọi công việc dù là nhỏ, đều có liên quan đến tính mạng con người và hạnh phúc gia đình…”. Nghị quyết 46 - NQ/T.Ư của Bộ Chính trị cũng nêu rõ: "Nghề y là một nghề đặc biệt, vì vậy cần được đào tạo và sử dụng một cách đặc biệt".

Thứ hai, việc cung ứng các dịch vụ y tế theo từng người bệnh về bản chất sử dụng nhiều lao động. Trong cung ứng mỗi dịch vụ y tế, ít nhất cần có sự tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên y tế (NVYT) và người bệnh. Trong những ca phức tạp có thể cần tới cả một kíp (tập thể) NVYT với các thành phần khác nhau dành riêng cho việc chăm sóc người bệnh. Việc cung ứng dịch vụ y tế luôn đòi hỏi một lực lượng nhân lực đủ lớn, thường phải làm việc với cường độ lớn (đôi khi liên tục 24/24 giờ, nhất là ở các bệnh viện quá tải), trong môi trường độc hại (dịch bệnh, truyền nhiễm, phóng xạ,…). Vì vậy, việc đầu tư cho nguồn nhân lực y tế có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế và xã hội, cho dù nó đòi hỏi một tỷ lệ tương đối lớn ngân sách.

Thứ ba, nghề y cũng là một loại dịch vụ, không khác gì so với các dịch vụ khác đó là “tính khan hiếm”, nghĩa là nguồn lực tạo ra dịch vụ y tế cũng khan hiếm; do vậy, cần phân bổ và có cơ sở tổ chức phân bố theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, thị trường dịch vụ y tế và bản thân dịch vụ y tế có những đặc tính riêng so với thị trường các loại dịch vụ thông thường :

Điểm khác biệt thứ nhất là: Thị trường dịch vụ y tế là loại thị trường cạnh tranh không hoàn hảo. Ở thị trường cạnh tranh hoàn hảo, mọi người được tự do tham gia cũng như tự do rút khỏi thị trường. Còn thị trường dịch vụ y tế có sự khống chế những người cung cấp tham gia vào thị trường dịch vụ y tế. Cần duy trì các chuẩn mực hành nghề, giảm rủi ro năng lực nghề nghiệp; điều này làm tăng chi phí. Điểm khác biệt tiếp là: Những người khi tham gia thị trường dịch vụ y tế cần

phải có giấy phép hành nghề, giấy phép về dược... Điều này làm hạn chế việc thiết lập các dịch vụ y tế mới. Trong thị trường dịch vụ y tế.

Điểm khác biệt thứ hai là: Ở thị trường dịch vụ y tế luôn luôn tồn tại sự chênh lệch thông tin giữa người mua ( bệnh nhân ) và người cung cấp dịch vụ ( NVYT ). Đối với dịch vụ y tế, bệnh nhân chỉ biết chút ít về tính hiệu quả, chất lượng của dịch vụ hoặc hậu quả của việc điều trị hay không điều trị. Nói cách khác , kiến thức của bệnh nhân về dịch vụ y tế nói chung là ít. Bệnh nhân không thường xuyên “ bước vào thị trường”, các kiến thức thu được qua kinh nghiệm của quá khứ nhanh chóng bị lạc hậu. Trong khi đó, việc cấp cứu một số bệnh không cho phép kéo dài thời gian để thu thập thông tin cho việc ra quyết định sử dụng dịch vụ chuẩn đoán hoặc điều trị có chi phí cao. Trong thị trường BHYT, người mua bảo hiểm có thể biết nhiều thông tin về tình trạng sức khỏe của mình hơn người bán bảo hiểm.

Điểm khác biệt thứ ba là: Trên thị trường dịch vụ y tế thường tồn tại bên thứ ba – đó là các quỹ bảo hiểm y tế. Quỹ bảo hiểm y tế là người thanh toán chi phí thay cho người sử dụng DVYT; điều này khiến cho chi phí của người sử dụng tại thời điểm sử dụng dịch vụ y tế thấp hơn lợi ích mà họ thu được. Đây là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến lạm dụng vào bảo hiểm y tế.

Thứ tư, giáo dục và đào tạo nhân lực y tế cần sự đầu tư lớn, sự phối hợp chặt chẽ và có kế hoạch. Do quy mô nhân lực lớn, nên khoản đầu tư vào các cơ sở đào tạo nhân lực y tế cũng phải lớn để đáp ứng nhu cầu dân số gia tăng. Thêm vào đó, việc đào tạo cán bộ y tế (CBYT), đặc biệt là đội ngũ bác sỹ, cần một khoảng thời gian rất dài với sự kiểm tra giám sát chặt chẽ và rất tốn kém. Ví dụ, thời gian đào tạo bác sĩ ở Việt Nam và một số nước khác trên thế giới kéo dài như sau: Ấn Độ và Nepal-4 năm rưỡi; Singapore, Trung Quốc, Đức, Bolivia, Nam Phi, Sri Lanka-5 năm; Thái Lan, Nhật, Nigeria, châu Âu (trừ Đức: 5 năm), Úc-6 năm; Hàn Quốc, Canada, Mỹ-8 năm (4 năm cử nhân Đại học Tổng hợp + 4 năm Đại học Y). Hiện nay, một số đại học y ở Mỹ dùng mô hình 7 năm: 4 năm cử nhân kết hợp với chương trình năm thứ nhất tại Đại học Y, sau đó học tiếp 3 năm chuyên về y. Đối với sinh viên ngành y, sau khi nhận được những kiến thức cơ bản trên giảng đường

đại học và trở thành bác sĩ, họ phải mất vài năm dưới sự kèm cặp của các bác sĩ kinh nghiệm khác trong các cơ sở y tế mới có đủ năng lực để hành nghề có hiệu quả. Với một số chuyên ngành/chuyên khoa thì thời gian đào tạo và thực hành thậm chí còn lâu hơn. Các cơ sở đào tạo và giáo viên không chỉ cần tính đến nhu cầu CSSK, phòng bệnh hiện nay, mà còn phải dự tính cho xu hướng nhu cầu trong tương lai. Tuy nhiên, do sự tăng trưởng và già hóa dân số, sự biến đổi về kinh tế và xã hội và sự xuất hiện của các bệnh mới và tái phát bệnh cũ, nhu cầu CSSK về mặt quy mô và cơ cấu cũng đang thay đổi nhanh chóng. Điều này đòi hỏi phải có những dịch vụ y tế, trang thiết bị, thuốc và vật tư tiêu hao y tế phù hợp, đáp ứng nhu cầu CSSK ngày càng gia tăng.

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực y tế trên địa bàn Thủ đô Hà Nội (Trang 47 - 50)