2. Nội dung thực hiện của đề án
2.4. Các giải pháp thực hiện đề án
2.4.1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan
* Nội dung tuyên truyền
- Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng nhất là những nội dung về cải cách thủ tục hành chính, hướng đến xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền công dân, quyền con người.
- Tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong thi hành pháp Luật xử lý vi phạm hành chính, đồng thời nghiêm túc phê bình, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. thông báo các hình thức, biện pháp xử lý đối với người vi phạm trên hệ thống truyền thanh của xã và của huyện theo quy định của pháp luật.
* Đối tượng tuyên truyền
- Cán bộ các ban ngành của huyện, nhất là cán bộ ngành giáo dục, khối đoàn thể… để mỗi cán bộ đều có thể trở thành một tuyên truyền viên pháp luật về Xử lý vi phạm hành chính khi tiếp xúc, làm việc với hội viên, giáo viên, học sinh và các tầng lớp nhân dân.
- Các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện.
* Biện pháp tuyên truyền
- Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền. Nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp, hấp dẫn là nhân tố quyết định đến chất lượng của công tác tuyên truyền. Những hình thức tuyên truyền có hiệu quả trong nhân dân hiện nay như: Tuyên truyền qua Cổng thông tin điện tử của huyện, qua băng rôn khẩu hiệu, tờ rơi, qua các chiến dịch quy mô lớn hay thông qua lĩnh vực văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao…; có sự kết hợp trong phương pháp tuyên truyền; lấy việc chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ (nhất là cán bộ cấp xã và nhân dân) làm thước đo đánh giá chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục.
- Tăng cường đào tạo đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên của các xã, thị trấn đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ; phát huy tối đa vai trò của từng công chức Tư pháp – hộ tịch, Trưởng, phó Công an xã để mỗi cán bộ, công chức là một tuyên truyền viên giỏi.
- Công chức Tư pháp – hộ tịch và Công an xã cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, giáo dục. Đặc biệt, cần quan tâm đến mối quan hệ phối hợp với các tổ chức Đoàn thanh
niên, Hội phụ nữ, ngành giáo dục, văn hóa, dân số … Đây là những lĩnh vực tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, ảnh hưởng lớn đến tư tưởng và hành động của người dân. Việc phối hợp cần đảm bảo rõ việc, có kế hoạch, lộ trình cụ thể và huy động đông đảo các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác tuyên truyền, giáo dục.
- Công tác tuyên truyền, giáo dục cần có kế hoạch cụ thể theo từng nội dung và từng thời kỳ; trong đó có sự phân công trách nhiệm rõ ràng của từng cá nhân; duy trì chế độ kiểm tra thường xuyên và đột xuất nhằm đánh giá khách quan, chính xác trên cơ sở thực tiễn của từng đơn vị. Công tác tuyên truyền, giáo dục là một lĩnh vực rộng lớn, vì vậy trong đánh giá cần có cái nhìn khách quan, khoa học, tránh đánh giá phiến diện hoặc đánh giá ngắn hạn.
2.4.2. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức của phòng Tư pháp huyện và công chức Tư pháp - hộ tịch, công an cấp xã
* Đối với cán bộ công chức phòng Tư pháp huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội
- Thường xuyên cử cán bộ công chức của phòng Tư pháp tham gia các lớp đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ công tác và các lớp tập huấn chuyên sâu về luật của từng ngành, lĩnh vực.
- Hàng tuần, hàng tháng có kế hoạch cử cán bộ, công chức xuống cơ sở để phối hợp và tham gia nghiên cứu hồ sơ Xử lý vi phạm hành chính, kịp thời nắm bắt tình hình và chất lượng, hiệu quả công tác của cơ sở phục vụ công tác tham mưu, chỉ đạo của lãnh đạo phòng, đồng thời giúp cán bộ, công chức tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm thực tiễn.
- Cử cán bộ công chức Tư pháp huyện tham gia các cuộc thi tuyên truyền viên pháp luật giỏi do thành phố tổ chức, nhằm nâng cao tính độc lập, tự chủ của cán bộ, công chức và học tập kinh nghiệm của các đồng nghiệp trong và ngoài huyện.
* Đối với công chức Tư pháp – hộ tịch và Công an cấp xã
- Mở các lớp tập huấn chuyên sâu về Luật xử lý vi phạm hành chính cho đội ngũ bộ công chức Tư pháp – hộ tịch và Công an cấp xã để nâng cao trình độ pháp luật, kỹ năng lập hồ sơ Xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn. Mời cán bộ Công an huyện Thạch Thất theo dõi, phụ trách lĩnh vực Xử lý vi phạm hành chính phối hợp, tham gia để hoàn thiện hơn các nội dung tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ xã.
- Lập kế hoạch kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện công tác của công chức Tư pháp – hộ tịch cấp xã, công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan. Kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng này trong thi hành pháp luật về Xử lý vi phạm hành chính và nhất là áp dụng các Biện pháp xử lý hành chính ở địa phương.
- Tham gia ý kiến với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác cán bộ, từ việc sử dụng cán bộ đúng năng lực, sở trường chuyên môn, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, kiêm nhiệm, quan tâm hơn nữa đến cán bộ công chức Tư pháp – hộ tịch và Công an cấp xã, nhất là Phó trưởng công an cấp xã (chưa được biên chế) để cán bộ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
2.4.3. Đổi mới công tác chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ về lĩnh vực tư pháp - Lập kế hoạch tổ chức thực hiện đề án, theo đó nêu rõ từng nội dung,
tiến độ và các điều kiện cần thiết để thực hiện đề án.
- Phân công cụ thể cho cán bộ công chức theo dõi, phụ trách từng nội
dung thực hiện, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành pháp Luật xử lý vi phạm hành chính.
- Phòng Tư pháp kịp thời đề nghị biểu dương, khen thưởng những tập
thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác thi hành pháp luật về áp dụng các Biện pháp xử lý hành chính, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong phong trào bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn, đồng thời xử lý nghiêm minh cá nhân, tổ chức vi phạm trong công tác.
2.4.4. Nâng cao chất lượng hồ sơ Xử lý vi phạm hành chính nói chung và áp dụng Biện pháp xử lý hành chính nói riêng
- Mở các lớp tập huấn chuyên sâu cho cán bộ thực hiện việc hoàn thiện hồ sơ đưa đối tượng vào Cơ sở giáo dục bắt buộc từ huyện đến cơ sở, giải đáp mọi thắc mắc của cán bộ, công chức trong thực tiễn thi hành luật.
- Nghiên cứu kỹ từng hồ sơ, đánh giá ưu, nhược điểm của từng hồ sơ, đồng thời thông báo đến các cơ quan chức năng, cá nhân phụ trách hồ sơ để kịp thời rút kinh nghiệm và bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
2.4.5. Xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan đảm bảo hiệu quả công tác
- Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện củng cố hoàn thiện hồ sơ đưa đối tượng vào Cơ sở giáo dục bắt buộc.
- Xây dựng kế hoạch liên ngành trong hoạt động củng cố hồ sơ các vụ việc và hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở giáo dục bắt buộc.
- Tổ chức họp sơ kết, tổng kết theo chương trình, kế hoạch đã đề ra để rút ra những bài học kinh nghiệm phục vụ công tác trong thời gian tiếp theo.
2.4.6. Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho lực lượng thực hiện công tác Xử lý vi phạm hành chính và áp dụng các Biện pháp xử lý hành chính
Ủy ban nhân dân huyện tiếp tục đầu tư cho công tác thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính nguồn kinh phí, trang thiết bị và phương tiện làm việc
cần thiết, tạo điều kiện cho công tác củng cố hoàn thiện hồ sơ đưa đối tượng vào Cơ sở giáo dục bắt buộc đạt hiệu quả ngày càng cao.
2.4.7. Bổ sung biên chế cho phòng Tư pháp huyện và công chức Tư pháp - hộ tịch các xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Việc bổ sung biên chế cho phòng Tư pháp huyện và công chức Tư pháp – hộ tịch cho cấp xã là rất cần thiết, nhất là cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn và khả năng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của đề án.
Bổ sung thêm cho phòng Tư pháp huyện 02 biên chế (theo Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt) và thêm 01 công chức Tư pháp – Hộ tịch cho các xã còn thiếu biên chế.