Thiết bị thụ đắc ngôn ngữ

Một phần của tài liệu Một số tư tưởng triết học ngôn ngữ của noam chomsky luận văn ths triết học (Trang 79 - 84)

Một trong những đặc điểm chính của triết học ngôn ngữ của Chomsky là sự quan tâm chủ yếu đến những gì xảy ra trong trí não của đứa trẻ khi nó học một ngôn ngữ. Trong khi chủ nghĩa hành vi cho rằng, ngôn ngữ người ta dùng để nói với trẻ em là khuôn mẫu để chúng bắt chước thì Chomsky lại cho rằng ngôn ngữ dùng để nói với trẻ em rất nghèo nàn và nhiều lỗi ngữ pháp.

Theo Chomsky, một đứa trẻ khi còn rất nhỏ đã nắm khá vững cấu trúc tiếng mẹ đẻ. Trí tuệ của chúng chưa phát triển, tiếp nhận kiến thức toán, lý... rất khó khăn

nhưng học nói và viết lại dễ dàng trong khi người lớn không dạy cho chúng một cách có hệ thống các quy tắc ngữ pháp. Hơn nữa, lời nói hàng ngày không phải là những câu luôn chuẩn, đúng ngữ pháp, một bộ phận trong đó là những câu phi chuẩn nhưng đứa trẻ học được ngôn ngữ chuẩn. Điều đó có nghĩa là khả năng ngôn ngữ là một khả năng đặc biệt và phải có một tổ chức nhất định trong bộ não con người chịu trách nhiệm riêng để phát triển ngôn ngữ. Chomsky gọi đó là thiết bị thụ đắc ngôn ngữ (language aquisition device, viết tắt là LAD, nghĩa là bộ phận phát triển ngôn ngữ).

Như chúng ta đã biết, thụ đắc ngôn ngữ ở trẻ nhanh chóng đến kinh ngạc. Trẻ em hầu như không nói năng gì cho đến lúc một tuổi. Đến ba tuổi, chúng đã diễn đạt mọi điều chúng muốn. Cho dù “rất khó có thể khiến người ta tin rằng một cơ thể mới sinh ra chưa có một chút nhận thức nào về tính chất cơ bản của ngôn ngữ lại có thể học cấu trúc ngôn ngữ” [35, tr. 345]. Điều đó chứng tỏ ngôn ngữ là bẩm sinh. Do vậy, hầu như trẻ em trên thế giới đều học ngôn ngữ và đều đạt được đến một trình độ giao tiếp tương tự nhau khi các em ở độ tuổi ba bốn.

Theo N. Chomsky, thiết bị thụ đắc ngôn ngữ đã khiến cho tất cả những đứa trẻ bình thường chỉ cần tiếp xúc với nguồn ngữ liệu là có thể học nói trong thời gian ngắn. LAD giúp trẻ phát triển ngôn ngữ nhanh chóng mà không cần cung cấp đầy đủ cứ liệu ngôn ngữ cho chúng. LAD có một hệ thống thu nhận đầu vào và một hệ thống sản sinh đầu ra, cho phép không ai chỉ nói tiếng Nhật và chỉ hiểu tiếng Anh. LAD chứa trạng thái sơ khai của con người khi học ngôn ngữ, là “ngữ pháp phổ quát”. Chomsky viết: “Nếu suy nghĩ về vấn đề tiếp nhận ngôn ngữ thì, chúng ta rất dễ nhận thấy con người có thể tiếp nhận ngôn ngữ là do có một hệ thống ngữ pháp phổ quát phong phú và hiệu quả làm thành đặc trưng tự nhiên của não bộ. Đứa trẻ chỉ tiếp xúc với những câu nói được sử dụng trong xã hội đặc biệt. Trên cơ sở của những câu nói và những tư liệu gốc này, não bộ của đứa trẻ sẽ tạo ra một hệ thống quy tắc giúp đứa trẻ có thể nói ra những câu nói mới, đồng thời có thể hiểu những câu nói mà chúng chưa từng nghe qua, cũng có thể chưa từng xuất hiện trong lịch sử ngôn ngữ. Trên thực tế, điều mà đứa trẻ làm là một công việc “xây dựng lý luận”

cũng giống như công việc của nhà khoa học làm khi đưa ra một lý luận dựa trên những chứng cứ có được từ các thí nghiệm. Nhưng đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn... Giống như nhà khoa học, nhà ngôn ngữ học nghiên cứu “từ bên ngoài” nhưng vẫn chưa lý giải quy tắc và nguyên tắc đặc thù của ngôn ngữ, còn một đứa trẻ lại không cần đến một nỗ lực đặc biệt nào hay phải ý thức việc nó đang làm thì vẫn có thể tạo ra được những đơn vị đúng quy tắc từ một số ít các ngữ liệu nó có. Tại sao đứa trẻ lại làm được như vậy? Câu trả lời duy nhất là: “não bộ của đứa trẻ khi sinh ra đã có khả năng thiết kế lí luận tương xứng với hình thức. Thiết kế sơ khai này chính là nội dung nghiên cứu của ngữ pháp phổ quát” [19, tr. 197]”. Ngữ pháp phổ quát là cơ sở để phát triển kiến thức, là nguyên tắc mà điều kiện và hệ thống quy tắc của tất cả ngôn ngữ con người buộc phải có, đại diện cho những nội dung cơ bản nhất của ngôn ngữ con người. LAD chứa hệ thống từ vựng và các quy tắc tính toán cho phép trẻ em phân tích các câu nghe được và hình thành các giả thuyết về ngôn ngữ đó. Qua kiểm nghiệm và ngữ liệu nghèo nàn bên ngoài môi trường với sự trợ giúp của LAD, trẻ em sẽ nhập tâm được hệ thống ngữ pháp của ngôn ngữ mà những đứa trẻ được tiếp xúc.

Cơ chế thụ đắc ngôn ngữ phản ánh sơ đồ bẩm sinh các tiền ước đầu tiên mà tất cả mọi người có để học một ngôn ngữ. Theo ông, LAD là bẩm sinh thì trẻ mới có thể học ngôn ngữ nhanh chóng. Mặc dù, cuộc tranh luận về xung quanh tính bẩm sinh chưa có câu trả lời rõ ràng nhưng bằng việc nghiên cứu các đặc điểm của các ngôn ngữ tự nhiên, cấu trúc, tổ chức và cách sử dụng của chúng, Chomsky đã cho thấy một số hiểu biết về các đặc trưng riêng của trí tuệ con người. Mặc dù không thể dùng phương pháp giải phẫu để chứng minh sự tồn tại của thiết bị thụ đắc ngôn ngữ nhưng nếu không dùng giả thiết này thì khó có thể giải thích quá trình thụ đắc tiếng mẹ đẻ của trẻ em một cách thỏa đáng. Như vậy, vấn đề Chomsky đặt ra rất độc đáo: con người khi sinh ra cấu trúc ban đầu trong não bộ phải có những hiểu biết ngôn ngữ nhất định nhưng phải cần tiếp xúc với môi trường bên ngoài thì mới kích hoạt được cơ chế thụ đắc ngôn ngữ. Môi trường ngôn ngữ và thiết bị thụ đắc sẽ giúp trẻ học nói nhanh chóng. Nhờ đó, mọi trẻ em bình thường đều đạt được hầu như vô

thức và không phải dạy chính thức ngôn ngữ thứ nhất. Như vậy, Chomsky không giống với chủ nghĩa hành vi, đánh giá cao vai trò của yếu tố bên ngoài đứa trẻ (vai trò của cha mẹ và những người xung quanh), còn Chomsky nhấn nhấn mạnh vào năng lực bên trong của đứa trẻ khi học ngôn ngữ.

Cơ chế thụ đắc này chỉ là giả định. Trẻ em ngay từ đầu đã có một cái gì đó trong não bộ cho phép nó tiếp nhận ngôn ngữ. Một đứa trẻ lớn lên trong môi trường tiếng Việt sẽ nói tiếng Việt và lớn lên trong môi trường khác sẽ thụ đắc ngôn ngữ khác. Thiết bị thụ đắc này cũng nhấn mạnh đếm ngữ pháp phổ quát được lập trình sẵn trong não bộ của trẻ. Ngữ pháp phổ quát này chứa các quy tắc viết lại và quy tắc cải biến chung cho tất cả các ngôn ngữ tự nhiên. Chúng gắn liền với ý thức/ hoạt động của bộ não.

Kiến thức của chúng ta về ngôn ngữ có thể thụ đắc được căn cứ vào sự nghèo nàn của các kích thích, nghĩa là từ những ngữ liệu rất hạn chế. Đứa trẻ sinh ra đã được trời phú cho biết các nguyên tắc xác định của cái gọi là tính năng thiết kế của ngôn ngữ: sự tồn tại của các từ như danh từ, động từ, khả năng hợp nhất và di chuyển...

Lý thuyết các nguyên tắc và thông số của Chomsky khai thác ý tưởng cho rằng, có một hiệu ứng tầng sao cho kiến thức có thể phát triển mà không cần học tập. Trước khi một đứa trẻ nói tiếng Anh, tiếng mẹ đẻ của nó thì nó đã phát hiện ra động từ luôn đặt trước đối tượng. Chẳng hạn như “read book” không phải là “book read”. Động từ “read” đầu câu theo thứ tự đứng trước bổ nghĩa cho “book”. Đây như là một phản xạ thực tế của trẻ. Và từ một số sự kiện khác như “like turtle”, không phải “turtle like”. Chúng không cần nghe nhiều lần những ví dụ như vậy để có kiến thức ngôn ngữ. Đứa trẻ sinh ra đã được trời phú cho một định dạng của một ngữ pháp (lý thuyết về dữ liệu ngôn ngữ), một phương pháp xây dựng ngữ pháp trên cơ sở dữ liệu ngôn ngữ mà chúng tiếp xúc, và một thiết bị đánh giá đơn giản tương đối của ngữ pháp. Các nguyên tắc phổ quát ngôn ngữ giúp trẻ em nhập tâm kiến thức ngôn ngữ mà chúng tiếp xúc với.

Như vậy, đứa trẻ ngay từ khi sinh ra đã nhập tâm được một kiến thức ngữ pháp có sẵn trong trí não dưới dạng các quy tắc cho phép chúng tạo ra vô hạn các

câu mới và đánh giá tính ngữ pháp của các câu khác. Ngữ pháp không thể học được thông qua các nguyên tắc đã biết, mà nó phải được mã hóa từ trước trong trí não. Vì vậy, mọi trẻ em bình thường đều đạt được hầu như vô thức tiếng mẹ đẻ mà không cần phải dạy chính thức. Nó khác với việc học ngôn ngữ thứ hai và việc tiếp tục học ngôn ngữ mẹ đẻ ở trường. Cách tiếp cận này đặt ra vấn đề học ngôn ngữ hiện nay, việc học ngôn ngữ thứ nhất không phải là sự nhắc lại câu nhiều lần với sự thay đổi từ vựng và các phạm trù ngữ pháp.

Quan điểm của Chomsky đã giải thích được một số hiện tượng ngôn ngữ trong tự nhiên. Một đứa trẻ Việt vừa mới sinh ra nếu sống trong gia đình người Anh hay người Pháp thì sẽ nói tiếng Anh hay tiếng Pháp. Một đứa trẻ Việt vừa mới sinh ra nếu sống trong gia đình người Anh hay người Pháp thì sẽ nói tiếng Anh hay tiếng Pháp. Bất cứ đứa trẻ nào dù sinh ra ở đâu, cha mẹ chúng là ai nhưng chúng được sống trong môi trường ngôn ngữ nào thì nó nói thứ tiếng ấy. Vì ngôn ngữ là đặc trưng của loài người và hơn nữa, con người được thừa hưởng một năng lực bẩm sinh về ngôn ngữ được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cho nên trẻ em dùng năng lực bẩm sinh này để thụ đắc những ngôn ngữ cụ thể. Đó là học nói, sau đó, mới học viết, học các quy tắc ngữ pháp, quy tắc từ vựng. Từ việc thụ đắc ngôn ngữ thứ nhất, Chomsky đã gián tiếp đề cập đến việc học ngôn ngữ thứ hai ở con người.

Ngôn ngữ con người là một hệ thống phổ quát. Các ngôn ngữ khác nhau chỉ khác nhau trên bề mặt còn cấu trúc sâu lại rất giống nhau. Điểm này chứng tỏ ngôn ngữ gắn liền với tư duy. Đứa trẻ hình thành ngôn ngữ qua quá trình tiếp nhận, học tập, sáng tạo nhờ năng lực bẩm sinh ngôn ngữ. Các em bắt chước và làm theo người lớn, tự ghép nối những từ rời theo quy tắc các em cảm nhận được khi nghe người lớn nói và được điều chỉnh và thẩm nghiệm dần. Trong năm năm đầu đời, các em có khả năng thụ đắc kiến thức nhanh chóng. Vì vậy, chúng ta nên cho trẻ em học ngoại ngữ từ rất sớm.

Tuy nhiên, có một sự bất cập trong tư tưởng của ông là nhấn mạnh tính bẩm sinh để giải thích sự thụ đắc ngôn ngữ mà không tính đến các yếu tố khác, như môi trường giao tiếp, văn hóa... Trên thực tế, để học một ngôn ngữ được tốt thì chúng ta

phải cần nhiều yếu tố không chỉ là tính bẩm sinh do gen di truyền mà còn do môi trường quy định. Ông không chú ý một cách đầy đủ đến vai trò của môi trường trong việc giúp trẻ thụ đắc một hệ thống quy tắc ngữ pháp của ngôn ngữ cụ thể mà chúng tiếp xúc. Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ em không phải cần sự kích hoạt của hệ thống được mã hóa sẵn trong LAD. Trên thực tế, dù trẻ có học nói nhanh chóng nhưng cũng cần có môi trường ngôn ngữ. Hơn nữa, lúc bốn tuổi chúng mới chỉ nắm những đặc điểm cơ bản về ngôn ngữ, còn sự tinh tế về ngữ pháp phải ở đến giai đoạn trưởng thành. Quan điểm này của Chomsky đến nay nhận được nhiều sự đồng tình cũng như phản đối. Tuy nhiên, vấn đề thụ đắc của ông đã có ý nghĩa lớn với chúng ta.

Một phần của tài liệu Một số tư tưởng triết học ngôn ngữ của noam chomsky luận văn ths triết học (Trang 79 - 84)