So sánh tính đồng nhất giữa nhóm nghiên cứu và nhóm chứng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu vai trò của theo dõi liên tục áp lực oxy tổ chức não trong hướng dẫn hồi sức bệnh nhân chấn thương sọ não nặng (Trang 107 - 110)

Trong nghiên cứu này, nhóm bệnh nhân được điều trị theo hướng dẫn dựa vào PbtO2/ALNS so với nhóm chứng là những bệnh nhân được điều trị theo hướng dẫn dựa vào ALNS/ALTMN có nhiều điểm tương đồng về tuổi trung bình, phân bố giới, thời gian từ khi bị tai nạn đến khi nhập viện, độ nặng chấn thương theo thang điểm ISS, thang điểm Glasgow khi nhập viện. Các tác giả trên thế giới đã chứng minh được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả điều trị của bệnh nhân CTSN khi nhập viện như là tuổi cao, thang điểm Glasgow khi nhập viện, thang điểm ISS là những yếu tố nguy cơ độc lập đến kết cục xấu cũng như tử vong của bệnh nhân sau CTSN nặng [19],[117],[96]. Trong

nghiên cứu của chúng tôi, các yếu tố nguy cơ này giữa 2 nhóm là không có khác biệt có ý nghĩa thống kê với p > 0,05. Điều này cho phép chúng tôi làm giảm bớt yếu tố gây nhiễu trước khi can thiệp điều trị theo hướng dẫn của PbtO2 hoặc ALNS có thể gây ảnh hưởng đến kết quả điều trị cho bệnh nhân CTSN nặng.

Tổn thương thứ phát gây ra tình trạng thiếu oxy tổ chức não (do những nguyên nhân hệ thống như tụt huyết áp, thiếu oxy máu) có thể xảy ra rất sớm sau chấn thương sọ não và gây ảnh hưởng đến kết quả điều trị của bệnh nhân. Trong nghiên cứu này, tỉ lệ tụt huyết áp và thiếu oxy khi nhập viện ở nhóm ALNS có vẻ cao hơn so với nhóm PbtO2/ALNS (21,0% và 18,4% so với 10,8% và 10,8%). Tuy nhiên, sự khác biệt này giữa 2 nhóm là không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).

CT scan sọ não là một phương pháp được sử dụng rộng rãi cho phép được xác định loại tổn thương, đặc điểm và mức độ tổn thương của CTSN. Các dấu hiệu tổn thương trên phim CT scan sọ não cũng giúp cho các bác sĩ hồi sức thần kinh có thể tiên lượng được kết quả điều trị cho bệnh nhân CTSN. Tác giả van den Brink nghiên cứu trên 101 bệnh nhân CTSN nặng cho thấy đặc điểm tổn thương trên phim CT scan như là chảy máu dưới nhện, dấu hiệu đè đẩy đường giữa > 5mm, dấu hiệu xóa bể đáy, mức độ lan tỏa theo phân loại Marshall (độ IV) là những yếu tố nguy cơ độc lập ảnh hưởng đến kết cục xấu cũng như tử vong của bệnh nhân CTSN nặng [19]. Kết quả bảng 3.18 cho thấy có sự khác biệt về tỉ lệ dấu hiệu đè đẩy đường giữa, tỉ lệ lấy bỏ khối choán chỗ cũng như mức độ IV theo phân loại Marshall của nhóm PbtO2/ALNS cao hơn so với nhóm ALNS (có ý nghĩa thống kê với p < 0,05). Các dấu hiệu khác trên phim CT scan giữa 2 nhóm là không có sự khác biệt có ý nghĩa. Điều này có thể có ảnh hưởng phần nào đến kết quả điều trị của nhóm PbtO2 (mặc dù khi đưa vào mô hình phân tích đa biến ở mục 3.2 chưa có ý nghĩa thống kê).

Rất nhiều báo cáo lâm sàng và các bài đánh giá tổng quan trên khía cạnh sinh lí bệnh của CTSN về mối quan hệ giữa ALNS và kết quả điều trị cũng như thiếu oxy tổ chức não đã được chứng minh rõ ràng, hầu hết các phác đồ điều trị hiện nay tập trung vào mục tiêu ngăn ngừa tránh tình trạng tăng ALNS, giảm ALTMN và tình trạng thiếu oxy tổ chức não. Sự sụt giảm ALTMN có thể gây ra một dòng thác giãn mạch để duy trì LLMN nhằm làm tăng TTMN sẽ dẫn đến làm tăng ALNS và chính điều này lại tiếp tục làm giảm ALTMN. Hậu quả cuối cùng của vòng xoắn bệnh lí này làm cho tình trạng thiếu oxy tổ chức não trầm trọng hơn. Theo dõi và kiểm soát ALNS cũng như ALTMN đóng một vai trò trọng tâm chính trong điều trị hiện nay ở bệnh nhân CTSN. Tình trạng thiếu oxy tổ chức não (có giảm PbtO2) vẫn có thể xảy ra vào những thời điểm có ALNS và ALTMN bình thường. Những thay đổi trong PbtO2 thường được quan sát thấy đồng thời với những thay đổi trong ALTMN nhưng nó vẫn có thể thấp (hoặc thậm chí cả trong phạm vi thiếu oxy não) trong khi giá trị ALTMN vẫn bình thường hay nói cách khác không phải lúc nào một mình ALTMN là điều kiện đủ để đảm bảo oxy nhu mô não [105]. Tuy mối tương quan chặt chẽ giữa kết quả điều trị xấu với tình trạng tăng ALNS và giảm ALTMN là rõ ràng, các kết quả nghiên cứu hiện nay cho rằng các phương pháp theo dõi khác sẽ cung cấp thêm những thông tin nhạy cảm hơn, liên quan đến lưu lượng máu não và chất nền sẵn có. Vì vậy, các can thiệp điều trị sớm hơn sẽ làm tăng khả năng hồi phục của tế bào thần kinh bị tổn thương và không bị tổn thương, qua đó làm cải thiện kết quả điều trị của bệnh nhân. Trong nghiên cứu của chúng tôi (bảng 3.19), sự khác biệt về các chỉ số ALNS sau khi đặt, ALNS trung bình và ALNS trung bình cao nhất giữa 2 nhóm là không có ý nghĩa thống kê mặc dù về mức độ tăng ALNS ở nhóm ALNS/ALTMN (giá trị ALNS sau khi đặt, giá trị ALNS trung bình cao nhất) có vẻ như cao hơn so với nhóm PbtO2/ALNS. Điều này có thể được lý giải bởi lẽ ở nhóm PbtO2/ALNS có tỉ lệ bệnh nhân được phẫu thuật

lấy bỏ khối choán chỗ và mở xương sọ giải ép cao hơn có ý nghĩa thống kê (73,7% so với 34,2%) do đó nó làm giảm bớt mức độ tăng ALNS, giúp cho các biện pháp điều trị tăng ALNS hiệu quả hơn so với nhóm ALNS. Sự khác biệt các chỉ số về ALTMN giữa 2 nhóm mặc dù có ý nghĩa thống kê nhưng thực chất ít có nguy cơ ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh nhân do các chỉ số này vẫn nằm trong một khoảng giới hạn an toàn cho phép (60 – 70 mmHg) [1].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu vai trò của theo dõi liên tục áp lực oxy tổ chức não trong hướng dẫn hồi sức bệnh nhân chấn thương sọ não nặng (Trang 107 - 110)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)