II. Khảo cứu về ảnh hưởng của Luật Doanh nghiệp và cơ chế thực
1.1 Về duy trì và phát triển làng nghề nói chung
Hiện nay cả nước có xấp xỉ 2.000 làng nghề, trong đó có khoảng 300 làng nghề truyền thống, thu hút khoảng 4 triệu lao động [55]. Mô hình về sự phát triển thành công của các doanh nghiệp làng nghề là một ví dụ điển hình của sự phát triển kết hợp công nghiệp – nông nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tại khu vực nông thôn. Cùng lúc mô hình này đã giải quyết được cả các vấn đề kinh tế và xã hội tại các vùng nông nghiệp, khôi phục thị trường trong nước và đóng góp vào phát triển kinh tế.
Chính vì vai trò quan trọng như vậy nên mô hình phát triển kinh tế thông qua phát triển các doanh nghiệp trong làng nghề được rất nhiều địa phương áp dụng và đã gặt hái được những thành công nhất định. Huyện Thạch Thất (Hà Tây) là một ví dụ điển hình cho việc áp dụng thành công mô hình này.
Kể từ khi Luật Doanh nghiệp đi vào cuộc sống, giai đoạn 2000 -2005 đã đánh dấu sự phát triển đi lên của Thạch Thất từ một huyện thuần nông chuyển sang phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Giá trị sản xuất của hai ngành này đến nay đã chiếm tới 78,5% tổng giá trị sản xuất của toàn huyện. 5 năm qua, kinh tế của huyện đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 22%/năm (cao nhất từ trước đến nay).
Trên thực tế, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân huyện đã và đang xây dựng các cụm, điểm công nghiệp, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào
địa bàn huyện, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hộ sản xuất về mặt bằng sản xuất, vốn vay và các hành lang pháp lý khác để thu hút đầu tư.
Các bước đi cụ thể để góp phần thúc đẩy phát triển các làng nghề truyền thống theo hướng phát triển bền vững là: mỗi làng nghề đều có các điểm công nghiệp để giải quyết những vấn đề bức xúc về mặt bằng sản xuất, ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông.
1.2. Khảo sát về mô hình doanh nghiệp trong làng nghề Phùng Xá
Làng nghề Phùng Xá thuộc Huyện thạch Thất, Hà tây có nghề cơ kim khí truyền thống, sản phẩm của làng nghề có mặt khắp nơi trong cả nước. Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, để cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập, người dân Phùng Xá tự tìm tòi, nghiên cứu để sản xuất thêm nhiều sản phẩm mới như bản lề cửa, làm cửa hoa, cửa xếp và những nguyên liệu sắt, thép cung ứng cho các nhà sản xuất, kinh doanh xây dựng lán xưởng, nhà ở hoặc sản xuất đồ mộc bán ra thị trường.
Cuối những năm 90, cả làng chỉ có chừng 200 hộ làm nghề thì đến nay, nhờ tác động tích cực của Luật Doanh nghiệp và các cơ chế chính sách mới, số hộ làm nghề là 800 hộ/1.400 hộ.
Mô hình tổ chức kinh doanh của làng nghề không chỉ là những hộ trực tiếp sản xuất ra sản phẩm mà trong làng nghề còn tồn tại khoảng 54 công ty và doanh nghiệp tư nhân. Các công ty và doanh nghiệp tư nhân chủ yếu được thành lập sau năm 2000, tức là sau khi có Luật Doanh nghiệp.
Dựa trên đặc thù của làng nghề, ban đầu người Phùng Xá làm các sản phẩm chủ yếu từ tôn tấm, sau đó đầu tư máy móc để nấu sắt vụn tận dụng nguồn sắt vụn thải. Để đầu tư vào sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng bằng công nghệ cao, doanh nghiệp phải mở rộng đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay, tổ chức kinh doanh dưới các hình thức công ty và doanh nghiệp tư nhân chỉ ở qui mô vừa và nhỏ. Rất ít công ty có vốn đến 50 tỷ đồng. Đối với
doanh nghiệp có nguồn vốn lớn, có thể đầu tư trang thiết bị cả ô tô, máy cẩu, mua tôn tấm, sản xuất nhiều loại sản phẩm, nhưng số doanh nghiệp này rất ít.
Đối với hộ, doanh nghiệp có vốn ít thực hiện công việc kinh doanh thông qua mua lại bán thành phẩm hoặc sắt loại để sản xuất các loại hàng đơn giản.
Trong làng nghề, các doanh nghiệp với các qui mô vốn khác nhau đã tham gia vào quá trình sản xuất, tạo cho việc sản xuất ra sản phẩm ở đây giống như một dây chuyền khép kín, tận dụng tối đa nguyên vật liệu nên giá bán sản phẩm rẻ hơn nhiều so với nơi khác.
Đặc trưng cơ bản của các doanh nghiệp làng nghề trong mô hình khảo sát là việc quản trị công ty mang yếu tố gia đình. Các thành viên trong công ty hầu hết là những người có mối quan hệ họ hàng hoặc bạn bè thân thiết với nhau; người sở hữu công ty trực tiếp điều hành và quản lý công ty. Các chủ doanh nghiệp nơi đây phần lớn xuất thân từ nông dân, trình độ học vấn không cao; tuy nhiên, họ là những người có kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp trong lĩnh vực mà họ kinh doanh, bởi họ đã từng là những người thợ trực tiếp tham gia làm nghề. Nhìn chung, vai trò của yếu tố quản trị doanh nghiệp đối với sự phát triển của các doanh nghiệp loại này là không lớn, hay nói cách khác là các quy định của Luật Doanh nghiệp dường như quá thừa trong trường hợp này. Thực tế cho thấy, bản thân nhiều chủ doanh nghiệp cũng không hiểu rõ các quy định của Luật; việc thành lập doanh nghiệp và lựa chọn loại hình doanh nghiệp đôi khi xuất phát từ nhu cầu tự nhiên và thông qua sự giúp đỡ, tư vấn của người khác chứ họ cũng không hiểu hết những giá trị, ý nghĩa của hành vi pháp lý mà họ tham gia.
Quá trình hình thành và phát triển của doanh nghiệp trong làng nghề phải kể đến công sức đóng góp của các cấp chính quyền địa phương. Uỷ ban nhân dân huyện Thạch thất đã có tác động tích cực cho phát triển làng nghề. Cụ thể là Nhận thấy nhu cầu nhà xưởng của các doanh nghiệp và các hộ sản xuất là rất lớn và bức xúc. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ cho phát triển
làng nghề. Cụ thể là vào năm 2004 Huyện đã quy hoạch 11 héc ta làm điểm công nghiệp làng nghề, đã thực hiện giải phóng mặt bằng thành công, hạ tầng điểm công nghiệp này đang được gấp rút hoàn thiện để các doanh nghiệp và hộ kinh doanh làng nghề có thể sử dụng mặt bằng cho sản xuất vào năm tới [72].
Như vậy, quyền tự do kinh doanh trong việc thành lập các doanh nghiệp ở làng nghề này đã được bảo đảm. Luật Doanh nghiệp là cơ sở ra đời và tồn tại của các doanh nghiệp, nhưng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương có tác động tích cực cho phát triển của các loại hình doanh nghiệp.