3. Tổ chức thực hiện đề án
3.1. Phân công trách nhiệm thực hiện đề án
3.1.1. Cơ quan chủ trì- Phòng Tư pháp huyện có trách nhiệm
- Thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về các Biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật; chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành việc thi hành pháp luật về các Biện pháp xử lý hành chính theo quy định; theo dõi việc tổ chức thực hiện trên phạm vi toàn huyện.
- Lập kế hoạch cụ thể thực hiện đề án, nêu rõ nội dung, yêu cầu, tiến độ, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan, các điều kiện đảm bảo việc thực hiện thành công đề án trên địa bàn huyện.
- Rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực Xử lý vi phạm hành chính về các Biện pháp xử lý hành chính báo cáo Ủy ban nhân dân huyện kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, xử lý.
- Thực hiện nhiệm vụ là cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của huyện tiến hành công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Xử lý vi phạm hành chính và các văn
bản pháp luật có liên quan cho các đối tượng liên quan trực tiếp đến việc củng cố, hoàn thiện hồ sơ đưa đối tượng vào Cơ sở giáo dục bắt buộc và các tầng lớp nhân dân để pháp Luật xử lý vi phạm hành chính nói chung và áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào Cơ sở giáo dục bắt buộc nói riêng thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân.
- Định kỳ tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân huyện và Sở Tư pháp thành phố Hà Nội tình hình, kết quả thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính về các Biện pháp xử lý hành chính, các văn bản hướng dẫn thi hành.
3.1.2. Các cơ quan phối hợp
3.1.2.1. Đề nghị thủ trưởng các phòng, ban, ngành, các cơ quan của thành phố đóng trên địa bàn huyện phối hợp thực hiện
- Quán triệt thực hiện các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật khác có liên quan về các Biện pháp xử lý hành chính đến cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ của cơ quan, đơn vị;
- Phối hợp với Phòng Tư pháp trong việc tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện thực hiện quản lý nhà nước về công tác thi hành pháp luật về Xử lý vi phạm hành chính;
- Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các Biện pháp xử lý hành chính, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong công tác Xử lý vi phạm hành chính;
- Thực hiện lưu trữ và thống kê việc áp dụng các quy định pháp luật về các Biện pháp xử lý hành chính theo quy định. Cung cấp thông tin về việc áp dụng các Biện pháp xử lý hành chính đến Phòng Tư pháp để tổng hợp phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu về Xử lý vi phạm hành chính của huyện và báo cáo thành phố theo quy định;
- Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, áp dụng các quy định pháp luật về các Biện pháp xử lý hành chính tại địa
phương, kiến nghị, đề xuất xử lý cụ thể gửi Phòng Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, xử lý;
- Báo cáo công tác thi hành pháp luật về áp dụng các Biện pháp xử lý hành chính của cơ quan, đơn vị định kỳ 6 tháng và hằng năm gửi phòng Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện và thành phố Hà Nội.
3.1.2.2. Đề nghị Công an huyện phối hợp thực hiện
- Khẩn trương chỉ đạo việc thu thập tài liệu trong hồ sơ đề nghị áp dụng các Biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để hoàn thiện hồ sơ đề nghị áp dụng các Biện pháp xử lý hành chính;
- Chỉ đạo các đơn vị thuộc Công an huyện phối hợp với Phòng Tư pháp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Tòa án nhân dân huyện; Ủy ban nhân dân xã, thị trấn và các cơ quan có liên quan trong việc áp dụng các Biện pháp xử lý hành chính.
3.1.2.3. Đề nghị Đài Phát thanh huyện tham gia phối hợp
- Phối hợp với Phòng Tư pháp và các cơ quan có liên quan thực hiện việc tuyên truyền, giới thiệu các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính về các Biện pháp xử lý hành chính và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
- Tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong thực hiện công tác này.
3.1.2.4. Đề nghị Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện phối hợp
- Chỉ đạo tổ chức Đoàn cơ sở phối hợp với các ngành liên quan trực tiếp quản lý đối với các đối tượng đang trong thời gian làm thủ tục áp dụng Biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào Cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tại nơi lập hồ sơ đề nghị.
- Tích cực tuyên truyền trong đoàn viên thanh niên chấp hành tốt chính sách, pháp luật và tham gia công tác phòng chống vi phạm pháp luật trên địa bàn.
3.1.2.5. Đề nghị Tòa án nhân dân huyện phối hợp
Triển khai việc áp dụng biện pháp Xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn quy định; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan: Phòng Tư pháp, Công an huyện, Phòng Lao động – Thương binh và xã hội trong việc tiếp nhận, thụ lý hồ sơ và ban hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào Cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc.
3.1.2.6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện phối hợp
Chỉ đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận triển khai, tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính về các Biện pháp xử lý hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan bằng các hình thức và biện pháp thích hợp để cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên hiểu rõ, thực hiện nghiêm chỉnh, quy định pháp luật về xử lý hành chính.
3.1.2.7. Đề nghị Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện
- Phổ biến Luật xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 và các văn bản quy định chi tiết về các Biện pháp xử lý hành chính đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tại địa phương biết, hiểu rõ và thực hiện nghiêm chỉnh quy định pháp luật về Xử lý vi phạm hành chính.
- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn có trách nhiệm thực hiện đúng theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 18 Luật xử lý vi phạm hành chính.
- Tổ chức lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở giáo dục bắt buộc đối với người vi phạm có nơi cư trú ổn định tại địa phương theo đúng quy định của pháp luật.
- Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về Xử lý vi phạm hành chính; trong việc xem xét áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đảm bảo chính xác, kịp thời theo đúng trình tự, thủ tục lập hồ sơ, xem xét quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp quản lý tại gia đình.
- Đối với các đối tượng đã hoàn thành thời gian giáo dục tại xã, thị trấn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện ngay việc cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn để đảm bảo hồ sơ pháp lý cho việc xem xét, đề nghị áp dụng các Biện pháp xử lý hành chính tiếp theo.
- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho những người đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp hành chính, giúp họ có việc làm ổn định, tái hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa tái phạm.