- Biểu đồ so sánh sự hứng thú trong học tập của học sinh giữa lớp thực nghiệm và lớp đối chứng:
3. Nhận xét quá trình thực hiện
- Về giáo án thực nghiệm : Qua quá trình tiến hành thực nghiệm, chúng tôi nhận thấy cả 4 giáo án (2 giáo án thực nghiệm và 2 giáo án đối chứng), đều đảm bảo được đầy đủ những nội dung và các yêu cầu của bài học. Tất cả các kiến thức VHS về cơ bản đã được thể hiện một cách đầy đủ, chính xác. Trong các giáo án, các giáo viên đã có ý thức hướng đến sự tích cực học tập của học sinh thông qua hệ thống các câu hỏi tương đối sinh động, cụ thể. Tuy nhiên, trong hai giáo án dạy đối chứng, mặc dù đã được các giáo viên đầu tư nhiều hơn các tiết dạy bình thường, nhưng ở đây vẫn còn nặng về hình thức đọc – chép, các phương pháp giảng dạy chủ yếu vẫn chỉ là thuyết giảng. Giáo viên chỉ sử dụng những câu hỏi phát vấn, đôi khi có sử dụng những câu hỏi thảo luận, nhưng sau khi thảo luận xong, các kiến thức thu được từ các em lại rời rạc, sơ sài, vì vậy, giáo viên lại phải giảng giải và cho ghi theo những kiến thức đã được soạn sẵn. Vì vậy, các tiết dạy theo giáo án này chưa đem lại kết quả cao, bởi giáo viên còn làm việc nhiều, còn học sinh thì chỉ chú ý vào việc ghi chép sao cho kịp chứ không có thời gian suy nghĩ độc lập và sáng tạo.
Đối với hai giáo án được soạn theo tinh thần đổi mới, cụ thể là soạn theo hướng có sử dụng Graph, tiết học trở có sinh động hẳn lên bởi có sự tham gia tích cực từ phía các em học sinh, tạo cho các em có tính độc lập suy nghĩ từ đó phát huy được tính sáng tạo của mình. Hơn nữa, sau mỗi tiết học các kiến thức VHS được ghi nhớ sâu hơn, lâu bền hơn, giáo viên thì cảm thấy thoải mái và không bị cháy giáo án.
- Về phía giáo viên: Với mong muốn có sự đổi mới trong các giờ dạy học VHS, nên các giáo viên đã rất nhiệt tình trong quá trình tham gia dạy thực nghiệm. Sau khi được hướng dẫn và theo dõi dạy mẫu, các giáo viên đều hài lòng và thống nhất với các biện pháp cũng như những yêu cầu đặt ra. Khi được tự mình thiết kế và dạy thực nghiệm, các giáo viên đều cố gắng hết
mình, tuy trong quá trình thực hiện vẫn còn một số sai sót nhỏ nhưng nhìn chung, các giáo viên đã thực hiện tốt các biện pháp cũng như các bước, các hoạt động, thao tác mà đề tài đã đặt ra. Kết quả là các tiết dạy thực nghiệm đều tạo được một tâm thế thoải mái và có hiệu quả cao.
- Về phía học sinh: Có thể thấy, sự thay đổi nhiều nhất là từ phía học sinh, điều đầu tiên đó là sự hứng thú và thái độ tích cực trong học tập của các em được thể hiện trong mỗi tiết học. Từ chỗ các em chỉ nghe và ghi chép một cách thụ động thì trong các tiết học có sử dụng Graph, các em đã chủ động, hăng hái tham gia vào quá trình tìm hiểu bài học không chỉ ở trên lớp mà còn chủ động tự học ở nhà. Không những thế mà kết quả kiểm tra cũng có sự thay đổi rõ rệt: Số lượng học sinh giỏi, khá và trung bình tăng lên, số lượng yếu kếm giảm.( giỏi: 11,9 → 13,4; khá 33,7 → 36,4, TB 43,2 → 45,2; Yếu, kém 7,3 → 5,3).
Tiểu kết
Từ những kết quả thu được sau khi tiến hành thực nghiệm và quá trình tìm hiểu thực tế, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:
- Việc sử dụng Graph trong dạy học VHS ở trung học phổ thông bước đầu đã đạt được những kết quả tương đối khả quan. Các giờ học VHS có sử dụng Graph không chỉ đem lại một không khí học tập sôi nổi mà còn thực sự thu hút, tạo được sự hứng thú trong học tập của các em học sinh, tạo điều kiện cho các em phát triển năng lực cá nhận như: tinh thần suy nghĩ độc lập, khả năng sáng tạo và tự học. Không những thế, việc sử dụng Graph trong dạy học VHS còn giúp cho giáo viên không chỉ tiết kiệm được thời gian, công sức: từ khâu soạn giảng cho đến các khâu triển khai bài giảng trên lớp.
- Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình tiến hành thực nghiệm chúng tôi thấy còn tồn tại một số vấn đề sau:
+ Về phía học sinh: do chưa được tiếp xúc nhiều với các bài giảng có sử dụng Graph, cho nên lúc bước đầu các em còn lúng túng trong việc theo dõi và ghi chép bài học.
+ Về phía giáo viên: vì chưa được tập huấn qua một chương trình hay tài liệu cụ thể, mà chỉ qua sự trao đổi, hướng dẫn của của chúng tôi trong thời gian quá ngắn cho nên chưa phát huy hết được những ưu điểm của việc sử dụng Graph mang lại trong quá trình soạn giảng.
Để khắc phục được những mặt tồn tại này, đòi hỏi các tổ chuyên môn, các giáo viên trực tiếp giảng dạy cần quan tâm, tích cực hơn trong việc tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng nhiều hơn nữa các phương pháp mới và các phương tiện kỹ thuật hiện đại vào dạy học nói chung và trong dạy học Ngữ văn nói riêng.
Tóm lại, với những kết quả đã đạt được, một lần nữa chúng tôi khẳng định: việc sử dụng Graph trong dạy học văn học sử ở THPT là hoàn toàn có tính khả thi. Không chỉ đem lại hiệu quả thiết thực trong dạy học Ngữ văn mà còn góp phần tích cực vào việc đổi mới phương pháp dạy học hiện nay.
IV/ KẾT LUẬN
Đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục luôn là vấn đề được các nhà giáo dục, các thầy cô giáo có tâm huyết quan tâm, trăn trở. Vấn đề đổi mới không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn diễn ra ở phạm vi rộng lớn trên toàn thế giới. Nó không chỉ diễn ra ở những giai đoạn trước mà ngay cả hiện nay khi mà nền khoa học công nghệ đã và đang phát triển như vũ bão. Đã có nhiều phương pháp dạy học mới ra đời và đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, cũng có những phương pháp ra đời nhưng việc áp dụng nó vào quá trình dạy học vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật hiện nay đã tạo một sự liên kết, giao thoa của rất nhiều ngành khoa học, từ đó đã tạo ra cho con người một hướng nghiên cứu mới, đó là đưa những phương pháp khoa học mang tính khái quát để vận dụng nó vào quá trình dạy học trong nhà trường. Phương pháp Graph là một trong những phương pháp đã ra đời trong hoàn cảnh đó. Việc vận dụng một cách có tính kế thừa phương pháp Graph trong lĩnh vực toán học, các nhà giáo dục Việt Nam đã đưa ra một phương pháp Graph để dạy học các bộ môn trong nhà trường một cách có hiệu quả, trong đó có môn Ngữ văn.
Căn cứ vào sự hiểu biết của mình về lý thuyết Graph và dựa vào những ưu điểm, những mặt tích cực của lý thuyết này, chúng tôi đã xây dựng cho mình một chương trình cụ thể, đó là việc “Sử dụng Graph trong dạy học văn học sử ở THPT” . Trong quá trình xây dựng phương pháp và tiến hành thực nghiệm, chúng tôi đã thu được những kết quả khá khả quan, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy phần VHS trong chương trình Ngữ văn ở THPT. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu, qua việc áp dụng ở một số địa bàn của tỉnh Đồng Nai. Chính vì vậy, khi áp dụng rộng rãi chúng ta cần chú ý đến một số vấn đề sau:
Thứ nhất: Không chỉ phương pháp nào cũng chỉ có mặt tích cực mà không có những mặt hạn chế. Phương pháp sử dụng Graph trong dạy học VHS cũng không nằm ngoài quỹ đạo chung đó. Tuy nó có rất nhiều những ưu điểm nổi trội, nhưng nó không phải là một chìa khóa vạn năng. Muốn phát huy được hết những ưu điểm của nó cần phải có sự kết hợp của nhiều phương pháp, phương tiện dạy học cũng như các yếu tố khác nữa. Vì vậy, trong quá trình dạy học, chúng ta không nên quá lạm dụng và đề cao phương pháp này. Chúng ta phải biết cách vận dụng, kết hợp nhiều phương pháp và các phương tiện dạy học một cách linh hoạt thì mới đạt được kết quả cao nhất.
Thứ hai: Để sử dụng Graph trong dạy học nói chung và trong dạy học VHS nói riêng thực sự có hiệu quả, đòi hỏi mỗi giáo viên cần phải có một sự nghiên cứu kỹ lưỡng về các tài liệu, SGK, các biện pháp, quy trình xây dựng một Graph. Thậm chí cần phải có sự tập huấn, hướng dẫn cho cả giáo viên và học sinh trước khi thực hiện.
Có thể nói, việc sử dụng Graph trong dạy học VHS là một đề tài mới mẻ trong việc chuyển hóa các phương pháp khoa học thành các phương pháp dạy học tích cực, nhất là đối với các bộ môn khoa học xã hội. Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu thực hiện đề tài này, chúng tôi không thể tránh khỏi sự lúng túng, lạ lẫm khi triển khai các nội dung. Chúng tôi rất mong được sự góp ý từ phía các nhà khoa học, các quí vị thầy cô, và các bạn bè đồng nghiệp.
Cẩm Mỹ ngày 19 tháng 12 năm 2011
Người thực hiện
Trần Văn Hưng