Quá trình chuẩn bị về tư tưởng chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng (1920 1930)

Một phần của tài liệu CHUYÊN đề báo cáo BIÊN SOẠN CHỦ đề dạy và PHƯƠNG PHÁP ôn tập CHO học SINH GIỎI KHI GIẢNG dạy LỊCH sử VIỆT NAM từ 1919 – 1930 (Trang 25 - 28)

Sau khi tìm thấy con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức được vai trò của Đảng cộng sản, từ đó Người tích cực chuẩn bị về tư tưởng chính trị và tổ chức tiến tới thành lập Đảng cộng sản ở nước ta.

a. Chuẩn bị về tư tưởng chính trị:

Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện lịch sử cụ thể của nước Việt Nam thuộc địa, xây dựng nên lí luận cách mạng giải phóng dân tộc, diễn đạt nó thành tiếng nói của dân tộc Việt Nam, truyền bá cho nhân dân Việt Nam.

Những tư tưởng cách mạng của Người được thể hiện quan nhiều tờ báo và các bài tham luận tại Quốc tế cộng sản:

Các báo ở Pháp (từ năm 1921 đến tháng 6/1923): báo “Người cùng khổ” (của Hội Liên hiệp thuộc địa ở Pari), báo “Nhân đạo” (của Đảng Cộng sản Pháp), “Đời sống công nhân” (của Tổng Liên đoàn Lao động Pháp).

Ở Liên Xô (từ năm 1923 - 1924): báo “Sự thật” (của Đảng cộng sản Liên Xô), tạp chí Thư tín Quốc tế (của Quốc tế cộng sản). Qua một số bài tham luận tại hội nghị, đại hội quốc tế như: Hội nghị Quốc tế Nông dân (tháng 10/1923), Đại hội V của Quốc tế cộng sản (tại Liên Xô năm 1924).

Đặc biệt qua hai tác phẩm: “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925) và “Đường kách mệnh” (1927) đã thể hiện rõ những quan điểm của Nguyễn Ái Quốc về cách mạng giải phóng dân tộc.

Nội dung cơ bản:

+ Cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trước hết phải thực hiện “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Độc lập dân tộc phải gắn liền với CNXH.

+ Nhiệm vụ của cách mạng là đánh đổ đế quốc Pháp và bọn phong kiến và phản cách mạng, làm cho nước Việt Nam được độc lập tự do, từng bước thực hiện khẩu hiệu “ruộng đất cho dân cày” (chống đế quốc giành độc lập dân tộc là

nhiệm vụ lớn nhất)

+ Công nhân và nông dân là gốc của cách mạng nhưng cần lôi kéo tiểu tư sản, trí thức, tư sản dân tộc, trung và tiểu địa chủ.

+ Nông dân và công nhân là bạn đồng minh tự nhiên song giai cấp nông dân muốn giải phóng mình phải đặt dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân.

+ Đảng cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp vô sản, giữ vai trò lãnh đạo cách mạng.

+ Phải thực hiện đoàn kết quốc tế, cần phải tranh thủ sự giúp đỡ của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới

Con đường cứu nước mà Nguyễn Ái Quốc vạch ra đã giúp cho những người yêu nước và nhân dân Việt Nam phân biệt rõ bạn, thù, xác định đúng nhiệm vụ, mục tiêu, động lực, lực lượng, phương pháp đấu tranh, xác định đúng tính chất, mối quan hệ của cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, xác định đúng vai trò của chính đảng cách mạng và của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Những tư tưởng này là ngọn cờ hướng đạo cho phong trào cách mạng Việt Nam trong thời kì vận động thành lập Đảng, là ánh sáng soi đường cho lớp thanh niên yêu nước Việt Nam đang đi tìm chân lý đầu thế kỉ XX. Đây cũng là sự chuẩn bị về tư tưởng chính trị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản ở Việt Nam.

b. Chuẩn bị về tổ chức

Từ năm 1919 - 1925, phong trào cách mạng nước ta có bước phát triển tạo những điều kiện cho sự ra đời các tổ chức chính trị. Sau một thời gian học tập ở Liên Xô đồng thời theo dõi sát sao tình hình cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc thấy rõ yêu cầu cấp bách của cách mạng là cần có một tổ chức để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, thức tỉnh quần chúng đấu tranh. Tháng 11/1924, sau khi về Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn, giác ngộ một số thanh niên tích cực trong Tâm tâm xã, lập ra Cộng sản đoàn (tháng 2/1925). Đến tháng

6/1925, Người thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên trên cơ sở hạt nhân là Cộng sản đoàn. Đây là tổ chức yêu nước có khuynh hướng vô sản, một tổ chức quá độ để tiến tới thành lập Đảng cộng sản, một bước chuẩn bị có ý nghĩa quyết định về mặt tổ chức cho sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc cũng chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ cách mạng Việt Nam. Từ năm 1925 - 1927, Người mở các lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu, đã đào tạo được 75 người, một số được cử đi học ở Liên Xô, một số vào học ở trường Quân sự Hoàng Phố, còn phần lớn trở về nước hoạt động, tuyên truyền lí luận cách mạng trong quần chúng và xây dựng hệ thống tổ chức của Hội Việt nam cách mạng thanh niên.

Một phần của tài liệu CHUYÊN đề báo cáo BIÊN SOẠN CHỦ đề dạy và PHƯƠNG PHÁP ôn tập CHO học SINH GIỎI KHI GIẢNG dạy LỊCH sử VIỆT NAM từ 1919 – 1930 (Trang 25 - 28)