Bào tử của xạ khuẩn được hình thành trên các nhánh phân hóa của khuẩn ty khí sinh – gọi là cuống sinh bào tử. Đó là cơ quan sinh sản đặc trưng cho xạ khuẩn. Hình thái cuống sinh bào tử và bào tử là đặc điểm quan trọng nhất trong phân loại xạ khuẩn. Bào tử hình thành đồng thời trên tất cả chiều dài của cuống sinh bào tử theo 2 cách: kết đoạn hay cắt khúc và thường có hình trụ, ovan, cầu, que với mép nhẵn hoặc xù xì, có gai hoặc gai phát triển dài thành dạng lông. Tuy nhiên, số lượng bào tử và hình dạng của chuỗi là khác nhau ở các đơn vị phân loại khác nhau. Bào tử xạ khuẩn được bao bọc bởi màng mucopolysaccaride giàu protein với độ dày khoảng 300 – 400A° chia 3 lớp. Các lớp này tránh cho bào tử khỏi những tác động bất lợi từ ngoại cảnh như nhiệt độ, pH... Hình dạng, kích thước chuỗi bào tử và cấu trúc màng bào tử là những tính trạng tương đối ổn định và là đặc điểm quan trọng dùng trong phân loại xạ khuẩn [10].
Tiến hành quan sát hình dạng cuống sinh bào tử, bề mặt bào tử của 2 chủng xạ khuẩn Đ4, Đ12. Các mẫu được đặt trên lưới đồng Collodion, quan sát trên kính hiển vi điện tử “JEM-T8”. Kết quả được dẫn ra ở hình 3.5.
Hình dạng cuống sinh bào tử của chủng Đ4 (X 280)
Hình dạng bề mặt bào tử của chủng Đ4 (X 20.000)
Hình dạng cuống sinh bào tử của chủng Đ12 (X 280)
Hình dạng bề mặt bào tử của chủng Đ12 (X 20.000)
Hình 3.5. Hình dạng cuống sinh bào tử, bề mặt bào tử của chủng xạ khuẩn Đ4, Đ12
Chủng Đ4: HSKS màu đỏ, HSCC màu đỏ gạch, sắc tố tan màu hồng, thời gian xuất hiện khuẩn lạc 48 giờ, cuống sinh bào tử có dạng thẳng lượn sóng (RF), bề mặt bào tử nhẵn (Sm).
Chủng Đ12: HSKS màu xanh, HSCC màu xanh nhạt, sắc tố tan màu xanh nhạt, thời gian xuất hiện khuẩn lạc 48 giờ, cuống sinh bào tử có dạng thẳng xoắn có móc (RA), bề mặt bào tử nhẵn (Sm).