khuyết tật tại việt nam
Về phương diện pháp lí, các quy định liên quan đến NKT (trước đây và hiện nay vẫn có văn bản dùng với thuật ngữ người tàn tật) được quy định từ rất sớm song tư tưởng pháp lí còn hạn chế về nhận thức dưới góc độ nhân
quyền. Về vấn đề quyền dân sự của NKT thì hiện nay có 2 công ước quan trọng điều chỉnh đến quyền dân sự của NKT đó là công ước quyền của NKT và công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị (ICCPR, 1966). Hiện nay, Việt Nam đã tham gia kí kết cả 2 công ước này. Việt Nam gia nhập ICCPR vào ngày 24/9/1982 và có hiệu lực vào ngày 24/1/1982.
Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội về người tàn tật ngày 30/7/1998 – văn bản có quy định dành riêng cho đối tượng là NKT bao gồm 8 chương, 35 điều. Với quan điểm chỉ đạo Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho NKT thực hiện bình đẳng các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát huy khả năng của mình để ổn định đồi sống, hòa nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động xã hội. NKT được Nhà nước và xã hội trợ giúp chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, tạo việc làm phù hợp và được hưởng các quyền khác theo quy đinh của pháp luật. Pháp lệnh đã quy định nội dung, nguyên tắc, tổ chức thực hiên, phân công trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và chính quyền các cấp, bảo đảm cho việc thực hiện các quyền và trách nhiệm của người tàn tật đồng thời tạo điều kiện cho họ được sống hòa nhập với cộng đồng xã hội. Gia đình NKT có trách nhiệm bảo vệ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giúp đỡ NKT trong gia đình. Nhà nước và xã hội thực hiện các chương trình, đề án, chính sách đối với người tàn tật trên các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và nuôi dưỡng, giáo dục văn hóa, học nghề và việc làm, hoạt động văn hóa, thể thao và sử dụng công trình công cộng...đối với người tàn tật. Sự ra đời Pháp lệnh về người tàn tật năm 1988 đã góp phần vào cải thiện đời sống NKT đồng thời đem lại nhiều thay đổi tích cực về mặt kinh tế - xã hội. Pháp lệnh cũng là cơ sở pháp lí và nguyên tắc để Chính phủ, các bộ, ngành đưa vấn đề liên quan đến NKT vào các luật chuyên ngành để trình Quốc hội thông qua đồng thời xây dựng và ban hành các chính sách, chương trình, dự án trợ giúp người tàn tật hòa nhập cộng đồng, tổ chức huy động
nguồn lực quốc tế, trong nước trợ giúp người tàn tật có hiệu quả.
Từ khi Pháp lệnh người tàn tật được ban hành đến hết năm 2008, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và cơ quan trung ương đã ban hành 19 luật chuyên ngành quy định về các nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của NKT, trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội đối với NKT. Đặc biệt, bộ luật lao động năm 1994 (sửa đổi, bổ sung các năm 2002, 2006, 2007) có mục riêng quy định về lao động là người tàn tật. Luật dạy nghề năm 2006 có 01 chương, 5 điều quy định chi tiết về dạy nghề cho người tàn tật, khuyết tật. Luật giáo dục năm 2005 không có chương riêng quy định đối với giáo viên, học sinh là NKT nhưng có 8 điều quy định liên quan đến giáo dục đối với học sinh bị tàn tật, khuyết tật. Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em có 5 điều quy định liên quan đến các giải pháp, chính sách dành riêng đối với trẻ em khuyết tật, tàn tật. Luật trợ giúp pháp lí năm 2006 có 3 điều. Luật thể dục thể thao năm 2006 có 1 điều quy định về thể dục thể thao đối với NKT. Luật công nghệ thông tin năm 2006 có 3 điều quy định đối với NKT. Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, luật giao thông đường bộ năm 2008, luật hàng không dân dụng năm 2006, luật đường sắt năm 2005, luật xây dựng năm 2003, luật thanh niên năm 2005, luật bảo hiểm xã hội năm 2007, Bộ luật dân sự năm 2005, luật tổ chức chính phủ năm 2001, luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân năm 2003, luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, luật thuế chuyển quyền sử dụng đất năm 1994 (sửa đổi, bổ sung năm 1999), Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005, pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích năm 1999, Pháp lệnh người cao tuổi năm 2000, pháp lệnh thư viện năm 2000, Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính năm 2002, Pháp lệnh dân số năm 2003 đều có các quy định liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến quyền, chính sách và các biện pháp đảm bảo để NKT thực hiện các quyền và hòa nhập
cuộc sống xã hội như những người bình thường.
Nhìn chung, trong 10 năm kể từ khi Pháp lệnh người tàn tật được ban hành, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về trợ giúp người tàn tật do các cơ quan từ trung ương đến địa phương ban hành tương đối đầy đủ, đã thể chế hóa các quan hệ chính trị, tư pháp, kinh tế, văn hóa và xã hội có liên quan đến NKT vào hệ thống và các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật. Điều này đã tạo môi trường pháp lí thuận lợi để NKT hòa nhập cộng đồng và các cơ quan, tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách, chế độ, giải pháp trợ giúp NKT. Mặt khác, do vấn đề người tàn tật quy định ở nhiều văn bản nên dẫn đến tình trạng khó khăn trong việc triển khai thực hiện ở cả trung ương và địa phương, tính thống nhất trong các văn bản luật chưa cao do có sự khác nhau về thời gian ban hành, các lĩnh vực điều chỉnh. Nhìn chung phần lớn các văn bản luật mới chỉ quy định chung chung về nguyên tắc mà chưa quy định chính sách, giải pháp, biện pháp, nguồn lực, tổ chức thực hiện. Vì vậy có những quy định sau nhiều năm ban hành vẫn không thực hiện được. Do đó, để các văn bản luật này đi vào thực tiễn cần ban hành những văn bản hướng dẫn dưới luật.
Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều tín hiệu lạc quan cho NKT từ những thay đổi bước đầu về nhận thức của xã hội và cơ quan công quyền Việt Nam song chính sách và pháp luật về NKT trong giai đoạn này vẫn ảnh hưởng bởi tu duy bảo trợ xã hội, dưới góc độ quyền đó chỉ mới là quyền công dân nói chung mà thiếu hẳn sự đảm bảo về điều kiện, khả năng và sự tiếp cận hợp lí quyền cho NKT.
Từ khi Việt Nam tham gia Công ước quyền của NKT năm 2006 thì đã có những thay đổi về nhận thức những vấn đề liên quan đến NKT. Những chính sách pháp luật liên quan đến người khuyết tật ở nước ta được quy định ở nhiều văn bản dẫn đến việc khó khăn triển khai tổ chức thực hiện cả ở trung ương và
địa phương. Hơn nữa, việc tham gia kí Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật đã làm thay đổi nhận thức của nhiều chủ thể khác nhau trong xã hội. Nhu cầu cần có một văn bản pháp luật thống nhất và tối cao quy định về quyền của người khuyết tật ngày càng cấp thiết. Tại kỳ họp thứ 7, thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật người khuyết tật, góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật về người khuyết tật tại Việt Nam. Tính đến nay, đây là văn bản hoàn chỉnh nhất, chứa đựng các quy định trực tiếp liên quan đến quyền lợi của người khuyết tật tại Việt Nam. Sự ra đời của văn bản này có ý nghĩa rất quan trọng, một mặt tạo ra khung pháp lý cần thiết để đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của NKT với tư cách là một trong những nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội; mặt khác, ban hành luật về NKT cũng thể hiện sự chủ động và tích cực của Việt Nam trong việc thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, đặc biệt là các cam kết trong các điều ước quốc tế về nhân quyền.
Ngày 09/01/2006, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/2006/CT – TTg về việc đẩy mạnh thực hiện các chính sách trợ giúp người tàn tật. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị cho các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ giúp NKT, trong đó giao cho Bộ Lao động thương binh và xã hội:
Tiếp tục rà soát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Pháp lệnh về người tàn tật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất biện pháp sửa đổi, bổ sung hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các chính sách đối với người tàn tật. Xây dựng và trình thủ tướng chính phủ đề án hỗ trợ người tàn tật giai đoạn 2006 – 2010, tổ chức thực hiện đề án sau khi được phê duyệt [23].
Tiếp theo đó Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 239/2006/QĐ – TTg ngày 24/10/2006 về việc phê duyệt Đề án trợ giúp người
tàn tật gia đoạn 2006 – 2010. Ngày 20/10/2007, Việt Nam kí kết tham gia Công ước quốc tế về quyền của NKT. Ngày 17/6/2010, tại kì họp thứ 7 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII đã thông qua luật NKT với 10 chương, 53 điều.
Ngày 05/08/2012, Thủ tướng Chính phủ đã kí quyết định số 1019/QĐ – TTg phê duyệt đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 – 2020. Ngoài ra còn nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác quy định về NKT như: Bộ luật lao động năm 2012, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, Luật giáo dục năm 2005, luật đường sắt năm 2005, Bộ luật dân sự năm 2005, Luật hàng không dân dụng năm 2006, Luật bảo hiểm xã hội năm 2006, Luật dạy nghề năm 2006, Luật trợ giúp pháp lí năm 2006, Luật công nghệ thông tin năm 2006, Luật giao thông đường bộ năm 2008,...
Bộ lao động, thương binh và xã hội được giao trách nhiệm giải quyết các vấn đề về NKT đồng thời có trách nhiệm điều phối việc thực hiện pháp luật liên quan đến vấn đề NKT. Các bộ, ngành khác có liên quan cũng có trách nhiệm về lĩnh vực này như: Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ y tế, Bộ xây dựng...
Các ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã là những đơn vị thực hiện trực tiếp các chính sách liên quan đến vấn đề NKT.
Nhà nước Việt Nam đã thông qua và thực thi nhiều luật, chính sách, quy định và sáng kiến liên quan đến NKT, kể cả việc tiếp cận việc làm bền vững và hiệu quả, trong đó phải kể đến những văn bản chủ yếu như:
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 1992 được sửa đổi, bổ sung năm 2013; Luật người khuyết tật năm 2010; Bộ luật Lao động năm 1994, sửa đổi, bổ sung các năm 2002, 2006, 2007 các điều 125 – 128; Luật đào tạo nghề năm 2006; Bộ quy chuẩn và tiêu
chuẩn về tiếp cận đối với NKT năm 2002, đưa ra những tiêu chuẩn tiếp cận cấp quốc gia; Ban điều phối quốc gia về vấn đề NKT năm 2001; Đề án trợ giúp NKT của Chính phủ giai đoạn 2006 – 2010 được phê duyệt tháng 10 năm 2006. Đề án đưa ra phương pháp tiếp cận toàn diện đối với vấn đề NKT với việc mở rộng đối tượng tham gia đề án và có sư tham gia của nhiều bộ ngành liên quan; Giáo dục hòa nhập tầm nhìn tới năm 2015. Chính phủ đặt mục tiêu thực hiện giáo dục hòa nhập cho tất cả trẻ em khuyết tật vào năm 2015.
Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về NKT. Bộ lao động thương binh và xã hội đang phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng hệ thống các văn bản như nghị định, thông tư, hướng dẫn,... thi hành luật NKT, trong đó bao gồm các văn bản xử lí vi phạm trong lĩnh vực này. Đây là lộ trình cần thiết giúp cải thiện một bước chất lượng cuộc sống của NKT.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật, chính sách liên quan đến NKT ở nước ta trong thời gian qua, có thể thấy được rằng việc kí kết tham gia Công ước quốc tế về quyền của NKT năm 2006, sau đó là việc nội luật hóa bằng các văn bản có giá trị pháp lí cao, cùng với sự hỗ trợ về tài chính và kĩ thuật cho việc nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm và pháp luật quốc tế về NKT của nhiều tổ chức quốc tế đã làm thay đổi không chỉ về lượng mà còn cả về nhận thức của nhiều chủ thể khác nhau trong xã hội Việt Nam về NKT. Mọi lĩnh vực liên quan đến NKT đã dần được nhìn nhận dưới lăng kính của quyền con người đồng thời thay cho việc tiếp cận từ bên trong, từ chính NKT, với những mong muốn, nhu cầu, cảm xúc... của chính họ và trong điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể. Tuy nhiên, sự thay đổi về nhận thức còn chưa phổ biến trong đời sống xã hội, dường như sự thay đổi này mới chỉ xuất hiện ở những chủ thể trực tiếp hoạch định chính sách, pháp luật, nghiên cứu, giảng dạy liên quan đến NKT. Đại bộ phận khác (ngay cả chính bản thân NKT) cũng chưa có
những thay đổi trong nhận thức.
1.3. CÁC BIỆN PHÁP THÚC ĐẨY VÀ BẢO VỆ QUYỀN DÂN SỰ CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT Ở VIỆT NAM
Một trong những mối quan tâm lớn của các cấp, các ngành và các giới trong xã hội là đảm bảo cho các quyền của NKT được thực hiện trên thực tế. Và cũng vì thế mà các biện pháp bảo đảm quyền của NKT cần phải được quy định và thực thi.
Trong công ước về quyền của NKT có khá nhiều điều khoản quy định về trách nhiệm của các quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp cần thiết bảo đảm quyền của NKT trong tất cả các lĩnh vực đề cập đến trong Công ước.
Công tác NKT nói chung và việc bảo vệ, thúc đẩy quyền dân sự của NKT nói riêng chỉ có hiệu quả khi cả nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác cùng hợp lực thực hiện. Đây chính là biểu hiện của nguyên tắc xã hội hóa trong công tác NKT. Qua đó chúng ta có thể thấy được các biện pháp để bảo vệ, thúc đẩy quyền dân sự của NKT như:
1.3.1. Biện pháp xã hội
Chất lượng công tác NKT và bảo vệ, thúc đẩy quyền của NKT phụ thuộc vào trình độ nhận thức xã hội về vấn này như thế nào. Nhận thức xã hội về quyền của NKT không đầy đủ và đúng đắn được coi là một trong những rào cản lớn nhất trong việc bảo đảm quyền của NKT. Điều này lí giải tại sao trong Công ước về quyền của NKT vấn đề đầu tiên quan trọng là Công ước lưu ý các quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp thích hợp để nâng cao nhận thức xã hội về NKT và về quyền dân sự của NKT, trong đó trước hết là nhận thức của gia đình NKT, của bản thân NKT và tiếp đến là nhận thức của các chủ thể khác trong xã hội.
Để NKT có thể hòa nhập với xã hội, có thể hưởng đầy đủ các quyền với tư cách là một công dân có những đặc điểm khác nhau, đa dạng trong xã
hội trước hết phụ thuộc vào nhận thức và ý thức “vượt lên chính mình” của gia đình và bản thân NKT. Thực tế không ít trường hợp do sinh con bị khuyết tật bẩm sinh mà ông, bà, cha, mẹ và những người thân khác coi đó là nỗi bất hạnh của cả gia đình và dòng họ không muốn để cho người khác biết. Từ đó,