Khái quát chung về “Phát triển bền vững” (PTBV) và xem hiện tại Thế giới và Việt nam đang làm gì cho phát triển bền vững, trước khi đi vào nội dung chính về “Mối quan hệ giữa bảo vệ tài nguyên môi trường theo hướng phát triển bền vững”
Bối cảnh Thế giới
Năm 1983, Liên hợp quốc đã thành lập Hội đồng Thế giới về Môi trường và Phát triển. Chỉ 4 năm sau khi thành lập, Hội đồng công bố báo cáo “Tương lai chung của chúng ta” trong đó cảnh tỉnh loài người phải thay đổi ngay, thay đổi cơ bản về lối sống và cách hành động của mình, nếu không sẽ phải đối mặt với tình hình không thể chịu đựng được và môi trường sẽ bị phá huỷ tới mức thảm họa. Báo
cáo “Tương lai chung của chúng ta” đã tác động mạnh mẽ tới cộng đồng thế giới và, vào năm 1989 Liên hợp quốc bắt đầu việc chuẩn bị cho cuộc hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên bàn về môi trường và phát triển.
Nhân loại đã được thức tỉnh và đã nghiêm túc cùng nhau tìm kiếm con đường đi lên.
Năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh Trái đất về “Môi trường và Phát triển”
được tổ chức ở Rio de Janero của Braxin, là cuộc gặp gỡ của 179 nhà lãnh đạo quốc gia trên thế giới. Thành công lớn nhất của Hội nghị RIO-92 là đưa ra được 2 tuyên bố mang tính nguyên tắc, ký kết hai Công ước quốc tế và thông qua Chương trình hành động 21.
Bằng những văn kiện này, cộng đồng quốc tế đã bước đầu chính thức thừa nhận con người đường đi lên phải là con đường phát triển bền vững. RIO-92 là một tầm nhìn bao quát, một bản đồ chỉ đường. Nhiều hứa hẹn đã được đưa ra và người ta chờ đợi tin vui ngay sau RIO-92 về giải quyết các vấn đề môi trường và phát triển ở phạm vi toàn thế giới.
Tuy nhiên, 10 năm sau RIO lại là 10 năm thoái trào, khoảng cách giàu nghèo giữa khối Bắc và khối Nam, giữa người giàu và người nghèo rộng thêm, số người không được hưởng nước sạch tăng lên, chỉ có 2 tỷ người được tiếp cận năng lượng. Thế nhưng, về một phương diện nào đó, cuộc sống vẫn đi lên phía trước. Do vậy, tiếp sau Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên, Hội nghị thượng đỉnh lần 2 họp tại Johannesburg, Nam Phi năm 2002 đã lại tiếp tục khẳng định việc lựa chọn con đường phát triển bền vững của nhân loại. Tại Hội nghị lần này đại diện của 196 quốc gia đã thể hiện tính đồng thuận hành động vì quá trình phát triển bền vững của nhân loại và thông qua văn bản cực kỳ quan trọng: Kế hoạch thực hiện Johannesburg.
Bối cảnh Việt Nam
Như các quốc gia và các dân tộc khác trên Thế giới, Việt nam cũng mong muốn đất nước mình phát triển tốt và bền vững. Ngay những năm 40 của thế kỷ
trước khi hát bài Tiến quân ca mà sau này trở thành Quốc ca, chắc mọi người đều nghĩ đến tương lai sáng lạn của đất nước mình sau ngày độc lập .. “Nước non Việt Nam ta vững bền!” Và đúng như vậy, hơn nửa thế kỷ sau, đất nước tiếp tục được định hướng phát triển bền vững trong trào lưu chung của cộng đồng thế giới.
Trong quá trình hội nhập quốc tế về tài nguyên và môi trường, vào năm 1991, Việt Nam đã thông qua “Kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển bền vững 1991- 2000”. Đây là một trong những hoạt động về phát triển bền vững đầu tiên ở tầm quốc gia và được quốc tế chính thức công bố. Ngày 17/8/2004, Thủ tướng đã ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam) nhằm phát triển bền vững đất nước trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Cùng với hơn 110 nước khác, Việt Nam đã hội nhập vào con đường phát triển bền vững theo đúng các yêu cầu mà quốc tế mong đợi.
Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam là một chiến lược khung, bao gồm những định hướng lớn làm cơ sở pháp lý để các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân có liên quan triển khai thực hiện và phối hợp hành động nhằm bảo đảm phát triển bền vững đất nước trong thế kỷ 21. Định hướng nêu lên những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt, đề ra những chủ trương, chính sách, công cụ pháp luật và những lĩnh vực hoạt động ưu tiên cần được thực hiện. Định hướng không thay thế các chiến lược, quy hoạch tổng thể và kế hoạch hiện có, mà là căn cứ để xây dựng chiến lược, quy hoạch tổng thể và kế hoạch phát triển của các ngành, địa phương, nhằm kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa phát triển kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước.
Những nguyên tắc chính phát triển bền vững ở Việt Nam:
Con người là trung tâm của phát triển bền vững
Bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường là một yếu tố không thể tách rời của quá trình phát triển.
Quá trình phát triển phải bảo đảm đáp ứng một cách công bằng nhu cầu của thế hệ hiện tại và không gây trở ngại tới cuộc sống của các thế hệ tương lai.
Khoa học và công nghệ là nền tảng và động lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thúc đẩy phát triển nhanh, mạnh và bền vững đất nước.
Phát triển bền vững là sự nghiệp của toàn Đảng, các cấp chính quyền, các bộ, ngành và địa phương, của các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, các cộng đồng dân cư và mọi người dân.
Gắn chặt việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, để phát triển bền vững đất nước.
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường với bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Còn trong điều kiện Thế giới hiện nay, “Phát triển bền vững được hiểu là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau” (Theo văn bản chính thức của Liên Hiệp Quốc).
Tuy nhiên, lấy gì để đo được sự phát triển bền vững? Và có thể đưa ra khái niệm “PTBV ở mức chấp nhận được”? Đây là vấn đề không đơn giản, hiện đang được nghiên cứu. Đã có nhiều hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu được đề xuất, nhưng được thừa nhận ngày càng rộng rãi là 4 mức độ đo sau:
Độ đo kinh tế:
Độ đo kinh tế của sự phát triển bền vững được tính trên giá trị GDP hoặc GNP. Tuy nhiên với cách tính này, để phát triển kinh tế phải tiêu tốn tài nguyên và tạo ra các chất thải độc hại. Do vậy, trong độ đo này cần phải tính đến việc hạn chế tối đa nhu cầu tiêu thụ tài nguyên không tái tạo và mức độ tái sinh tài nguyên, vật liệu từ các chất thải. Bên cạnh các giá trị bình quân GDP, GNP, sự chênh lệch các
giá trị này ở các tầng lớp dân cư khác nhau cũng được tính như một giá trị đo kinh tế của sự phát triển bền vững trên quy mô toàn cầu và được thể hiện ở mức độ và quy mô duy trì viện trợ của các nước công nghiệp phát triển cho các nước đang phát triển; sự công bằng về kinh tế và trao đổi thương mại giữa hai nhóm nước trên thể hiện ở các khía cạnh: tăng giá nguyên liệu thô, hạ giá thiết bị, xoá nợ nước ngoài và trừng phạt kinh tế đối với các nước đang phát triển.
Độ đo môi trường:
Độ đo môi trường của sự phát triển bền vững có thể đánh giá thông qua chất lượng các thành phần môi trường không khí, nước, đất, sinh thái; mức độ duy trì các nguồn tài nguyên không tái tạo; việc khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên không tái tạo; nguồn vốn của xã hội dành cho các hoạt động bảo vệ môi trường; khả năng kiểm soát của chính quyền đối với các hoạt động kinh tế xã hội, tiềm ẩn các tác động tiêu cực đối với môi trường, ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
Độ đo xã hội:
Trong giai đoạn hiện nay, phát triển bền vững đã trở thành chiến lược chung của Liên Hiệp Quốc và các quốc gia trên thế giới. Do vậy, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là mục tiêu mang tính chất chính trị của tất cả các quốc gia trên thế giới; Phát triển bền vững đòi hỏi tự do thực sự của các công dân, về các thông tin về kế hoạch phát triển của Chính phủ và chất lượng môi trường nơi họ đang sống; Phát triển bền vững đòi hỏi sự công bằng về các quyền lợi xã hội, như: có công ăn việc làm, đảm bảo các quyền lợi kinh tế và xã hội khác, giảm bớt hố ngăn cách giữa người giàu và nghèo trong xã hội.
Phát triển bền vững đòi hỏi phải thay đổi chính sách xã hội cho phù hợp như: chính sách trợ cấp, chính sách thuế để loại trừ xu hướng già hoá ở các xã hội phát triển.
Phát triển bền vững đòi hỏi phải thay đổi các thói quen và phong cách sống có hại cho môi trường chung của trái đất như các thói quen sinh nhiều con ở các nước đang phát triển theo triết lý: Trời sinh voi, trời trời sinh cỏ; thói quen tiêu dùng lãng phí của công dân các nước công nghiệp phát triển; Phát triển bền vững đòi hỏi phải thiết lập các tập tục tiến bộ mới thay cho các tập tục lạc hậu cũ và xác lập các tập tục phù hợp với điều kiện sống đang thay đổi của con người. Độ đo văn hoá của phát triển bền vững còn là “văn hoá xanh”. Văn hoá xanh là nền văn hoá phù hợp với sự phát triển bền vững, đó là toàn bộ các hoạt động văn hoá của con người dựa trên đạo đức thế giới về cuộc sống cộng đồng. Văn hoá xanh thể hiện trong: việc xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà ở, giao thông đô thị…, các quan hệ xã hội của con người và thái độ của con người đối với thiên nhiên.
Để có được các thay đổi phù hợp với quan điểm về phát triển bền vững, mọi người trên trái đất cần phải thay đổi các quan điểm về đạo đức sống. Trước hết là trách nhiệm của con người đối với thiên nhiên và thế hệ tương lai bao gồm: trách nhiệm sống hoà hợp với thiên nhiên, sự tồn tại bình đẳng của loài người và các dạng sống khác trên trái đất, ý thức tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Trong cuốn “Cứu lấy Trái đất” xuất bản năm 1991, 200 nhà khoa học hàng đầu tập hợp trong 3 tổ chức là Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Quỹ hoang dã Thế giới (WWF) và Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) đã nêu lên hệ thống 9 nguyên tắc cơ bản để xây dựng một xã hội phát triển bền vững. Đó là:
Tôn trọng và quan tâm đến cuộc sống cộng đồng;
Nâng cao chất lượng cuộc sống của con người;
Bảo tồn sự sống và sự đa dạng sinh học của Trái đất;
Hạn chế đến mức thấp nhất việc làm suy giảm các nguồn tài nguyên không tái tạo;
Giữ vững trong khả năng chịu đựng được của Trái đất;
Thay đổi thái độ và hành vi của con người;
Để cho các cộng đồng tự quản lý môi trường của mình;
Xây dựng một khuôn mẫu quốc gia thống nhất, thuận lợi cho bảo vệ và phát triển;
Xây dựng một khối liên minh toàn cầu trong bảo vệ môi trường.